• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/11/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 06/02/2002
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 404-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Bình, ngày 14 tháng 11 năm 1990

NGHỊ ĐỊNH

Ban hành quy định giữ gìn bí mật tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình

________________

 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ điều 78 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc giữ gìn và bảo vệ những bí mật thuộc phạm vi Nhà nước;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cụ Đo đạc và bản đồ Nhà nước;

 NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1

Nay ban hành kèm theo Nghị định này quy định giữ gìn bí mật tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình, áp dụng thống nhất cho tất cả các Bộ, các ngành, các địa phương có các tổ chức làm công tác trắc địa và bản đồ hoặc sử dụng các tài liệu đó.

Điều 2

Quy định giữ gìn bí mật tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình ban hành theo Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Nghị định số 32-CP ngày 9 tháng 3 năm 1965 của Hội đồng Chính phủ về việc "giữ gìn bí mật các tài liệu đo đạc đại địa, địa hình và bản đồ địa hình".

Điều 3

Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. Cục trưởng Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 4

Nghị định này thi hành kể từ ngày ban hành./.

 

QUY ĐỊNH

GIỮ GÌN BÍ MẬT TÀI LIỆU TRẮC ĐỊA VÀ BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH

(Ban hành kèm theo Nghị định số 404-HĐBT ngày 14-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng)

 CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Tài liệu trắc địa cơ bản, trắc địa địa hình và bản đồ địa hình (dưới đây gọi tắc là tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình) là những tài liệu mang tính chất tổng hợp, có liên quan chặt chẽ với kinh tế, quốc phòng, chính trị, xã hội và nghiên cứu khoa học của đất nước, phải được giữ gìn bí mật, đồng thời phải bảo đảm việc khai thác và sử dụng tài liệu được hợp lý và thuận lợi.

Điều 2

Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước có trách nhiệm quản lý thống nhất, tổ chức cung cấp các tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình trên phạm vi toàn quốc.

Điều 3

Việc giữ gìn bí mật các tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình là trách nhiệm của Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước, của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan của cán bộ, công nhân viên chức làm công tác đo đạc và bản đồ, của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và của cá nhân sử dụng các tài liệu đó. 

CHƯƠNG II

PHÂN LOẠI TÀI LIỆU BẢO MẬT TRẮC ĐỊA VÀ BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH

Điều 4

Các tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình thuộc phạm vi bí mật Nhà nước gồm:

Loại tối mật:

1- Toạ độ các điểm hạng I, II Nhà nước của một mạng lưới quốc gia hoàn chỉnh cùng với các ghi chú điểm kèm theo.

2- Các tài liệu điều tra về đường biên giới giữa nước ta với các nước láng giềng khi chưa công bố.

Loại mật:

1- Phim ảnh mặt đất chụp từ máy bay sau khi đã xoá mục tiêu quân sự có số lượng tờ liên kết bằng diện tích một mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000 ở thực địa.

2- Bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.0000 đến 1/100.000 làm theo toạ độ và độ cao Nhà nước năm 1972. 

CHƯƠNG III

CHẾ ĐỘ GIỮ GÌN BÍ MẬT VÀ CUNG CẤP TÀI LIỆU TRẮC ĐỊA VÀ BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH

Điều 5

Việc giữ gìn bí mật tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình quy định như sau:

1- Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước có trách nhiệm giữ gìn bí mật đối với toàn bộ tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình do Cục làm ra và do Cục nhận được từ nước ngoài; cung cấp cho các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức khác nhau có nhu cầu về những tài liệu này.

2- Các Bộ, các ngành ở trung ương và địa phương có trách nhiệm giữ gìn bí mật những tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình do Bộ, ngành và địa phương mình làm ra, cung cấp các tài liệu đó cho nội bộ ngành và địa phương mình.

3- Tất cả các tài liệu loại tối mật và mật nêu trong điều 4 không được đem gửi hoặc bán ra nước ngoài. Khi cần thiết phải được phép của Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 6

Thủ tục xin cấp tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình quy định như sau:

1- Đối với loại tối mật phải có công văn đề nghị của Thủ trưởng các ngành ở trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và cấp tương đương.

2- Đối với loại mật phải có công văn đề nghị của Vụ trưởng các ngành ở trung ương và cấp tương đương, Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương.

3- Đối với những tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình không thuộc diện bảo mật đã quy định ở điều 4, phải có công văn đề nghị của Thủ trưởng đơn vị.

Điều 7

Các cơ quan, đơn vị và cá nhân sử dụng tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình phải tuân theo các quy định sau đây:

1- Phải có biện pháp giữ gìn bí mật tài liệu.

2- Khi tài liệu mật bị mất phải báo cáo ngay với lãnh đạo và cơ quan công an để truy tìm kịp thời, đồng thời báo cáo cho cơ quan quản lý tài liệu đó.

3- Khi tài liệu cần cho người nước ngoài sử dụng phải được thủ trưởng cấp Bộ, tỉnh và cấp tương đương cho phép.

4- Khi tài liệu cần mang, gửi, hoặc bán cho nước ngoài phải tuân theo quy chế hiện hành của Nhà nước.

Điều 8

Bộ Quốc phòng có trách nhiệm quản lý những tài liệu trắc địa và bản đồ sau đây:

Các tài liệu trắc địa cơ bản, trắc địa địa hình phục vụ quốc phòng.

Bản đồ địa hình và bản đồ chuyên đề phục vụ quốc phòng.

Hải đồ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể việc giữ gìn bí mật đối với các tài liệu nêu trên.

Điều 9

Các Bộ, các ngành ở trung ương và địa phương làm công tác trắc địa - bản đồ, sử dụng bản đồ địa hình để làm bản đồ chuyên đề, chuyên ngành, phải căn cứ vào mức phân cấp tài liệu ở điều 4, đồng thời kết hợp với việc xác định giá trị bảo mật các nội dung chuyên đề, chuyên ngành được thể hiện trên bản đồ để phân cấp bảo mật tài liệu và chịu trách nhiệm bảo mật trước Nhà nước.

Điều 10

Thời hạn giữ gìn bí mật tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình phụ thuộc vào nội dung thông tin và giá trị sử dụng của từng loại tài liệu, từng thời kỳ, từng lĩnh vực: kinh tế, quốc phòng, an ninh chính trị và lịch sử được phân thành 2 loại.

Loại giữ gìn bí mật và bảo quản lâu dài (vĩnh viễn).

Loại giữ gìn bí mật và bảo quản theo thời hạn.

Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước có trách nhiệm xem xét đề ra danh mục các tài liệu cần giữ bí mật theo 2 loại trên.

Điều 11

Cơ quan quản lý tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình thuộc loại tối mật và mật có trách nhiệm thanh lý các tài liệu không còn giá trị sử dụng như:

Hết thời hạn bảo quản, lưu giữ.

Hư hỏng, nhàu nát không sử dụng được.

Cơ quan quản lý, sử dụng tài liệu có trách nhiệm xem xét những tài liệu cần thanh lý để báo cáo cơ quan cung cấp tài liệu đó quyết định về số lượng, chất lượng và chủng loại tài liệu cần thanh lý. 

CHƯƠNG IV

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12

Các cơ quan, đơn vị và cá nhân có thành tích trong việc giữ gìn bí mật tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình, tuỳ theo mức độ được khen thưởng thích đáng. Nếu vi phạm các quy định thuộc Nghị định này, tuỳ mức độ nhẹ, nặng bị xử lý theo vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 13

Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước, các Bộ, các ngành ở trung ương và địa phương làm công tác trắc địa - bản đồ, sử dụng tài liệu trắc địa và bản đồ địa hình chịu trách thi hành Nghị định này./.

Chủ tịch hội đồng bộ trưởng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.