• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2002
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 135/PC-KHKT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Yên, ngày 27 tháng 6 năm 1995

 

 

 

 

 

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

SỐ: 135/PC-KHKT NGÀY 27 THÁNG 6 NĂM 1995

HƯỚNG DẪN VIỆC KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT VÀ CẤP PHÉP

LƯU HÀNH PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

 

- Căn cứ Nghị định số 22/CP, ngày 22-3-1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải.

- Căn cứ Nghị định số 36/CP, ngày 29-5-1995 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn việc kiểm định kỹ thuật và cấp phép lưu hành phương tiện cơ giới đường bộ như sau:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1:

Để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của các phương tiện cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ và đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, môi sinh, bảo vệ các công trình giao thông đường bộ, tổ chức quản lý và khai thác tốt mạng lưới giao thông vận tải đường bộ, Nhà nước thực hiện bắt buộc việc kiểm tra an toàn kỹ thuật định kỳ (sau đây gọi là kiểm định kỹ thuật) và cấp phép lưu hành đối với phương tiện cơ giới đường bộ.

Điều 2:

Phương tiện cơ giới đường bộ thuộc mọi tổ chức và cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại nước CHXHCN Việt Nam tham gia giao thông trên đường bộ và đô thị đều phải kiểm định kỹ thuật, nếu đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, sẽ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét cấp Giấy phép lưu hành.

Điều 3:

Các thuật ngữ trong thông tư này được hiểu như sau:

1. Phương tiện cơ giới đường bộ là xe tự di chuyển trên đường bộ bằng động cơ để chở người, chở hàng hoá, vật dụng, lắp dặt thiết bị chuyên dùng, kéo theo moóc, bán moóc (sơ mi rơ moóc) hay moóc dàn (platfoóc).

2. Chu kỳ kiểm định là khoảng thời gian giữa hai lần kiểm định kỹ thuật, tính theo đơn vị tháng.

3. Phương tiện mới là phương tiện mới xuất xưởng của nhà chế tạo, chưa sử dụng.

4. Phương tiện đã sử dụng là phương tiện đã tham gia giao thông, hoặc đã cải tạo, hoán cải bằng các tổng thành đã sử dụng, kể cả phương tiện đã sử dụng ở nước ngoài nhập vào Việt Nam.

CHƯƠNG II

KIỂM TRA KỸ THUẬT PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 4:

Các loại phương tiện cơ giới đường bộ sau đây phải thực hiện kiểm định kỹ thuật sau khi đã được đăng ký và cấp biển số:

1. Ô tô các loại, kể cả ô tô kéo moóc, bán moóc, moóc sàn.

2. Máy kéo và các loại xe chuyên dùng.

3. Xe lam và các loại phương tiện tương tự kiểu xe lam.

4. Xe xích lô máy các loại.

Điều 5:

Hạng mục, yêu cầu, quy trình kiểm định kỹ thuật các phương tiện cơ giới đường bộ phải thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ và các quy định khác có liên quan do Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

Điều 6:

Các loại phương tiện cơ giới đường bộ thực hiện kiểm định kỹ thuật theo chu kỳ.

Có hai loại chu kỳ, phân định như sau:

a. "Chu kỳ đầu" là khoảng thời gian giữa lần kiểm định đầu tiên đến lần kiểm định thứ hai đối với phương tiện mới.

b. "Chu kỳ định kỳ" là khoảng thời gian giữa hai lần kiểm định kỹ thuật (trừ chu kỳ đầu đối với phương tiện mới) áp dụng cho các phương tiện đã sử dụng.

Chu kỳ kiểm định kỹ thuật của các loại phương tiện cơ giới đường bộ quy định tại tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

Điều 7:

1. Theo chu kỳ kiểm định kỹ thuật, chủ phương tiện (hoặc người lái) có trách nhiệm đưa phương tiện đến một Trạm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ đã được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải cấp phép hành nghề, để thực hiện kiểm định kỹ thuật.

2. Trường hợp phương tiện bị hư hỏng, không đủ điều kiện tham gia giao thông trên đường và chưa kịp khắc phục để đưa phương tiện đến thực hiện kiểm định kỹ thuật thì chủ phương tiện (hoặc người lái) phải trình báo kịp thời với cơ quan đã cấp phép lưu hành cho phương tiện của mình.

3. Ít nhất 7 ngày trước khi hết hạn ghi trên Giấy phép lưu hành, chủ phương tiện (hoặc người lái) phải đưa phương tiện đến thực hiện kiểm định kỹ thuật.

Điều 8:

Quản lý Nhà nước về lĩnh vực kiểm định kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ được phân công như sau:

A. Cục Đường bộ Việt Nam :

1. Xây dựng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ để trình Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

2. Xây dựng chu kỳ kiểm định kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ trình Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

3. Định kỳ tổng kết đánh giá việc thực hiện các tiêu chuẩn và đề xuất, bổ sung tiêu chuẩn, chế độ kiểm định để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải quyết định.

B. Cục Đăng kiểm Việt Nam:

1. Tổ chức chỉ đạo và quản lý về mặt chuyên môn, nghiệp vụ đối với trung tâm và các Trạm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trực thuộc Cục và các Trạm Đăng kiểm kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ làm nhiệm vụ kiểm định kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ thuộc các Sở Giao thông công chính, Sở Giao thông vận tải, để hình thành mạng lưới kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ thống nhất trong cả nước.

2. Chủ trì việc kiểm tra, thẩm định điều kiện tiêu chuẩn hành nghề của các Trạm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ để cấp phép hành nghề cho các Trạm theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Điều 9:

1. Hệ thống tổ chức Mạng lưới kiểm định kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ bao gồm:

a. Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ và các Trạm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b. Các trạm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ thuộc các Sở Giao thông vận tải, Sở giao thông công chính.

2. Các trạm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ thuộc tổ chức hoạt động theo loại hình doanh nghiệp công ích, chuyên doanh kiểm định kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ, không được hoạt động buôn bán phương tiện cơ giới đường bộ, phụ tùng, phụ kiện, vật tư kỹ thuật và hoạt động bảo dưỡng sửa chữa phương tiện cơ giới đường bộ; hạch toán kinh tế, có tài khoản và con dấu riêng.

3. Các Trạm Đăng kiểm kỹ thuật phương tiện được thu tiền để kiểm định theo giá của Nhà nước quy định.

Điều 10:

Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện:

1. Thống nhất quy định và quản lý về chủng loại, tiêu chuẩn và chất lượng của các thiết bị kiểm định kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ.

2. Thống nhất quy định, quản lý và phát hành các loại biểu mẫu, ấn chỉ về kiểm định kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ.

3. Thống nhất quy định và quản lý hệ thống thu nhận và lưu trữ các kết quả kiểm định kỹ thuật và các thiết bị phục vụ cho công tác này.

4. Thống nhất quản lý các chứng chỉ kiểm định kỹ thuật.

CHƯƠNG III

CẤP GIẤY PHÉP LƯU HÀNH PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 11:

Mọi phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ và đô thị đều phải được cơ quan quản lý chuyên ngành về giao thông vận tải đường bộ xét và cấp giấy lưu hành, trừ các loại được miễn cấp giấy phép lưu hành theo quy định.

Điều 12:

Bộ Giao thông Vận tải quy định điều kiện, nội dung, thủ tục cấp Giấy phép lưu hành theo đề nghị của Cục Đường bộ Việt Nam.

Điều 13:

1. Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện thống nhất quản lý việc cấp phép lưu hành các phương tiện cơ giới đường bộ trên phạm vi cả nước, cụ thể là:

a. Hướng dẫn các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính về chuyên môn, nghiệp vụ trong việc xét và cấp phép lưu hành.

b. Thống nhất quản lý in và phát hành mẫu Giấy phép lưu hành dùng trong cả nước.

c. Thống nhất quản lý hồ sơ thủ tục cấp Giấy phép lưu hành (trong đó có kết quả kiểm định kỹ thuật của phương tiện cấp giấy phép lưu hành).

d. Giám sát và kiểm tra việc cấp phép lưu hành.

2. Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cấp phép lưu hành cho phương tiện cơ giới đường bộ đã đăng ký và được cấp biển số tại địa phương, trừ các đối tượng sau đây do Cục Đường bộ Việt Nam cấp Giấy phép lưu hành:

a. Phương tiện thuộc các cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao tại Hà Nội.

b. Phương tiện của các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

c. Phương tiện của nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.

Điều 14:

Trường hợp bị mất hoặc bị nhàu nát Giấy phép lưu hành thì xử lý như sau:

1. Nếu có xác minh hợp pháp về nguyên nhân mất hoặc nhàu nát của Giấy phép lưu hành mà thời hạn hiệu lực còn lại ít nhất là 1/3 thời gian hiệu lực ghi trong Giấy phép bị mất thì sẽ được cấp Giấy phép mới cho thời gian còn lại.

2. Các trường hợp khác phải tiến hành làm thủ tục cấp phép.

Điều 15:

1. Trường hợp vi phạm đến mức bị thu Giấy phép lưu hành theo quyết định xử lý của cảnh sát giao thông hoặc nhà chức trách có thẩm quyền thì Chủ phương tiện (hoặc người lái) phải trình báo kịp thời cho cơ quan cấp phép lưu hành. Nếu phát hiện chủ phương tiện (hoặc người lái) lợi dụng quy định tại Điều 44 để khai man và xin cấp phép lại, sẽ bị xử lý theo pháp luật.

2. Trường hợp cơ quan đã cấp giấy phép lưu hành phát hiện có vi phạm về khai báo hồ sơ thủ tục, về kiểm định kỹ thuật thì sẽ thông báo thu hồi Giấy phép lưu hành.

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày thông báo, Chủ phương tiện (hoặc người lái) phải nộp lại Giấy phép lưu hành cho cơ quan đã cấp phép lưu hành.

3. Phương tiện đã bị thu hồi Giấy phép lưu hành thì tuyệt đối không được lăn bánh trên đường bộ, đô thị. Chủ phương tiện (hoặc người lái) phải tự bảo vệ phương tiện bị đình chỉ lưu hành.

Điều 16:

Chủ phương tiện (hoặc người lái) phải nộp lệ phí xin cấp Giấy phép lưu hành cho cơ quan xét cấp phép lưu hành.

Mức lệ phí xin cấp phép lưu hành do Bộ Tài chính quy định theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THỰC HIỆN

 

Điều 17:

Từ ngày 01-8-1995 Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức việc cấp phép lưu hành cho các phương tiện cơ giới đường bộ tại Cục và các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính.

Các Giấy phép lưu hành do Bộ Nội vụ cấp trước ngày 31-7-1995 có giá trị sử dụng theo thời gian hiệu lực đã ghi trên giấy phép.

Cục Đường bộ Việt Nam quy định chi tiết thi hành việc cấp Giấy phép lưu hành đối với các phương tiện nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.

Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Thông tư này.

Điều 18:

Từ ngày 01 tháng 8 năm 1995 Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn thực hiện kiểm định kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ, kiểm tra giám sát hoạt động của các Trạm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ.

Điều 19:

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-8-1995. Các quy định trước đây về kiểm tra an toàn phương tiện cơ giới đường bộ định kỳ (khám xe) đều hết giá trị hiệu lực kể từ ngày 31-7-1995.

Điều 20:

Các ông Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Vận tải, khoa học kỹ thuật, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính có trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Danh Lưu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.