THÔNG TƯ
Hướng dẫn việc thành lập, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác dùng nước
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 của Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 4 tháng 4 năm 2001; Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thành lập, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác dùng nước.
A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. "Tổ chức hợp tác dùng nước" đã được xác định trong Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi là hình thức hợp tác của những người cùng hưởng lợi từ công trình thủy lợi, làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình, phục vụ sản xuất, dân sinh trên một địa bàn nhất định.
2. Mục tiêu của việc thành lập, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác dùng nước:
- Đảm bảo các công trình thủy lợi, đặc biệt là cấp xã, thôn có chủ quản lý thực sự; thực hiện vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa công trình nhằm bảo vệ và phát huy tốt hiệu quả công trình.
- Đảm bảo sự đồng bộ, khép kín về công tác quản lý, làm tốt chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thủy lợi với các dịch vụ liên quan giúp các hộ nông dân sử dụng nước có hiệu quả.
3. Tổ chức hợp tác dùng nước được Nhà nước hoặc tập thể giao quyền quản lý và khai thác công trình thủy lợi có quy mô thích hợp để tổ chức phục vụ tưới, tiêu cho các hộ, cá nhân, tổ chức sử dụng nước trong phạm vi thôn, xã hoặc liên xã. Tổ chức hợp tác dùng nước tổ chức theo các loại hình: Tổ hợp tác, hợp tác xã, hội, hiệp hội.
4. Nguyên tắc tổ chức
4.1. Công trình, hệ thống công trình phục vụ tưới tiêu phạm vi thôn, xã hoặc liên xã do một tổ chức quản lý.
4.2. Tổ chức hợp tác dùng nước được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện cùng có lợi; thủ tục thành lập, cơ chế tổ chức, quản lý, hoạt động của tổ chức hợp tác dùng nước theo pháp luật hiện hành ứng với mỗi hình thức tổ chức và điều lệ, quy chế của tổ chức đó.
4.3. Hộ nông dân sử dụng nước tưới tiêu từ các công trình thủy lợi khác nhau được quyền tham gia vào nhiều tổ chức hợp tác dùng nước.
4.4. Tổ chức hợp tác dùng nước quản lý, điều hành theo hệ thống công trình, không phụ thuộc địa giới hành chính, chịu sự quản lý nhà nước của chính quyền trên địa bàn, chịu sự quản lý kỹ thuật và nghiệp vụ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, công ty khai thác công trình thủy lợi mà tổ chức này phụ thuộc); có quy mô và hình thức tổ chức đa dạng, phù hợp với điều kiện cụ thể về công trình, trình độ quản lý, dân trí và đáp ứng yêu cầu của người dân địa phương.
4.5. Đối với các tổ chức hợp tác dùng nước đang hoạt động, cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể để có kế hoạch củng cố, phát triển trên cơ sở của tổ chức hiện có nhằm tạo điều kiện hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
4.6. Tổ chức hợp tác dùng nước hoạt động theo điều lệ hoặc quy chế được đại hội hoặc hội nghị của tổ chức hợp tác dùng nước thông qua; quản lý tài chính theo nguyên tắc tự chủ, dân chủ, công khai theo hướng dẫn của ngành tài chính; hạch toán độc lập; có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng, được vay vốn ở ngân hàng, có trụ sở làm việc.
4.7. Ngoài các dịch vụ tưới, tiêu, tổ chức hợp tác dùng nước được kết hợp làm các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
5. Nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức hợp tác dùng nước được quy định cụ thể tại Điều 9 - Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ.
B. CƠ CẤU CỦA TỔ CHỨC HỢP TÁC DÙNG NƯỚC
I. QUY MÔ VÀ HÌNH THỨC TỔ CHỨC
1. Tổ chức hợp tác dùng nước quản lý hệ thống công trình độc lập
Hệ thống công trình được xây dựng trên địa bàn phục vụ tưới tiêu gọn trong phạm vi thôn, liên thôn, xã hoặc liên xã (không liên quan đến tổ chức, quản lý vận hành hệ thống công trình do doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thủy lợi quản lý) thì thành lập một tổ chức để quản lý, điều hành thống nhất công trình thuộc phạm vi phụ trách theo các loại hình tổ chức hợp tác dùng nước thích hợp.
Đối với tổ chức hợp tác dùng nước quản lý hệ thống công trình trong phạm vi thôn, liên thôn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký quyết định công nhận và phê duyệt điều lệ hoặc quy chế hoạt động của tổ chức này.
Đối với tổ chức hợp tác dùng nước quản lý hệ thống công trình trong phạm vi xã, liên xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ký quyết định công nhận và phê duyệt điều lệ hoặc quy chế hoạt động của tổ chức này.
Trường hợp Tổ chức hợp tác dùng nước là tổ, đội thuộc Hợp tác xã nông nghiệp thì tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của tổ, đội do Điều lệ của Hợp tác xã quy định theo Luật Hợp tác xã.
2. Tổ chức hợp tác dùng nước quản lý công trình trong hệ thống công trình thủy lợi do doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thủy lợi quản lý.
a) Hệ thống công trình thủy lợi có quy mô nhỏ, kỹ thuật ít phức tạp, có liên quan đến hệ thống công trình do doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thủy lợi quản lý, phục vụ tưới tiêu cho diện tích không lớn thì tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để quy định phân cấp cho tổ chức hợp tác dùng nước quản lý.
b) Quy mô phục vụ, hình thức tổ chức của các loại hình tổ chức hợp tác dùng nước trong hệ thống này được quy định cụ thể như sau:
- Công trình, tuyến kênh phục vụ tưới, tiêu gọn cho thôn, liên thôn hoặc xã thì thành lập Tổ chức hợp tác dùng nước theo quy mô thôn, liên thôn hoặc xã (theo địa giới hành chính) hoặc theo hình thức tổ, đội trực thuộc Hợp tác xã nông nghiệp.
- Công trình, tuyến kênh phục vụ tưới tiêu cho 2 xã trở lên được tổ chức quản lý theo tuyến kênh quy mô liên xã (không theo địa giới hành chính). Loại hình tổ chức thích hợp nhất trong trường hợp này là Hợp tác xã dùng nước, hội, hiệp hội những người dùng nước (mô hình chuyên khâu).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định công nhận và phê duyệt điều lệ hoặc quy chế hoạt động của tổ chức này.
II. BỘ MÁY QUẢN LÝ
Bộ máy điều hành (ban chủ nhiệm) do các thành viên của tổ chức hợp tác dùng nước lựa chọn bầu ra thông qua hội nghị hoặc đại hội định kỳ của tổ chức.
Tùy theo quy mô lớn, nhỏ và hình thức tổ chức đã được thành lập để quy định tổ chức bộ máy bao gồm:
Đối với tổ chức hợp tác dùng nước có quy mô liên thôn, xã, liên xã thì được tổ chức bộ máy như sau:
+ 1 chủ nhiệm (trưởng hội, hiệp hội) và 1 ¸ 2 phó chủ nhiệm (phó trưởng hội, hiệp hội), có thể thành lập các tổ, nhóm chuyên môn như tổ kinh tế (có 1 thủ quỹ, 1 kế toán) và tổ kỹ thuật (vận hành, sửa chữa, phân phối nước… ), tổ kiểm soát hoặc phân công 1 người phụ trách theo các chức năng trên.
Đối với tổ chức hợp tác dùng nước có quy mô nhỏ (thôn) thì bộ máy tổ chức của loại hình này gồm tổ trưởng (hội trưởng, đội trưởng), làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, gọn nhẹ, hiệu quả.
Đối với tổ chức hợp tác dùng nước trực thuộc tổ chức khác như Hợp tác xã nông nghiệp tùy theo điều kiện cụ thể thành lập một tổ, đội thủy nông trực thuộc chịu sự điều hành chung của Ban chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, được giao thực hiện nhiệm vụ dịch vụ tưới, tiêu. Tổ chức bộ máy của loại hình này gồm tổ trưởng (đội trưởng) làm việc kiêm nhiệm.
C. TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH
I. TÀI SẢN
Tài sản của tổ chức hợp tác dùng nước bao gồm tài sản do tổ chức hợp tác đang quản lý và tài sản được nhà nước, tập thể giao quyền cho tổ chức hợp tác trực tiếp quản lý.
1. Tài sản giao cho tổ chức hợp tác dùng nước trực tiếp quản lý được định giá bằng tiền tại thời điểm giao tài sản này nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước (tài sản thuộc nguồn vốn Nhà nước đầu tư) hoặc quyền sở hữu của tập thể (tài sản thuộc các nguồn vốn do tập thể, cá nhân đóng góp, Nhà nước hỗ trợ hoặc do các tổ chức khác tài trợ trực tiếp).
2. Tổ chức hợp tác dùng nước phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và cộng đồng về việc bảo tồn và phát huy hiệu quả của tài sản đã được giao quản lý, phải chịu trách nhiệm khi làm mất mát, hư hỏng, hoặc quản lý không hiệu quả.
II. TÀI CHÍNH
1. Nguồn thu của tổ chức hợp tác dùng nước bao gồm thủy lợi phí thu từ các hộ sử dụng nước thông qua dịch vụ tưới tiêu, từ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước (đối với các tổ chức được hưởng hỗ trợ theo quy định) và thu từ các dịch vụ khác (nếu có).
Căn cứ khung mức thu theo điều 19, Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ "quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi", Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước trong phạm vi phục vụ của tổ chức hợp tác dùng nước. Dựa trên khung mức thu đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định, tổ chức hợp tác dùng nước phải thoả thuận với tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng nước để xác định mức thu cụ thể cho phù hợp.
2. Phần chi phí của tổ chức hợp tác dùng nước phải tập trung chi cho duy tu, vận hành và bảo dưỡng công trình (chi cho duy tu, vận hành và bảo dưỡng công trình không được nhỏ hơn 80% tổng số chi) và phải được hội nghị toàn thể hội viên (hoặc hội nghị đại biểu) thông qua và tuân thủ theo các quy định về tài chính hiện hành.
Đối với những tổ chức hợp tác dùng nước quản lý công trình thuộc hệ thống công trình do doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thuỷ lợi quản lý, cần thu từ các hộ sử dụng nước để trả đủ phần thuỷ lợi phí của doanh nghiệp theo đúng quy định hiện hành. Nghiêm cấm việc sử dụng thủy lợi phí sai mục đích.
3. Các tổ chức hợp tác dùng nước quản lý công trình hoặc hệ thống công trình thủy lợi do Nhà nước chuyển giao quyền quản lý được Nhà nước cấp kinh phí theo quy định tại điều 13 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi và điều 11 Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ.
4. Việc cấp kinh phí cho các tổ chức hợp tác dùng nước hàng năm được thực hiện theo quy định tại các điều 12, điều 13, điều 14, điều 15, điều 16, điều 17, điều 18 của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ.
D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Thủy lợi giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Điều 6 của Nghị định 143/2003/NĐ-CP của Chính phủ để quy định cụ thể việc chuyển giao công trình thuỷ lợi cho tổ chức dùng nước hoặc cá nhân quản lý, khai thác và bảo vệ; có chính sách giải quyết vấn đề nhân lực của doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thuỷ lợi sau khi thực hiện chuyển giao, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chỉ đạo việc tổ chức đào tạo cán bộ, công nhân quản lý cho tổ chức hợp tác dùng nước.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh có nhiệm vụ:
- Phối hợp với Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp và các ngành liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng đề án củng cố, thành lập và hoạt động của các tổ chức hợp tác dùng nước trong phạm vi toàn tỉnh, các quy định cụ thể về việc phân cấp, giao công trình từ các doanh nghiệp Nhà nước cho tổ chức hợp tác dùng nước hoặc cá nhân quản lý, khai thác và bảo vệ.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thủy lợi lập đề án kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động; Thành lập, củng cố các tổ chức hợp tác dùng nước trong phạm vi doanh nghiệp quản lý, phục vụ; Tiến hành giao công trình và thủy lợi phí thuộc vùng công trình thực hiện chuyển giao cho tổ chức hợp tác dùng nước quản lý khi có quy định.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn, các xã tổ chức đánh giá năng lực các công trình thủy lợi trên địa bàn; thành lập, củng cố phát triển tổ chức hợp tác dùng nước, xây dựng và đề xuất kế hoạch chuyển giao công trình thủy lợi cho tổ chức hợp tác dùng nước quản lý.
4. Doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thủy lợi xây dựng các phương án thực hiện việc chuyển giao công trình, phần thủy lợi phí cho tổ chức hợp tác dùng nước quản lý. Có trách nhiệm xem xét hỗ trợ tổ chức hướng dẫn, đào tạo cán bộ của tổ chức hợp tác dùng nước nắm vững chuyên môn nghiệp vụ về tưới tiêu, vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi.
5. Ủy ban nhân dân huyện là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các tổ chức hợp tác dùng nước. Phê duyệt điều lệ hoặc quy chế hoạt động của các tổ chức hợp tác dùng nước có quy mô từ cấp toàn xã trở lên.
6. Ủy ban nhân dân các xã trong phạm vi công trình (hoặc hệ thống công trình) do tổ chức hợp tác dùng nước phụ trách có trách nhiệm phối hợp, giải quyết các vướng mắc cản trở đến việc tổ chức và hoạt động của tổ chức hợp tác dùng nước, đảm bảo quyền và trách nhiệm, các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, tạo mọi điều kiện để tổ chức hợp tác dùng nước hoạt động có hiệu quả.
Trường hợp giữa các xã có tranh chấp mà Ban quản lý của tổ chức hợp tác dùng nước không giải quyết được, phải trình Ủy ban nhân dân huyện giải quyết các tranh chấp đó.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, tổ chức hợp tác dùng nước thường xuyên báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Thủy lợi), kịp thời phản ánh những vướng mắc để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.