• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/05/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/10/2013
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
Số: 36/2010/TTLT-BTC-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2010

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các dự án: Phòng, chống

sốt xuất huyết; Phòng, chống bệnh đái tháo đường và Phòng, chống bệnh

 tăng huyết áp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số

 bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006-2010

______________________

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 108/2007/QĐ-TTg ngày 17/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006-2010;

Căn cứ Quyết định số 172/2008/QĐ-TTg ngày 19/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quyết định số 108/2007/QĐ-TTg ngày 17/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006-2010;

Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Y tế hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các dự án: Phòng, chống sốt xuất huyết; Phòng, chống bệnh đái tháo đường và Phòng, chống bệnh tăng huyết áp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006-2010 như sau:

Điều 1. Những quy định chung

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí các dự án: Phòng, chống sốt xuất huyết; Phòng, chống bệnh đái tháo đường và Phòng, chống bệnh tăng huyết áp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006-2010 được quy định tại Điều 1 Quyết định số 172/2008/QĐ-TTg ngày 19/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là ba dự án).

2. Thông tư này áp dụng đối với các khoản chi vốn sự nghiệp y tế từ ngân sách nhà nước để thực hiện ba dự án. Các dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại, thực hiện theo mức chi của nhà tài trợ quy định tại các thỏa thuận tài trợ hoặc áp dụng theo mức chi do đại diện nhà tài trợ, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản dự án thống nhất; trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có thoả thuận về mức chi thì áp dụng theo mức chi quy định tại Thông tư này.

3. Kinh phí thực hiện ba dự án (bao gồm cả vốn đối ứng trong nước của các dự án ODA đã được quy định trong hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước hoặc các tổ chức quốc tế) do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành có liên quan và địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

4. Ngoài các nội dung và mức chi quy định tại Thông tư này, tùy theo khả năng kinh phí và điều kiện cụ thể, các địa phương thực hiện lồng ghép với các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp để thực hiện các chế độ, chính sách của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả của ba dự án.

5. Hàng năm vào thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, Trưởng Ban điều hành dự án Trung ương có trách nhiệm công bố danh sách các xã, phường trọng điểm làm cơ sở pháp lý cho việc lập dự toán ngân sách, điều hành và giám sát chi tiêu của dự án.

Điều 2. Nội dung và mức chi chung của các dự án:

 Nội dung và mức chi chung của các dự án được thực hiện theo quy định tại mục II Thông tư liên tịch số 147/2007/TTLT-BTC-BYT ngày 12/12/2007 của liên Bộ Tài chính – Bộ Y tế hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006-2010.

Điều 3. Nội dung và mức chi đặc thù của từng dự án

1.Dự án Phòng, chống sốt xuất huyết:

a) Chi hỗ trợ cán bộ xét nghiệm để định loại véc tơ truyền bệnh: 3.000 đồng/mẫu.

b) Chi hỗ trợ cán bộ thực hiện quy trình xét nghiệm xác định độ nhạy cảm với hóa chất và hiệu lực diệt muỗi của từng loại hóa chất: 400.000 đồng/mẫu.

c) Chi hỗ trợ cán bộ thực hiện quy trình xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán sốt xuất huyết (từ khâu lấy máu, vận chuyển đến bảo quản và xét nghiệm): 15.000 đồng/mẫu.

d) Chi hỗ trợ cán bộ thực hiện nuôi cấy, phân lập vi rút: 30.000 đồng/mẫu.

đ) Chi hỗ trợ người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi: 60.000 đồng/người/ngày công.

e) Chi hỗ trợ cộng tác viên và người trực tiếp thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình (không kể thành viên của hộ gia đình): 1.000 đồng/hộ/tháng.

g) Chi thuê người dẫn đường phục vụ công tác chuyên môn thực hiện phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các xã đồng bằng: 25.000 đồng/người/ngày.

h) Chi hỗ trợ cộng tác viên làm công tác tuyên truyền, vận động, giám sát, diệt véc tơ, phát hiện ca bệnh tại các xã, phường trọng điểm: 50.000 đồng/người/tháng. Bộ Y tế quy định định mức cộng tác viên xã, phường trọng điểm. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường quyết định danh sách cộng tác viên xã, phường trọng điểm.

i) Chi hỗ trợ nhân viên trạm y tế xã thực hiện công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các xã, phường trọng điểm:

- Tỉnh loại A: 100.000 đồng/xã/tháng.

- Tỉnh loại B, C: 70.000 đồng/xã/tháng.

Bộ Y tế xác định phân loại tỉnh loại A, B, C đối với từng giai đoạn cụ thể.

2.Dự án Phòng, chống bệnh đái tháo đường:

a) Chi hỗ trợ khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân đái tháo đường tại cộng đồng:

- Chi hỗ trợ cộng tác viên lập danh sách, chọn mẫu, gửi giấy mời, đôn đốc đối tượng khám sàng lọc: 50.000 đồng/xã, phường/ngày; mỗi xã, phường tối đa 5 ngày/đợt khám sàng lọc.

            - Chi hỗ trợ người thực hiện khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân đái tháo đường (ngoài chế độ công tác phí hiện hành):

            + Đối với người làm trực tiếp: 50.000 đồng/người/ngày (tối đa 10 người/đợt khám sàng lọc).

            + Đối với người phục vụ: 30.000 đồng/người/ngày (tối đa 4 người/đợt khám sàng lọc).

            Thời gian thực hiện một đợt khám sàng lọc một cụm khám (xã, phường) tối đa 5 ngày. Số người được khám tối thiểu là 250 người/đợt.

            - Chi nước uống cho đối tượng làm nghiệm pháp tăng đường máu: 5.000 đồng/người.

            - Chi xét nghiệm phát hiện đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ theo chuyên môn y tế. Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về thu viện phí.

- Chi hỗ trợ cán bộ thực hiện quy trình lấy máu tĩnh mạch và ly tâm mẫu máu lấy huyết thanh (từ khâu lấy máu, vận chuyển đến bảo quản và xét nghiệm): 15.000 đồng/mẫu.

            - Chi tổng hợp số liệu, viết báo cáo kết quả khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ tại cộng đồng: tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo.

            - Chi thuê bàn, ghế, phông, bạt,.. phục vụ công tác khám sàng lọc (nếu có): tối đa 1.000.000 đồng/đợt khám sàng lọc.

b) Chi quản lý bệnh nhân: Chi hỗ trợ cơ sở y tế trực tiếp quản lý bệnh nhân để lập hồ sơ, tư vấn, theo dõi định kỳ bệnh nhân đái tháo đường: 5.000 đồng/bệnh nhân/tháng; tối đa 200.000 đồng/cơ sở y tế/tháng.

            c) Chi công tác thống kê, tổng hợp tình hình bệnh đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ theo quy định của Trưởng ban điều hành dự án Trung ương:

            - Cập nhật số liệu vào phiếu mã hoá, nhập số liệu vào máy, làm sạch số liệu, kiểm tra độ tin cậy của số liệu: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 137/2007/TT-BTC ngày 28/11/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử.

            - Tổng hợp số liệu, viết báo cáo: mức chi đối với cấp Trung ương là 500.000 đồng/năm, đối với cấp tỉnh là 300.000 đồng/năm, đối với cấp huyện là 200.000 đồng/năm, đối với cấp xã là 100.000 đồng/năm.

            3. Dự án Phòng, chống bệnh tăng huyết áp:

a) Chi hỗ trợ công tác khám sàng lọc phát hiện tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ tại cộng đồng:

            - Chi hỗ trợ cộng tác viên lập danh sách, chọn mẫu, gửi giấy mời, đôn đốc đối tượng khám sàng lọc: 50.000 đồng/xã, phường/ngày; mỗi xã, phường tối đa 5 ngày/đợt khám sàng lọc.

            - Chi hỗ trợ người tham gia công tác khám sàng lọc phát hiện tăng huyết áp (ngoài chế độ công tác phí hiện hành):

            + Đối với người làm trực tiếp: 50.000 đồng/người/ngày (tối đa 10 người/đợt khám sàng lọc).

            + Đối với người phục vụ: 30.000 đồng/người/ngày (tối đa 4 người/đợt  khám sàng lọc).

            Thời gian thực hiện một đợt khám sàng lọc một cụm khám (xã, phường) tối đa 5 ngày. Số người được khám tối thiểu là 500 người/đợt.

            - Chi làm điện tim đồ và xét nghiệm máu để đánh giá các yếu tố nguy cơ về tim mạch theo chuyên môn y tế. Mức chi thực hiện theo quy định mức thu viện phí hiện hành.

            - Chi tổng hợp số liệu, viết báo cáo kết quả khám sàng lọc phát hiện tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ tại cộng đồng: tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo.

            - Chi thuê bàn, ghế, phông, bạt,.. phục vụ công tác khám sàng lọc (nếu có): tối đa 1.000.000 đồng/đợt khám sàng lọc.

            b) Chi quản lý bệnh nhân: chi cho việc lập hồ sơ, tư vấn, theo dõi định kỳ bệnh nhân tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ tại cơ sở y tế trực tiếp quản lý bệnh nhân là 5.000 đồng/bệnh nhân/tháng; tối đa 200.000 đồng/cơ sở y tế/tháng.

            c) Chi hoạt động hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho địa phương: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16/6/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức Nhà nước.

            d) Chi công tác thống kê, tổng hợp tình hình bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ theo quy định của Trưởng ban điều hành dự án Trung ương:

            - Cập nhật số liệu vào phiếu mã hoá, nhập số liệu vào máy, làm sạch số liệu, kiểm tra độ tin cậy của số liệu: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 137/2007/TT-BTC ngày 28/11/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử.

            - Tổng hợp số liệu, viết báo cáo: mức chi đối với cấp trung ương là 500.000 đồng/năm, đối với cấp tỉnh là 300.000 đồng/năm, đối với cấp huyện là 200.000 đồng/năm, đối với cấp xã là 100.000 đồng/năm.

Điều 4. Lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán

Việc lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí của ba dự án thực hiện theo các quy định tại mục IV, Thông tư số 147/2007/TTLT-BTC-BYT ngày 12/12/2007 của liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Y tế.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Y tế để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Y tế
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trịnh Quân Huấn

Phạm Sỹ Danh

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.