Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ

trên địa bàn tỉnh Quảng Namgiai đoạn 2016-2020

_______________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH 11 ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;

Căn cứ Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ Tư Pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 09/2015/TT-BNNPTNT ngày 03/03/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện điểm a, khoản 1, Điều 6 Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 205/2015/TT-BTC ngày 23/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế tài chính thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số   88/TTr-SNN&PTNT ngày 17/3/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016-2020".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

QUY ĐỊNH

Một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ

trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016-2020  

(Ban hành kèm theo Quyết định số  08 /2016/QĐ-UBND ngày  12/4 /2016

của UBND tỉnh Quảng Nam)

_______________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp d

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bao gồm: hỗ trợ mua bình chứa nitơ, vật tư phối giống nhân tạo gia súc; hỗ trợ mua trâu đực giống, bò đực giống; hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi (xây dựng công trình khí sinh học, làm đệm lót sinh học); hỗ trợ đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc và hỗ trợ dịch vụ thú y trọn gói. Phạm vi hỗ trợ cụ thể như sau:

a) Hỗ trợ mua bình chứa nitơ cho 18 huyện, thị xã, thành phố và cấp bảo toàn 500 triệu đồng cho Sở Nông nghiệp và PTNT để cung ứng vật tư phối giống nhân tạo gia súc.

b) Hỗ trợ mua bò đực giống: Các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh (Phụ lục 1).

c) Hỗ trợ mua trâu đực giống: Các xã thuộc các huyện đồng bằng và ba huyện miền núi thấp (Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn).

d) Hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi; đào tạo phối giống nhân tạo gia súc;  dịch vụ thú y trọn gói: Các xã, phường, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố

 2. Đối tượng áp dụng

a) Các hộ trực tiếp chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm (gà, vịt) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp và chăn nuôi trang trại) đáp ứng các điều kiện quy định tại Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

b) Người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.

c) Các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ thú y trọn gói

Điều 2. Giải thích một số từ ngữ

Những từ ngữ tại Quy định này được hiểu như sau:

1. Dịch vụ thú y trọn gói là dịch vụ được thỏa thuận bằng hợp đồng giữa chủ vật nuôi và nhà cung cấp dịch vụ; chủ vật nuôi trả chi phí để nhà cung cấp dịch vụ thực hiện tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh, khám, chẩn đoán, điều trị, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh chủ động cho vật nuôi; tuỳ theo thoả thuận của đôi bên có thể thực hiện thêm các dịch vụ khác như cung cấp con giống, thiến, hoạn, phối giống, đỡ đẻ, tiêm thuốc bổ sung, tẩy ký sinh trùng.

 2. Nhà cung cấp dịch vụ là các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm tổ chức, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp) có đăng ký hành nghề Thú y.

 3. Đơn vị vật nuôi là đơn vị quy ước để quy đổi các loại gia súc thành một đơn vị thống nhất chung để làm cơ sở tính toán, hỗ trợ. Quy ước 01 đơn vị vật nuôi bằng 01 con lợn nái, hoặc 03 con lợn đực giống, hoặc 06 con lợn thịt, hoặc 02 con trâu, hoặc 02 con bò.

Điều 3. Nguồn kinh phí hỗ trợ và nguyên tắc áp dụng hỗ trợ

1. Nguồn kinh phí hỗ trợ

a) Các huyện, thị xã, thành phố nhận bổ sung cân đối từ ngân sách tỉnh thì được ngân sách tỉnh (bao gồm nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ) hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện chính sách theo Quy định này.

b) Các huyện, thị xã, thành phố tự cân đối ngân sách, thì được ngân sách tỉnh (bao gồm nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ) hỗ trợ 50% kinh phí để thực hiện chính sách theo Quy định này.

2. Nguyên tắc áp dụng hỗ trợ

a) Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí sau đầu tư theo kế hoạch kinh phí phân bổ hằng năm.

b) Hỗ trợ một lần đối với các nội dung: mua trâu, bò đực giống; xử lý chất thải chăn nuôi; đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc; hỗ trợ nhà cung cấp dịch vụ thú y trọn gói.

c) Hộ chăn nuôi tham gia dịch vụ thú y trọn gói được hỗ trợ hai năm liên tiếp (đối với trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống), hai lứa liên tiếp (đối với lợn thịt).  

d) Trường hợp trong cùng một thời gian, một nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn một chính sách hỗ trợ cao nhất.

đ) Không áp dụng đối với các đối tượng đã được nhận hỗ trợ một trong các nội dung hỗ trợ như Quy định này từ ngân sách Nhà nước hoặc kinh phí từ các chương trình, dự án Trung ương và địa phương, của các tổ chức kinh tế xã hội hoặc các chương trình hợp tác quốc tế khác trong giai đoạn 2011-2015.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. NỘI DUNG, ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC HỖ TRỢ

 

 Điều 4. Hỗ trợ mua bình chứa nitơ, cung ứng vật tư phối giống nhân tạo gia súc

1. Ngân sách tỉnh đảm bảo kinh phí mua mới 30 bình chứa nitơ (dung tích 35 lít) để chứa nitơ bảo quản tinh đông lạnh tại các điểm cung ứng tinh cấp huyện.

 2. Ngân sách tỉnh cấp một lần 500 triệu đồng theo nguyên tắc bảo toàn vốn để mua tinh bò đông lạnh (các giống bò nhóm Zêbu, chuyên thịt), nitơ, dụng cụ phối giống để cung ứng cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Điều 5. Hỗ trợ mua trâu, bò đực giống

1. Nội dung và mức hỗ trợ

a) Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị một con trâu đực giống nội từ 24 tháng tuổi trở lên (tương đương với trọng lượng từ 220 kg trở lên) cho các hộ chăn nuôi để thực hiện phối giống dịch vụ. Mức hỗ trợ theo giá mua thực tế nhưng không quá 25 triệu đồng/01 con.

b) Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị một con bò đực giống lai Zêbu có ít nhất 75% máu nhóm giống bò Zêbu, từ 12 tháng tuổi trở lên (tương đương với trọng lượng từ 180 kg trở lên) cho các hộ chăn nuôi để thực hiện phối giống dịch vụ. Mức hỗ trợ theo giá mua thực tế nhưng không quá 20 triệu đồng/01 con.

c) Mỗi hộ chỉ được hưởng hỗ trợ kinh phí mua 01 con trâu đực giống hoặc 01 con bò đực giống.

2. Điều kiện hưởng hỗ trợ

a) Hộ hoặc nhóm hộ có ít nhất 30 con trâu cái hoặc bò cái sinh sản, ưu tiên cho hộ có số lượng trâu cái hoặc bò cái nhiều, có chuồng nuôi kiên cố và có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng được nhận nuôi để thực hiện phối giống dịch vụ.

b) Trâu đực giống phải được mua từ các tỉnh khác, bò đực giống phải được mua từ các huyện khác.

c) Cam kết chăm sóc nuôi dưỡng tốt và sử dụng trâu, bò đực giống ít nhất 48 tháng.

d) Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh theo quy định của cơ quan chuyên môn chăn nuôi thú y tại địa phương.

đ) Lập sổ theo dõi, ghi chép kết quả phối giống của trâu, bò đực, có xác nhận của chủ hộ có trâu, bò cái được phối giống.

3. Hồ sơ thủ tục và trình tự thực hiện: Đối tượng được hưởng hỗ trợ phải lập thủ tục và thực hiện theo trình tự quy định tại Phụ lục 2 (hỗ trợ trâu đực giống), Phụ lục 3 (hỗ trợ bò đực giống) kèm theo Quy định này.

Điều 6. Hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi

1. Nội dung và mức hỗ trợ

a) Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí xây dựng công trình khí sinh học cho các hộ để xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ theo giá làm thực tế nhưng không quá 03 triệu đồng/01 công trình/01 hộ.

b) Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí làm đệm lót sinh học cho các hộ để xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ 25.000 đồng/m2 đệm lót nhưng tối đa không quá 02 triệu đồng/01 chuồng/01

c) Mỗi hộ chỉ được hưởng hỗ trợ kinh phí để xây dựng công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học.

2. Điều kiện hưởng hỗ trợ

a) Đối với xây dựng công trình khí sinh học

- Chăn nuôi với quy mô thường xuyên không ít hơn 05 con lợn nái hoặc 10 con lợn thịt hoặc 03 con trâu, bò và tương đương.

- Thể tích tối thiểu của công trình khí sinh học là 4m3.

- Công trình khí sinh học được xây dựng theo kiểu KT1, KT2 hoặc bằng vật liệu composite; kỹ thuật lắp đặt, sử dụng đảm bảo theo quy định hiện hành.

b) Đối với làm đệm lót sinh học

- Chăn nuôi với quy mô thường xuyên không ít hơn 200 con gia cầm sinh sản hoặc 500 con gia cầm thịt và tương đương.

- Diện tích chuồng nuôi làm đệm lót sinh học tối thiểu 30m2.

- Địa điểm làm đệm lót phải ở nơi cao ráo, không bị ngập nước.

- Sử dụng sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường chăn nuôi trong danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.

- Quy trình kỹ thuật làm và sử dụng đệm lót sinh học đảm bảo theo quy định hiện hành.

 3. Hồ sơ thủ tục và trình tự thực hiện: Đối tượng được hưởng hỗ trợ phải lập thủ tục và thực hiện theo trình tự quy định tại Phụ lục 4 (hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học) hoặc Phụ lục 5 (hỗ trợ làm đệm lót sinh học) kèm theo Quy định này.

Điều 7. Hỗ trợ đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc

1. Nội dung và mức hỗ trợ

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cho các cá nhân về kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc. Mức hỗ trợ không quá 06 triệu đồng/01 người.

2. Điều kiện hưởng hỗ trợ

a) Đã hoàn thành chương trình trung học cơ sở trở lên (đối với các huyện miền núi), từ trung cấp chuyên ngành chăn nuôi thú y trở lên (đối với các huyện đồng bằng).

b) Dưới 40 tuổi.

c) Đang hành nghề dịch vụ thú y tại địa phương.

 3. Hồ sơ thủ tục và trình tự thực hiện: Đối tượng được hưởng hỗ trợ phải lập thủ tục và thực hiện theo trình tự quy định tại Phụ lục 6 kèm theo Quy định này.

Điều 8. Hỗ trợ dịch vụ thú y trọn gói

1. Nội dung và mức hỗ trợ

a) Đối với nhà cung cấp dịch vụ

- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần 10 triệu đồng cho nhà cung cấp dịch vụ để mua sắm trang thiết bị, thuốc thú y cần thiết và hướng dẫn, photo hợp đồng, biểu mẫu các loại.

- Được sử dụng vắc-xin hỗ trợ của Nhà nước, kể cả vắc-xin hỗ trợ chống dịch để tiêm phòng cho gia súc được chủ vật nuôi ký kết hợp đồng dịch vụ (nếu có).

b) Đối với chủ vật nuôi

 - Ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí dịch vụ theo hợp đồng  năm (lứa) thứ nhất 120.000 đồng/đơn vị vật nuôi và năm (lứa) thứ hai 80.000 đồng/đơn vị vật nuôi (không tính vắc-xin và hỗ trợ khác của Nhà nước cho chủ vật nuôi nếu có). Mức hỗ trợ cho một chủ vật nuôi không quá 15 đơn vị vật nuôi.

- Được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí khi gia súc tham gia dịch vụ thú y trọn gói mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc theo quy định của cơ quan Thú y (nếu có).

 2. Điều kiện hưởng hỗ trợ

 a) Đối với nhà cung cấp dịch vụ: Chủ vật nuôi ký kết hợp đồng tham gia dịch vụ phải trong cùng một thôn hoặc liên thôn với nhau, đảm bảo tối thiểu 100 hợp đồng dịch vụ (tương ứng với định mức 500 đơn vị vật nuôi) đối với các xã đồng bằng; 50 hợp đồng dịch vụ (tương ứng với định mức 100 đơn vị vật nuôi) đối với các xã khó khăn của tỉnh (Phụ lục 1).

b) Đối với chủ vật nuôi: Phải cam kết chăn nuôi liên tục trong suốt thời gian ký hợp đồng tham gia dịch vụ.

3. Hồ sơ thủ tục và trình tự thực hiện: Đối tượng được hưởng hỗ trợ phải lập thủ tục và thực hiện theo trình tự quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Quy định này.

Mục 2. QUY TRÌNH CẤP PHÁT VỐN VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ

 

 Điều 9. Lập và tổ chức thực hiện kế hoạch

1. Lập dự toán: Hằng năm, trên cơ sở đăng ký, đề nghị hỗ trợ của chủ hộ chăn nuôi được UBND cấp xã xác nhận, tổng hợp gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế), Phòng Kế hoạch - Tài chính cấp huyện thẩm tra tham mưu UBND cấp huyện xây dựng dự toán chi cùng thời gian báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước năm kế hoạch gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp gửi Sở Tài chính để cân đối nguồn, tổng hợp vào dự toán chi ngân sách tỉnh báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ kinh phí cho huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

2. Kết thúc năm, UBND huyện, thị xã, thành phố tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện chính sách, báo cáo Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương theo quy định.

 Điều 10. Quy trình cấp phát vốn ngân sách

 1. Trình tự cấp phát, bố trí kinh phí hỗ trợ

 a) Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp và đề nghị UBND tỉnh bố trí hỗ trợ có mục tiêu cho Sở Nông nghiệp và PTNT để thực hiện các nội dung hỗ trợ mua bình chứa nitơ, cung ứng vật tư phối giống nhân tạo gia súc và đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc; bố trí hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để thực hiện các nội dung hỗ trợ còn lại.

b) UBND cấp huyện căn cứ kế hoạch, dự toán được UBND tỉnh giao, phân bổ kinh phí cho Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) cấp huyện và thông báo kế hoạch cho từng xã, phường, thị trấn.

c) Sau khi được UBND cấp huyện thông báo kế hoạch hỗ trợ, UBND cấp xã thông báo công khai và tiếp nhận đơn đề nghị hỗ trợ; tổ chức họp xét hỗ trợ, thành phần họp gồm đại diện lãnh đạo UBND cấp xã, Hội Nông dân xã, Trưởng Thú y, Trưởng Ban Nhân dân các thôn/khối phố có đối tượng đề nghị hỗ trợ. Sau đó thông báo kết quả cho các đối tượng biết để thực hiện. Sau khi các đối tượng thực hiện xong việc đầu tư, UBND cấp xã tổng hợp danh sách và có văn bản gửi UBND cấp huyện qua Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế), Phòng Tài chính - Kế hoạch đề nghị tổ chức nghiệm thu. Đồng thời lưu hồ sơ theo quy định.

2. Thủ tục giải ngân kinh phí hỗ trợ

a) Kiểm tra, nghiệm thu để giải ngân kinh phí hỗ trợ: Trên cơ sở hồ sơ, danh sách do UBND cấp xã đề nghị nghiệm thu, Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) cấp huyện chủ trì việc nghiệm thu theo các nội dung quy định hỗ trợ của cơ chế (có biên bản nghiệm thu). Thành phần nghiệm thu gồm: Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế); Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Trạm Chăn nuôi và Thú y; Hội Nông dân cấp huyện; UBND cấp xã và đối tượng được hỗ trợ.

b) Quyết định giải ngân và cấp phát kinh phí hỗ trợ

 - Sau khi kiểm tra, nghiệm thu xác nhận đầy đủ các điều kiện theo quy định, Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu UBND cấp huyện quyết định chi kinh phí hỗ trợ. UBND cấp xã trực tiếp cấp kinh phí cho đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn. Nếu hồ sơ hỗ trợ chưa đầy đủ, thì Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) hướng dẫn cho UBND cấp xã thông báo cho các đối tượng được hỗ trợ tiến hành bổ sung đầy đủ theo quy định.

  - Riêng đối với kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ cho chủ vật nuôi tham gia dịch vụ thú y trọn gói: trên cơ sở kiểm tra hồ sơ, thủ tục, tổ chức giao nhận giữa ba bên (UBND cấp xã, chủ vật nuôi ký nhận và chi trả lại cho nhà cung cấp dịch vụ) vào giữa kỳ hoặc khi hai bên thanh lý hợp đồng hằng năm.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của UBND các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cơ chế hỗ trợ này đến tận hộ chăn nuôi, đối tượng được hỗ trợ.

 b) Chỉ đạo cơ quan có liên quan lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ theo Quy định này, gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính để tham mưu bố trí kế hoạch kinh phí thực hiện. Kế hoạch kinh phí phải sát thực tế, có dự kiến chỉ tiêu phân bổ từng nội dung hỗ trợ cho từng xã, phường, thị trấn. Hướng dẫn các mẫu đơn, biểu mẫu cho UBND cấp xã để phổ biến cho các đối tượng được hưởng hỗ trợ thực hiện. Đồng thời tổ chức nghiệm thu các nội dung hỗ trợ trên địa bàn.

  c) Thực hiện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường và ủy quyền cho UBND cấp xã xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại các điểm b, c khoản 1, Điều 19 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

d) Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.

e) Tiếp nhận và xử lý kiến nghị về bảo vệ môi trường của các cơ sở chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi.

f) Phối hợp với các chủ hộ chăn nuôi xử lý sự cố môi trường xảy ra trong quá trình chăn nuôi.

 g) Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

h) Được sử dụng ngân sách cấp huyện để chi cho công tác hành chính văn phòng, photo hồ sơ, biểu mẫu, báo cáo, tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện.

  i) Định kỳ 6 tháng, năm tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cơ chế hỗ trợ này đến tận các đối tượng được hưởng hỗ trợ trên địa bàn.

 b) Tổ chức tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, trả lời kết quả và hướng dẫn các mẫu đơn, biểu mẫu. Đồng thời thực hiện kiểm tra các điều kiện hưởng hỗ trợ trên địa bàn.

  c) Căn cứ kế hoạch kinh phí do UBND cấp huyện phân bổ, kết quả kiểm tra điều kiện hưởng hỗ trợ, tổ chức họp xét hỗ trợ, tổng hợp danh sách và có văn bản gửi UBND cấp huyện đề nghị tổ chức nghiệm thu.

 d) Phối hợp với các cơ quan liên quan cấp huyện tổ chức nghiệm thu các nội dung hỗ trợ.

e) Niêm yết công khai danh sách đối tượng được hỗ trợ, mức hỗ trợ tại trụ sở UBND cấp xã theo quy định.

f) Tổ chức cấp phát kinh phí cho các đối tượng sau khi có quyết định hỗ trợ kinh phí của UBND cấp huyện.

g) Được sử dụng ngân sách xã để chi cho công tác hành chính văn phòng, photo hồ sơ, biểu mẫu, báo cáo, tổ chức kiểm tra sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện.

h) Thực hiện việc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn theo ủy quyền của UBND cấp huyện.

i) Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.

j) Tiếp nhận và xử lý kiến nghị về bảo vệ môi trường của các cơ sở chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi.

k) Phối hợp với các chủ hộ chăn nuôi xử lý sự cố môi trường xảy ra trong quá trình chăn nuôi.

 l) Định kỳ 6 tháng, năm tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện về UBND cấp huyện.

 Điều 12. Trách nhiệm của các Sở

 1. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện Quy định này trên địa bàn tỉnh.

b) Giao đơn vị liên quan tổ chức mua bình chứa nitơ để phân bổ cho các đơn vị cung ứng tinh cấp huyện, cung ứng vật tư phối giống và đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc.

c) Tổng hợp và lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ từ đăng ký nhu cầu của các đơn vị, địa phương, phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện.

d) Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ để kịp thời hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai Quy định tại các địa phương hoặc tham mưu đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quy định này cho phù hợp; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài chính

a) Tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ theo kế hoạch vốn hằng năm và hướng dẫn việc thanh quyết toán theo quy định.

b) Hằng năm, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT để xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Bố trí kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án để nâng cao hiệu quả thực hiện Quy định này.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Hướng dẫn Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND cấp huyện tổ chức việc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.

b) Hướng dẫn cho các cá nhân trong việc lập kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.

c) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

 5. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh, các đoàn thể nhân dân: Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn trong việc triển khai thực hiện Quy định này đến tận người chăn nuôi và giám sát quá trình thực hiện cơ chế đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích.

Điều 13. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách theo Quy định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

2. UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân về kinh phí hỗ trợ theo Quy định này.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Sở, Ngành, địa phương báo cáo bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đinh Văn Thu