• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/01/2004
UBND TỈNH QUẢNG NAM
Số: 07/2004/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Nam, ngày 20 tháng 1 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

V/v Ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU

của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVIII về Phát triển Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp,

cơ bản hoàn thành vào thời kỳ 2015 - 2020

________________

 ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

- Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ V của BCH Trung ương Đảng khoá IX về đẩy nhanh Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010; và Nghị quyết số 08 -NQ/TU ngày 30 tháng 4 năm 2003 của Tỉnh uỷ Quảng Nam về một số chủ trương và giải pháp phát triển Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp vào thời kỳ 2015-2020;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII về Phát triển Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp" cơ bản hoàn thành vào thời kỳ 2015 - 2020.

Điều 2: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký./.

 

TM. UBND TỈNH QUẢNG NAM

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVIII

về "Phát triển Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp"

cơ bản hoàn thành vào thời kỳ 2015 - 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2004/QĐ-UB,

ngày 20 tháng 01 năm 2004 của UBND tỉnh Quảng Nam )

_____________________

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của BCH Trung ương Đảng khoá  IX về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010 và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 30 tháng 4 năm 2003 của Tỉnh uỷ về một số chủ trương và giải pháp phát triển Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp vào thời kỳ 2015-2020, UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng Chương trình hành động như sau:

A- Đối với ngành Công nghiệp.

I. Công tác quy hoạch:

- Xây dựng đề tài: Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đến năm 2010 có xét đến năm 2015.

- Xây dựng và bổ sung Quy hoạch mạng lưới Cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

- Xây dựng các đề án như: Nâng cao năng lực sản xuất và khả năng hội nhập kinh tế; ứng dụng công nghệ thông tin trên lĩnh vực công nghiệp; nâng cao năng lực các hoạt động khuyến công; giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến, ngành công nghiệp da, giày,...

- Xây dựng đề tài ứng dụng công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến nông, hải sản.

- Xây dựng đề tài về phương pháp hỗ trợ để phát triển làng nghề.

- Trên cơ sở quy hoạch phát triển CN-TTCN của tỉnh, xây dựng quy hoạch về phát triển CN-TTCN và quy hoạch chi tiết các cụm CN-TTCN trên địa bàn các huyện, thị xã.

- Xây dựng đề án phát triển từng ngành công nghiệp từ nay đến năm 2010.

- Tiếp tục hoàn chỉnh các đề tài khoa học:

+ Khảo sát đánh giá tiềm năng và định hướng khai thác đất sét, cao lanh và các loại tài nguyên khoáng sản khác trên địa bàn tỉnh QN.

+ Quy hoạch phát triển lò nung gạch theo công nghệ tuynel với quy mô công nghiệp và lò nung gạch kiểu đứng ở những vùng có điều kiện trên địa bàn tỉnh.

II. Đầu tư phát triển sản xuất Công nghiệp-TTCN.

1/ Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản.

- Xây dựng các xí nghiệp chế biến ở những nơi có thuận lợi về nguồn nguyên liệu. Đối với một số loại sản phẩm có thể thông qua khâu sơ chế nguyên liệu tại chỗ và đưa đến cơ sở chế biến thành phẩm hoàn tất.

- Từ nay đến năm 2005 tập trung đầu tư đủ nguyên liệu để đảm bảo công suất Nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm đã đầu tư xây dựng. Khuyến khích xây dựng một số cơ sở sản xuất thực phẩm ăn liền từ tinh bột, động thực vật. Xây dựng đồng bộ nhà máy chế biến hải sản đông lạnh xuất khẩu tại Núi Thành, Hội An với quy mô 1.200 tấn/năm.   

- Từ 2006-2010 đầu tư mở rộng nhà máy đông lạnh tại Núi Thành nâng công suất lên 2.500 tấn/năm, xây dựng nhà máy chế biến dầu thực vật công suất 5.000 tấn/năm, và đầu tư mở rộng nhà máy bia lên 15-20 triệu lít/năm, đầu tư nhà máy chế biến ván nhân tạo quy mô 150.000-200.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm, mở rộng nhà máy phân bón lên 30.000 tấn/năm.

2/ Ngành công nghiệp Dệt- May- Da- Giày.

2.1 Ngành Dệt - May:

+ Từ năm 2003 đến năm 2005 đầu tư mở rộng sản xuất thêm 20 chuyền tại một số doanh nghiệp may trên địa bàn.

+ Từ năm 2006 đến năm 2010 chuyển dần các doanh nghiệp may gia công sang giai đoạn mua nguyên liệu, xuất bán thành phẩm và đầu tư mới 30 chuyền may với thiết bị tiên tiến để nâng cao sản lượng.

Trong giai đoạn 2006 - 2010 hình thành doanh nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu ngành may như: khoá kéo, cúc nhựa, cúc bấm, dây chun các loại, dệt mác và nhãn sản phẩm, ...

2.2 Ngành Da- Giày:

+ Từ nay đến 2010 đầu tư mở rộng nâng công suất các Xí nghiệp giày hiện có đạt công suất từ 3,5 triệu đôi đến 5 triệu đôi/năm ( hiện nay là 1,5 triệu đôi/năm ).

+ Khôi phục làng nghề thuộc da và đầu tư cơ sở thuộc da có công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất giày da và các sản phẩm từ nguyên liệu da.

3/ Các ngành nghề TTCN và làng nghề truyền thống: Trong giai đoạn từ nay đến 2010 sẽ tập trung đầu tư các dự án về phát triển TTCN và làng nghề truyền thống như:

3.1- Khôi phục và phát triển làng nghề đan lát truyền thống ở xã Tam Vinh (Tam Kỳ); Mây tre Đại Quang ( Đại Lộc),  thị trấn Núi Thành.

3.2- Khôi phục và phát triển làng nghề đóng sửa tàu thuyền thôn Tân Phú (xã Tam Phú, Tam Kỳ), thị xã Hội An, Tam Quang - Núi Thành.

3.3- Khôi phục và phát triển làng nghề dệt chiếu cói truyền thống ở thôn Thạch Tân (xã Tam Thăng, Tam Kỳ), Bàn Thạch ( Duy Vinh, Duy Xuyên).

3.4- Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống dệt lụa Mã Châu, Đông Yên - Thi Lai, Đúc đồng Phước Kiều ( thôn Thanh Chiêm, xã  Điện Phương, Điện Bàn) gắn với phát triển du lịch (xã Duy Trinh, Duy Xuyên). Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa Bảo An, Xuân Đài ( Điện Quang, Điện Bàn), Giao Thuỷ (Đại Hoà, Đại Lộc); dệt Nông Sơn, lụa Phú Bông (Điện Bàn).

3.5- Khôi phục và phát triển làng gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng (Hội An).

3.6- Củng cố và phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm ở các huyện miền núi.

3.7- Đầu tư phát triển sản xuất nghề trồng dâu nuôi tằm ở Quế Sơn; chế biến bún (Phương Hoà, Tân Thạnh). Ngoài ra, còn đầu tư phát triển một số ngành nghề TTCN mới như: chế biến tinh dầu Quế (Trà My), sản xuất dầu rái (Đại Lộc), rạ sấy khô xuất khẩu (Núi Thành), sản xuất và chế biến nấm (Điện Bàn, Đại Lộc, Núi Thành, Duy xuyên), ...

4/ Ngành điện, nước, gas:

4.1/ Ngành Điện:

- Từ nay đến 2015 sẽ đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn như: Thuỷ điện A Vương 1, sông Tranh 2, sông Côn 2, ĐakMi 4, ĐakMi 1, sông Bung 2, sông Bung 4, sông Giằng.

Ngoài các công trình thuỷ Điện bậc thang, trong giai đoạn từ nay đến 2015 phải hoàn thành 30 công trình thuỷ điện nhỏ và vừa nằm trên địa bàn các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đại Lộc, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Quế Sơn. Tổng công suất lắp máy 30 công trình này là 136,6 MW.

4.2/  Nước, Gas: Nâng cấp và đầu tư xây dựng mới nhà máy nước ở các thị trấn, thị xã với quy mô phù hợp, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt trong vùng. Đầu tư mở rộng, nâng công suất các nhà máy sản xuất Gas tại Núi Thành và Điện Bàn tăng gấp 3 lần so với công suất hiện nay là 11.200 tấn.

5/ Công nghiệp vật liệu xây dựng: Từ nay đến năm 2005 thúc đẩy đầu tư nhà máy xi măng Thạnh Mỹ với quy mô 2,5-3 triệu tấn/năm, đầu tư nhà máy gạch Tuynen, lò nung kiểu đứng ở các huyện, thị với quy mô 100 triệu viên/năm (tổng công suất 300 triệu viên/năm). Từ 2006- 2010 đầu tư nâng công suất các nhà máy gạch nung lên 200 triệu viên/năm, đầu tư mở rộng nhà máy gạch Ceramic và các nhà máy sản xuất ống trụ bê tông panel,...

6/ Công nghiệp hóa chất: Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm hóa chất từ nguồn nguyên liệu địa phương trong giai đoạn 2006-2010, như: Nhà máy sản xuất xút ( với quy mô vừa), Nhà máy sản xuất lốp Ô tô, Nhà máy sản xuất phân vi sinh; xây dựng nhà máy nhựa, vật liệu composit.

7/ Công nghiệp cơ khí: Từ nay đến 2010 khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiện có đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất và phát triển thêm sản phẩm mới phục vụ nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Hình thành các cơ sở dịch vụ cơ khí tại các khu, cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu sửa chữa nông cụ, gia công bảo dưỡng thiết bị công nghiệp.

B- Đối với các ngành kinh tế khác:

I- Ngành Du lịch- Dịch vụ:

1/ Ngành Du lịch:

- Giai đoạn từ năm 2003-2005: Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là tập trung thu hút đầu tư đồng thời tiến hành quy hoạch tuyến, điểm, cụm du lịch, quy hoạch định hướng một số vùng du lịch tập trung, quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư một số điểm du lịch.

Doanh thu du lịch năm 2005 dự kiến đạt 223 tỷ đồng, giải quyết việc làm  cho 9.900 lao động, đồng thời đóng góp tích cực xây dựng làng nghề truyền thống kiểu mẫu phục vụ khách du lịch.

- Giai đoạn từ 2006- 2010: Đây là thời kỳ phát triển mạnh về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành.

Vùng du lịch ven biển từ Điện Ngọc- Cẩm An, Duy Hải- Kỳ Hà, Cù Lao Chàm, Sông Thanh, đường Hồ Chí Minh kết hợp quy hoạch các điểm, cửa hàng quảng bá và phục vụ khách du lịch như: Các mặt hàng của làng nghề truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm...Từng bước hình thành chợ phiên, chợ rằm kết hợp vui chơi, giải trí nhằm lôi kéo khách lưu trú tại Quảng Nam .

Doanh thu du lịch năm 2010 đạt 680 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho  23.900 lao động.

- Giai đoạn từ 2011-2015: Đây là thời kỳ tăng tốc của du lịch Quảng Nam về quy mô, số lượng và chất lượng dịch vụ, cơ bản hoàn thành khu du lịch ven biển đưa vào khai thác, đồng thời khai thác du lịch Phú Ninh, đường Hồ Chí Minh, cửa khẩu Đắc Tà oóc và các điểm du lịch đã đầu tư trong những năm trước.

Doanh thu du lịch năm 2015 đạt 1.900 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 57.600 lao động.

Tốc độ tăng bình quân hằng năm từ nay đến 2015 về doanh thu là 24,28%, về lao động là 19,64%/năm.

2/ Ngành Dịch vụ: Triển khai xây dựng khu phi thuế quan tại Kỳ Hà, khu kinh tế thương mại tại cửa khẩu biên giới Nam Giang - Đắc Chưng, xây dựng các trung tâm thương mại tại các thị xã, thị trấn, phát triển mạnh ngành dịch vụ trong nông - lâm - ngư nghiệp, tác động hỗ trợ công nghiệp chế biến tạo ra những mặt hàng thị trường đang có nhu cầu, để tăng giá trị xuất khẩu.

- Tập trung phát triển mạnh dịch vụ thông tin, viễn thông, dịch vụ tài chính, ngân hàng, cung ứng tàu biển, vận tải và các loại dịch vụ công cộng khác.

- Coi trọng công tác khảo sát tìm kiếm thị trường, xúc tiến mạnh công tác thương mại, khuyến khích xuất khẩu. Trong đó lưu ý những cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng may, giày, thủy sản,...cần quan tâm thiết kế mẫu, sử dụng nhiều hình thức để giới thiệu mẫu (trên Internet, hội chợ, trưng bày triển lãm) xây dựng thương hiệu những sản phẩm đặc thù của Quảng Nam.

- Tổ chức hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm; tham quan, liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế, khuyến khích việc thành lập các hiệp hội làng nghề; hiệp hội sản xuất từng ngành nghề.

- Với các đơn vị thương mại- dịch vụ thông qua hợp đồng kinh tế, bao tiêu sản phẩm, chuyển giao công nghệ. Phấn đấu đến năm 2005 đạt giá trị xuất khẩu từ 55- 65 triệu USD, năm 2010 đạt từ 110 - 150 triệu USD và năm 2015 đạt 220-250 triệu USD.

II- Ngành Nông - Lâm - Thuỷ sản.

- Rà soát và bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy dự kiến đầu tư trong những năm tới (Các loại cây công nghiệp, chăn nuôi có chất lượng cao).

- Có giải pháp đảm bảo nguyên liệu đủ cho các nhà máy và đến năm 2010 sản lượng nguyên liệu cần để đáp ứng cho các nhà máy đó là:

Cây dứa: Đạt từ 42.000 tấn đến 50.000 tấn/năm (với diện tích trồng khoảng từ 4.500 ha- 5.500 ha).

Cây mía: Đạt từ 250.000 tấn- 300.000 tấn/năm (khoảng 6.000 ha).

Cây điều: Đạt từ 4.000 tấn- 5.000 tấn/năm (khoảng từ 2.500 -3.000 ha).

Cây quế: Diện tích trồng từ 25.000 ha- 30.000 ha.

Cây chè: Diện tích trồng đạt trên 1.000 ha.

Cây cao su: Từ 5.000 ha- 8.000 ha.

Cây bông: Trên 10.000 ha.

Cây dâu: Đạt trên 5.000 ha.

Cây sắn: Đạt từ 20.000ha- 25.000 ha.

Với hơn 300.000 ha đất trống, đồi núi trọc, ngành nông nghiệp triển khai ngay cơ chế khuyến khích trồng các loại cây nguyên liệu giấy như keo lá tràm, keo lai, cây tre lấy măng, cây mây, cây cao su,... để có nguyên liệu cho các nhà máy giấy, cao su,...

- Nuôi trồng thuỷ sản năm 2005 đạt 4.600 tấn (6.200 ha); năm 2010 đạt 6.500 tấn (7.200ha), năm 2015 là 11.000 tấn (9.500 ha), sản lượng đánh bắt đạt 50.000 tấn vào năm 2005, đạt 60.000 tấn năm 2010 và 65.000 tấn vào năm 2015. Tổng sản lượng sản phẩm xuất khẩu năm 2005 là 3.800 tấn(20 triệu USD), năm 2010 là 4.500 tấn (32 triệu USD), và năm 2015 là 8.000 tấn (50 triệu USD).

III- Ngành lao động và các ngành lĩnh vực xã hội:

- Khẩn trương phổ cập tiểu học và đẩy mạnh phổ cập trung học cơ sở, tạo vốn kiến thức cơ bản cho nguồn nhân lực. Tập trung đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cho khu kinh tế mở và các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, vùng đồng bào dân tộc. Ưu tiên phát triển nhóm ngành nghề công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn có lợi thế như công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản; công nghiệp da, giày, dệt may; công nghiệp hoá dầu; công nghiệp lắp ráp ô tô, cơ khí, điện tử,...

- Phối hợp các ngành đào tạo nghề có địa chỉ, tìm việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Chuẩn bị và hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư và triển khai thực hiện giai đoạn đầu tư vào những năm tiếp theo các cơ sở dạy nghề ở các huyện, thị,  trong đó 5 cơ sở dạy nghề có quy mô lớn ở Tam Kỳ, Quế Sơn, Điện Bàn, Núi Thành, Nam Giang. Các trường trung cấp chuyên nghiệp bố trí tại Tam Kỳ, Núi Thành, Hội An, Điện Bàn. Đồng thời thúc đẩy dự án xây dựng trường Đại học, Cao đẳng công nghiệp tại Quảng Nam. Hằng năm đảm bảo từ 5.000 - 7.000 học sinh tốt nghiệp ở các ngành.

IV- Ngành giao thông, Điện lực và Bưu chính- viễn thông:

1/  Ngành giao thông: Phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, từng bước đi vào hiện đại, tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, hợp lý giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh gắn với giao thông của cả nước.

Ngoài việc đầu tư theo quy hoạch và kế hoạch, cần tập trung tạo nguồn vốn đầu tư mạng lưới giao thông tại khu, cụm công nghiệp, làng nghề và vùng nguyên liệu.

Từ nay đến 2015 hoàn chỉnh các dự án xây dựng các tuyến đường trục dọc, trục ngang đảm bảo lưu thông và vận chuyển nguyên liệu, hàng hoá nhanh, an toàn, thuận lợi.

2/ Ngành Điện: Chủ động xây dựng phương án thích hợp và triển khai kế hoạch tác nghiệp về đầu tư hệ thống điện đến chân hàng rào và đến từng hộ trong khu, cụm công nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư, giá bán điện phù hợp với cơ chế khuyến khích đầu tư của tỉnh, nhất là đối với cụm công nghiệp, làng nghề.  

3/ Bưu chính- Viễn thông: Tiếp tục hiện đại hoá bưu chính viễn thông có công nghệ hiện đại ngang tầm với các thành phố ở các khu vực thị xã, thị trấn và ở khu vực nông thôn; phấn đấu đến năm 2010: 100% xã trong tỉnh có điện thoại, tỷ lệ 20 máy/100.000 dân và 50 máy/100.000 dân vào năm 2015, phủ sóng tốt các khu, cụm công nghiệp.

V- Xây dựng, Khoa học & Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường:

1/ Ngành Xây dựng: Quy hoạch khu dân cư tập trung, hình thức đô thị vừa và nhỏ song đảm bảo phong tục tập quán, bản sắc dân tộc địa phương, kết hợp cả các chương trình, mục tiêu của các ngành để thúc đẩy Kinh tế- Văn hoá- An ninh- Quốc phòng... ở nông thôn phát triển.

Xây dựng quy hoạch mô hình các làng nghề truyền thống vừa phát triển kinh tế vừa kết hợp phục vụ du lịch- dịch vụ mang đậm bản sắc riêng của từng ngành nghề.

2/ Đối với ngành Khoa học & Công nghệ: Ngoài chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành được Bộ và UBND tỉnh giao, ngành KH&CN cần tập trung các đề tài nghiên cứu, ứng dụng theo đơn đặt hàng, có địa chỉ cho những ngành có lợi thế phát triển như công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp dệt may, công nghiệp điện- điện tử, công nghệ sinh học. Đẩy mạnh công tác thông tin, đặc biệt là thông tin công nghệ nhằm giúp các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong việc lựa chọn và áp dụng công nghệ tiên tiến. Trong 5 năm đến, các hoạt động khoa học công nghệ của tỉnh tập trung vào các nội dung sau:

- Tiếp thu và ứng dụng các kỹ thuật sinh học tiên tiến công nghệ tế mô- bào, trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành chế biến.

- ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các loại phân bón, các chế phẩm bảo vệ cây trồng, vật nuôi và xử lý ô nhiễm môi trường.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích đưa trang thiết bị hiện đại vào quá trình sản xuất thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh của các thành phần kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

3/ Tài nguyên & Môi trường: Từ nay đến năm 2005 xây dựng hoàn chỉnh các quy hoạch và quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên đất, mặt nước và nhất là tài nguyên khoáng sản đảm bảo có hiệu quả, đồng thời cụ thể hoá một số tiêu chí về bảo vệ môi trường tạo sự phát triển bền vững, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường sinh thái.

Khuyến khích, lôi kéo các dự án đầu tư của nước ngoài, chủ doanh nghiệp kinh doanh xử lý môi trường trong các khu và cụm công nghiệp.

VI- Ngành Kế hoạch, Tài chính: cần năng động thu hút các nguồn đầu tư và quản lý theo kế hoạch đã duyệt, bố trí vốn quy hoạch chi tiết khu kinh tế mở và các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, sự nghiệp khuyến công, đền bù giải toả, phát triển hạ tầng công nghiệp .

VII- UBND các huyện, thị: Nghiên cứu rà soát xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, chủ động lôi kéo chủ đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và nhân dân, tạo chuyển biến nhận thức về sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Quảng Nam, tăng cường chỉ đạo phát triển công nghiệp-TTCN, dịch vụ, củng cố đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước đủ năng lực thực hiện  nhiệm vụ và chương trình phát triển công nghiệp - TTCN, dịch vụ trong thời gian đến.

Khẩn trương triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch chi tiết các Cụm CN-TTCN có lợi thế để thu hút đầu tư, quy hoạch kết hợp khu dân cư khai thác quỹ đất đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở các cụm CN-TTCN.

C- Tổ chức thực hiện.

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và các địa phương căn cứ chức năng,  nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn; tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương tiếp tục bổ sung những giải pháp, cơ chế phù hợp, nhằm góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 08 (khoá XVIII) của Tỉnh uỷ Quảng Nam./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.