• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/09/2011
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 28/2011/TT-BTNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 1 tháng 8 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn

_________________________
 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 19/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 và Nghị định số 89/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 102/2008/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường;

Căn cứ Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUY ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn, gồm: xác định mục tiêu quan trắc, thiết kế chương trình quan trắc và thực hiện chương trình quan trắc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng với các đối tượng sau:

a) Các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở Trung ương và địa phương; các trạm, trung tâm quan trắc môi trường thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và mạng lưới quan trắc môi trường địa phương;

b) Các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ về hoạt động quan trắc môi trường, hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường để giao nộp báo cáo, số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở Trung ương và địa phương;

2. Thông tư này không áp dụng cho hoạt động quan trắc môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn bằng các thiết bị tự động, liên tục.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Không khí xung quanh là không khí ngoài trời mà con người, thực vật, động vật hoặc vật liệu có thể tiếp xúc với nó;

2. Bụi: là hệ phân tán mịn trong đó môi trường phân tán là pha khí, còn pha phân tán là các hạt rắn có kích thước lớn hơn kích thước phân tử và nhỏ hơn 100 mm.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng các tiêu chuẩn, phương pháp viện dẫn

1. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, phương pháp viện dẫn phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, phương pháp quan trắc và phân tích được quy định tại Chương II của Thông tư này;

2. Trường hợp các tiêu chuẩn, phương pháp quan trắc và phân tích quy định tại Chương II của Thông tư này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo tiêu chuẩn, phương pháp mới.

Chương II

QUY TRÌNH KỸ THUẬT QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ XUNG QUANH

Điều 5. Mục tiêu quan trắc

Các mục tiêu cơ bản trong quan trắc môi trường không khí xung quanh là:

1. Xác định mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng theo các tiêu chuẩn cho phép hiện hành;

2. Xác định ảnh hưởng của các nguồn thải riêng biệt hay nhóm các nguồn thải tới chất lượng môi trường không khí địa phương;

3. Cung cấp thông tin giúp cho việc lập kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và quy hoạch phát triển công nghiệp;

4. Đánh giá diễn biến chất lượng môi trường không khí theo thời gian và không gian;

5. Cảnh báo về ô nhiễm môi trường không khí;

6. Đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý môi trường của Trung ương và địa phương.

Điều 6. Thiết kế chương trình quan trắc

Chương trình quan trắc sau khi thiết kế phải được cấp có thẩm quyền hoặc cơ quan quản lý chương trình quan trắc phê duyệt hoặc chấp thuận bằng văn bản. Việc thiết kế chương trình quan trắc môi trường không khí xung quanh cụ thể như sau:

1. Kiểu quan trắc

Căn cứ vào mục tiêu quan trắc, khi thiết kế chương trình quan trắc phải xác định kiểu quan trắc là quan trắc môi trường nền hay quan trắc môi trường tác động.

2. Địa điểm và vị trí quan trắc

a) Việc xác định địa điểm, vị trí quan trắc môi trường không khí xung quanh căn cứ vào mục tiêu chương trình quan trắc;

b) Trước khi lựa chọn địa điểm, vị trí quan trắc, phải điều tra, khảo sát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh tại khu vực cần quan trắc. Sau khi đi khảo sát thực tế vị trí các điểm quan trắc được đánh dấu trên sơ đồ hoặc bản đồ;

c) Khi xác định vị trí các điểm quan trắc không khí xung quanh phải chú ý:

- Điều kiện thời tiết: hướng gió, tốc độ gió, bức xạ mặt trời, độ ẩm, nhiệt độ không khí;

- Điều kiện địa hình: địa hình nơi quan trắc phải thuận tiện, thông thoáng và đại diện cho khu vực quan tâm. Tại những nơi có địa hình phức tạp, vị trí quan trắc được xác định chủ yếu theo các điều kiện phát tán cục bộ.

3. Thông số quan trắc

a) Trước tiên phải tiến hành thu thập thông tin và khảo sát hiện trường để biết thông tin về địa điểm quan trắc (khu dân cư, khu sản xuất…), loại hình sản xuất, các vị trí phát thải, nguồn thải từ đó để lựa chọn chính xác các thông số đặc trưng và đại diện cho vị trí quan trắc;

b) Các thông số cơ bản được lựa chọn để đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh là:

- Các thông số bắt buộc đo đạc tại hiện trường: hướng gió, tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm tương đối, áp suất, bức xạ mặt trời;

- Các thông số khác: lưu huỳnh đioxit (SO2), nitơ đioxit (NO2), nitơ oxit (NOx), cacbon monoxit (CO), ozon (O3), bụi lơ lửng tổng số (TSP), bụi có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 10 µm (PM10), chì (Pb);

c) Căn cứ vào mục tiêu và yêu cầu của chương trình quan trắc, còn có thể quan trắc các thông số theo QCVN 06: 2009/BTNMT.

4. Thời gian và tần suất quan trắc

a) Thời gian quan trắc phụ thuộc vào các yếu tố như:

- Mục tiêu quan trắc;

- Thông số quan trắc;

- Tình hình hoạt động của các nguồn thải bên trong và lân cận khu vực quan trắc;

- Yếu tố khí tượng

- Thiết bị quan trắc;

- Phương pháp quan trắc được sử dụng là chủ động hay bị động;

- Phương pháp xử lý số liệu;

- Độ nhạy của phương pháp phân tích.

b) Tần suất quan trắc

- Tần suất quan trắc nền: tối thiểu 01 lần/tháng;

- Tần suất quan trắc tác động: tối thiểu 06 lần/năm.

c) Lưu ý khi xác định tần suất quan trắc:

Khi có những thay đổi theo chu kỳ của chất lượng không khí, phải thiết kế khoảng thời gian đủ ngắn giữa hai lần lấy mẫu liên tiếp để phát hiện được những thay đổi đó;

5. Lập kế hoạch quan trắc

Lập kế hoạch quan trắc căn cứ vào chương trình quan trắc, bao gồm các nội dung sau:

a) Danh sách nhân lực thực hiện quan trắc và phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ tham gia;

b) Danh sách các tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện quan trắc môi trường (nếu có);

c) Danh mục trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất quan trắc tại hiện trường và phân tích trong phòng thí nghiệm;

d) Phương tiện, thiết bị bảo hộ, bảo đảm an toàn lao động cho hoạt động quan trắc môi trường;

đ) Các loại mẫu cần lấy, thể tích mẫu và thời gian lưu mẫu;

e) Phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm;

g) Kinh phí thực hiện quan trắc môi trường;

h) Kế hoạch thực hiện bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường.

Điều 7. Thực hiện quan trắc

Việc tổ chức thực hiện chương trình quan trắc gồm các công việc sau:

1. Công tác chuẩn bị

Trước khi tiến hành quan trắc cần thực hiện công tác chuẩn bị như sau:

a) Chuẩn bị tài liệu, các bản đồ, sơ đồ, thông tin chung về khu vực định lấy mẫu;

b) Theo dõi điều kiện khí hậu, diễn biến thời tiết;

c) Chuẩn bị các dụng cụ, thiết bị cần thiết; kiểm tra, vệ sinh và hiệu chuẩn các thiết bị và dụng cụ lấy mẫu, đo, thử trước khi ra hiện trường;

d) Chuẩn bị hoá chất, vật tư, dụng cụ phục vụ lấy mẫu và bảo quản mẫu;

đ) Chuẩn bị nhãn mẫu, các biểu mẫu, nhật ký quan trắc và phân tích theo quy định;

e) Chuẩn bị các phương tiện phục vụ hoạt động lấy mẫu và vận chuyển mẫu;

g) Chuẩn bị các thiết bị bảo hộ, bảo đảm an toàn lao động;

h) Chuẩn bị kinh phí và nhân lực quan trắc;

i) Chuẩn bị cơ sở lưu trú cho các cán bộ công tác dài ngày;

k) Chuẩn bị các tài liệu, biểu mẫu có liên quan khác.

2. Lấy mẫu, đo và phân tích tại hiện trường

a) Tại vị trí lấy mẫu, tiến hành đo các thông số khí tượng (nhiệt độ, độ ẩm, áp suất khí quyển, tốc độ gió và hướng gió) tại hiện trường;

b) Căn cứ vào vào mục tiêu chất lượng số liệu, phương pháp đo, phân tích và lấy mẫu không khí phải tuân theo một trong các phương pháp quy định tại Bảng 1 dưới đây:

Bảng 1. Phương pháp đo, phân tích và lấy mẫu không khí tại hiện trường

STT

Thông số

Số hiệu tiêu chuẩn, phương pháp

1

SO2

• TCVN 7726:2007 (ISO10498:2004);

• TCVN 5971:1995 (ISO 6767:1990);

• TCVN 5978:1995 (ISO 4221:1980).

2

CO

• TCVN 5972:1995 (ISO 8186:1989)

3

NO2

• TCVN 6137:2009 (ISO 6768:1998)

4

O3

• TCVN 6157:1996 (ISO 10313:1993);

• TCVN 7171:2002 (ISO 13964:1998)

5

Chì bụi

• TCVN 6152:1996 (ISO 9855:1993)

6

Bụi

• TCVN 5067:1995

7

Các thông số khí tượng

• Theo các quy định quan trắc khí tượng của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn.

• Theo các hướng dẫn sử dụng thiết bị quan trắc khí tượng của các hãng sản xuất.

 

b) Khi chưa có các tiêu chuẩn quốc gia về đo, phân tích và lấy mẫu không khí tại hiện trường tại Bảng 1 Thông tư này thì áp dụng tiêu chuẩn quốc tế đã quy định tại Bảng 1 hoặc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế khác có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn;

c) Công tác bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng tại hiện trường thực hiện theo các văn bản, quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường.

3. Bảo quản và vận chuyển mẫu

a) Phương pháp lưu giữ mẫu phải phù hợp với thông số quan trắc và kỹ thuật phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm. Mẫu lấy xong phải phân tích ngay, nếu không thì mẫu phải được bảo quản lạnh ở nhiệt độ 5oC không quá 24 giờ;

b) Đối với các mẫu lấy theo phương pháp hấp thụ, dung dịch đã hấp thụ được chuyển vào lọ thuỷ tinh có nút chắc chắn, đặt trong giá đỡ xếp, chèn cẩn thận vào thùng bảo quản lạnh;

c) Đối với mẫu CO, lấy theo phương pháp thay thế thể tích, dụng cụ đựng mẫu phải được sắp xếp gọn gàng, không chèn lên nhau hoặc bị các vật khác đè lên nhằm tránh bị vỡ và hạn chế rò rỉ;

d) Đối với mẫu bụi, mẫu được cho vào bao kép, đóng nắp bao cẩn thận, xếp vào hộp kín và bảo quản ở điều kiện thường;

4. Phân tích trong phòng thí nghiệm

a) Căn cứ vào mục tiêu chất lượng số liệu và điều kiện phòng thí nghiệm, việc phân tích các thông số phải tuân theo một trong các phương pháp quy định trong Bảng 2 dưới đây:

Bảng 2. Phương pháp phân tích các thông số trong phòng thí nghiệm

STT

Thông số

Số hiệu tiêu chuẩn, phương pháp

1

SO2

• TCVN 5971:1995 (ISO 6767:1990);

• TCVN 5978:1995 (ISO 4221:1980)

2

CO

• TCVN 5972:1995 (ISO 8186:1989);

• TCVN 7725:2007 (ISO 4224:2000)

3

NO2

• TCVN 6137:2009 (ISO 6768:1998);

• TCVN 6138:1996 (ISO 7996:1985)

4

Chì bụi

• TCVN 6152:1996 (ISO 9855:1993)

5

Bụi

• TCVN 5067:1995

 

b) Khi chưa có các tiêu chuẩn quốc gia để xác định giá trị của các thông số quy định tại Bảng 2 Thông tư này thì áp dụng tiêu chuẩn quốc tế quy định tại Bảng 2 hoặc các tiêu chuẩn quốc tế khác có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn;

c) Công tác bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong phòng thí nghiệm thực hiện theo các văn bản, quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường.

5. Xử lý số liệu và báo cáo

a) Xử lý số liệu

- Kiểm tra số liệu: kiểm tra tổng hợp về tính hợp lý của số liệu quan trắc và phân tích môi trường. Việc kiểm tra dựa trên hồ sơ của mẫu (biên bản, nhật ký lấy mẫu tại hiện trường, biên bản giao nhận mẫu, biên bản kết quả đo, phân tích tại hiện trường, biểu ghi kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm,…) số liệu của mẫu QC (mẫu trắng, mẫu lặp, mẫu chuẩn,…);

- Xử lý thống kê: Căn cứ theo lượng mẫu và nội dung của báo cáo, việc xử lý thống kê có thể sử dụng các phương pháp và các phần mềm khác nhau nhưng phải có các thống kê miêu tả tối thiểu (giá trị nhỏ nhất, giá trị lớn nhất, giá trị trung bình, số giá trị vượt chuẩn...);

- Bình luận về số liệu: việc bình luận số liệu phải được thực hiện trên cơ sở kết quả quan trắc, phân tích đã xử lý, kiểm tra và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

b) Báo cáo kết quả

Sau khi kết thúc chương trình quan trắc, báo cáo kết quả quan trắc phải được lập và gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Chương III

QUY TRÌNH KỸ THUẬT QUAN TRẮC TIẾNG ỒN

Điều 8. Mục tiêu quan trắc

Các mục tiêu cơ bản trong quan trắc tiếng ồn là:

1. Xác định mức độ ồn ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng theo các tiêu chuẩn cho phép hiện hành;

2. Xác định ảnh hưởng của các nguồn gây tiếng ồn riêng biệt hay nhóm các nguồn gây tiếng ồn;

3. Cung cấp thông tin giúp cho việc lập kế hoạch kiểm soát tiếng ồn;

4. Đánh giá diễn biến ô nhiễm ồn theo thời gian và không gian;

5. Cảnh báo về ô nhiễm tiếng ồn;

6. Đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý môi trường của Trung ương và địa phương.

Điều 9. Thiết kế và thực hiện chương trình quan trắc

1. Địa điểm quan trắc tiếng ồn

a) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 26: 2010/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn quy định giới hạn tối đa các mức ồn tại các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc; tiếng ồn trong quy chuẩn này là tiếng ồn do hoạt động của con người tạo ra không phân biệt loại nguồn gây tiếng ồn, vị trí phát sinh tiếng ồn.

b) Các khu vực phải đo tiếng ồn bao gồm:

- Khu vực cần đặc biệt yên tĩnh: bệnh viện, thư viện, nhà điều dưỡng, nhà trẻ, trường học;

- Khu dân cư, khách sạn, nhà ở, cơ quan hành chính;

- Khu vực thương mại, dịch vụ;

- Khu vực sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư.

c) Lựa chọn vị trí điểm quan trắc tiếng ồn theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5964:1995. Trong đó, phải lưu ý các điểm sau:

- Vị trí lựa chọn phải đặc trưng cho khu vực cần quan trắc (phải có toạ độ xác định);

- Tránh các vật cản gây phản xạ âm;

- Tránh các nguồn gây nhiễu nhân tạo: tiếng nhạc, tiếng va đập của kim loại, trẻ em nô đùa...;

- Chọn vị trí đo sao cho có sự truyền âm ổn định nhất với thành phần gió thổi không đổi từ nguồn đến vị trí đo.

d) Đối với các cơ sơ sản xuất công nghiệp phải tiến hành quan trắc tại các vị trí làm việc quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3985:1999.

2. Thông số quan trắc

Các thông số trong quan trắc tiếng ồn gồm:

a) LAeq mức âm tương đương;

b) LAmax mức âm tương đương cực đại;

c) LAN,T mức phần trăm;

d) Phân tích tiếng ồn ở các dải tần số 1 ôcta (tại các khu công nghiệp);

đ) Cường độ dòng xe (đối với tiếng ồn giao thông).

3. Thời gian và tần suất quan trắc

a) Tần suất quan trắc

Tần suất quan trắc tiếng ồn được xác định tuỳ thuộc vào yêu cầu của cơ quan quản lý chương trình quan trắc, kinh phí và mục đích của chương trình quan trắc nhưng tối thiểu phải là 04 lần/năm.

b) Thời gian quan trắc

- Đối với tiếng ồn tại các khu vực quy định và tiếng ồn giao thông: đo liên tục 12, 18 hoặc 24 giờ tuỳ theo yêu cầu;

- Đối với tiếng ồn tại các cơ sở sản xuất, phải tiến hành đo trong giờ làm việc;

- Do các mức âm bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết, vì vậy, khi chọn thời gian quan trắc tiếng ồn phải chú ý các điểm sau:

+ Các khoảng thời gian đo được chọn sao cho ở trong khoảng đó mức âm trung bình được xác định trong một dải các điều kiện thời tiết xuất hiện ở các vị trí đo;

+ Các khoảng thời gian đo được chọn sao cho các phép đo được tiến hành trong điều kiện thời tiết thật đặc trưng.

4. Thiết bị quan trắc

a) Thiết bị quan trắc được sử dụng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5964:1995;

b) Thiết bị được sử dụng là các máy đo tiếng ồn tích phân có kèm theo bộ phân tích tần số. Trường hợp không có máy đo tiếng ồn tích phân thì đo bằng máy đo mức âm tiếp xúc trong đó các khoảng thời gian phải được ghi lại và dùng phương pháp phân bố thống kê để tính LAeq,T  QUOTE  :

Trong đó

- T = åti: là tổng các khoảng thời gian cần lấy mẫu;

- ti : là thời gian tác dụng của mức ồn LAi; (ứng với thời gian đo thứ i);

- LAi: là mức âm theo đặc tính A tồn tại trong khoảng thời gian ti;

- n: là số lần đo mức ồn.

c) Để đảm bảo chất lượng quan trắc, thiết bị đo tiếng ồn phải được chuẩn theo bộ phát âm chuẩn ở mức âm 94 và 104 dBA trước mỗi đợt quan trắc và định kỳ được kiểm chuẩn tại các cơ quan có chức năng kiểm chuẩn thiết bị.

5. Phương pháp quan trắc

Phương pháp và khoảng thời gian quan trắc được lựa chọn theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5964:1995 và TCVN 5965:1995.

a) Các phép đo

Khi thực hiện các phép đo ngoài trời phải giảm phản xạ âm đến tối thiểu. Các phép đo phải thực hiện cách cấu trúc phản xạ âm ít nhất 3,5 mét không kể mặt đất. Khi không có quy định khác thì độ cao tiến hành đo là 1,2-1,5 mét so với mặt đất.

b) Các phép đo ngoài trời gần các nhà cao tầng

Các phép đo này được thực hiện ở các vị trí mà tiếng ồn đối với nhà cao tầng cần được quan tâm. Nếu không có chỉ định gì khác thì vị trí các phép đo tốt nhất là cách tòa nhà 1-2 mét và cách mặt đất từ 1,2-1,5 mét.

c) Các phép đo tiếng ồn giao thông

- Độ cao tiến hành đo là 1,2-1,5 mét so với mặt đất;

- Phải giảm phản xạ âm đến tối thiểu;

- Phải tránh các nguồn tiếng ồn gây nhiễu ảnh hưởng tới phép đo.

d) Các phép đo trong nhà

- Các phép đo này thực hiện bên trong hàng rào, mà ở đó tiếng ồn được quan tâm. Nếu không có chỉ định khác, các vị trí đo cách các tường hoặc bề mặt phản xạ khác ít nhất 1 mét, cách mặt sàn từ 1,2-1,5 mét và cách các cửa sổ khoảng 1,5 mét; cách nguồn gây ồn khoảng 7,5 mét;

- Khi đo tiếng ồn tại nơi làm việc do các máy công nghiệp gây ra phải đo tiếng ồn theo tần số ở dải 1:1 ôcta (theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3985:1999).

đ) Các điểm phải lưu ý

- Khoảng thời gian đo liên tục của mỗi phép đo là 10 phút, trong vòng 1 giờ tiến hành 3 phép đo, sau đó lấy giá trị trung bình của 3 phép đo. Kết quả thu được coi như giá trị trung bình của giờ đo đó;

- Đối với tiếng ồn giao thông do dòng xe gây ra, ngoài việc đo tiếng ồn thì phải xác định cường độ dòng xe (xe/giờ) bằng phương pháp đếm thủ công hoặc thiết bị tự động. Phải tiến hành phân loại các loại xe trong dòng xe, bao gồm:

+ Xe cực lớn (xe containơ và trên 10 bánh);

+ Xe tải và xe khách;

+ Xe con (dưới 12 chỗ ngồi);

+ Mô tô, xe máy.

- Khi đo mức tiếng ồn theo dải 1:1 ôcta, thao tác cũng tương tự, nhưng chú ý sau khi đặt thời gian, phải đặt chế độ đo theo tần số ở dải 1:1 ôcta.

6. Xử lý số liệu và báo cáo

a) Xử lý số liệu

- Kiểm tra số liệu: kiểm tra tổng hợp về tính hợp lý của số liệu quan trắc tiếng ồn. Việc kiểm tra dựa trên hồ sơ quan trắc (biên bản, nhật ký, kết quả đo tại hiện trường, …);

- Xử lý thống kê: căn cứ theo số lượng kết quả đo và nội dung của báo cáo, việc xử lý thống kê có thể sử dụng các phương pháp và các phần mềm khác nhau nhưng phải có các thống kê miêu tả tối thiểu (giá trị nhỏ nhất, giá trị lớn nhất, giá trị trung bình, số giá trị vượt chuẩn...);

- Bình luận về số liệu: việc bình luận số liệu phải được thực hiện trên cơ sở kết quả quan trắc đã xử lý, kiểm tra và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

b) Báo cáo kết quả

Sau khi kết thúc chương trình quan trắc, báo cáo kết quả quan trắc tiếng ồn phải được lập và gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này;

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2011.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Tổng cục Môi trường) để kịp thời xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Cách Tuyến

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.