THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 50/2008/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 4 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ TẠI CỬA KHẨU CẢNG BIỂN
________________________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ Nghị định số 50/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển;
Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Xét đề nghị của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng,
THÔNG TƯ:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn chi tiết hoạt động của người, tàu, thuyền Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và chuyển cảng; thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng và các hoạt động khác liên quan đến an ninh, trật tự; trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng cho cá nhân, tổ chức, tàu, thuyền và các phương tiện khác của Việt Nam và nước ngoài hoạt động tại cửa khẩu cảng biển, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Cảng quân sự
1. Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 50/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển (sau đây viết tắt là Nghị định số 50/2008/NĐ-CP).
2. Cảng quân sự được phép của Chính phủ phục vụ mục đích thương mại thì áp dụng các quy định của Nghị định số 50/2008/NĐ-CP các quy định khác của pháp luật có liên quan đối với cảng thương mại và nội quy của cảng quân sự.
Điều 4. Khu vực cửa khẩu cảng biển
1. Khu vực cửa khẩu cảng biển thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 50/2008/NĐ-CP.
2. Phạm vi cụ thể của vùng đất cảng, vùng nước cảng do cơ quan có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật; phạm vi vùng đất cảng do cơ quan có thẩm quyền về đất đai quyết định theo quy định của pháp luật về đất đai; phạm vi vùng nước cảng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố theo quy định của Bộ luật Hàng hải.
3. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu cảng biển, gồm: Cảng vụ hàng hải, Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải quan cửa khẩu cảng, Kiểm dịch y tế, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật được bố trí lực lượng, lắp đặt các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật tại khu vực cửa khẩu cảng biển. Việc bố trí lực lượng, lắp đặt các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu cảng biển do cơ quan chủ quản của ngành đó quyết định, nhưng không được làm sản trở đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp cảng.
Chương 2.
THỦ TỤC BIÊN PHÒNG
Điều 5. Thời hạn thực hiện thủ tục biên phòng
1. Thời hạn thực hiện thủ tục biên phòng theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 50/2008/NĐ-CP.
2. Đối với tàu, thuyền neo đậu xa địa điểm làm thủ tục, theo đề nghị của người làm thủ tục, Biên phòng cửa khẩu cảng thống nhất với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành làm thủ tục trước từ 02 giờ đến 24 giờ trước khi tàu, thuyền rời cảng.
3. Sau khi hoàn thành thủ tục, Biên phòng cửa khẩu cảng tiếp tục thực hiện kiểm tra, giám sát biên phòng đối với người, tàu, thuyền theo quy định của pháp luật.
4. Sau 24 giờ kể từ thời điểm tàu, thuyền đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh mà vẫn còn lưu lại cảng thì phải làm lại thủ tục xuất cảnh.
Điều 6. Địa điểm làm thủ tục biên phòng
Địa điểm làm thủ tục biên phòng cụ thể như sau:
1. Tại trụ sở chính hoặc Văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải;
2. Tại trụ sở Biên phòng cửa khẩu cảng đối với những cửa khẩu cảng biển đã thiết lập mạng khai báo điện tử;
3. Tại tàu, gồm:
a) Tàu khách;
b) Trường hợp có đủ cơ sở để nghi ngờ tính xác thực khai báo về kiểm dịch của chủ tàu hoặc trước khi đến Việt Nam, tàu, thuyền đó rời cảng cuối cùng ở những khu vực có dịch bệnh của người, động vật và thực vật thì tiến hành thủ tục tại vùng kiểm dịch.
Tất cả các trường hợp làm thủ tục biên phòng tại tàu, Biên phòng cửa khẩu cảng phải thông báo cho Cảng vụ hàng hải và người làm thủ tục biết.
Điều 7. Trách nhiệm của Biên phòng cửa khẩu cảng khi làm thủ tục biên phòng cho người, tàu, thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và chuyển cảng
1. Nắm chắc tình hình, tiếp nhận các thông tin về kế hoạch tàu đến và rời cảng, địa điểm neo đậu, thời gian xếp dỡ hàng hóa, việc chấp hành pháp luật của chủ phương tiện, thuyền viên, nhân viên, hành khách để chủ động bố trí lực lượng tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
2. Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giấy tờ xuất, nhập cảnh của tàu, thuyền, thuyền viên, hành khách và kiểm chứng theo quy định. Các giấy tờ mà người làm thủ tục xuất trình thì sau khi kiểm tra phải trả lại ngay, trừ trường hợp có quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với giấy tờ đó để đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính hoặc tạm giữ giấy tờ cho đến khi cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt.
3. Tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền và làm thủ tục cấp phép đi bờ tham quan du lịch, cấp cứu, khám chữa bệnh, xin cấp thị thực cho thuyền viên, hành khách theo đề nghị của thuyền trưởng.
4. Khi phát hiện hành vi vi phạm trong khi tiến hành làm thủ tục, Biên phòng cửa khẩu cảng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008; trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính thì Trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm của người làm thủ tục khi làm thủ tục biên phòng cho người, tàu, thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và chuyển cảng
1. Khai, nộp và xuất trình các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật.
2. Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến tàu, thuyền, thuyền viên, hành khách, hàng hóa trên tàu. Khi phát hiện người trốn trên tàu, thuyền, thuyền trưởng phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết, tùy theo từng trường hợp và điều kiện cụ thể, lập hồ sơ bảo vệ chứng cứ, quản lý người trốn trên tàu, thuyền, trường hợp cần thiết có quyền tạm giữ người theo quy định của pháp luật, đồng thời báo ngay cho Biên phòng cửa khẩu cảng để phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác đang hoạt động tại cửa khẩu cảng biển để xử lý theo thẩm quyền.
3. Thực hiện các quyết định và yêu cầu của Biên phòng cửa khẩu cảng trong việc làm thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng đối với tàu, thuyền, thuyền viên, hành khách, hàng hóa và phương tiện cấm dùng.
4. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Thủ tục biên phòng đối với người, tàu, thuyền nhập cảnh
1. Khi làm thủ tục nhập cảnh, người làm thủ tục phải nộp và xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng các giấy tờ sau:
a) Giấy tờ phải nộp (01 bản chính):
- Bản khai chung;
- Danh sách thuyền viên;
- Danh sách hành khách (nếu có);
- Bản khai hàng hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ (nếu có) – (Phụ lục I và II kèm theo Thông tư này);
- Bản khai người trốn trên tàu (nếu có) – (Phụ lục III kèm theo Thông tư này).
b) Giấy tờ phải xuất trình (bản chính):
- Sổ thuyền viên;
- Hộ chiếu thuyền viên hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu;
- Hộ chiếu của hành khách hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu;
2. Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Thông tư này; kiểm tra trạng thái bảo quản hàng hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ và thực hiện niêm phong đối với vũ khí, vật liệu nổ của tàu.
Điều 10. Thủ tục biên phòng đối với người, tàu, thuyền xuất cảnh
1. Khi làm thủ tục xuất cảnh, người làm thủ tục phải nộp và xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng các giấy tờ sau:
a) Giấy tờ phải nộp (01 bản chính):
- Bản khai chung;
- Danh sách thuyền viên;
- Danh sách hành khách (nếu có);
- Bản khai hàng hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ (nếu có) – (Phụ lục I và II kèm theo Thông tư này);
- Bản khai người trốn trên tàu (nếu có) – (Phụ lục III kèm theo Thông tư này).
b) Giấy tờ phải xuất trình (bản chính):
- Hộ chiếu thuyền viên hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu;
- Hộ chiếu của hành khách hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu;
2. Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Thông tư này và kiểm tra dấu niêm phong đối với hàng hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ, thu hồi các loại giấy tờ mà Biên phòng cửa khẩu cảng đã cấp cho tàu, thuyền, thuyền viên, hành khách.
Điều 11. Thủ tục biên phòng đối với tàu, thuyền quá cảnh
1. Thủ tục tại cửa khẩu cảng nhập cảnh và cửa khẩu cảng xuất cảnh thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư này.
2. Trên đường quá cảnh, thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm quản lý thuyền viên, hành khách và hàng hóa trên tàu, thuyền; giữ nguyên trạng thái niêm phong và hồ sơ biên phòng từ cửa khẩu cảng nhập cảnh đến cửa khẩu cảng xuất cảnh.
Điều 12. Thủ tục biên phòng đối với tàu, thuyền chuyển cảng
1. Tàu, thuyền đã làm thủ tục nhập cảnh ở một cảng của Việt Nam, sau đó đến cảng khác (chuyển cảng) thì không làm thủ tục nhập cảnh. Sau khi nhận được thông báo bằng văn bản về thời gian, mục đích tàu, thuyền chuyển cảng, tên cảng sẽ đến, dự kiến thay đổi về thuyền viên, hành khách, Biên phòng cửa khẩu cảng nơi đến chỉ yêu cầu thuyền trưởng nộp hồ sơ chuyển cảng của Biên phòng cửa khẩu cảng nơi tàu, thuyền rời cảng trước đó.
2. Căn cứ hồ sơ chuyển cảng do Biên phòng cửa khẩu cảng nơi tàu, thuyền rời cảng trước đó cung cấp, Biên phòng cửa khẩu cảng nơi tàu, thuyền đến thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý của mình theo quy định của pháp luật, tiếp nhận hồ sơ chuyển cảng và thông báo cho Biên phòng cửa khẩu cảng nơi đi về tình hình chấp hành pháp luật của thuyền viên, tàu, thuyền chuyển cảng. Thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm quản lý thuyền viên, hành khách và hàng hóa trên tàu, thuyền; giữ nguyên trạng thái niêm phong và hồ sơ chuyển cảng của Biên phòng cửa khẩu cảng nơi tàu, thuyền rời cảng trước đó.
Điều 13. Thủ tục biên phòng đối với tàu, thuyền mang cờ của quốc gia có chung biên giới với Việt Nam
1. Tàu, thuyền có trọng tải từ 200 DWT trở xuống mang cờ của quốc gia có chung biên giới với Việt Nam khi đến cảng biển tại khu vực biên giới của Việt Nam với quốc gia đó, người làm thủ tục phải nộp và xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng các giấy tờ sau:
a) Giấy tờ phải nộp (01 bản chính):
- Danh sách hành khách (nếu có);
- Bản khai hàng hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ (nếu có) – (Phụ lục I và II kèm theo Thông tư này);
- Bản khai người trốn trên tàu (nếu có) – (Phụ lục III kèm theo Thông tư này).
b) Giấy tờ phải xuất trình:
Hộ chiếu hoặc các loại giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của thuyền viên, hành khách theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế đã được ký kết giữa Việt Nam và quốc gia đó.
2. Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Thông tư này; kiểm tra trạng thái bảo quản hàng hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ và thực hiện niêm phong đối với vũ khí, vật liệu nổ không thuộc diện hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Điều 14. Thủ tục biên phòng đối với tàu khách du lịch
1. Thực hiện thủ tục nhập, xuất cảnh theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư này.
2. Khi đón khách du lịch đường biển tại cảng, các công ty du lịch phải nộp cho Biên phòng cửa khẩu cảng các giấy tờ sau:
a) 01 bản chính Chương trình du lịch cho khách;
b) 01 bản sao Giấy phép kinh doanh (lần đầu);
c) 01 bản sao Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (lần đầu).
d) 01 bản chính Danh sách duyệt nhân sự của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an cho phép hành khách nhập cảnh Việt Nam (trừ những khách mang hộ chiếu đã có thị thực Việt Nam và những khách mang hộ chiếu thuộc diện miễn thị thực nhập, xuất cảnh Việt Nam).
3. Khách du lịch đường biển được cấp thị thực hoặc Giấy phép tham quan du lịch theo quy định của pháp luật Việt Nam về xuất, nhập cảnh.
4. Đối với tàu khách du lịch quốc tế được phép chở khách du lịch nội địa giữa các cảng trong nước trước khi tàu thực hiện đón khách tại cảng, người làm thủ tục phải nộp cho Biên phòng cửa khẩu cảng các loại giấy tờ sau:
a) Bản sao các giấy phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cho phép đón khách du lịch nội địa giữa các cảng trong nước.
b) Công ty du lịch phải nộp cho Biên phòng cửa khẩu cảng Chương trình du lịch cho khách nội địa và Danh sách hành khách.
c) Khách du lịch nội địa xuống tàu phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (đối với khách là người nước ngoài); Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (người Việt Nam) và Giấy phép đi bờ cấp cho hành khách có dấu xác nhận của Biên phòng cửa khẩu cảng.
d) Khách du lịch nội địa khi rời tàu phải nộp lại cho Biên phòng cửa khẩu cảng giấy phép đi bờ được cấp.
Điều 15. Thủ tục biên phòng đối với tàu buồm
1. Thuyền viên, hành khách đi trên các tàu buồm phải có thị thực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp khi nhập cảnh (trừ trường hợp được miễn thị thực).
2. Những trường hợp không có thị thực, Biên phòng cửa khẩu cảng cấp thị thực theo quy định.
Điều 16. Đối với tàu, thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa
1. Tàu, thuyền hoạt động tuyến nội địa không phải làm thủ tục biên phòng khi đến và rời cảng, nhưng phải đăng ký đến, đi và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng.
2. Khi đăng ký đến, đi cho tàu, thuyền hoạt động tuyến nội địa, thuyền trưởng phải nộp và xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng các giấy tờ sau:
a) Giấy tờ phải nộp:
- Danh sách thuyền viên;
- Danh sách hành khách (nếu có).
b) Giấy tờ phải xuất trình:
- Sổ thuyền viên;
- Hộ chiếu thuyền viên hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu;
- Hộ chiếu của hành khách hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.
Điều 17. Đối với cảng chuyên dùng
1. Cảng chuyên dùng do Bộ Giao thông vận tải công bố, là cảng dành riêng cho doanh nghiệp để xuất khẩu, nhập khẩu một loại mặt hàng nhất định của chính doanh nghiệp đó.
2. Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện thủ tục, kiểm tra giám sát biên phòng khi có tàu, thuyền Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh; việc làm thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng do Biên phòng cửa khẩu nơi gần cảng nhất thực hiện tại cảng.
Điều 18. Đối với cảng thủy nội địa có tiếp nhận tàu, thuyền nước ngoài
Tại các cảng thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải công bố cho phép tiếp nhận tàu, thuyền nước ngoài ra, vào xếp dỡ hàng hóa; việc thực hiện thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Thủ tục biên phòng điện tử
1. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đăng ký, cấp địa chỉ thư tín điện tử cho các đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng đã thiết lập khai báo thủ tục biên phòng điện tử để tiếp nhận và gửi các thông tin theo quy định; quy định mẫu khai báo thủ tục biên phòng điện tử và hướng dẫn quy trình khai báo, xác nhận thủ tục biên phòng điện tử. Biên phòng cửa khẩu cảng thông báo địa chỉ thư tín điện tử cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết để thực hiện.
2. Cảng vụ hàng hải, doanh nghiệp cảng và người làm thủ tục cho tàu, thuyền thông báo cho Biên phòng cửa khẩu cảng qua mạng các thông tin liên quan đến tàu, thuyền, hàng hóa, danh sách thuyền viên, danh sách hành khách (nếu có) dự kiến thời gian đến và rời cảng.
3. Các thông tin qua mạng phục vụ cho việc giải quyết thủ tục nhanh trước khi tiếp nhận các văn bản chính thức. Khi tiếp nhận các thông tin qua mạng, Biên phòng cửa khẩu cảng phải thẩm định chính xác, xét thấy đủ điều kiện có thể cho phép tàu, thuyền thực hiện các hoạt động bốc xếp hàng hóa và các hoạt động kỹ thuật. Thuyền viên chỉ được phép đi bờ sau khi hoàn thành thủ tục kiểm tra hộ chiếu và được cấp giấy phép đi bờ.
Chương 3.
KIỂM TRA, GIÁM SÁT BIÊN PHÒNG
Điều 20. Trách nhiệm của Biên phòng cửa khẩu cảng
1. Tại cầu cảng và vùng nước cảng
a) Kiểm tra, kiểm soát, giám sát các tàu, thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và chuyển cảng.
b) Phối hợp với Cảng vụ hàng hải nắm các thông tin về tàu, thuyền nội địa neo đậu, làm hàng tại cảng, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của người, tàu, thuyền, hàng hóa tại khu vực cửa khẩu cảng; đăng ký đầy đủ, chính xác vào sổ nhật ký tình hình các hoạt động của người lên, xuống tàu; ra, vào khu vực cửa khẩu cảng, phương tiện cập mạn theo giấy phép được cấp.
c) Kiểm tra, kiểm soát, giám sát mọi hoạt động của người, phương tiện trong khu vực cửa khẩu cảng biển; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
d) Chủ trì việc thực hiện Quy chế khu vực biên giới biển, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xâm nhập, vượt biên phá hoại an ninh, trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đấu tranh chống buôn bán vận chuyển ma túy, vũ khí, chất nổ, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa vật phẩm cấm và các hành vi vi phạm pháp luật khác qua cửa khẩu cảng biển.
2. Tại cổng cảng
a) Kiểm tra, đăng ký các loại giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp cho người xuống tàu, thuyền nước ngoài neo đậu tại cảng và rời tàu nước ngoài đang neo đậu tại cảng để vào nội địa.
b) Kiểm tra, kiểm soát đối với thuyền viên, hành khách hoàn thành thủ tục nhập cảnh để hồi hương qua cửa khẩu khác và người đã nhập cảnh qua cửa khẩu khác xuống tàu để xuất cảnh.
c) Kiểm tra, kiểm soát, đăng ký giấy phép đi bờ của thuyền viên đối với thuyền viên nước ngoài đi bờ và trở về tàu.
d) Phối hợp với bảo vệ cảng để quản lý, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào cửa khẩu cảng và các đối tượng khác hoạt động trong khu vực cửa khẩu cảng.
Điều 21. Giám sát biên phòng trực tiếp trên tàu, thuyền
1. Việc giám sát biên phòng trực tiếp trên tàu, thuyền thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 50/2008/NĐ-CP.
2. Khi cần thiết, Biên phòng cửa khẩu cảng có thể tổ chức giám sát hành trình tàu, thuyền chuyển cảng đến các cảng khác trong nước.
Điều 22. Đối với khu phi thuế quan trong khu vực cửa khẩu cảng biển
Người, phương tiện ra, vào hoạt động tại khu phi thuế quan trong khu vực cửa khẩu cảng biển phải chấp hành các quy định của Nghị định số 50/2008/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.
Chương 4.
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XUỐNG TÀU, THUYỀN, ĐI BỜ VÀ VÀO KHU VỰC CỬA KHẨU CẢNG BIỂN
Điều 23. Giấy tờ xuống tàu, thuyền nước ngoài
1. Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 50/2008/NĐ-CP
2. Giấy phép xuống tàu do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp cho người Việt Nam và người nước ngoài (trừ cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu cảng biển đang thực hiện nhiệm vụ và thuyền viên thuộc định biên thuyền bộ và hành khách đi theo tàu) để làm việc hoặc tiến hành các hoạt động khác trong thời gian tàu, thuyền neo đậu trong khu vực cửa khẩu cảng biển.
3. Giấy phép xuống tàu gồm có:
a) Giấy phép xuống tàu cấp cho người Việt Nam và người nước ngoài thuộc các cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên xuống các tàu nước ngoài làm việc, thời hạn không quá 12 tháng (Phụ lục IV kèm theo Thông tư này).
b) Giấy phép xuống tàu cấp cho người Việt Nam và người nước ngoài xuống các tàu nước ngoài đang neo đậu tại cửa khẩu cảng để làm việc, thời hạn giấy phép xuống tàu không quá 03 tháng (Phụ lục V kèm theo Thông tư này).
c) Giấy phép cấp cho người Việt Nam và người nước ngoài thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, hàng hóa và thực hiện các dịch vụ khác có liên quan đến tàu thuyền nước ngoài trong khu vực cửa khẩu cảng biển, Giấy phép có giá trị 01 lần (Phụ lục VI kèm theo Thông tư này).
d) Khi đến làm việc hoặc thực hiện các hoạt động trên, người được cấp giấy phép phải xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng và chịu sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng. Thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm về việc để những người không có trách nhiệm xuống tàu.
4. Việc thu lệ phí các loại giấy phép trên thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 24. Thuyền viên nước ngoài đi bờ
1. Thuyền viên nước ngoài đi bờ thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 50/2008/NĐ-CP.
2. Trong thời gian tàu, thuyền neo đậu tại cửa khẩu cảng biển, thuyền viên nước ngoài được phép đi bờ trong phạm vi nội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cửa khẩu cảng biển mà tàu, thuyền neo đậu. Trường hợp đi ra ngoài phạm vi nói trên hoặc xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam qua các cửa khẩu khác phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.
3. Thời gian đi bờ từ 07 giờ đến 24 giờ trong ngày, nếu đi tham quan, du lịch, cấp cứu, chữa bệnh … sẽ được gia hạn thời gian theo từng trường hợp cụ thể.
4. Giấy phép đi bờ (Thẻ đi bờ- SHOREPASS – Phụ lục VII kèm theo Thông tư này) do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp cho thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tàu, thuyền nước ngoài; thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tàu, thuyền Việt Nam, có giá trị 01 lần trong thời gian tàu, thuyền neo đậu tại cảng.
5. Việc xin phép đi bờ cho thuyền viên được ghi tại mục ghi chú của Bản khai chung. Trong trường hợp thuyền viên có nhu cầu đi bờ như chưa đăng ký tại mục ghi chú của Bản khai chung, thuyền trưởng thông qua đại lý để xin cấp Giấy phép đi bờ. Thuyền viên nghỉ qua đêm trên bờ phải có đơn xin phép của thuyền trưởng và được Biên phòng cửa khẩu cảng cấp giấy phép.
6. Trong thời gian tàu, thuyền neo đậu tại cửa khẩu cảng biển, thuyền viên nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam sẽ bị cấm đi bờ, trường hợp đi bờ có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.
7. Việc thu lệ phí giấy phép đi bờ thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 25. Giấy tờ của người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cửa khẩu cảng biển
1. Khi đến làm việc, hoạt động tại cửa khẩu cảng biển, người nước ngoài phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu, giấy phép do Công an cấp tỉnh trở lên cấp và chịu sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng.
2. Trường hợp người nước ngoài đi trong đoàn của các cơ quan, tổ chức Việt Nam đến khu vực cửa khẩu cảng biển thì cơ quan, tổ chức đó phải lập danh sách người nước ngoài đi cùng, thông báo cho Biên phòng cửa khẩu cảng và chịu sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng.
Chương 5.
TRÁCH NHIỆM HƯỚNG DẪN VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ
Điều 26. Trách nhiệm của Biên phòng cửa khẩu cảng
1. Chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu cảng biển, doanh nghiệp cảng và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại cửa khẩu cảng biển.
2. Bố trí, sử dụng lực lượng và các loại phương tiện, vũ khí, khí tài, kỹ thuật quân sự, công cụ hỗ trợ, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, nắm chắc tình hình quản lý địa bàn, đối tượng, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực cửa khẩu cảng biển.
3. Triển khai lực lượng làm thủ tục, kiểm tra, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu cảng biển; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động của người, tàu, thuyền Việt Nam, nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và chuyển cảng.
4. Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
5. Thực hiện công tác đối ngoại biên phòng theo quy định của pháp luật.
6. Phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý những hành vi vi phạm các quy định của Nghị định số 50/2008/NĐ-CP Quy chế khu vực biên giới biển, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
7. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có lực lượng hoạt động tại cửa khẩu cảng biển, doanh nghiệp cảng xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự và giải quyết các vụ việc xảy ra có liên quan đến các ngành tại cửa khẩu cảng biển.
8. Định kỳ tổ chức giao ban với các lực lượng chức năng, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu cảng biển, doanh nghiệp cảng và chính quyền địa phương thông báo tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại cửa khẩu cảng biển.
Điều 27. Trách nhiệm của Doanh nghiệp cảng
1. Bảo đảm để Biên phòng cửa khẩu cảng được sử dụng cổng cảng, các công trình thiết bị tại cảng để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng.
2. Thông báo cho Biên phòng cửa khẩu cảng bằng văn bản các kế hoạch, tình hình hoạt động của cảng, cung cấp các số liệu theo yêu cầu của Biên phòng cửa khẩu cảng và phối hợp trong việc quản lý cán bộ, công nhân viên của cảng bảo đảm an ninh, trật tự tại cảng.
3. Chấp hành các quy định của pháp luật về thủ tục biên phòng đối với người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm các điều kiện an ninh, trật tự tại khu vực cầu cảng nơi tàu cập cầu bốc dỡ hàng hóa hoặc đón trả hành khách.
Chương 6.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 28. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 03 tháng 03 năm 2010 và thay thế Quyết định số 167/2004/QĐ-BQP ngày 13 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng tại các cảng biển và cảng chuyên dùng.
Điều 29. Tổ chức thực hiện
Tư lệnh Bộ đội biên phòng có trách nhiệm:
1. Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cửa khẩu cảng biển, chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt nội dung Nghị định số 50/2008/NĐ-CP và Thông tư này đến các cấp, các ngành ở địa phương; tuyên truyền phổ biến sâu rộng tới quần chúng nhân dân, nhất là quần chúng nhân dân trong khu vực cửa khẩu cảng biển và khu vực biên giới biển để thực hiện thống nhất.
2. Chủ trì, phối hợp với Cục Tài chính Bộ Quốc phòng, các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính nghiên cứu trình Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính bổ sung danh mục lệ phí cấp các loại giấy phép quy định tại Điều 17 và Điều 18 Nghị định 50/2008/NĐ-CP của Chính phủ.