• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/05/2016
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 43/2015/TT-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Bình, ngày 8 tháng 12 năm 2015

THÔNG TƯ

Quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

______________________

 

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu bao gồm: xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu; pha chế; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước; tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển xăng dầu.

2. Thông tư này áp dụng đối với thương nhân theo quy định của Luật Thương mại kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Hao hụt xăng dầu là sự thiếu hụt xăng dầu về số lượng do bay hơi tự nhiên, bám dính; ảnh hưởng của các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật trong quá trình giao nhận, nhập, xuất, tồn chứa, xúc rửa bể và phương tiện vận chuyển, pha chế, vận chuyển, chuyển tải, bán lẻ xăng dầu.

2. Tồn chứa xăng dầu ngắn ngày là tồn chứa xăng dầu trong các kho, bể chứa xăng dầu có ít nhất một lần xuất, nhập xăng dầu trong tháng.

3. Tồn chứa xăng dầu dài ngày là tồn chứa xăng dầu trong các kho, bể chứa xăng dầu không có hoạt động xuất, nhập xăng dầu trong tháng.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý tỷ lệ hao hụt xăng dầu

1. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu quy định tại Thông tư này là tỷ lệ hao hụt xăng dầu tối đa.

2. Hao hụt xăng dầu được quản lý, tổ chức, hạch toán, quyết toán đối với từng sản phẩm xăng khoáng RON95, RON92, xăng sinh học E5, E10, etanol nhiên liệu E100, dầu hỏa (KO), nhiên liệu bay JET A-1, dầu điêzen (DO 0,05% S), (DO 0,25% S), nhiên liệu đốt lò (FO).

3. Số lượng và giá trị hao hụt của các sản phẩm không được bù trừ lẫn nhau trong một kỳ quyết toán. Riêng đối với xăng dầu được bơm chuyển trên cùng một hệ thống đường ống công nghệ, phần sản phẩm lẫn được bù trừ về số lượng.

4. Trường hợp xảy ra hao hụt bất thường lớn hơn quy định tỷ lệ hao hụt tại Thông tư này, thương nhân kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm xác định nguyên nhân gây ra hao hụt và có biện pháp xử lý kịp thời để ngăn chặn và giảm thiểu tới mức thấp nhất các tổn thất có thể xảy ra.

Điều 4. Nguyên tắc xác định hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

1. Hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu được quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này là tổng hao hụt xăng dầu của các công đoạn mà hoạt động kinh doanh xăng dầu đó thực hiện.

2. Lượng xăng dầu để xác định tỷ lệ hao hụt xăng dầu được quy định cụ thể như sau:

a) Đối với xăng khoáng, xăng sinh học, etanol nhiên liệu E100, dầu hỏa, dầu điêzen quy đổi về điều kiện tiêu chuẩn (nhiệt độ: 15oC; áp suất: 101,325 kPa và tính theo hệ thống chuẩn đo lường quốc gia); riêng trường hợp xuất bán tại cột đo xăng dầu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu đơn vị tính là lít thực tế;

b) Đối với nhiên liệu đốt lò (FO) các loại đơn vị tính là khối lượng (kg).

3. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu của các công đoạn và tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu được xác định theo quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Thông tư này.

4. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, đánh giá và điều chỉnh phù hợp với thực trạng trang thiết bị công nghệ, trình độ, yêu cầu quản lý và cơ chế kinh doanh xăng dầu trong từng thời kỳ.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn nhập

1. Hao hụt xăng dầu công đoạn nhập là hiệu số của lượng xăng dầu tại thiết bị chứa xăng dầu của phương tiện vận chuyển hoặc bể chứa trước khi nhập trừ đi lượng xăng dầu thực tế nhận được tại bể.

2. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn nhập được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với lượng xăng dầu tại thiết bị chứa xăng dầu của phương tiện vận chuyển hoặc bể chứa trước khi nhập. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn nhập quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này.

3. Chiều dài đường ống nhập từ phương tiện vận chuyển, bể chứa đến bể nhập lớn hơn 02 (hai) km thì hao hụt xăng dầu công đoạn nhập được cộng thêm hao hụt vận chuyển bằng đường ống theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

Điều 6. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn xuất

1. Hao hụt xăng dầu công đoạn xuất là hiệu số của lượng xăng dầu xuất đi tại bể xuất trừ đi lượng nhận tại thiết bị chứa xăng dầu của phương tiện vận chuyển.

2. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn xuất cho phương tiện bằng đường thủy, đường bộ và đường sắt được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với lượng xăng dầu xuất qua đồng hồ xăng dầu. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn xuất được quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này.

3. Chiều dài đường ống xuất từ bể xuất đến đồng hồ; từ đồng hồ đến phương tiện vận chuyển lớn hơn 02 (hai) km thì hao hụt xăng dầu công đoạn xuất được cộng thêm hao hụt vận chuyển đường ống theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

Điều 7. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn tồn chứa

1. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn tồn chứa ngắn ngày

a) Tỷ lệ hao hụt xăng dầu tồn chứa ngắn ngày áp dụng đối với bể có hoạt động xuất, nhập xăng dầu ít nhất một lần trong tháng. Lượng xăng dầu tồn chứa để xác định tỷ lệ hao hụt xăng dầu bằng trung bình cộng của lượng xăng dầu tồn chứa được xác định ít nhất trong bốn ngày của tháng là ngày thứ 01, ngày thứ 10, ngày thứ 20 và ngày cuối cùng tháng;

b) Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn tồn chứa ngắn ngày được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với lượng xăng dầu tồn chứa. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong tồn chứa ngắn ngày quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này.

2. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn tồn chứa dài ngày

a) Tỷ lệ hao hụt xăng dầu tồn chứa dài ngày áp dụng đối với bể trong tháng không có hoạt động xuất, nhập xăng dầu. Lượng xăng dầu tồn chứa để xác định tỷ lệ hao hụt xăng dầu là lượng xăng dầu tồn chứa ngày thứ 01 của tháng;

b) Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn tồn chứa dài ngày được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với lượng xăng dầu tồn chứa ngày thứ 01 của tháng. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong tồn chứa dài ngày quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này.

Điều 8. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong công đoạn xúc rửa

1. Hao hụt xăng dầu trong công đoạn xúc rửa bể chứa, phương tiện vận chuyển là lượng xăng dầu do bay hơi, bám dính vào thành bể chứa, phương tiện vận chuyển không bao gồm lượng xăng dầu lẫn vào bùn cặn ở đáy thiết bị chứa, phương tiện vận chuyển khi xúc rửa không sử dụng được.

2. Hao hụt xăng dầu lẫn vào bùn cặn ở đáy thiết bị chứa, phương tiện vận chuyển khi xúc rửa không sử dụng được do thương nhân kinh doanh xăng dầu tổ chức xác định theo thực tế.

3. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong công đoạn xúc rửa được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với dung tích bể chứa, phương tiện vận chuyển cần xúc rửa. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong công đoạn xúc rửa quy định tại Phụ lục 4 Thông tư này.

Điều 9. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong công đoạn pha chế

1. Hao hụt xăng dầu trong công đoạn pha chế là hiệu số của tổng lượng các thành phần pha chế đầu vào trừ đi lượng thành phẩm xăng dầu đầu ra.

2. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong công đoạn pha chế được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với tổng lượng các thành phần pha chế đầu vào. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong công đoạn pha chế quy định tại Phụ lục 5 Thông tư này.

Điều 10. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển

1. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển đường thủy, đường bộ, đường sắt

a) Hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ, đường sắt là hiệu số giữa lượng xăng dầu xác định tại phương tiện nơi xuất xăng dầu và lượng xăng dầu xác định tại phương tiện nơi nhận xăng dầu;

b) Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ, đường sắt được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với lượng xăng dầu xác định tại phương tiện nơi xuất xăng dầu nhưng không lớn hơn tỷ lệ hao hụt tối đa quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ, đường sắt quy định tại khoản 1, 2 Phụ lục 6 Thông tư này.

2. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống

a) Hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống được xác định cho quá trình bơm chuyển xăng dầu từ bể xuất đến bể nhận trên tuyến ống cứng bằng thép, có đường kính trong từ 145 mm trở lên. Hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống là tổng lượng hao hụt xăng dầu tồn chứa trong đường ống và hao hụt xăng dầu vận chuyển;

b) Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với lượng xăng dầu từ bể xuất;

c) Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống trường hợp có hoạt động vận chuyển ít nhất 01 lần trong thời gian 05 ngày quy định tại khoản 3 Phụ lục 6 Thông tư này;

d) Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống trường hợp không có hoạt động vận chuyển trong thời gian lớn hơn 05 ngày được cộng thêm hao hụt tồn chứa trong đường ống. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu tồn chứa trong đường ống được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt tồn chứa trong đường ống so với lượng xăng dầu tồn chứa trong đường ống. Tỷ lệ hao hụt tồn chứa trong đường ống quy định tại khoản 4 Phụ lục 6 Thông tư này.

Điều 11. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn chuyển tải

1. Hao hụt xăng dầu công đoạn chuyển tải là hiệu số của lượng xăng dầu chuyển tải từ tàu mẹ trừ đi lượng xăng dầu nhận tại tàu con.

2. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn chuyển tải được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với lượng xăng dầu chuyển tải từ tàu mẹ. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn chuyển tải quy định tại Phụ lục 7 Thông tư này.

Điều 12. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu

1. Hao hụt xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu là tổng lượng hao hụt xăng dầu của các công đoạn nhập, xuất, tồn chứa và xúc rửa.

2. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu các công đoạn nhập, tồn chứa và xúc rửa được quy định tại các Điều 5, 7, 8 Thông tư này. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn xuất quy định tại Phụ lục 8 Thông tư này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của các đơn vị

1. Vụ Khoa học và Công nghệ

Chủ trì hướng dẫn áp dụng quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, nghiên cứu đề nghị sửa đổi, xây dựng tỷ lệ hao hụt xăng dầu phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ và yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ.

2. Vụ Thị trường trong nước

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Thông tư này trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu tại thị trường trong nước.

3. Cục Xuất nhập khẩu

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Thông tư này trong công tác quản lý hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu.

Điều 14. Trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu

1. Tổ chức quản lý hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; xây dựng, ban hành quy định cụ thể về tỷ lệ hao hụt xăng dầu nhưng không được cao hơn tỷ lệ hao hụt quy định tại Thông tư này; xây dựng, ban hành quy định về hao hụt xăng dầu trong các hoạt động kinh doanh xăng dầu và tự chịu trách nhiệm về hao hụt xăng dầu trong các hoạt động kinh doanh xăng dầu của mình.

2. Thống kê lượng hao hụt xăng dầu hằng năm báo cáo về Bộ Công Thương (thông qua Vụ Thị trường trong nước) để phục vụ quản lý nhà nước về hao hụt xăng dầu.

3. Chấp hành các yêu cầu quản lý nhà nước có liên quan đến tỷ lệ hao hụt xăng dầu quy định tại Thông tư này.

4. Tổ chức hạch toán chi phí kinh doanh định mức theo tỷ lệ hao hụt kinh doanh xăng dầu được quy định tại Thông tư này; tổ chức khảo sát, nghiên cứu, đánh giá hao hụt xăng dầu, kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung các nội dung chưa phù hợp nếu có.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2016.

Thông tư này thay thế Quyết định 758/VT-QĐ ngày 15 tháng 4 năm 1986 của Bộ trưởng Bộ Vật tư (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành định mức tạm thời về hao hụt xăng, dầu trong các khâu công tác xuất, nhập, vận chuyển và tồn chứa.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, trường hợp có khó khăn, vướng mắc tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương để sửa đổi, bổ sung./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Quốc Hưng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.