Sign In

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết một số nội dung của Quyết định số 15/2011/QĐ-TTG ngày 09/3/2011 của

Thủ tướng Chính phủ về việc mua lương thực dự trữ nhà nước hàng năm

 

 ______________________________

 

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-TTg ngày 09/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua lương thực dự trữ nhà nước hàng năm;

Bộ Tài chính quy định chi tiết một số nội dung của Quyết định số 15/2011/QĐ-TTg ngày 09/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua lương thực dự trữ nhà nước hàng năm.

Chương I

PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Thông tư này quy định phương thức, giá mua và chất lượng lương thực dự trữ nhà nước do Tổng cục Dự trữ Nhà nước tổ chức mua theo Quyết định số 15/2011/QĐ-TTg ngày 09/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua lương thực dự trữ nhà nước hàng năm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

1. Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Chi cục Dự trữ Nhà nước được giao nhiệm vụ mua lương thực dự trữ nhà nước hàng năm.

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động mua lương thực dự trữ nhà nước.

Chương II

PHƯƠNG THỨC MUA LƯƠNG THỰC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC.

Điều 3. Phương thức mua gạo dự trữ nhà nước.

1. Đấu thầu rộng rãi

a) Mua gạo dự trữ nhà nước áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, phải được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu.

- Kế hoạch đấu thầu được lập theo quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BKH ngày 17/02/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lập Kế hoạch đấu thầu.

- Hồ sơ mời thầu được lập theo Thông tư số 05/2010/TT-BKH ngày 10/02/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập Hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa.

b) Quy trình đấu thầu rộng rãi thực hiện theo quy định tại Điều 23, Điều 25, Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32, Điều 33 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.

2. Chỉ định thầu

a) Chỉ định thầu chỉ được áp dụng khi phải tổ chức mua ngay số lượng gạo bù vào phần đã xuất cấp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp không đủ điều kiện tổ chức đấu thầu rộng rãi để bảo đảm đủ cơ số lương thực dự trữ nhà nước sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cứu trợ, viện trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Các trường hợp áp dụng chỉ định thầu mua gạo:

- Trong quyết định xuất cấp của Thủ tướng Chính phủ quy định mua ngay số lượng gạo bù vào phần đã xuất cấp.

- Khi mua lương thực, thời gian còn lại từ khi tổ chức đấu thầu đến khi kết thúc vụ thu hoạch còn dưới 30 ngày và tổng tồn kho lương thực dưới mức 300 ngàn tấn quy thóc (cơ số đảm bảo sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cứu trợ, viện trợ)

b) Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu phải được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu trên cơ sở tuân thủ quy định Luật Đấu thầu.

c) Quy trình chỉ định thầu thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.

3. Mua trực tiếp

a) Mua trực tiếp được áp dụng khi hợp đồng đối với gói thầu có nội dung tương tự được ký trước đó không quá sáu tháng. Thời hạn sáu tháng được tính từ khi ký kết hợp đồng gốc đến khi kết quả mua trực tiếp được phê duyệt.

 Gói thầu có nội dung tương tự là gói thầu tương tự về chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng gạo, khối lượng gói thầu đã ký hợp đồng chiếm tỷ lệ từ 70% trở lên khối lượng của gói thầu mua trực tiếp, đơn giá gói thầu áp dụng mua trực tiếp không được vượt đơn giá của gói thầu đã ký hợp đồng trước đó.

b) Việc áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp phải được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu trên cơ sở tuân thủ quy định Luật Đấu thầu.

c) Quy trình mua trực tiếp thực hiện theo quy định tại tại Điều 42 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.

4. Chào hàng cạnh tranh

a) Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với trường hợp gói thầu mua gạo có giá gói thầu dưới hai tỷ đồng.

b) Việc áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh phải được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu trên cơ sở tuân thủ quy định Luật Đấu thầu.

c) Quy trình chào hàng cạnh tranh thực hiện theo quy định tại tại Điều 43 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Đấu thầu.

Hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh thực hiện theo Thông tư số 11/2010/TT-BKH ngày 27/5/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về chào hàng cạnh tranh.

Điều 4. Phương thức mua thóc dự trữ nhà nước.

1. Chỉ định thầu được áp dụng đối với trường hợp mua bù số lượng thóc sau khi đã xuất cấp để đáp ứng yêu cầu cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.

2. Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với trường hợp gói thầu mua thóc có giá gói thầu dưới hai tỷ đồng.

Trình tự, quy trình áp dụng hình thức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh mua thóc dự trữ nhà nước thực hiện tương tự như chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh mua gạo dự trữ nhà nước quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 3 Thông tư này.

3. Mua trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng.

a) Mua thóc trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng là hình thức mua trực tiếp tại cửa kho dự trữ nhà nước của mọi đối tượng có thóc đảm bảo chất lượng nhập kho dự trữ nhà nước. Cán bộ công chức cơ quan được giao nhiệm vụ mua lương thực dự trữ nhà nước không được tham gia hoạt động bán lương thực cho dự trữ nhà nước dưới mọi hình thức.

b) Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định mua thóc dự trữ nhà nước theo phương thức mua trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng để thực hiện.

c) Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước phê duyệt kế hoạch mua thóc trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng.

 Kế hoạch mua trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng có các nội dung chính sau đây: số lượng, chất lượng, địa điểm nhập kho, giá mua, thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương nơi có kho dự trữ nhà nước mua thóc và trên trang thông tin điện tử Tổng cục Dự trữ Nhà nước, thời gian mở kho, thời gian kết thúc mua.

 d) Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện các nhiệm vụ sau:

 - Căn cứ thời vụ thu hoạch thóc trên từng địa phương, lập kế hoạch mua thóc trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước phê duyệt.

 - Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có kho dự trữ nhà nước mua thóc biết chủ trương, kế hoạch mua thóc dự trữ nhà nước trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng và tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành ở địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Thông báo kế hoạch mua thóc trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, thành phố nơi có kho dự trữ nhà nước mua thóc và trên trang thông tin điện tử Tổng cục Dự trữ Nhà nước, đồng thời niêm yết giá mua, số lượng, chất lượng thóc nhập kho dự trữ nhà nước tại điểm kho mua thóc.

đ) Chi cục Dự trữ Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Mua thóc nhập kho dự trữ nhà nước theo phân công, phân cấp của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.

- Thanh toán cho người bán theo quy định của Nhà nước về hóa đơn chứng từ và chế độ kế toán áp dụng đối với đơn vị dự trữ nhà nước.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Chi cục Dự trữ Nhà nước căn cứ kế hoạch mua được giao, tổ chức thực hiện mua thóc trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng đảm bảo đủ số lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng, thời gian quy định.

Việc thực hiện mua thóc dự trữ nhà nước theo phương thức mua trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này được áp dụng từ ngày Quyết định số 15/2011/QĐ-TTg ngày 9/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành.

Chương III

GIÁ MUA VÀ CHẤT LƯỢNG LƯƠNG THỰC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC

Điều 5. Giá mua lương thực dự trữ nhà nước.

1. Trên cơ sở đề nghị phương án giá của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Cục Quản lý giá thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định giá giới hạn tối đa để tổ chức mua lương thực dự trữ nhà nước.

2. Căn cứ vào giá giới hạn tối đa do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước quyết định giá mua cụ thể theo từng thời điểm và từng địa bàn khi mua lương thực dự trữ nhà nước, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

3. Giá mua lương thực dự trữ nhà nước là giá được xác định tại cửa kho dự trữ, phù hợp với giá thị trường trên địa bàn tại thời điểm, tương ứng với chất lượng mua. Căn cứ giá giới hạn tối đa Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước quyết định giá mua như sau:

- Quyết định giá gói thầu đối với trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu (đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu, mua trực tiếp, chào hàng cạnh tranh).

- Quyết định đơn giá (đồng/kilôgam) đối với trường hợp mua thóc trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng.

Giá gói thầu, đơn giá mua lương thực dự trữ nhà nước đã bao gồm thuế giá trị gia tăng; riêng giá gói thầu mua gạo bao gồm cả giá trị bao bì.

Điều 6. Chất lượng lương thực nhập kho dự trữ nhà nước.

1. Lương thực nhập kho dự trữ nhà nước phải đáp ứng được các quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lương thực dự trữ nhà nước, các yêu cầu kỹ thuật, quy trình bảo quản và công tác quản lý theo quy định hiện hành.

2. Chỉ tiêu chất lượng cụ thể của lương thực nhập kho dự trữ nhà nước hàng năm thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ mua lương thực dự trữ nhà nước theo đúng các quy định của Thông tư này, các quy định của pháp luật có liên quan và nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao hàng năm.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước chỉ đạo kiểm tra, giám sát các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện việc mua lương thực dự trữ nhà nước, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Các đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động mua lương thực dự trữ nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký, các hoạt động nghiệp vụ mua lương thực dự trữ nhà nước theo Quyết định số 15/2011/QĐ-TTg ngày 9/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ kết thúc đến hết ngày 31/12/2012.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Hữu Chí