Sign In

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/2017/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2017

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, THANH TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ QUẢN LÝ, BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012; Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2014 và Nghị định số 28/2016/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ.

Điều 1. Quy định chung

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn về chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước; Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012, Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2014 và Nghị định số 28/2016/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ;

2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ.

3. Quỹ bảo trì đường bộ là Quỹ của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Quỹ được thành lập ở cấp trung ương gọi là Quỹ bảo trì đường bộ trung ương (sau đây viết tắt là Quỹ trung ương) và được thành lập ở cấp tỉnh gọi là Quỹ bảo trì đường bộ địa phương (sau đây viết tắt là Quỹ địa phương).

4. Nguồn kinh phí của Quỹ bảo trì đường bộ:

a) Nguồn kinh phí của Quỹ trung ương, gồm:

- Ngân sách trung ương cấp từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương (65% tổng số dự toán thu phí sử dụng đường bộ cả nước);

- Ngân sách trung ương cấp bổ sung cho Quỹ trung ương.

- Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

b) Nguồn kinh phí của Quỹ địa phương, gồm:

- Ngân sách trung ương cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương (35% tổng số dự toán thu phí sử dụng đường bộ cả nước);

- Ngân sách địa phương cấp bổ sung cho Quỹ địa phương.

- Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

5. Kinh phí quản lý, bảo trì quốc lộ do Quỹ trung ương bảo đảm; kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương do Quỹ địa phương bảo đảm.

6. Mở tài khoản:

a) Quỹ trung ương mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước (Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước) để tiếp nhận các nguồn kinh phí của Quỹ.

Các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được ủy quyền quản lý), các Ban quản lý dự án và các đơn vị khác được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ và kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ (sau đây viết tắt là đơn vị khác), Văn phòng Quỹ trung ương mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để tiếp nhận nguồn kinh phí và thực hiện chi từ Quỹ trung ương.

b) Quỹ địa phương mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tiếp nhận các nguồn kinh phí của Quỹ.

Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ và kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ ở địa phương mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để tiếp nhận nguồn kinh phí và thực hiện chi từ Quỹ địa phương.

7. Quỹ bảo trì đường bộ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan Nhà nước theo quy định; hàng năm việc lập dự toán, phân bổ, giao dự toán và quản lý, thanh toán, quyết toán thu - chi Quỹ thực hiện theo quy định hiện hành.

8. Quỹ bảo trì đường bộ phải công khai tình hình quản lý, sử dụng Quỹ và báo cáo tình hình thực hiện công khai tài chính theo quy định.

Điều 2. Nội dung chi kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ

1. Chi bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ.

2. Chi sửa chữa định kỳ công trình đường bộ.

3. Chi sửa chữa đột xuất: khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông hoặc các nguyên nhân bất thường khác, chi giải phóng mặt bằng (nếu có) để đảm bảo giao thông và an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và quy định của pháp luật về đất đai.

4. Chi hoạt động các Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và lưu động, gồm: Chi phí hoạt động thường xuyên, chi không thường xuyên (mua sắm, sửa chữa, kiểm định thiết bị; sửa chữa, nâng cấp nhà trạm).

5. Hỗ trợ chi phí dịch vụ sử dụng phà (phần chi phí chưa kết cấu vào giá) theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

6. Chi kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng công trình đường bộ theo quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng; chi lập quy trình và định mức quản lý, khai thác bảo trì các công trình đường bộ đang khai thác có yêu cầu đặc thù.

7. Chi mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị phục vụ trực tiếp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo trì đường bộ.

8. Chi mua trang phục tuần kiểm.

9. Chi sửa chữa cải tạo nhà hạt.

10. Chi hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ bảo trì đường bộ: Áp dụng theo định mức của cơ quan nhà nước (đối với biên chế được giao thực hiện nhiệm vụ chuyên trách) và các khoản chi khác theo chế độ quy định đảm bảo hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ và bộ máy giúp việc Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ.

11. Chi hoạt động thanh tra, kiểm tra kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (bao gồm chi hỗ trợ thanh tra giao thông địa phương thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến quốc lộ uỷ quyền (nếu có).

12. Chi hỗ trợ công tác kiểm tra tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

13. Chi ứng dụng công nghệ và thuê mua sản phẩm, dịch vụ công nghệ phục vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và bảo trì công trình đường bộ.

14. Chi hoạt động trông coi, bảo quản công trình đường bộ trong một số trường hợp đặc thù theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (đối với đường quốc lộ), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với đường địa phương).

15. Chi làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt.

16. Chi mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị phục vụ công tác vượt sông (phà tự hành, phà thép và ca nô lai dắt) để đảm bảo giao thông thông suốt trên hệ thống đường bộ theo quy định của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, sau khi được Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ xem xét, quyết định.

17. Chi khác liên quan trực tiếp đến công tác quản lý, bảo trì công trình đường bộ do Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ quyết định.

Điều 3. Lập, giao dự toán thu phí sử dụng đường bộ

1. Lập dự toán thu

a) Hàng năm, căn cứ vào Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ do Bộ Tài chính ban hành; đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí sử dụng đường bộ lập dự toán thu cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân sách của đơn vị, gửi Hội đồng quản lý Quỹ trung ương.

b) Hội đồng quản lý Quỹ trung ương lập dự toán thu kèm theo thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán; trong đó xác định phần trích để lại chi cho đơn vị tổ chức thu phí, phần nộp ngân sách trung ương theo chế độ quy định gửi Bộ Giao thông vận tải.

c) Bộ Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp chung dự toán thu của Quỹ trung ương vào phương án xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trong phương án phân bổ thu ngân sách trung ương hàng năm trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Giao dự toán thu

Căn cứ dự toán thu phí sử dụng đường bộ được cơ quan có thẩm quyền giao, Bộ Giao thông vận tải giao dự toán thu phí sử dụng đường bộ cho Quỹ trung ương. Hội đồng quản lý Quỹ trung ương giao dự toán thu phí sử dụng đường bộ cho đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí sử dụng đường bộ.

Điều 4. Lập, giao dự toán chi Quỹ trung ương

1. Lập dự toán chi

a) Hàng năm, căn cứ vào tình trạng công trình đường bộ; định mức kinh tế kỹ thuật; nội dung chi quy định tại Điều 2 của Thông tư này; đơn giá, định mức chi được cấp có thẩm quyền quy định; chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; Văn phòng Quỹ trung ương lập dự toán chi hoạt động gửi Hội đồng quản lý Quỹ trung ương; Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được ủy quyền quản lý), đơn vị khác lập dự toán về nhu cầu chi quản lý, bảo trì quốc lộ, cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân sách của đơn vị, gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét tổng hợp, gửi Hội đồng quản lý Quỹ trung ương.

b) Hội đồng quản lý Quỹ trung ương lập dự toán chi, kèm theo thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán, định hướng, nguyên tắc phân bổ và xác định thứ tự ưu tiên cho từng nhóm nhiệm vụ chi của Quỹ trung ương, gửi Bộ Giao thông vận tải.

c) Bộ Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp chung dự toán chi của Quỹ trung ương vào phương án xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trong phương án phân bổ chi ngân sách trung ương hàng năm trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Giao dự toán chi

a) Căn cứ dự toán chi được cơ quan có thẩm quyền giao, Bộ Giao thông vận tải thông báo dự toán chi quản lý, bảo trì quốc lộ cho Quỹ trung ương.

b) Hội đồng quản lý Quỹ trung ương thông báo dự toán chi quản lý, bảo trì quốc lộ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam và dự toán chi hoạt động cho Văn phòng Quỹ trung ương để lập phương án phân bổ dự toán chi quản lý, bảo trì quốc lộ.

c) Căn cứ kế hoạch quản lý, bảo trì quốc lộ được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và thông báo dự toán chi quản lý, bảo trì quốc lộ của Hội đồng quản lý Quỹ trung ương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập phương án phân bổ dự toán chi quản lý, bảo trì quốc lộ cho các Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được ủy quyền quản lý), đơn vị khác theo nội dung chi quy định tại Điều 2 của Thông tư này, chi tiết theo từng công trình gắn với đoạn đường, tuyến đường, khối lượng và kinh phí thực hiện (trừ công trình khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1 theo quy định tại Thông tư số 30/2010/TT-BGTVT ngày 01 tháng 10 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong ngành đường bộ). Đối với công trình có thời gian thi công trên một (1) năm, việc phân bổ dự toán chi từng năm phải bảo đảm theo khối lượng và thời gian thi công được phê duyệt trong quyết định đầu tư; không phân bổ dự toán chi để trả nợ đối với khối lượng đã thực hiện năm trước nhưng ngoài danh mục kế hoạch bảo trì được giao năm trước (trừ khối lượng sửa chữa đột xuất, cầu yếu, điểm đen, các vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông và các nguyên nhân khách quan khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa có kinh phí bố trí); báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ trung ương xem xét, quyết định.

d) Sau khi phê duyệt, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương giao dự toán chi hoạt động cho Văn phòng Quỹ trung ương và thông báo dự toán chi quản lý, bảo trì quốc lộ cho các Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được ủy quyền quản lý) và các đơn vị khác (nếu có).

Dự toán chi giao và thông báo cho các đơn vị quy định tại điểm d khoản này, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương đồng gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để phối hợp thực hiện.

(Biểu tổng hợp thông báo và giao dự toán chi từ Quỹ trung ương cho các đơn vị theo Phụ lục I kèm theo Thông tư này).

3. Căn cứ vào dự toán chi quản lý, bảo trì quốc lộ được giao, các Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được uỷ quyền quản lý), các đơn vị khác thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch quản lý, bảo trì quốc lộ theo quy định hiện hành.

4. Đối với nhiệm vụ chi có tính chất đầu tư (sửa chữa định kỳ; sửa chữa đột xuất (trừ công trình khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1); sửa chữa lớn trạm kiểm tra tải trọng xe, nhà hạt quản lý đường bộ và các nhiệm vụ chi khác có tính chất đầu tư): Thực hiện theo quy định của pháp luật về việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cho sửa chữa, cải tạo mở rộng, nâng cấp các cơ sở vật chất hiện có; bảo trì trụ sở.

5. Tình hình thực hiện thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương hàng năm là căn cứ lập dự toán thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương và chi ngân sách nhà nước cho quản lý, bảo trì đường bộ năm kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 5. Lập, giao dự toán chi Quỹ địa phương

1. Căn cứ nguyên tắc phân chia kinh phí cho từng Quỹ địa phương quy định tại Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ (chiều dài đường bộ của địa phương, số xe ô tô quy tiêu chuẩn đăng ký tại địa phương và hệ số khó khăn về nguồn thu ngân sách của từng địa phương), Hội đồng quản lý Quỹ trung ương xây dựng phương án phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương (phần địa phương được hưởng) cho cả thời kỳ ổn định ngân sách và xây dựng phương án phân bổ dự toán chi từ nguồn phí sử dụng đường bộ hàng năm (35% tổng số dự toán thu phí sử dụng đường bộ cả nước) cho từng địa phương cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân sách gửi Bộ Giao thông vận tải để gửi Bộ Tài chính tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm, trình các cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Riêng năm 2017, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương xây dựng phương án phân chia nguồn 35% tổng số thu phí sử dụng đường bộ cả nước theo mức dự toán đã được giao, cho từng Quỹ địa phương gửi Bộ Giao thông vận tải, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung có mục tiêu cho địa phương.

2. Căn cứ vào dự toán chi từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ bổ sung cho các địa phương (35% tổng số dự toán thu phí sử dụng đường bộ cả nước) được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Tài chính giao dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để cấp kinh phí cho Quỹ địa phương.

3. Căn cứ dự toán chi quản lý, bảo trì đường bộ được ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho Quỹ địa phương và nhu cầu chi quản lý, bảo trì đường bộ do địa phương quản lý, Sở Giao thông vận tải, thống nhất với Sở Tài chính trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) dự toán chi từ ngân sách địa phương cho Quỹ địa phương và quy định việc lập, giao dự toán chi của Quỹ địa phương theo phân cấp của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phù hợp.

4. Đối với nhiệm vụ chi có tính chất đầu tư (sửa chữa định kỳ; sửa chữa đột xuất (trừ công trình khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1); sửa chữa lớn trạm kiểm tra tải trọng xe, nhà hạt quản lý đường bộ và các nhiệm vụ chi khác có tính chất đầu tư): Thực hiện theo quy định của pháp luật về việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cho sửa chữa, cải tạo mở rộng, nâng cấp các cơ sở vật chất hiện có; bảo trì trụ sở.

Điều 6. Quy định về cấp, tạm ứng, thanh toán kinh phí

1. Quy định về cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho Quỹ trung ương

Đối với quý đầu năm kế hoạch: Căn cứ vào dự toán chi thực hiện công tác bảo trì, quản lý công trình quốc lộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải để Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí (theo hình thức lệnh chi tiền) vào tài khoản của Quỹ trung ương, tối đa 25% dự toán chi năm.

Đối với các quý tiếp theo: Căn cứ tiến độ triển khai công việc và giải ngân kinh phí thực hiện công tác quản lý, bảo trì quốc lộ của quý trước, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải, để Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí (theo hình thức lệnh chi tiền) vào tài khoản của Quỹ trung ương để tạm ứng, thanh toán. Mức cấp quý II tối đa là 35% và quý III tối đa là 20% dự toán chi năm, quý IV tối đa là số dự toán chi còn lại của năm.

2. Quy định về cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho Quỹ địa phương:

a) Đối với phần bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho Quỹ địa phương: Hàng năm, căn cứ vào dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Bộ Tài chính thông báo cho từng địa phương, Sở Tài chính thực hiện cấp phát kinh phí cho Quỹ địa phương theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

b) Đối với phần bổ sung từ ngân sách địa phương cho Quỹ địa phương: Sở Giao thông vận tải thống nhất với Sở Tài chính trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức cấp cụ thể từ nguồn ngân sách địa phương bổ sung cho Quỹ địa phương.

c) Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hình thức cấp phát, tiến độ cấp phát kinh phí hàng quý cho Quỹ địa phương phù hợp với yêu cầu của địa phương.

3. Quy định về phương thức chuyển kinh phí Quỹ bảo trì đường bộ

a) Đối với Quỹ trung ương

Căn cứ dự toán kinh phí được Bộ Tài chính cấp, dự toán chi của Quỹ trung ương, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương quyết định phân bổ, chuyển kinh phí của Quỹ trung ương cho Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được ủy quyền quản lý), đơn vị khác (nếu có), Văn phòng Quỹ trung ương, gửi Kho bạc Nhà nước; Kho bạc Nhà nước chuyển kinh phí vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch của các cơ quan, đơn vị.

(Biểu tổng hợp chuyển kinh phí từ Quỹ trung ương cho các đơn vị theo Phụ lục II kèm theo Thông tư này).

b) Đối với Quỹ địa phương

Căn cứ dự toán kinh phí được cấp, dự toán chi của Quỹ địa phương, Hội đồng quản lý Quỹ địa phương quyết định phân bổ, chuyển kinh phí của Quỹ địa phương cho cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ và kinh phí quản lý bảo trì đường bộ ở địa phương gửi Kho bạc Nhà nước địa phương; Kho bạc Nhà nước địa phương chuyển kinh phí vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch của các cơ quan, đơn vị.

4. Quy định về tạm ứng, thanh toán của Kho bạc Nhà nước

a) Căn cứ vào dự toán chi quản lý, bảo trì đường bộ được giao, cơ quan, đơn vị thực hiện đề nghị Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch tạm ứng, thanh toán cho các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích về quản lý, bảo trì đường bộ theo quy định hiện hành.

b) Căn cứ để Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán

- Có trong danh mục, dự toán chi được cấp có thẩm quyền giao;

- Căn cứ số dư trong tài khoản của cơ quan, đơn vị tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch;

- Quyết định chuyển kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ cho các đơn vị được giao dự toán chi;

- Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng đối với nhiệm vụ chi có tính chất đầu tư theo quy định bắt buộc phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng; kết quả đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch của cấp có thẩm quyền;

- Hợp đồng thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện quản lý, bảo trì công trình đường bộ;

- Biên bản nghiệm thu sản phẩm và bản thanh toán kinh phí sản phẩm quản lý, bảo trì công trình đường bộ hoàn thành;

- Duyệt chi của Thủ trưởng đơn vị được giao quản lý kinh phí của Quỹ bảo trì đường bộ, cùng hồ sơ chứng từ theo quy định hiện hành.

c) Kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước: Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch kiểm tra các căn cứ nêu tại điểm b khoản 4 Điều này, thực hiện kiểm soát các khoản chi từ Quỹ bảo trì đường bộ trước khi tạm ứng, thanh toán theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị được giao quản lý kinh phí theo quy định hiện hành, cụ thể:

Đối với nhiệm vụ chi có tính chất thường xuyên: Việc tạm ứng và thanh toán thực hiện theo quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01 tháng 3 năm 2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Đối với nhiệm vụ chi có tính chất đầu tư: Việc tạm ứng và thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật đối với các khoản chi từ nguồn kinh phí thường xuyên các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cho sửa chữa, cải tạo mở rộng, nâng cấp các cơ sở vật chất hiện có, bảo trì trụ sở.

Điều 7. Quyết toán thu, chi Quỹ bảo trì đường bộ

1. Lập, xét duyệt báo cáo quyết toán thu, chi của Quỹ trung ương.

a) Quyết toán thu: Các đơn vị thu phí sử dụng đường bộ lập quyết toán thu gửi Hội đồng quản lý Quỹ trung ương và các khoản thu khác theo quy định hiện hành.

b) Quyết toán chi: Các đơn vị được giao quản lý, sử dụng kinh phí của Quỹ trung ương lập báo cáo quyết toán việc sử dụng kinh phí theo mẫu biểu và yêu cầu của quyết toán chi ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

Báo cáo quyết toán kèm theo báo cáo danh mục công trình đã được giao kế hoạch trong năm đề nghị quyết toán, chi tiết theo nội dung chi quy định tại Điều 2 của Thông tư này.

c) Nội dung, quy trình xét duyệt, thẩm định, thông báo quyết toán năm: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp và các quy định tại Thông tư này, trong đó:

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm xét duyệt quyết toán năm của các Cục quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải (đối với quốc lộ được uỷ quyền quản lý), các đơn vị khác; tổng hợp gửi Hội đồng quản lý Quỹ trung ương.

- Hội đồng quản lý Quỹ trung ương có trách nhiệm phê duyệt quyết toán chi hoạt động của Văn phòng Quỹ trung ương.

- Hội đồng quản lý Quỹ trung ương phê duyệt quyết toán thu, chi của Quỹ trung ương, gửi Bộ Giao thông vận tải. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm thẩm định quyết toán năm của Quỹ trung ương và tổng hợp vào quyết toán của Bộ, gửi Bộ Tài chính.

- Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định quyết toán năm của Bộ Giao thông vận tải bao gồm quyết toán năm của Quỹ trung ương và tổng hợp vào báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định.

d) Cuối năm, nguồn kinh phí của Quỹ trung ương còn dư, việc chuyển kinh phí sang năm sau thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

2. Lập, xét duyệt báo cáo quyết toán thu, chi của Quỹ địa phương.

a) Sở Tài chính chủ trì thống nhất với Sở Giao thông vận tải trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định về lập, xét duyệt, thẩm định, thông báo quyết toán năm đối với Quỹ địa phương cho phù hợp (bao gồm cả phần ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để cấp cho Quỹ địa phương) và tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

b) Cuối năm, nguồn kinh phí của Quỹ địa phương còn dư, việc chuyển kinh phí sang năm sau thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

3. Đối với nhiệm vụ chi có tính chất đầu tư phải thực hiện quyết toán theo quy định của Bộ Tài chính đối với việc quyết toán kinh phí sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Điều 8. Công tác kiểm tra

Để đảm bảo việc sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ đúng mục đích, có hiệu quả; Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình quản lý, sử dụng, thanh toán Quỹ bảo trì đường bộ.

Trong quá trình quản lý, kiểm tra phát hiện các khoản chi không đúng chế độ, chi sai nội dung quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đều phải xuất toán thu hồi vào Quỹ bảo trì đường bộ (trung ương và địa phương) theo phân cấp; đồng thời cá nhân ra quyết định chi sai phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.

2. Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, thanh toán, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT) hết hiệu lực kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Đối với khoản chi có tính chất đầu tư theo quy định tại Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT đã được giao dự toán, cấp kinh phí trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được bố trí kinh phí thực hiện (dự toán còn lại nếu có) cho đến khi nhiệm vụ hoàn thành.

4. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết ./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc Hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND, Sở Tài chính, Sở GTVT, Cục Thuế, KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương;
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, HCSN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Trần Xuân Hà

 

PHỤ LỤC SỐ 1

TỔNG HỢP THÔNG BÁO VÀ GIAO DỰ TOÁN CHI QUỸ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ TRUNG ƯƠNG NĂM...
(Kèm theo Thông tư số 60 /2017/TT-BTC ngày 15/6 /2017 của Bộ Tài chính)

Đơn vị: đồng

STT

Đơn vị

 

 

Công trình, nhiệm vụ

Thời gian thực hiện

Giá trị công trình, nhiệm vụ được duyệt

Dự toán chi đã được giao lũy kế đến năm...

Dự toán chi năm nay

KBNN nơi giao dịch

Ghi chú

 

 

1

2

3

4

5

6

A

 

 

 

 

 


B

I

1

2

II

1

2

III

1

2

Tổng số

- Bảo dưỡng thường xuyên

- Sửa chữa định kỳ

- Sửa chữa đột xuất

- Chi khác:

Chi tiết theo nội dung chi tại Điều 2 Thông tư này

Chi tiết theo từng đơn vị

Cục Quản lý đường bộ...

Công trình...

Công trình...

Cục Quản lý đường bộ...

Công trình...

Công trình...

Sở GTVT tỉnh...

Công trình...

Công trình...

...

 

 

 

 

 

 

 

 



NGƯỜI LẬP

(Ký ghi rõ họ tên)

Hà Nội, ngày... tháng... năm...
HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ
QUỸ BTĐB TRUNG ƯƠNG

(Ký ghi rõ họ tên)

 

PHỤ LỤC SỐ 2

TỔNG HỢP CHUYỂN KINH PHÍ TỪ QUỸ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ TRUNG ƯƠNG CHO CÁC ĐƠN VỊ SỬ DỤNG NĂM….
(Kèm theo Thông tư số 60/2017/TT-BTC ngày 15/6 /2017 của Bộ Tài chính)

Đơn vị: đồng

STT

Đơn vị

Dự toán được giao

Kinh phí đã chuyển lũy kế đến

Kinh phí chuyển kỳ này

Tài khoản, Kho bạc nhà nước nơi giao dịch của đơn vị thụ hưởng

A

B

1

2

3

4

 

1

2

3

Tổng số

Cục Quản lý đường bộ...

Cục Quản lý đường bộ...

Sở GTVT tỉnh...

...

 

 

 

 

 



NGƯỜI LẬP

(Ký ghi rõ họ tên)

Hà Nội, ngày... tháng... năm...
HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ
QUỸ BTĐB TRUNG ƯƠNG

(Ký ghi rõ họ tên)

 

 

 

 

 

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Xuân Hà