• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 13/02/2012
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 71/2011/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 30 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định về hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng

_____________________

 

Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về trợ giúp, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng.

2. Đối tượng áp dụng

a) Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng.

b) Người tham gia giao thông từ đủ 60 tuổi trở lên theo quy định tại Điều 2 của Luật Người cao tuổi.

Điều 2. Quy định về hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng

1. Hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông đường sắt, đường thủy

a) Người cao tuổi khi đi lại bằng tàu hỏa, tàu biển chở khách và phương tiện thủy nội địa được mua vé tại cửa bán vé dành cho các đối tượng ưu tiên.

Nhân viên phục vụ trên tàu có trách nhiệm hướng dẫn, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người cao tuổi; hỗ trợ người cao tuổi khi lên, xuống phương tiện và sắp xếp hành lý khi cần thiết.

b) Người cao tuổi khi đi lại bằng tàu hỏa được giảm ít nhất 15% giá vé, giá dịch vụ khi sử dụng các dịch vụ: bốc xếp hành lý, mua vé qua điện thoại, đưa vé đến tận nhà; được giảm ít nhất 15% giá vé khi đi lại bằng phương tiện thủy nội địa, tàu biển chở khách.

Mức giảm giá vé cụ thể do Thủ trưởng các tổ chức kinh doanh vận tải căn cứ điều kiện thực tế và thời điểm cụ thể xây dựng, công bố thực hiện.

2. Hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông đường bộ

a) Người cao tuổi sử dụng phương tiện vận tải công cộng đường bộ được ưu tiên mua vé tại các quầy vé, được sử dụng chỗ ngồi dành cho các đối tượng ưu tiên.

b) Lái xe, nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách có trách nhiệm hướng dẫn người cao tuổi sử dụng chỗ ngồi ưu tiên, hỗ trợ lên, xuống xe và sắp xếp hành lý cho các đối tượng cần sự chăm sóc đặc biệt.

c) Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải xây dựng phương án miễn, giảm giá vé cho người cao tuổi và công bố thực hiện trên các tuyến vận tải.

3. Hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông bằng đường hàng không

a) Nhân viên của các hãng hàng không Việt Nam, doanh nghiệp cảng hàng không và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không liên quan khác có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người cao tuổi trong dây chuyền phục vụ hành khách tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam, bao gồm: làm thủ tục vé, sắp xếp chỗ ngồi (check in), kiểm tra an ninh hàng không, chờ ở phòng chờ, lên tàu bay (boarding) và nhận hành lý ký gửi tại nơi đến.

b) Tổ bay của các hãng hàng không Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn chu đáo, hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận chỗ ngồi, sắp xếp hành lý cá nhân trên tàu bay.

c) Các doanh nghiệp nêu tại điểm a, b của khoản này phải xây dựng mới hoặc bổ sung, sửa đổi quy định, tài liệu hướng dẫn phục vụ hành khách hiện hành và triển khai các việc cần thiết khác phù hợp với từng cảng hàng không, sân bay nhằm thực hiện các quy định nêu tại khoản này.

d) Hành khách là người cao tuổi được giảm ít nhất 15% giá vé hạng phổ thông ít có điều kiện hạn chế nhất bán lại lãnh thổ Việt Nam trên các tuyến vận chuyển hàng không nội địa. Mức giảm giá vé cụ thể do các hãng hàng không căn cứ điều kiện thực tế xây dựng và công bố thực hiện.

4. Người cao tuổi cần sự chăm sóc đặc biệt có người thân đi cùng thì người đi cùng được bố trí chỗ ngồi phù hợp để tiện chăm sóc.

5. Người cao tuổi đồng thời thuộc đối tượng được giảm giá vé, giá dịch vụ theo các chế độ khác nhau thì chỉ được hưởng một mức giảm giá vé cao nhất.

6. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách công cộng đầu tư phương tiện, thiết bị phục vụ người cao tuổi tham gia giao thông an toàn, thuận tiện: xe buýt sàn thấp; các công cụ hỗ trợ người cao tuổi lên, xuống phương tiện; thiết bị thông tin và các công cụ khác.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách công cộng thực hiện các quy định của Thông tư này.

b) Các Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến đồng thời theo dõi và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách công cộng hoạt động trong phạm vi địa phương mình thực hiện các quy định của Thông tư này.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách công cộng

a) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trợ giúp người cao tuổi tham gia giao thông công cộng đáp ứng yêu cầu tại khoản 2 Điều 4, khoản 4 Điều 5 Nghị định số 06/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi và các quy định tại Điều 2 của Thông tư này.

b) Có biện pháp thông báo để người cao tuổi và các đối tượng có liên quan biết, thực hiện các hoạt động hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng.

c) Lồng ghép nội dung về trợ giúp hành khách là người cao tuổi trong các đợt tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ hành khách.

3. Trách nhiệm của các hiệp hội vận tải

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, thông báo cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách là thành viên của hiệp hội để tổ chức thực hiện các quy định của Thông tư này.

4. Trách nhiệm của hành khách

Hành khách tham gia giao thông vận tải hành khách công cộng có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ người cao tuổi; phối hợp với nhân viên phục vụ trên phương tiện trợ giúp người cao tuổi tham gia giao thông thuận tiện.

Điều 4. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

2. Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng các Vụ; Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục trưởng các Cục: Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng không Việt Nam; Giám đốc các Sở Giao thông vận tải và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phản ánh kịp thời về Bộ Giao thông vận tải để được xem xét, giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.