Sign In

CHỈ THỊ CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Về việc tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

 

Năm 2004 và những tháng đầu năm 2005, các cấp, các ngành và các địa phương đã có nhiều cố gắng tích cực phòng cháy rừng, huy động hàng vạn lượt người và các trang thiết bị tham gia chữa cháy rừng, nhiều vụ cháy rừng đã được phát hiện, xử lý kịp thời, hạn chế được nhiều thiệt hại. Tuy vậy, tình hình cháy rừng xảy ra trong năm qua còn lớn, gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Trước thực trạng cháy rừng trong thời gian qua, cùng với những diễn biến phức tạp của thời tiết, cần phải tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời hơn.

 

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy và ứng phó kịp thời với những tình huống cháy rừng xảy ra năm 2006, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng yêu cầu:

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cấp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21/2002/CT-TTg, ngày 12/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, chủ động một số biện pháp trọng tâm sau đây:

- Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm trong quản lý, điều hành việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2004 - 2005, phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên, chỉ đạo, kiểm tra phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đến tận địa bàn cơ sở, chủ rừng, đảm bảo lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy chủ động chữa cháy rừng ngay từ ban đầu; Chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường các biện pháp kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng, đốt rừng trái phép làm nương rẫy; quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) rà soát quy chế, kế hoạch phối hợp, tổ chức tuần tra, bố trí lực lượng hỗ trợ các chốt kiểm soát, ngăn chặn, kiên quyết không cho các đối tượng không có phận sự vào những khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao trong thời kỳ cao điểm của mùa khô; hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc đốt nương rẫy ở những nơi được phép không để cháy lan ra các khu vực xung quanh.

- Chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình, báo địa phương tăng thời lượng cảnh báo nguy cơ cháy rừng, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng;

- Báo cáo kịp thời diễn biến tình hình cháy rừng ở địa phương với Ban chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân gây cháy rừng và chủ rừng thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng. Bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời, kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định tại thông tư số 62/2005/TTLT-BTC-BNN&PTNT của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính.

2. Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu cho cấp chính quyền có các giải pháp triển khai kịp thời, hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng cho các lực lượng tham gia chữa cháy rừng, các đơn vị chủ rừng và tổ đội quần chúng bảo vệ rừng.

Chỉ đạo các Hạt kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động tăng cường kiểm tra các chủ rừng trong các tháng mùa khô; giám sát, kiểm tra Kiểm lâm phụ trách địa bàn trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp lại các nông, lâm trường quốc doanh, triển khai ngay các phương án bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp thu hồi từ các nông, lâm trường quốc doanh, không để tình trạng rừng vô chủ.

Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng phải chịu trách nhiệm bảo vệ rừng được giao, cho thuê, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm về phòng cháy, chữa cháy rừng trên diện tích rừng được giao. Những chủ rừng có diện tích trên 500 ha phải tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

4. Cục kiểm lâm chủ trì, tham mưu giúp Ban Chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, đặc biệt là các vùng trọng điểm cháy rừng quốc gia. Tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng điều hành, phối hợp các biện pháp phòng ngừa, ứng phó trong những tình huống thời tiết khắc nghiệt, có khả năng xảy ra cháy rừng lớn để xử lý kịp thời, có hiệu quả, không để xảy ra cháy lớn trên diện rộng; Trên cơ sở kiểm tra, tổng hợp danh sách các địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm tức Chỉ thị số 21/2002/CT-TTg, báo cáo Bộ trưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có hình thức xử 1ý nghiêm minh.

Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam, nâng cao chất lượng và thời lượng dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong các tháng mùa khô.

Xây dựng và triển khai Dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng tại văn bản số 1213/TTg-NN, ngày 24 tháng 8 năm 2005.

Chỉ đạo các Trung tâm Kỹ thuật Bảo vệ rừng, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu các địa phương khi cần huy động, bố trí trực hỗ trợ chữa cháy rừng ở một số vùng trọng điểm; phối hợp với các địa phương tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho các lực lượng chữa cháy rừng.

Tổ chức trực cháy rừng 24/24 giờ trong ngày, thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi toàn quốc, báo cáo kịp thời và đề xuất lên Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng các giải pháp chỉ đạo, tổ chức triển khai để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Đề nghị các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị được phân công triển khai, thực hiện Phương án số 596/BNN-KL, ngày 23/03/2005 của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng về huy động lực lượng hỗ trợ chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn.

6. Đề nghị Bộ Công nghiệp chỉ đạo Tổng công ty giấy Việt Nam triển khai ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy cho các khu rừng trồng nguyên liệu giấy, đặc biệt là vùng rừng nguyên liệu tại tỉnh Kon Tum, không để tình trạng cháy rừng xảy ra như mùa khô 2004 - 2005.

7. Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng với chức năng nhiệm vụ của mình chủ động tổ chức thực hiện trách nhiệm được phân công, báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng cho Trưởng ban Ban Chỉ đạo./.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát