Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện một số tiêu chuẩn vật chất hậu cần

và chế độ chăm sóc y tế đối với người làm công tác cơ yếu

_______________________

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 32/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cơ yếu về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số tiêu chuẩn vật chất hậu cần và chế độ chăm sóc y tế đối với người làm công tác cơ yếu.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số tiêu chuẩn vật chất hậu cần, bao gồm: tiêu chuẩn ăn, tiêu chuẩn trang phục, tiêu chuẩn vật chất y tế và chế độ chăm sóc y tế đối với người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân hưởng lương theo bảng lương cấp hàm cơ yếu và bảng lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu (sau đây gọi tắt là người làm công tác cơ yếu) được hưởng các tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư này.

2. Người làm công tác cơ yếu là quân nhân, Công an nhân dân được hưởng tiêu chuẩn trang phục nghiệp vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

Điều 3. Tiêu chuẩn ăn của người làm công tác cơ yếu

Tiêu chuẩn ăn của người làm công tác cơ yếu quy định tại Điều 3 Nghị định số 32/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cơ yếu về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu (sau đây viết tắt là Nghị định số 32/2013/NĐ-CP) thực hiện như sau:

1. Tiêu chuẩn ăn của người làm công tác cơ yếu đảm nhiệm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

a) Mức 1: mức tiền ăn bằng 1,6 lần so với tiêu chuẩn ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh thuộc Quân đội nhân dân được áp dụng đối với người đang làm công việc sau:

Nấu lô, nấu sơn tổng hợp, keo quét, gắn phủ các loại tài liệu mật mã;

Vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị trong xe máy mã.

b) Mức 2: mức tiền ăn bằng 1,5 lần so với tiêu chuẩn ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh thuộc Quân đội nhân dân được áp dụng đối với người đang làm công việc sau:

Mã dịch mật mã;

Nghiên cứu, chế thử, thử nghiệm máy mật mã và sản xuất khóa mật mã;

Sản xuất mạch in của máy mật mã;

Nấu đúc, tẩy rửa chữ chì, chữ nhựa;

Vận hành máy in Typo, ốp sét in các loại tài liệu mật mã;

Đóng xén thủ công các loại tài liệu mật mã;

Thủ kho bảo quản, bốc xếp, tiếp nhận, cấp phát tài liệu, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật mật mã;

Vận hành công văn, tài liệu mật mã tối khẩn, hẹn giờ;

Thiêu hủy, vận hành hệ thống nghiền hủy các loại tài liệu, trang thiết bị kỹ thuật mật mã;

Sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, trang thiết bị kỹ thuật mật mã và máy mã;

Chế bản, in tài liệu kỹ thuật mật mã; chế bản điện tử cho sản xuất mạch in;

Kiểm tra các loại tài liệu, trang thiết bị kỹ thuật mật mã;

Vận hành, quản trị các hệ thống chứng thực điện tử; giám sát an ninh mạng cho các hệ thống công nghệ thông tin;

Sửa chữa cơ, điện bảo đảm cho sản xuất các loại tài liệu, trang thiết bị kỹ thuật mật mã;

Kiểm định, đánh giá các loại sản phẩm mật mã và máy mã.

c) Mức 3: mức tiền ăn bằng 1,3 lần so với tiêu chuẩn ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh thuộc Quân đội nhân dân được áp dụng đối với giáo viên giảng dạy nghiệp vụ kỹ thuật mật mã.

2. Mức ăn của người làm công tác cơ yếu bị thương, ốm đau điều trị

a) Người làm công tác cơ yếu bị thương, ốm đau điều trị tại bệnh xá, bệnh viện của Quân đội hoặc bệnh xá của Ban Cơ yếu Chính phủ được ăn theo tiêu chuẩn bệnh lý của quân nhân tại ngũ có cùng hệ số lương, cấp bậc, chức vụ và tương đương ở cùng thời điểm trên địa bàn;

b) Hàng năm, căn cứ vào đối tượng, tiêu chuẩn chế độ đối với người làm công tác cơ yếu quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 32/2013/NĐ-CP, Bộ Quốc phòng bảo đảm mức tiền ăn theo tiêu chuẩn bệnh lý tại bệnh xá, bệnh viện của Quân đội, Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm mức tiền ăn theo tiêu chuẩn bệnh lý tại bệnh xá của Ban Cơ yếu Chính phủ.

3. Mức ăn bồi dưỡng của người làm công tác cơ yếu

a) Người làm công tác cơ yếu trong thời gian tham gia chiến đấu, diễn tập, phòng, chống lụt bão, thiên tai, hỏa hoạn và tìm kiếm cứu nạn được ăn bồi dưỡng thêm bằng 0,8 lần so với tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh thuộc Quân đội nhân dân;

b) Người làm công tác cơ yếu trong thời gian tham gia huấn luyện nghiệp vụ kỹ thuật mật mã, ứng trực chiến đấu được ăn bồi dưỡng thêm bằng 0,5 lần so với tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh thuộc Quân đội nhân dân.

4. Khi tiêu chuẩn, mức tiền ăn của quân nhân tại ngũ điều chỉnh, tiêu chuẩn, mức tiền ăn của người làm công tác cơ yếu được điều chỉnh tương ứng.

Điều 4. Tiêu chuẩn trang phục của người làm công tác cơ yếu

1. Trang phục thường xuyên, trang phục niên hạn thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 32/2013/NĐ-CP.

2. Trang phục chống rét được trang bị cho người làm công tác cơ yếu tại vùng rét 1, vùng rét 2 được thực hiện như sau:

a) Vùng rét 1, áp dụng đối với người làm công tác cơ yếu làm việc tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh và các đảo thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Quảng Bình trở ra phía Bắc;

b) Vùng rét 2, áp dụng đối với người làm công tác cơ yếu làm việc tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc.

3. Trang phục nghiệp vụ

a) Áo blu cấp cho người trực tiếp làm công tác mã dịch, nghiên cứu, thử nghiệm kỹ thuật mật mã, sản phẩm mật mã;

b) Cặp nghiệp vụ cấp cho người hưởng lương theo bảng lương sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân và bảng lương cấp hàm cơ yếu có phụ cấp trách nhiệm bảo vệ cơ mật mật mã hệ số 0,3;

c) Quần áo dã ngoại, huấn luyện cấp cho người trực tiếp làm công tác huấn luyện, dã ngoại;

d) Giầy da cao cổ cấp cho người trực tiếp làm việc tại các tỉnh biên giới, các đảo.

4. Phương thức bảo đảm trang phục

a) Bảo đảm bằng hiện vật áp dụng đối với trang phục nghiệp vụ;

b) Bảo đảm bằng tiền hoặc bằng hiện vật áp dụng đối với trang phục thường xuyên, trang phục niên hạn và trang phục chống rét.

5. Cơ sở xác định giá trị trang phục thường xuyên, trang phục niên hạn và trang phục chống rét

a) Việc xác định giá trị từng loại trang phục của người làm công tác cơ yếu được xác định trên cơ sở tương ứng với chất lượng và giá quân phục của quân nhân tại ngũ;

b) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về giá của từng loại trang phục sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

c) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định việc điều chỉnh giá các loại trang phục khi giá nguyên vật liệu trang phục biến động dưới 20%; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh giá các loại trang phục khi giá nguyên vật liệu trang phục biến động từ 20% trở lên.

Điều 5. Tiêu chuẩn vật chất y tế của người làm công tác cơ yếu

1. Tiêu chuẩn vật chất y tế của người làm công tác cơ yếu thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 32/2013/NĐ-CP.

2. Kiểu dáng, màu sắc và quản lý sử dụng trang phục nghiệp vụ y tế thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 6. Chế độ chăm sóc y tế đối với người làm công tác cơ yếu

Chế độ chăm sóc y tế đối với người làm công tác cơ yếu quy định tại Điều 12 Nghị định số 32/2013/NĐ-CP thực hiện như sau:

1. Được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 năm 01 lần (đối với người làm công tác cơ yếu đảm nhiệm công việc được xếp loại lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 06 tháng 01 lần) và có hồ sơ sức khỏe được quản lý theo phân cấp quy định tại Khoản 7 Điều này.

2. Khi ốm đau, tai nạn, thai sản được khám bệnh, chữa bệnh và chuyển tuyến chuyên môn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y như đối với quân nhân có cùng cấp bậc và mức lương tương đương.

3. Cán bộ có mức lương tương đương từ cấp bậc quân hàm Thượng tá trở lên được khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn dành cho cán bộ cấp cao.

4. Khi vượt quá khả năng điều trị, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y được phép chuyển bệnh nhân về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y tuyến trên hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của nhà nước và tư nhân không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng có khả năng điều trị. Trong trường hợp này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

5. Khi đi công tác, đi phép bị ốm đau, tai nạn, thai sản được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y gần nhất; trường hợp ở nơi không có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y, được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của nhà nước và tư nhân không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng. Đối với các trường hợp cấp cứu, chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị đến khi ổn định và xét thấy không cần thiết phải chuyển lên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y tuyến trên, chuyển người bệnh trở lại tuyến điều trị đã đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để điều trị tiếp.

6. Mức thanh toán, hồ sơ và thủ tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của nhà nước và tư nhân không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều này (kể cả chi phí vận chuyển bệnh nhân) thực hiện theo quy định như đối với quân nhân khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở dân y quy định tại Quyết định số 105/2008/QĐ-BQP ngày 11 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở dân y. Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của nhà nước và tư nhân không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng do đơn vị quản lý, chăm sóc sức khỏe người làm công tác cơ yếu theo phân cấp quy định tại Khoản 7 Điều này chi trả.

7. Cơ quan y tế thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý, chăm sóc sức khỏe người làm công tác cơ yếu tại Ban Cơ yếu Chính phủ và các Bộ, ngành trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; cơ quan quân y thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, chăm sóc sức khỏe người làm công tác cơ yếu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành trên cùng địa bàn; quân y Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, chăm sóc sức khỏe người làm công tác cơ yếu tại các huyện, quận trên cùng địa bàn.

Điều 7. Hồ sơ, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh

1. Người làm công tác cơ yếu đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y thuộc tuyến điều trị đã đăng ký phải xuất trình các giấy tờ sau:

a) Giấy giới thiệu đi khám bệnh, chữa bệnh do y tế đơn vị cấp theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy giới thiệu đi khám bệnh, chữa bệnh phải đảm bảo đúng người, đúng đối tượng theo quy định và phải chịu trách nhiệm về pháp lý của các giấy tờ đó. Khi có thay đổi về nhân sự, con dấu đã đăng ký phải thông báo kịp thời cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến biết;

b) Thẻ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Ban Cơ yếu Chính phủ cấp, quản lý thống nhất thẻ khám bệnh, chữa bệnh trong lực lượng cơ yếu.

Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư này.

2. Trường hợp cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đăng ký khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, trước khi ra viện phải hoàn tất các thủ tục theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Thủ tục chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của nhà nước và tư nhân không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về việc chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Điều 8. Kinh phí bảo đảm

Kinh phí thực hiện tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu quy định tại Thông tư này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Hàng năm, cơ quan, đơn vị có sử dụng người làm công tác cơ yếu xây dựng dự toán kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Điều 9. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc văn bản đã sửa đổi, bổ sung.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Quốc phòng

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu theo quy định tại Thông tư này;

b) Tiếp nhận kinh phí để tổ chức bảo đảm thực hiện khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu; quản lý, đăng ký, thống kê tình hình khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị hàng tháng đối với người làm công tác cơ yếu theo quy định tại Thông tư này và quy định của Bộ Quốc phòng;

c) Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức in, cấp thẻ khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu; dự toán kinh phí bảo đảm khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu tại Ban Cơ yếu Chính phủ và kinh phí bảo đảm in, cấp thẻ khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu;

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Thông tư này và giải quyết các vướng mắc, phát sinh.

2. Bộ Y tế

a) Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức việc khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu theo quy định hiện hành và quy định tại Thông tư này;

b) Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Thông tư này và giải quyết các vướng mắc, phát sinh.

3. Bộ Tài chính

a) Căn cứ đề nghị của Bộ, ngành, địa phương có sử dụng người làm công tác cơ yếu, tổng hợp kinh phí, bảo đảm ngân sách thực hiện tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Thông tư này và giải quyết các vướng mắc, phát sinh.

4. Bộ, ngành, địa phương có sử dụng người làm công tác cơ yếu

a) Lập dự toán ngân sách hàng năm, tổ chức thực hiện bảo đảm tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu theo quy định tại Thông tư này; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan giải quyết các vướng mắc, phát sinh tại Bộ, ngành, địa phương;

b) Lập danh sách, đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp thẻ khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm công tác cơ yếu thuộc cơ quan, đơn vị quản lý;

c) Đăng ký nơi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y với cơ quan quân sự huyện, quận, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y theo tuyến đăng ký của người làm công tác cơ yếu;

d) Giới thiệu con dấu và chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có sử dụng người làm công tác cơ yếu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y theo tuyến điều trị.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2014.

2. Tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2013.

3. Thông tư này thay thế:

a) Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLT-BNV-BTC ngày 07 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 01/2009/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với người đang làm công tác cơ yếu;

b) Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BQP-BYT-BTC ngày 12 tháng 01 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 135/2007/TTLT-BQP-BYT-BTC ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 153/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định về khám bệnh, chữa bệnh và tiêu chuẩn vật chất về y tế đối với người đang làm công tác cơ yếu; thực hiện Bảo hiểm y tế bắt buộc đối với thân nhân người đang làm công tác cơ yếu;

c) Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Mục II Thông tư liên tịch số 135/2007/TTLT-BQP-BYT-BTC ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 153/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định về khám bệnh, chữa bệnh và tiêu chuẩn vật chất về y tế đối với người đang làm công tác cơ yếu; thực hiện Bảo hiểm y tế bắt buộc đối với thân nhân người đang làm công tác cơ yếu.

4. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về liên Bộ (qua Ban Cơ yếu Chính phủ) để phối hợp với liên Bộ xem xét, giải quyết./.

 

Bộ Quốc phòng

Bộ Tài chính

Bộ Y tế

Bộ trưởng

Bộ trưởng

Bộ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Đại tướng Phùng Quang Thanh

Đinh Tiến Dũng

Nguyễn Thị Kim Tiến