• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày hết hiệu lực: 01/11/2016
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Số: 04/2008/QĐ-KTNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 10 tháng 3 năm 2008

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm

các ngạch Kiểm toán viên nhà nước

__________________

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

 

             

Căn cứ  Luật Kiểm toán nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 1002/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 03/3/2006 của ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn cụ thể của từng ngạch Kiểm toán viên nhà nước;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BNV-BTC ngày 26/4/2007 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán Nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

 

QUYẾT ĐỊNH

                          

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH

Về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước

 (Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-KTNN

 ngày 10 tháng 3 năm 2008 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)

_______________

Chương I

Những Quy định chung

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Công chức lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được xét nâng ngạch theo quy định khác của Nhà nước, không chịu sự điều chỉnh của Quy định này.

Điều 2. Nguyên tắc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, dân chủ.

Chương II

Bổ nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước

Điều 3. Bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên dự bị

1. Công chức dự bị ở ngạch Kiểm toán viên dự bị hoàn thành chế độ công chức dự bị thì được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên dự bị.

2.  Người đang ở ngạch tương đương ngạch Kiểm toán viên dự bị được phân công làm nghiệp vụ kiểm toán, đủ các tiêu chuẩn sau được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên dự bị:

a) Có đủ tiêu chuẩn tại các khoản 1, 2 Điều 29 của Luật Kiểm toán nhà nước;

b) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước theo quy định;

c) Có chứng chỉ bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên dự bị;

d) Chưa đủ thời gian năm năm công tác liên tục theo chuyên ngành được đào tạo hoặc chưa đủ thời gian ba năm làm nghiệp vụ kiểm toán ở Kiểm toán Nhà nước.

e) Có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trình độ B hoặc tương đương.

Điều 4. Bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên

1.  Người có thời gian công tác liên tục từ năm năm trở lên theo chuyên ngành được đào tạo hoặc có đủ thời gian làm nghiệp vụ kiểm toán ở Kiểm toán Nhà nước từ ba năm trở lên, đang ở ngạch Kiểm toán viên dự bị, có “Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên” và “Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước” được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên.

2. Người đang ở ngạch tương đương ngạch Kiểm toán viên, được phân công làm nghiệp vụ kiểm toán, đủ tiêu chuẩn sau được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên:

a) Có đủ tiêu chuẩn tại các khoản 1, 2, 3 Điều 29 của Luật Kiểm toán nhà nước;

b) Có “Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên”;

c) Có “Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước”;

d) Có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trình độ B hoặc tương đương.

Điều 5. Bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên chính

1. Kiểm toán viên đạt kết quả kỳ thi nâng ngạch Kiểm toán viên lên Kiểm toán viên chính được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên chính.

2. Người ở ngạch tương đương ngạch Kiểm toán viên chính, được phân công làm nghiệp vụ kiểm toán, có “Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước” được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên chính.

3. Người ở ngạch tương đương ngạch Kiểm toán viên chính, được phân công làm nghiệp vụ kiểm toán và được bổ nhiệm giữ chức vụ Kiểm toán trưởng, Phó Kiểm toán trưởng, có “Chứng chỉ bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên” được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên chính.

Điều 6. Trình tự bổ nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước

1. Việc bổ nhiệm công chức dự bị vào ngạch Kiểm toán viên dự bị thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị và Điều 1 Nghị định số 08/2007/NĐ-CP ngày 15/01/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2003/NĐ-CP.

2. Trình tự bổ nhiệm người ở ngạch tương đương vào các ngạch Kiểm toán viên nhà nước theo chế độ chuyển ngạch

a) Người ở ngạch tương đương ngạch Kiểm toán viên nhà nước nào, được phân công làm nghiệp vụ kiểm toán, có đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên nhà nước tương đương đó theo quy định tại khoản 2 Điều 3, Điều 4 và khoản 2, 3 Điều 5 của Quy định này, thì thủ trưởng đơn vị làm văn bản đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên nhà nước tương đương và xếp lương cho công chức theo quy định (kèm theo danh sách trích ngang, bản nhận xét đánh giá về phẩm chất đạo đức và các văn bằng, chứng chỉ theo quy định của công chức).

Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm đề nghị chuyển ngạch đối với các công chức được tiếp nhận, điều động, luân chuyển, tuyển dụng qua thi tuyển công chức.

b) Tổng Kiểm toán Nhà nước thành lập Hội đồng kiểm tra để xét chuyển ngạch và bổ nhiệm công chức vào các ngạch Kiểm toán viên nhà nước theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 22 Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (sau đây gọi tắt là Hội đồng xét bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước).

c) Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng xét bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, quyết định bổ nhiệm công chức vào ngạch Kiểm toán viên nhà nước và xếp lương cho công chức theo quy định.

3. Trình tự bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên chính theo chế độ thi nâng ngạch

 Căn cứ vào Quyết định công nhận công chức đạt kết quả kỳ thi nâng ngạch Kiểm toán viên lên Kiểm toán viên chính, Vụ Tổ chức cán bộ lập danh sách, trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ra quyết định bổ nhiệm công chức đạt kết quả kỳ thi vào ngạch Kiểm toán viên chính và xếp lương theo quy định.

Điều 7. Hồ sơ trình Tổng Kiểm toán Nhà nước bổ nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước

1. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chức dự bị vào ngạch kiểm toán viên dự bị, bao gồm:

a) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức dự bị;

b) Bản nhận xét đánh giá công chức dự bị của công chức được cơ quan phân công hướng dẫn công chức dự bị;

c) ý kiến nhận xét, đánh giá công chức dự bị của thủ trưởng các đơn vị;

d) Công văn của đơn vị kèm danh sách trích ngang đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, quyết định bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên dự bị;

e) Quyết định tuyển dụng công chức vào ngạch Kiểm toán viên dự bị.

2. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm vào các ngạch Kiểm toán viên nhà nước theo chế độ chuyển ngạch, bao gồm:

a) Quyết định phân công công chức làm nghiệp vụ kiểm toán hoặc văn bản của đơn vị phân công công chức làm nghiệp vụ kiểm toán được Tổng Kiểm toán Nhà nước chấp thuận;

b) Công văn của đơn vị đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét chuyển ngạch và và bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên nhà nước tương đương và xếp lương cho công chức theo quy định (kèm danh sách trích ngang, bản nhận xét đánh giá về phẩm chất đạo đức và các văn bằng chứng chỉ theo quy định của công chức);

c) Biên bản của Hội đồng xét bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước chuyển ngạch và bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên nhà nước tương đương  và xếp lương cho công chức;

d) Quyết định nâng bậc lương gần nhất.

3. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chức vào ngạch Kiểm toán viên chính theo chế độ thi nâng ngạch

a) Quyết định công nhận công chức đạt kết quả kỳ thi nâng ngạch Kiểm toán viên lên Kiểm toán viên chính;

b) Quyết định nâng bậc lương gần nhất.

Chương III

Miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước

Điều 8. Các trường hợp miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước

1. Có bằng chứng phát hiện người đã được bổ nhiệm vào một ngạch Kiểm toán viên nhà nước có gian lận trong thi cử, hồ sơ bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước.

2. Người đã được bổ nhiệm vào một ngạch Kiểm toán viên nhà nước mà bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ, quản chế, cảnh cáo.

3. Người đã được bổ nhiệm vào một ngạch Kiểm toán viên nhà nước không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại Điều 2, Điều 4, Điều 6 Nghị quyết số 1002/2006/NQ-UBTVQH11.

4. Người đã được bổ nhiệm vào một ngạch Kiểm toán viên nhà nước có hành vi vi phạm đạo đức kiểm toán viên nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước không giao làm nghiệp vụ kiểm toán.

Điều 9. Các trường hợp đương nhiên miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước

1. Người đã được bổ nhiệm vào một ngạch Kiểm toán viên nhà nước bị xử phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc, đồng thời cũng đương nhiên miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

2. Người đã được bổ nhiệm vào một ngạch Kiểm toán viên nhà nước nhưng bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc thì đương nhiên miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước.

3. Người đã được bổ nhiệm vào một ngạch Kiểm toán viên nhà nước, khi chuyển công tác ra khỏi Kiểm toán Nhà nước thì đương nhiên miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước.

4. Người đã được bổ nhiệm vào một ngạch Kiểm toán viên nhà nước, thay đổi vị trí công tác không làm nghiệp vụ kiểm toán thì thực hiện theo quy định về chuyển ngạch.

Điều 10. Trình tự xét miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước

1. Đơn vị có công chức thuộc đối tượng miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước theo quy định tại Điều 8 của Quy định này, thành lập Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của đơn vị.

Thành phần Hội đồng từ 5 đến 7 người, gồm:

a) Đại diện Lãnh đạo đơn vị làm Chủ tịch Hội đồng;

b) Đại diện Lãnh đạo phụ trách công tác Tổ chức cán bộ của đơn vị– Uỷ viên;

c) Đại diện Ban chấp hành Công đoàn của đơn vị – Uỷ viên;

d) Đại diện lãnh đạo bộ phận chuyên môn, trực tiếp quản lý hành chính của công chức bị xét miễn nhiệm – Uỷ viên;

e) Đại diện lãnh đạo một số bộ phận chuyên môn, công chức có năng lực, trình độ nghiệp vụ ở cùng ngạch hoặc ở ngạch cao hơn – Uỷ viên;

Chủ tịch Hội đồng phân công một ủy viên kiêm thư ký.

2. Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của đơn vị tổ chức họp để xem xét việc miễn nhiệm hay không miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước đối với những trường hợp quy định tại Điều 8 của Quy định này và đề xuất ngạch công chức khác sau khi miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước.

3. Thủ trưởng đơn vị làm văn bản đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước đối với công chức (kèm danh sách trích ngang, biên bản họp Hội đồng và các tài liệu có liên quan).

4. Tổng Kiểm toán Nhà nước thành lập Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của Kiểm toán Nhà nước.

Thành phần Hội đồng từ 5 đến 7 người, gồm:

a) Đại diện Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước – Chủ tịch Hội đồng;

b) Đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ – Uỷ viên;

c) Đại diện Ban chấp hành Công đoàn Kiểm toán Nhà nước – Uỷ viên;

d) Đại diện Lãnh đạo đơn vị có công chức bị xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước– Uỷ viên;

 e) Đại diện lãnh đạo một số bộ phận chuyên môn, công chức có năng lực, trình độ nghiệp vụ ở cùng ngạch hoặc ở ngạch cao hơn – Uỷ viên;

g) Chuyên viên quản lý ngạch công chức của Vụ Tổ chức cán bộ là Uỷ viên thư ký.

5. Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của Kiểm toán Nhà nước tổ chức họp để xem xét việc miễn nhiệm hay không miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước đối với những trường hợp quy định tại Điều 8 của Quy định này và đề xuất ngạch công chức khác sau khi miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước.

6. Khi có kết luận và đề nghị của Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, ký Quyết định miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước đối với công chức.

Chương IV

Điều khoản thi hành

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm:

a)  Thành lập Hội đồng xét bổ nhiệm, miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của Kiểm toán Nhà nước.

b) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước đối với công chức Kiểm toán Nhà nước theo phân cấp quản lý.

2. Đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm:

a) Thành lập Hội đồng xét bổ nhiệm, miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của đơn vị.

b) Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước.

3. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm:

Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước và Hội đồng xét bổ nhiệm, miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của Kiểm toán Nhà nước:

a) Trình Tổng Kiểm toán Nhà nước thành lập Hội đồng xét bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước, Hội đồng xét miễn nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước của Kiểm toán Nhà nước;

b) Thẩm định các tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước;

c) Trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước;

d) Theo dõi, quản lý hồ sơ, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước.

Điều 12.  Hiệu lực thi hành

Quy định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để trình Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung./. 

 

 

 

 

 

Tổng Kiểm toán Nhà nước

(Đã ký)

 

Vương Đình Huệ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.