Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu S của Việt Nam cho hàng hoá

để hưởng các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định về Hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật

 giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và

Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào

____________________

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI 

Căn cứ Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hoá, Khoa học Kỹ thuật giữa Chính phủ Nước Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam và Chính phủ Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, ký ngày 16 tháng 01 năm 2004, tại Vientiane;

Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá Mẫu S của Việt Nam cho hàng hoá được hưởng các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hoá, Khoa học Kỹ thuật giữa Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước cộng hoà dân chủ Nhân dân Lào có hiệu lực từ ngày 16 tháng 01 năm 2004.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Thủ trưởng các cơ quan liên quan thuộc Bộ Thương mại chịu trách nhiệm thi hành và hướng dẫn thi hành Quyết định này./.

QUY CHẾ

Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu S của Việt nam cho hàng hoá để hưởng các ưu đãi

thuế quan theo Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hoá, Khoa học Kỹ thuật giữa

Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và

Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào

_____________________

(Ban hành kèm theo Quyết định số 0865/2004/QĐ-BTM,

 ngày 29 tháng 06 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại)

I/ CÁC QUY ĐỊNH CHUNG:

Điều 1: Định nghĩa

Giấy chứng nhận hàng hoá Mẫu S của Việt nam (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận Mẫu S) là Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (viết tắt là C/O) do cơ quan có thẩm  quyền được Bộ Thương mại uỷ quyền cấp cho hàng hoá Việt nam để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hoá, Khoa học Kỹ thuật giữa Chính phủ Nước Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam và Chính phủ Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào đã ký tại Vientiane ngày 16/01/2004 (sau đây gọi tắt là Hiệp định Việt - Lào).

Điều 2: Hàng hoá được cấp Giấy chứng nhận Mẫu S

Hàng hoá được cấp Giấy chứng nhận Mẫu S là các hànbg hoá đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về xuất xứ quy định tại Phụ lục 1 của Quy chế này.

II/ THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN MẪU S:

Điều 3: Số lượng một bộ Giấy chứng nhận mẫu S

Bộ giấy chứng nhận Mẫu S được cấp bao gồm một (01) bản chính và ba (03) bản sao.

 Điều 4: Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S bao gồm:

1. Giấy chứng nhận Mẫu S (theo mẫu chung do Bộ Thương mại ban hành) đã được khai hoàn chỉnh (theo Điều 1 của Phụ lục 3);

2. Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hoá (trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra) phải phù hợp với các quy chế về xuất xứ quy định tại Phụ lục số 1 trong quy chế này và do tổ chức giám định hàng hoá cấp (quy định trong Phụ lục 4);

3. Tờ khai Hải quan đã hoàn thành thủ tục Hải quan;

4. Hoá đơn thương mại;

5. Vận đơn.

Trong trường hợp chưa có Tờ khai Hải quan đã hoàn thành thủ tục Hải quan (nhưng phải có Tờ khai Hải quan đã có chữ ký của cán bộ Hải quan tiếp nhận hồ sơ) và Vận đơn hoặc Biên lai nhận hàng, ngưòi xin cấp Giấy chứng nhận mẫu S có thể được nợ các chứng từ này nhưng phải có văn bản gửi cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cam kết sẽ nộp các chứng từ này sau. Thời gian được nợ các chứng từ này tối đa là 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận mẫu S

Ba loại giấy (số 3; 4; 5) là bản sao có chữ ký và đóng dấu xác nhận sao y bản chính của thủ trưởng đơn vị (nếu là tổ chức) hoặc có chữ ký và đóng dấu của cơ quan công chứng (nếu là cá nhân) đồng thời mang theo bản chính để đối chiếu.

Điều 5: Trách nhiệm của người xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S

Người xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các chi tiết được khai trong Giấy chứng nhận Mẫu S. 

Điều 6:  Kiểm tra xuất xứ hàng hoá được cấp Giấy chứng nhận mẫu S

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có thể:

a. Yêu cầu người xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S cung cấp thêm các tài liệu cần thiết để xác định chính xác xuất xứ hàng hoá theo các tiêu chuẩn của Hiệp định Việt - Lào;

b. Tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất;

c. Kiểm tra lại các trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận Mẫu S

Điều 7:  Thời hạn cấp Giấy chứng nhận mẫu S

Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận Mẫu S trong các thời hạn sau, kể từ khi nhận được hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S đầy đủ và hợp lệ:

2 giờ làm việc đối với các trường hợp thông thường;

4 giờ làm việc đối với các trường hợp được quy định tại Khoản a Điều 6;

Trong trường hợp được quy định tại Khoản b Điều 6, thời hạn có thể chậm hơn nhưng không quá bảy (7) ngày làm việc.

 Điều 8:  Giấy chứng nhận mẫu S cấp sau

Trong những trường hợp quy định tại Điều 18, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cấp Giấy chứng nhận Mẫu S cho hàng hoá đã được giao trong thời hạn không quá 1 năm kể từ ngày giao hàng. Giấy chứng nhận Mẫu S được cấp trong trường hợp này phải ghi rõ "cấp sau và có hiệu lực từ khi giao hàng" bằng tiếng Anh: "Issued retroactively" vào Giấy chứng nhận Mẫu S. 

 Điều 9:  Cấp lại Giấy chứng nhận mẫu S

Trong trường hợp Giấy chứng nhận Mẫu S bị mất cắp, thất lạc hoặc hư hỏng, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có thể cấp lại bản sao chính thức Giấy chứng nhận Mẫu S và bản sao thứ ba trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được đơn xin cấp lại có kèm theo bản sao thứ tư (Quadruplicate) của lần cấp đầu tiên, có ghi vào ô số 12 dòng chữ "bản sao chứng thực" bằng tiếng Anh: " Certified true copy".

Điều 10: Từ chối cấp và từ chối cấp lại Giấy chứng nhận mẫu S

Trong các trường hàng hoá không đủ tiêu chuẩn hoặc không xác định được chính xác xuất xứ theo các tiêu chuẩn của Hiệp định Việt – Lào , cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có quyền từ chối cấp giấy chứng nhận Mẫu S và phải thông báo rõ lý do cho người xin cấp biết trong thời hạn được quy định tại Điều 8. Trong trường hợp hồ sơ xin cấp lại không có bản sao thứ tư của lần cấp đầu tiên,  cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có quyền từ chối cấp lại giấy chứng nhận Mẫu S và phải thông báo rõ lý do cho người xin cấp lại biết trong thời hạn được quy định tại Điều 10. 

 Điều 11: Những vấn đề khác

Những vấn đề chưa được đề cập trong các điều từ Điều 4 đến Điều 11 sẽ được giải quyết theo các quy định tại Phụ lục số 2. 

 III/ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN MẪU S:

 Điều 12: Người ký Giấy chứng nhận mẫu S

Chỉ có những người được Bộ trưởng Bộ Thương mại uỷ quyền và đã đăng ký chữ ký mới có quyền ký Giấy chứng nhận Mẫu S. 

 Điều 13: Cơ quan cấp Giấy chứng nhận mẫu S

Việc cấp Giấy chứng nhận Mẫu S do các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực đặt tại Hà nội, Hải phòng, Đà nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Lạng Sơn, Quảng Ninh  và các cơ quan thẩm quyền được Bộ Thương mại uỷ quyền thực hiện và danh sách này có thể được Bộ Thương mại bổ sung bằng các văn bản tương ứng.

Các doanh nghiệp có quyền lựa chọn nơi xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu S trong số các cơ quan được cấp Giấy chứng nhận mẫu S để phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh.

Điều 14: Trách nhiệm của cơ quan cấp Giấy chứng nhận mẫu S

Cơ quan cấp Giấy chứng nhận Mẫu S có trách nhiệm:

Hướng dẫn thủ tục xin cấp giấy chứng nhận Mẫu S;

Kiểm tra hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận Mẫu S;

Duyệt ký và cấp giấy chứng nhận Mẫu S;

Lưu trữ hồ sơ cấp giấy chứng nhận Mẫu S;

Theo dõi, kiểm tra việc sử dụng giấy chứng nhận Mẫu S;

Báo cáo những vấn đề liên quan đến việc cấp và sử dụng giấy chứng nhận Mẫu S.

IV/ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15:  Cơ quan giải quyết khiếu nại

Trong trường hợp bị từ chối cấp hoặc quá thời hạn được quy định tại Điều 8 và Điều 10 mà chưa được cấp hoặc cấp lại Giấy chứng nhận Mẫu S, người xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Thương mại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận Mẫu S hoặc ngày cuối cùng của thời hạn cấp theo Điều 8. Bộ trưởng Bộ Thương mại có trách nhiệm giải quyết trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại là quyết định cuối cùng.

 Điều 16: Giấy chứng nhận Mẫu S cấp sau

Trong trường hợp vì sai sót của cán bộ cấp Giấy chứng nhận Mẫu S hoặc vì các trường hợp bất khả kháng của người xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cấp Giấy chứng nhận Mẫu S sau khi giao hàng theo các quy định tại Điều 9.

 Điều 17: Thu hồi Giấy chứng nhận Mẫu S

Sau khi cấp Giấy chứng nhận Mẫu S, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có trách nhiệm cùng với các cơ quan hữu quan khác tiếp tục kiểm tra, giám sát việc sử dụng Giấy chứng nhận Mẫu S của người được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu S. Trong trường hợp có đủ lý do để xác định có hành vi vi phạm quy chế cấp và sử dụng Giấy chứng nhận Mẫu S, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có quyền thu hồi Giấy chứng nhận Mẫu S đã cấp.

Điều 18: Cơ quan đầu mối giải quyết khiếu nại

Vụ Xuất nhập khẩu là cơ quan đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại giải quyết khiếu nại của nước ngoài và / hoặc trong nước. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có liên quan đến việc khiếu nại này chịu trách nhiệm giải trình trước Vụ Xuất nhập khẩu và / hoặc trước Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Điều 19:  Xử phạt hành vi vi phạm

Mọi hành vi gian dối trong quá trình cấp và sử dụng Giấy chứng nhận Mẫu S, tuỳ theo mức độ, sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật.

Bộ Thương mại

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Mai Văn Dâu