Sign In

NGHỊ QUYẾT

Quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM KHÓA X,

KỲ HỌP THỨ BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Xét Tờ trình số 1878/TTr-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị ban hành Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025; Báo cáo thẩm tra số 51/BC-HĐND ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

  1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025.

2. Đối tượng áp dụng:

Các di tích được xếp hạng bao gồm di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh.

Điều 2. Điều kiện đầu tư, hỗ trợ

Các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng đang xuống cấp cần được đầu tư, tu bổ. Các di tích được xem xét đầu tư, hỗ trợ kinh phí sau khi dự án bảo quản, tu bổ di tích được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Điều 3. Nội dung, định mức hỗ trợ đầu tư

1. Di tích quốc gia đặc biệt: 2 di tích, gồm có: 1 di tích tu bổ, 1 di tích vừa tu bổ và xây dựng nhà bia (phụ lục I).

a) Di tích kiến trúc Chăm: 12.000 triệu đồng/1 hạng mục.

b) Di tích lịch sử: 7.000 triệu đồng/1 hạng mục.

c) Xây dựng nhà bia: 800 triệu đồng/1 nhà bia.

2. Di tích quốc gia: 11 di tích, gồm có: 8 di tích tu bổ, 3 di tích xây dựng nhà bia (phụ lục II).

a) Di tích kiến trúc Chăm: 8.400 triệu đồng/1 hạng mục.

b) Di tích kiến trúc nghệ thuật: 1.200 triệu đồng/1 hạng mục.

c) Di tích lịch sử: Loại hình nhà thờ, đình, miếu, dinh (bao gồm cả phần phù điêu, tượng đài): 1.400 triệu đồng/1 hạng mục. Loại hình địa đạo: 1.500 triệu đồng/1 hạng mục. Loại hình lịch sử cách mạng: 1.400 triệu đồng/1 hạng mục. Loại hình lăng mộ: 800 triệu đồng/1 di tích. d) Xây dựng nhà bia: 800 triệu đồng/1 nhà bia.

3. Di tích cấp tỉnh: 67 di tích, gồm có: 28 di tích tu bổ, 39 di tích dựng bia (phụ lục III).

a) Di tích kiến trúc nghệ thuật: 840 triệu đồng/1 di tích.

b) Di tích lịch sử: Loại hình nhà thờ, đình, miếu: 640 triệu đồng/1 di tích. Loại hình lịch sử cách mạng: 640 triệu đồng/1 di tích. Loại hình mộ/lăng mộ: 420 triệu đồng/1 di tích. Loại hình địa đạo: 640 triệu đồng/1 hạng mục/50m.

c) Xây dựng bia di tích: 300 triệu đồng/1 bia.

Điều 4. Nguồn kinh phí, thời gian thực hiện

1. Tổng kinh phí thực hiện: 90.940.000.000 đồng (Chín mươi tỷ chín trăm bốn mươi triệu đồng). Trong đó:

a) Di tích quốc gia đặc biệt: 19.800 triệu đồng.

b) Di tích quốc gia: 43.300 triệu đồng.  

c) Di tích cấp tỉnh: 27.840 triệu đồng.

2. Nguồn vốn thực hiện:

a) Các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia:

Nguồn kinh phí ngân sách tỉnh.

b) Các di tích cấp tỉnh: Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến hết năm 2025.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Triển khai thực hiện Nghị quyết theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

b) Trong quá trình điều hành ngân sách, ưu tiên trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung kinh phí khi xuất hiện nguồn nhằm đảm bảo thực hiện Nghị quyết theo lộ trình.

c) Rà soát các di tích theo Nghị quyết này để quyết định kế hoạch đầu tư, tu bổ các di tích hằng năm phù hợp với tình hình thực tế và nguồn kinh phí được bố trí theo kế hoạch.

d) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương tiếp tục rà soát danh mục di tích, nhất là các di tích còn yếu tố gốc và những nội dung phát sinh khác trong quá trình thực hiện cần điều chỉnh, bổ sung để trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 21 tháng 4 năm 2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 5 năm 2022./.

 

Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phan Việt Cường