Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng

____________

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng đối với phương tiện giao thông thuộc đối tượng phải thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên phạm vi toàn quốc và việc sử dụng dữ liệu từ trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng để kiểm soát tải trọng xe.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, sử dụng dữ liệu từ trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng để kiểm soát tải trọng xe.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phương tiện giao thông là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng thuộc đối tượng phải thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

2. Chủ phương tiện là chủ sở hữu phương tiện giao thông hoặc người khác được chủ sở hữu phương tiện giao quyền chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông thuộc đối tượng phải thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

3. Thẻ đầu cuối là thiết bị điện tử được gắn trên phương tiện giao thông để giao tiếp thông tin với hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng và lưu trữ các thông tin liên quan đến kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

4. Mã số định danh là mã số do nhà cung cấp dịch vụ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cấp cho một phương tiện giao thông khi gắn thẻ đầu cuối.

5. Tài khoản trả trước giá dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi tắt là tài khoản trả trước) là tài khoản của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu giá để trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

6. Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông theo hình thức tự động không dừng, có gắn các thiết bị để nhận dạng thẻ đầu cuối và kết nối với trung tâm dữ liệu được xây dựng theo dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

7. Nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư dự án xây dựng, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

8. Nhà cung cấp dịch vụ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi tắt là nhà cung cấp dịch vụ thu giá) là đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thu giá điện tử tự động không dừng nhằm cung cấp dịch vụ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Điều 4. Nguyên tắc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng

1. Việc thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng không được làm tăng mức thu so với các hình thức thu hiện hành.

2. Bảo đảm quyền thụ hưởng giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các nhà đầu tư theo dự án đã được phê duyệt hoặc hợp đồng dự án đã được ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Bảo đảm việc tích hợp, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để phục vụ các mục tiêu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

5. Bảo đảm tính minh bạch của công tác thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

6. Bảo đảm yêu cầu về kết nối liên thông giữa các hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.

Chương II
THU GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ 
 ĐIỆN TỬ TỰ ĐỘNG KHÔNG DỪNG

Điều 5. Hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng

1. Hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng bao gồm các cấu thành sau:

a) Hệ thống điều hành trung tâm;

b) Trung tâm giám sát, bảo trì, chăm sóc khách hàng;

c) Trung tâm dịch vụ thẻ đầu cuối;

d) Trung tâm dữ liệu;

đ) Hệ thống đường truyền dữ liệu;

e) Hệ thống thiết bị lắp đặt tại trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ;

g) Thẻ đầu cuối gắn trên các phương tiện giao thông;

h) Các hệ thống, thiết bị khác bảo đảm hoạt động của hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng; bảo đảm kết nối liên thông giữa các hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.

2. Hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng phải được thiết kế, lắp đặt, xây dựng đồng bộ trên toàn quốc, bảo đảm vận hành liên tục, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và an toàn.

3. Việc thiết kế, lắp đặt, quản lý, vận hành hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng được thực hiện bởi nhà cung cấp dịch vụ thu giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lựa chọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Điều 6. Thiết kế, xây dựng, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng

1. Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng phải được thiết kế, xây dựng, vận hành theo Tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống thu phí điện tử, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật có liên quan; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối với trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đã hoặc đang được xây dựng trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực, nhà cung cấp dịch vụ thu giá có trách nhiệm thực hiện cải tạo hạ tầng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, lắp đặt hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Đối với các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ chưa được xây dựng, nhà đầu tư có trách nhiệm xây dựng hạ tầng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo đúng thiết kế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.

Điều 7. Thẻ đầu cuối gắn trên các phương tiện giao thông

1. Phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối theo tiêu chuẩn về nhận dạng tần số vô tuyến thụ động cho việc giao tiếp không dây.

2. Việc gắn thẻ đầu cuối phải được thực hiện tại các đơn vị Đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu giá ủy quyền. Nhà cung cấp dịch vụ thu giá có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để gắn thẻ đầu cuối cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng tham gia giao thông.

3. Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên. Khi thẻ đầu cuối bị mất, hỏng, chủ phương tiện được gắn thẻ đầu cuối mới và phải trả chi phí cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan hoặc do lỗi kỹ thuật.

Điều 8. Mở, sử dụng tài khoản trả trước

1. Nhà cung cấp dịch vụ thu giá mở tài khoản trả trước cho chủ phương tiện trên hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối.

2. Mỗi tài khoản trả trước có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện giao thông, nhưng mỗi phương tiện giao thông chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản.

3. Tài khoản trả trước được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu của hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng, bao gồm các thông tin sau:

a) Thông tin liên hệ của chủ phương tiện: Số chứng minh nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; mã số doanh nghiệp, địa chỉ nơi cư trú hoặc địa chỉ trụ sở chính; số điện thoại liên lạc và địa chỉ thư điện tử tiếp nhận chứng từ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng;

b) Mã số định danh của phương tiện giao thông được nhận chi trả từ tài khoản;

c) Thông tin cần thiết trên Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường: Tải trọng phương tiện, số chỗ ngồi, loại xe, biển số;

d) Số tiền trong tài khoản, lịch sử giao dịch của tài khoản.

4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi các thông tin quy định tại điểm a, điểm c khoản 3 Điều này, chủ phương tiện phải thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để cập nhật trên hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.

5. Khi có sự thay đổi thông tin quy định tại điểm c khoản 3 Điều này, đơn vị Đăng kiểm xe cơ giới phải cập nhật trên hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.

Điều 9. Nộp tiền vào tài khoản trả trước

1. Chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản trả trước để chi trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ bằng các hình thức sau:

a) Chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng các dịch vụ thanh toán của ngân hàng;

b) Sử dụng thẻ cào để nộp tiền qua tin nhắn điện thoại hoặc Trang thông tin điện tử của nhà cung cấp dịch vụ thu giá;

c) Nộp trực tiếp bằng tiền mặt tại các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu giá ủy quyền;

d) Thông qua đơn vị trung gian thanh toán;

đ) Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Trường hợp chủ phương tiện chưa nộp tiền vào tài khoản trả trước thì các giao dịch thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 10 của Quyết định này.

3. Nhà cung cấp dịch vụ thu giá tiến hành mở tài khoản trên hệ thống ngân hàng thương mại để tiếp nhận giá dịch vụ sử dụng đường bộ của chủ phương tiện khi lưu hành qua các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng; phát hành thẻ cào và ủy quyền cho các đại lý để phục vụ việc nộp tiền cho chủ phương tiện.

Điều 10. Xử lý các trường hợp miễn thu, thu theo tháng, theo quý và các trường hợp phát sinh

1. Phương tiện giao thông sử dụng vé phí dịch vụ sử dụng đường bộ toàn quốc được hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng nhận dạng và cho phép lưu thông qua các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ  điện tử tự động không dừng.

2. Phương tiện giao thông thuộc đối tượng được miễn thu theo lượt theo quy định của pháp luật, khi lưu thông qua trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng sẽ bị khấu trừ tiền trong tài khoản trả trước. Nhà cung cấp dịch vụ thu giá có trách nhiệm kiểm tra và hoàn trả lại tiền vào tài khoản trả trước cho chủ phương tiện trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch qua trạm thu giá.

3. Thu theo tháng, theo quý

a) Trường hợp chủ phương tiện có nhu cầu thanh toán giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo tháng hoặc quý cho một trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng cụ thể được đăng ký, nhà cung cấp dịch vụ thu giá tiến hành trừ tiền trong tài khoản của chủ phương tiện tại thời điểm đăng ký thanh toán theo tháng, quý.

b) Khi phương tiện giao thông đã đăng ký thanh toán giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo tháng, quý đi qua trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ được đăng ký, nhà cung cấp dịch vụ thu giá không trừ tiền trong tài khoản trả trước của chủ phương tiện. Ngoài việc trả theo tháng, quý cho trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cụ thể được đăng ký, chủ phương tiện phải duy trì đủ số dư tài khoản trả trước để đi qua các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng khác.

4. Xử lý các trường hợp phát sinh: Trong trường hợp phương tiện giao thông được gắn thẻ đầu cuối đi qua trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng mà tài khoản trả trước không đủ để chi trả, nhà cung cấp dịch vụ thu giá ghi nợ trên tài khoản và thông báo cho chủ phương tiện biết. Chủ phương tiện có nghĩa vụ nộp tiền vào tài khoản trả trước để thanh toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Hết thời hạn trên, nếu chủ phương tiện vẫn không nộp tiền để thanh toán thì nhà cung cấp dịch vụ thu giá sẽ từ chối cung cấp dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện, khởi kiện đối với chủ phương tiện  hoặc thực hiện việc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Thụ hưởng giá dịch vụ sử dụng đường bộ

1. Toàn bộ số tiền thu được tại mỗi trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng sẽ được nhà cung cấp dịch vụ thu giá hoàn trả cho nhà đầu tư để đảm bảo hoàn vốn theo quy định tại hợp đồng dự án sau khi trừ đi chi phí tổ chức thu theo hợp đồng cung cấp dịch vụ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.

2. Nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ thu giá có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế và hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Chứng từ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng

1. Chứng từ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng được phát hành dưới dạng chứng từ điện tử. Chứng từ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng phải có chữ ký điện tử của đơn vị phát hành theo quy định của pháp luật.

2. Không sử dụng chứng từ giấy cho việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.

Điều 13. Kiểm soát tải trọng xe

1. Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng lắp đặt thiết bị kiểm soát tải trọng xe phải thực hiện được việc kết nối, hiển thị các thông tin chi tiết về tải trọng của các phương tiện tham gia giao thông khi lưu hành qua trạm.

2. Thiết bị kiểm soát tải trọng xe phải được kiểm định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa vào sử dụng và được hiệu chuẩn, thử nghiệm định kỳ theo quy định của pháp luật.

3. Lực lượng chức năng có thẩm quyền được sử dụng kết quả thu được từ thiết bị kiểm soát tải trọng xe của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng làm căn cứ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Công bố lộ trình gắn thẻ đầu cuối và tổ chức thực hiện giám sát thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng, bảo đảm chính xác, khách quan và minh bạch.

2. Kiểm soát hoạt động của hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng theo quy định của pháp luật.

3. Hướng dẫn việc sử dụng, quản lý, kết nối dữ liệu từ hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng để phục vụ các công tác quản lý nhà nước; quy trình chuyển tiền giữa Nhà đầu tư và Nhà cung cấp dịch vụ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, giám sát việc thu hồi vốn của các dự án đầu tư.

4. Nghiên cứu để trình Chính phủ quy định về xử phạt các hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Điều 15. Trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng

Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện việc gắn thẻ đầu cuối cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh tham gia giao thông.

Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Chủ trì, phố hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn nhà cung cấp dịch vụ thu giá khởi tạo, phát hành và sử dụng chứng từ điện tử của việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.

Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông

1. Hướng dẫn việc sử dụng tần số vô tuyến điện cho hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng; bảo vệ tần số của thiết bị thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng và ứng phó khi có tình huống phát sinh gây mất an toàn thông tin.

2. Hướng dẫn, hỗ trợ nhà cung cấp dịch vụ thu giá trong việc đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng theo quy định của pháp luật.

3. Kiểm tra, giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu giá thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin có liên quan đến hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.

Điều 18. Trách nhiệm của chủ phương tiện giao thông đường bộ

1. Đưa phương tiện gắn thẻ đầu cuối tại lần kiểm định gần nhất hoặc trước khi đến hạn kiểm định theo lộ trình do Bộ Giao thông vận tải quy định hoặc ngay khi thẻ đầu cuối bị mất, hỏng.

2. Không được phá huỷ, làm giả, can thiệp vào nội dung thẻ đầu cuối, chuyển thẻ đầu cuối từ phương tiện giao thông này sang phương tiện giao thông khác.

3. Cung cấp thông tin để mở tài khoản trả trước giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng, khai báo và sửa đổi thông tin tài khoản khi có thay đổi; cung cấp các thông tin cần thiết để nhà cung cấp dịch vụ thu giá hoàn trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ vào tài khoản trả trước theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Quyết định này.

4. Thanh toán giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định.

5. Chấp hành các hướng dẫn về giao thông khi lưu thông qua trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng; không được đi vào làn thu điện tử tự động không dừng khi chưa thực hiện gắn thẻ đầu cuối.

6. Thông báo, kê khai việc sử dụng vé phí dịch vụ sử dụng đường bộ toàn quốc cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện việc cập nhật trong toàn bộ hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.

Điều 19. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

1. Triển khai thực hiện đồng bộ việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng đúng lộ trình quy định.

2. Tổ chức lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng, đảm bảo thống nhất, hiệu quả; thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ điện tử tự động không dừng; thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng theo quy định của pháp luật.

3. Chấp thuận mẫu hợp đồng dịch vụ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; hướng dẫn thực hiện việc phân phối số tiền thu được tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng cho nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ thu giá để đảm bảo thu hồi vốn cho các dự án.

4. Chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư điều chỉnh hợp đồng dự án để thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

5. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý các nội dung phát sinh theo thẩm quyền.

Điều 20. Trách nhiệm của nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Xây dựng hạ tầng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo Điều 6 Quyết định này; tạo điều kiện cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá cải tạo, lắp đặt thiết bị tại trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng theo Tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống thu phí điện tử, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật có liên quan và thiết kế kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi hợp đồng dự án nhằm bảo đảm thực hiện việc chuyển đổi sang hình thức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.

3. Ký hợp đồng dịch vụ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ với nhà cung cấp dịch vụ thu giá theo mẫu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

4. Ủy quyền cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá phát hành chứng từ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng cho chủ phương tiện tham gia giao thông.

5. Giám sát hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng của nhà cung cấp dịch vụ thu giá đối với dự án do nhà đầu tư quản lý, khai thác.

6. Bàn giao trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá theo lộ trình quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 22 của Quyết định này.

Điều 21. Trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ thu giá

1. Quản lý, vận hành hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng; thu đủ và đúng đối tượng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật; bảo đảm hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng vận hành liên tục, bảo vệ an toàn tuyệt đối thông tin cho hệ thống; không can thiệp làm sai lệch thông tin, dữ liệu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; bảo mật các thông tin cá nhân của chủ phương tiện theo quy định của pháp luật.

2. Xây dựng, cải tạo, lắp đặt hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng theo Điều 6 Quyết định này; hướng dẫn sử dụng, bảo hành thẻ đầu cuối; mở và quản lý tài khoản trả trước giá dịch vụ sử dụng đường bộ, tài khoản tiếp nhận theo quy định của pháp luật; lưu trữ thông tin tài khoản chủ phương tiện; cung cấp thông tin về số dư và lịch sử giao dịch theo yêu cầu của chủ tài khoản.

3. Thống nhất với nhà đầu tư ký hợp đồng dịch vụ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng, tiếp quản trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ kịp thời, đúng lộ trình bàn giao; phát hành chứng từ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng cho các chủ phương tiện tham gia giao thông theo ủy quyền của nhà đầu tư.

4. Thông báo kết quả thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tạo điều kiện để nhà đầu tư kiểm tra, giám sát hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.

5. Thông báo về các hành vi vi phạm pháp luật của chủ phương tiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

6. Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng định kỳ hàng quý và khi có sự cố phát sinh.

7. Không ngừng mở rộng hệ thống đại lý ủy quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc gắn thẻ đầu cuối đối với phương tiện giao thông.

8. Thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Bộ Giao thông vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

9. Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng cho nhà đầu tư nước ngoài.

10. Đảm bảo thực hiện việc kết nối liên thông, đối soát dữ liệu chính xác với các hệ thống thu giá điện tử tự động không dừng của nhà cung cấp dịch vụ thu giá khác.

Điều 22. Lộ trình bàn giao việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ

1. Đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên:

a) Chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện việc thu giá theo hình thức điện tử tự động không dừng theo quy định của Quyết định này. Lộ trình cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

b) Đối với trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ được xây dựng sau ngày 01 tháng 01 năm 2019, nhà đầu tư phải thực hiện bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ ngay sau khi được nghiệm thu, đưa vào sử dụng cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá.

2. Việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

3. Việc xây dựng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án đầu tư xây dựng mới được thực hiện theo quy định tại Quyết định này.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2017.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Trịnh Đình Dũng