Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về đặt và quản lý báo hiệu đường thủy nội địa

 tại khoang thông thuyền các cầu vượt sông trên không

____________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông ngày 02 tháng 12 năm 1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 40/CP ngày 05 tháng 7 năm 1996 và Nghị đinh số 77/1998/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế vận tải Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định việc đặt và quản lý báo hiệu đường thủy nội địa tại khoang thông thuyền của các cầu vượt sông trên không như sau:

1. Khi xây dựng mới các cầu vượt sông trên không, chủ công trình cầu có trách nhiệm thanh thải chướng ngại vật dưới lòng sông sau khi thi công và lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa tại khoang thông thuyền (dưới đây gọi tắt là báo hiệu) theo hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thủy nội địa.

Khi nghiệm thu đưa cầu vào hoạt động, chủ công trình cầu có trách nhiệm bàn giao báo hiệu và hồ sơ rà quét thanh thải chướng ngại vật dưới lòng sông trong phạm vi bảo vệ cầu cho đơn vị quản lý đường thủy nội địa quản lý.

2. Đối với các cầu hiện có, do lịch sử để lại, chưa có hoặc chưa đủ báo hiệu theo quy định thì đơn vị quản lý đường thủy nội địa có trách nhiệm lắp đặt bổ sung và quản lý báo hiệu. Đơn vị quản lý cầu có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt và quản lý báo hiệu của đơn vị quản lý đường thủy nội địa.

3. Trường hợp luồng chạy tàu thuyền thay đổi cần chuyển khoang thông thuyền, đơn vị quản lý đường thủy nội địa thông báo bằng văn bản cho đơn vị quản lý cầu. Đơn vị quản lý cầu có trách nhiệm phối hợp và tạo mọi điều kiện để đơn vị quản lý đường thủy nội địa di chuyển báo hiệu kịp thời.

4. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý đường thủy nội địa quy định như sau:

a) Đơn vị quản lý đường thủy nội địa thuộc Cục Đường sông Việt Nam thực hiện đối với các cầu trên các tuyến đường thủy nội địa do Trung ương trực tiếp quản lý.

b) Đơn vị quản lý đường thủy nội địa thuộc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính thực hiện đối với các cầu trên các tuyến đường thủy nội địa còn lại.

Điều 2. Cục Đường sông Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các cầu và hệ thống báo hiệu trên cầu, các chướng ngại vật dưới lòng sông thuộc phạm vi bảo vệ cầu trên địa bàn được giao quản lý, xây dựng phương án lắp đặt và quản lý báo hiệu, thanh thải chưởng ngại vật (kể cả các cầu cũ không còn sử dụng) theo quy định tại Điều 1 của Quyết định này trình Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có chỉ tiêu phân bổ kinh phí theo kế hoạch hàng năm.

Điều 3. Quyết định này quy định việc phân công trách nhiệm về lắp đặt, duy trì báo hiệu của công trình cầu vượt sông trên không giữa ngành Đường sông với các ngành Đường bộ, Đường sắt và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Việc lắp đặt và duy trì báo hiệu của các công trlnh, chướng ngại vật khác vẫn thực hiện theo Quyết định số 1538/QĐ-KHKT ngày 03 tháng 8 năm 1992 của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vận tải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Bộ Giao thông vận tải

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Quang Tuyến