QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định về bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi là thủy sản
và đơn giá bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất
trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi là thủy sản và đơn giá bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 5 năm 2021 và bãi bỏ Điều 13; điểm a, b khoản 2; khoản 4, khoản 5; điểm i khoản 7 Điều 32; Đơn giá bồi thường cây cối ban hành kèm theo Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và Đơn giá bồi thường về vật kiến trúc, cây cối khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
QUY ĐỊNH
về bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi là thủy sản và đơn giá bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
(Kèm theo Quyết định số: 05 /2021/QĐ-UBND ngày 29 tháng 04 năm 2021
của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi là thủy sản và Bảng đơn giá bồi thường đối với cây trồng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
2. Những nội dung không quy định trong văn bản này được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
2. Người sử dụng đất quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai năm 2013 khi Nhà nước thu hồi đất.
3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Điều 3. Nguyên tắc xác định giá trị bồi thường và quy định áp dụng bảng đơn giá cây trồng, vật nuôi là thủy sản
1. Mức bồi thường đối với cây hàng năm được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất.
2. Mức bồi thường đối với cây lâu năm, được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất.
a) Giá trị hiện có của vườn cây để tính bồi thường được xác định như sau:
Đối với cây lâu năm mới trồng hoặc đang ở thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây chưa cho thu hoạch), thì giá trị hiện có của vườn cây là toàn bộ chi phí trồng và chi phí chăm sóc đến thời điểm thu hồi đất;
Đối với loại cây lâu năm thu hoạch một lần (nhóm cây lâm nghiệp) đang ở thời kỳ kinh doanh (đã cho thu hoạch) thì không được bồi thường, chỉ hỗ trợ công khai thác;
Đối với loại cây lâu năm thu hoạch nhiều lần (nhóm cây ăn quả, nhóm cây công nghiệp lâu năm) đang ở thời kỳ kinh doanh, thì giá trị hiện có của vườn cây được tính bồi thường là giá trị sản lượng của cây trồng cộng (+) chi phí thời kỳ kiến thiết cơ bản trừ (-) chi phí chăm sóc năm thực hiện kiểm kê;
b) Việc bồi thường cây trồng lâu năm khi Nhà nước thu hồi đất được tính toán, xác định như sau:
Số cây được tính bồi thường không được vượt quá mật độ cây theo quy định, hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đối với diện tích đồi, vườn có toàn bộ các loài cây trồng trên diện tích này nằm trong mật độ tiêu chuẩn kỹ thuật thì được tính bồi thường thiệt hại cho toàn bộ số lượng cây hiện có trên diện tích đất bị thu hồi;
Đối với diện tích đồi, vườn trồng các loại cây có thời kỳ sinh trưởng khác nhau thì được xác định ưu tiên tính bồi thường thiệt hại cho toàn bộ số lượng cây trồng thời kỳ kinh doanh; nếu mật độ của cây trồng thời kỳ kinh doanh đủ và vượt so với diện tích đất thu hồi sẽ không được tính bồi thường thiệt hại cho các cây trồng đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản; trường hợp mật độ của cây trồng thời kỳ kinh doanh nhỏ hơn so với diện tích đất bị thu hồi thì trên cơ sở mật độ để tính cho loài cây đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản có giá trị cao nhất, nếu còn diện tích thì tính cho các loài cây có giá trị thấp hơn tiếp theo cho đến hết diện tích đất bị thu hồi (diện tích được xác định theo số liệu đo đạc địa chính);
c) Đối với cây bưởi đặc sản Đoan Hùng (Bưởi Chí Đám, bưởi Bằng Luân) chỉ thực hiện áp dụng trên địa bàn huyện Đoan Hùng. Đối với cây hồng không hạt Hạc Trì chỉ áp dụng trên địa bàn thành phố Việt Trì; đối với cây hồng không hạt Gia Thanh chỉ áp dụng trên địa bàn huyện Phù Ninh; trường hợp cây hồng đặc sản trồng mới bằng phương pháp giâm rễ, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng khảo sát giá trị thực tế của cây giống tại thời điểm thu hồi đất xây dựng đơn giá bồi thường, hỗ trợ, lập văn bản giải trình rõ nội dung, căn cứ xây dựng đơn giá, báo cáo UBND cấp huyện xem xét, quyết định.
3. Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại. Đối với nhóm cây hoa, cây cảnh, cây làm thuốc, cây ươm bầu trong vườn có thể di chuyển được thì chỉ hỗ trợ chi phí di chuyển.
4. Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho các tổ chức, hộ gia đình trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
5. Đối với các loại cây trồng không có trong Bảng đơn giá bồi thường cây trồng tại Quyết định này thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng vận dụng đơn giá của các loại cây trồng tương đương trong Bảng đơn giá để tính bồi thường, hỗ trợ. Trường hợp không có loại cây trồng tương đương thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng khảo sát giá trị sản lượng đối với cây hàng năm (hoặc giá trị hiện có đối với cây lâu năm) tại thời điểm thu hồi đất xây dựng đơn giá bồi thường, hỗ trợ, lập văn bản giải trình rõ nội dung, căn cứ xây dựng đơn giá, báo cáo UBND cấp huyện, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện
6. Đối với vật nuôi là thủy sản tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra. Căn cứ vào thời kỳ sản xuất nuôi trồng thủy sản và thời điểm thu hồi đất, mức bồi thường thiệt hại và di chuyển do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường đề nghị nhưng không quá 70% giá trị sản lượng của 01 vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 3 năm liền kề và giá trung bình theo công bố của Sở Tài chính tại thời điểm bồi thường (thời điểm quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan có thẩm quyền).
7. Đối với cây trồng trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo quy định tại Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21/4/2020 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện thì việc bồi thường được thực hiện một (01) lần và được xác định theo quy định tại Khoản 2, Khoản 4, Khoản 5 Điều này.
8. Đối với cây trồng trên diện tích đất thu hồi tại thời điểm kiểm kê phải được chủ sở hữu bảo vệ cho đến khi thanh toán tiền, bàn giao mặt bằng thì mới được chặt hạ, di chuyển. Trong trường hợp để đảm bảo tiến độ thi công công trình, dự án cần phải bàn giao mặt bằng trước khi thanh toán tiền đền bù, hỗ trợ thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi phải báo cáo cơ quan liên quan thẩm định để kiểm tra hồ sơ, thực tế (nếu cần) trước khi chặt hạ, di chuyển.
Điều 4. Xác định kích thước cây
1. Đo đường kính thân (ĐK thân):
a) Cây có thân chính chiều cao ≥ 3m, phân cành thấp nhất ở độ cao > 1,3m: đo đường kính thân tại độ cao 1,3 m cách mặt đất;
b) Cây có thân chính chiều cao ≥ 3m phân cành thấp nhất ở độ cao < 1,3m; đo đường kính thân dưới điểm phân cành 0,3 m;
c) Cây có chiều cao < 3 m; đo đường kính thân tại điểm cách mặt đất 0,2m.
2. Đo đường kính tán (ĐK tán): Đo hình chiếu vuông góc của tán lá với mặt đất.
Điều 5. Các trường hợp cây trồng, vật nuôi là thủy sản không được bồi thường
1. Cây con vãi hạt, tự mọc không đủ tiêu chuẩn cây giống, không đảm bảo chất lượng, mật độ, quy trình kỹ thuật theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
2. Cây trồng, vật nuôi là thủy sản được nuôi, trồng sau thời điểm thông báo thu hồi đất để thực hiện các dự án (kể cả cây trồng đúng mật độ, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật).
3. Cây trồng ngắn ngày (nhóm cây thu hoạch hàng năm, hoa, cây làm thuốc trồng 01 lần thu hoạch 01 năm), cây chuối, vật nuôi là thủy sản đã đến thời kỳ thu hoạch tại thời điểm thông báo thu hồi đất.
Điều 6. Bảng đơn giá bồi thường đối với cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tại Phụ lục ban hành kèm theo.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quyết định này;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định đơn giá bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp không có loại cây trồng tương đương.
c) Trường hợp đơn giá cây trồng, vật nuôi có biến động về giá cả giảm từ 20% trở lên hoặc tăng từ 20% trở lên, chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các cơ quan có liên quan xây dựng đơn giá các loại cây trồng, vật nuôi trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quyết định này.
3. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan ban hành thông báo giá hàng năm để Ủy ban nhân dân cấp huyện có căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi là thủy sản, giá các loại nông sản trên cơ sở thực tế của từng địa phương và ban hành chậm nhất vào ngày 15 tháng 01 hàng năm;
b) Theo dõi diễn biến giá trị cây trồng, vật nuôi là thủy sản, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh mức giá bồi thường khi có biến động.
4. Cục Thống kê tỉnh
Công bố năng suất bình quân các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ xác định, thẩm định giá trị bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị
a) Tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất trên địa bàn đúng theo Quy định này;
b) Trong quá trình thực hiện đơn giá cây trồng, vật nuôi là thủy sản nếu những đơn giá chưa có trong Bảng đơn giá, những đơn giá đã có trong Bảng đơn giá nhưng không phù hợp với thực tế thì vận dụng loại cây có điều kiện sinh trưởng, chi phí trồng, chăm sóc và giá trị tương đương để áp giá bồi thường. Trường hợp cần thiết không giải quyết được về đơn giá cây trồng, vật nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết theo quy định;
c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.
6. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng
Lập phương án bồi thường cây trồng, vật nuôi là thủy sản trình cấp thẩm quyền phê duyệt; chịu trách nhiệm về tính chính xác, sự phù hợp chính sách của Phương án bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi là thủy sản trên địa bàn.
7. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh các ý kiến kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.