• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2012
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 63/2001/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Yên, ngày 9 tháng 8 năm 2001

THÔNG TƯ

Bổ sung, sửa đổi Thông tư số 06/2001/TT-BTC ngày 17/01/2001 của Bộ Tài chính

hướng dẫn thực hiên Nghị định số 78/2000/NĐ-CP ngày 26/12/2000 của Chính phủ

về phí xăng dầu

 

Thi hành Nghị định số 78/2000/NĐ-CP ngày 26/12/2000 của Chính phủ về phí xăng dầu, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 06/2001/TT-BTC ngày 17/1/2001, nay Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung, sửa đổi một số điểm như sau:

 

1. Điểm 3, mục I Thông tư số 06/2001/TT-BTC nêu trên được bổ sung thêm tiết c sau đây:

c) Các tổ chức, cá nhân (gọi chung là đơn vị) không thuộc đối tượng nộp phí xăng dầu, nhưng được Bộ Thương mại cấp giấy phép xấu khẩu xăng, dầu diezen bằng nguồn xăng dầu đã chịu phí xăng dầu thì được ngân sách nhà nước hoàn lại số tiền phí xăng dầu đã nộp ngân sách nhà nước đối với lượng xăng, dầu thực tế xuất khẩu (trừ các tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu, sản xuất, chế biến xăng dầu, đồng thời trực tiếp xuất khẩu xăng, dầu diezen chưa tính phí xăng dầu) theo thủ tục quy định dưới đây:

c1) Đơn vị thuộc đối tượng được hoàn trả phí xăng dầu nêu tại điểm này phải có các hồ sơ, chứng từ chứng minh số lượng xăng dầu thực tế xuất khẩu đã chịu phí xăng dầu, bao gồm:

- Công văn đề nghị hoàn phí xăng dầu của đơn vị đối với xăng, dầu diezen xuất khẩu, trong đó ghi rõ: số lượng xăng, dầu diezen thực mua đã chịu phí xăng dầu, số lượng xăng, dầu diezen thực tế xuất khẩu, số tiền phí xăng dầu đề nghị hoàn trả, số tài khoản của đơn vị tại ngân hàng hoặc kho bạc giao dịch tỉnh, thành phố....

- Hợp đồng mua xăng dầu ký với tổ chức trong nước bán xăng dầu, kèm theo hoá đơn mua xăng, dầu diezen của tổ chức, cá nhân bán xăng dầu (loại hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành hoặc hoá đơn tự in theo mẫu quy định và đã được Bộ Tài chính chấp nhận cho sử dụng).

- Giấy phép (kinh doanh xuất nhập khẩu và hạn ngạch) xuất khẩu xăng dầu diezen do Bộ Thương mại cấp.

- Hợp đồng xuất khẩu xăng, dầu diezen ký với nước ngoài; trường hợp uỷ thác xuất khẩu thì còn phải có hợp đồng uỷ thác xuất khẩu xăng, dầu diezen.

- Hoá đơn bán hàng xăng, dầu diezen cho nước ngoài, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.

- Tờ khai Hải quan hàng hoá xuất khẩu, có thanh khoản và xác nhận của cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại xăng dầu diezen thực tế xuất khẩu.

Hồ sơ đề nghị hoàn phí xăng dầu nêu trên gửi về Cục Thuế trực tiếp quản lý đơn vị phải là bản chính (nếu là bản sao thì phải được cơ quan công chứng nhà nước xác nhận). Trường hợp, đối với loại văn bản Công chứng nhà nước không xác nhận thì giám đốc đơn vị phải ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu của đơn vị vào bản sao và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính pháp lý của văn bản, đồng thời phải xuất trình bản chính để cơ quan Thuế đối chiếu, sau đó trả lại bản chính cho đơn vị.

c2) Cục Thuế nhận được hồ sơ của đơn vị gửi đến phải kiểm tra hồ sơ. Đối với hồ sơ bảo đảm thủ tục, số liệu chính xác thì Cục trưởng Cục Thuế ký Quyết định hoàn phí xăng dầu cho đơn vị trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn phí xăng dầu của đơn vị gửi đến. Trường hợp phải kiểm tra, xác minh hoặc cần bổ sung hồ sơ trước khi hoàn thì thời gian tối đa là 30 ngày. Nếu đơn vị không lập đủ hồ sơ, thủ tục hoặc không đủ điều kiện được hoàn phí xăng dầu theo quy định thì phải trả lời bằng văn bản cho đơn vị biết trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.

c3) Cục Thuế trực tiếp quyết định hoàn phí xăng dầu phải gửi Quyết định hoàn phí xăng dầu (bản chính), kèm theo toàn bộ hồ sơ đề nghị hoàn phí xăng dầu (bản sao) về Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách nhà nước) để Vụ Ngân sách nhà nước thực hiện hoàn phí xăng dầu cho đơn vị.

c4) Số tiền phí xăng dầu được hoàn đối với lượng xăng dầu xuất khẩu trong cùng năm tài chính thì đơn vị phải hạch toán giảm chi phí kinh doanh hàng xuất khẩu. Riêng số phí xăng dầu được hoàn đối với lượng xăng dầu thực tế đã xuất khẩu năm trước (số phí năm trước được hoàn vào năm sau) thì đơn vị phải hạch toán vào thu nhập bất thường của năm được hoàn phí.

2. Đoạn tại gạch đầu dòng cuối cùng của tiết b, điểm 1, mục III Thông tư số 06/2001/TT/BTC trên đây là: "Mở sổ sách kế toán theo dõi riêng, cập nhật số tiền phí xăng dầu phát sinh để thanh toán với ngân sách nhà nước. Đối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu không trực tiếp kê khai, nộp phí xăng dầu thì tiền phí xăng dầu không phải là doanh thu của hoạt động kinh doanh xăng dầu, nên không được hạch toán vào doanh thu của đơn vị kinh doanh". Nay được thay bằng gạch đầu dòng mới như sau:

Mở số sách kế toán theo dõi riêng, cập nhật số tiền phí xăng dầu phát sinh để thanh toán với ngân sách nhà nước.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2001. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Văn Ninh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.