CHỈ THỊ
Về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả xử lý các sai phạm
phát hiện qua thanh tra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
____________________
Trong những năm qua, ngành Thanh tra và các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã triển khai nhiều cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý các sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản và một số lĩnh vực khác, góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong sử dụng tài sản công, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể và cá nhân, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật trên địa bàn tỉnh. Nhiều tổ chức, cá nhân có sai phạm phát hiện qua thanh tra đã thực hiện tốt việc khắc phục hậu quả, chấp hành nộp vào ngân sách nhà nước các khoản tiền, tài sản được xử lý thu hồi và tổ chức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm. Tuy nhiên, việc chỉ đạo và thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra ở một số địa phương, đơn vị chưa nghiêm; kiến nghị xử lý về kinh tế, hành chính còn chậm hoặc chưa thực hiện dứt điểm, thiếu kiểm tra đôn đốc nhắc nhở, từ đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra.
Để thực hiện nghiêm Luật Thanh tra năm 2010 và tăng cường hiệu lực, hiệu quả xử lý các sai phạm phát hiện qua thanh tra, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, người quản lý doanh nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người quản lý doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của người có thẩm quyền đối với các sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý, phụ trách của mình cụ thể như sau:
a) Có kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý, phụ trách của mình thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư số 01/2013/TT-TTCP ngày 12/3/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
b) Chỉ đạo các đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý, phụ trách của mình thực hiện nghiêm việc thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước đầy đủ các khoản tiền, tài sản đã chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc gây thất thoát đúng thời gian quy định theo kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra. Trường hợp đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý, phụ trách quá thời gian quy định mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở bằng văn bản để thực hiện kịp thời. Nếu đã đôn đốc, nhắc nhở mà các đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý, phụ trách vẫn không chấp hành và theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Thanh tra có thẩm quyền thì Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị là đối tượng thanh tra phối hợp với Kho bạc Nhà nước tiến hành khấu trừ ngân sách hàng năm của đơn vị và khấu trừ vào lương, các khoản thu nhập khác hàng tháng của cá nhân là đối tượng thanh tra trích nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Thanh tra.
c) Trường hợp đơn vị hoặc cá nhân sai phạm có ý kiến khác hoặc chưa đồng ý với quyết định xử lý về thanh tra của người có thẩm quyền thì vẫn phải chấp hành nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Thanh tra trong khi chờ ý kiến xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
d) Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản cho cơ quan đã có kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra đúng thời gian quy định.
đ) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nào không chỉ đạo đơn vị, cá nhân có sai phạm thuộc quyền quản lý, phụ trách thực hiện kiểm điểm trách nhiệm hoặc xử lý kỷ luật theo kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của người có thẩm quyền hoặc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, đã kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật nhưng Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật theo phân cấp quản lý cán bộ không xử lý kỷ luật trong thời hạn quy định hoặc xử lý kỷ luật với hình thức không tương xứng với mức độ sai phạm của người vi phạm thì tùy mức độ vi phạm phải bị kiểm điểm và chịu hình thức xử lý kỷ luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
e) Đối với các sai phạm có dấu hiệu tội phạm mà các cơ quan Thanh tra, người có thẩm quyền đã quyết định chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra để tiếp tục xem xét theo quy định thì đối tượng thanh tra và cơ quan cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thanh tra, Đoàn thanh tra để tập hợp, chuyển giao đầy đủ các hồ sơ, tài liệu có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
2. Khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước hoặc của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 48, Luật Thanh tra năm 2010 thì người ra quyết định thanh tra xử lý như sau:
a) Đối với các khoản phải thu hồi là tiền, giấy tờ có giá trị như tiền, người ra quyết định thanh tra có văn bản đề nghị các Tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản tiền gửi của đơn vị bị xử lý để phục vụ việc thanh tra.
b) Đối với tài sản là nhà, đất, xe, máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng, người ra quyết định thanh tra có văn bản đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản; đề nghị các cơ quan liên quan đến công chứng, chứng thực tạm dừng việc công chứng, chứng thực giao dịch tài sản trong thời gian chờ ý kiến xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
3. Đối với các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật bị phát hiện qua thanh tra; ngoài việc xử lý theo các quy định nêu trên, người ra quyết định thanh tra áp dụng các hình thức xử phạt hành chính hoặc kiến nghị các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
4. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người quản lý doanh nghiệp xem việc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra là một tiêu chí xét thi đua hàng năm.
5. Giao Chánh Thanh tra tỉnh theo dõi và chỉ đạo các cơ quan thanh tra trên địa bàn tỉnh, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.
6. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, người quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 02/2011/CT-UBND ngày 07/01/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường hiệu lực, hiệu quả xử lý các sai phạm qua thanh tra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam./.