Sign In
UBND

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH VĨNH PHÚ

Về việc tăng cường công tác bảo vệ các đường dây điện và các loại vật tư, thiết bị, đường sắt.

 

Tình hình cắt trộm dây điện, lấy cắp các vật tư thiết bị đường sắt và hàng hoá trên tàu từ đầu năm đến nay xảy ra nghiêm trọng, nhất là từ khi có chủ trương mở một số cửa biên giới phía Bắc và thu mua sắt phế liệu. Địa bàn xảy ra mất mát nhiều và thường xuyên phức tạp là các huyện Phong Châu, Tam Đảo, Vĩnh Lạc. Tình hình trên đã gây khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, thông tin liên lạc và an toàn chạy tàu trên các tuyến đường sắt. Song việc phát hiện và xử lý thiếu kiên quyết, không kịp thời nên tác dụng giáo dục và biện pháp ngăn chặn hiệu quả đạt thấp. Để ngăn chặn tính trạng trên, UBND tỉnh chỉ thị:

 

1. Các cấp, các ngành, các cơ quan, xí nghiệp nhất là những nơi có các đường dây điện và đường sắt chạy qua phải tăng cường công tác giáo dục ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản XHCN (kể cả thanh, thiếu niên) phải coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng để thực hiện kế hoạch 815 của UBND tỉnh.

2. Các đơn vị quản lý các đường dây điện và quản lý đường sắt phải có phương án tổ chức tự bảo vệ, chống chộm cắp là chính, nơi nào để xảy ra mất an toàn thì đơn vị đó và địa phương có đường dây điện và đường sắt chạy qua phải chịu trách nhiệm trước tiên. Đồng thời phải có các biện pháp tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn và truy tìm đối tượng và tài sản bị mất. Cần mở rộng các hình thức hợp đồng bảo vệ, tổ chức tuần tra canh gác nhất là về ban đêm và những ngày nghỉ, ngày lễ...

3. Đối với các tập thể, cá nhân thu mua sắt phế liệu phải có giấy phép kinh doanh. Nghiêm cấm việc mua, bán các vật tư, thiết bị phụ tùng đường sắt (lập lách, dây chằng, đinh căn phông, đường ray...) khi chưa được các đơn vị chủ quản thanh lý, nếu ai vi phạm sẽ bị tịch thu và xử lý theo pháp luật. UBND các huyện, thành thị phải chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc mua, bán sắt phế liệu trên địa bàn.

4. Khi đơn vị, cá nhân nào phát hiện được các trường hợp cắt trộm dây điện, lấy cắp các vật tư thiết bị hoặc phụ tùng đường sắt phải có trách nhiệm báo cáo ngay với các cơ quan chức năng và đơn vị chủ quản để điều tra làm rõ thủ phạm. Trên cơ sở phân loại đối tượng vi phạm để có biện pháp xử lý thích hợp, kết hợp việc giáo dục với xử lý kinh tế, xử phạt hành chính và xử lý bằng pháp luật. Đối với vị thành niên hoặc những người còn phụ thuộc vi phạm, gia đình người đó phải chịu trách nhiệm cả về vật chất và tinh thần, các cơ quan xí nghiệp, các địa phương phải đưa các đối tượng vi phạm chưa đến mức phải truy tố ra kiểm điểm trước dân, yêu cầu đối tượng và gia đình phải cam đoan không tái phạm, UBND các huyện, thành thị cần có những cuộc họp liên tịch ở những địa bàn phức tạp để có những biện pháp phối hợp có hiệu quả. Lãnh đạo các nhà ga đường sắt thường xuyên quan hệ với chính quyền địa phương để phối hợp trong công tác bảo vệ và xử lý kịp thời những vụ việc phát sinh.

5. Lực lượng công an phải nâng cao tỷ lệ phá án đồng thời phối hợp với các cơ quan Viện kiểm sát, Toà án nhân dân đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, các cơ quan Đài, Báo của tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền, động viên những đơn vị, địa phương và cá nhân có nhiều thành tích trong việc bảo vệ đường dây điện đường sắt, đồng thời tuyên truyền rộng rãi những vụ án xử về loại tội này để góp phần giáo dục và ngăn chặn chung.

Các cơ quan xí nghiệp gần các tuyến đường sắt có kế hoạch triển khai khẩn trương, nghiêm túc, ngành công an và UBND các huyện, thành thị thường xuyên báo cáo tình hình và kết quả thực hiện chỉ thị này với UBND tỉnh./.

UBND tỉnh Phú Thọ

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Bùi Hữu Hải