QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Ban hành Quy chế quản lý sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái tầu
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế quản lý sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái tầu".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 và thay thế Quyết định số 22/2004/QĐ-BGTVT ngày 04/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành "Quy chế quản lý sát hạch, cấp giấy phép điều khiển các loại phương tiện giao thông đường sắt".
Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Quản lý sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái tầu
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2005/QĐ-BGTVT ngày 22/09/2005
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về quản lý sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái tầu đối với người trực tiếp lái phương tiện giao thông đường sắt hoạt động trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái tầu.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đường sắt quốc gia là đường sắt phục vụ cho nhu cầu vận tải chung của cả nước và từng vùng kinh tế.
2. Đường sắt đô thị là đường sắt phục vụ cho nhu cầu vận tải trong thành phố, vùng ven đô.
3. Đường sắt chuyên dùng là đường sắt phục vụ cho nhu cầu vận tải riêng của tổ chức, cá nhân.
4. Phương tiện giao thông đường sắt là đầu máy, toa xe, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.
5. Tầu là phương tiện giao thông đường sắt được lập bởi đầu máy và toa xe hoặc đầu máy chạy đơn, toa xe động lực, phương tiện động lực chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.
6. Giấy phép lái tầu (sau đây gọi là giấy phép) là chứng chỉ được cấp cho người trực tiếp điều khiển tầu.
7. Lái tầu là người trực tiếp điều khiển tầu.
8. Phụ lái tầu là người giúp lái tầu trong quá trình chạy tầu.
Chương II
PHÂN LOẠI VÀ SỬ DỤNG GIẤY PHÉP
Điều 4. Các loại giấy phép và mẫu giấy phép
1. Giấy phép bao gồm các loại sau:
a) Giấy phép lái đầu máy diesel (dùng cho cả lái toa xe động lực diesel);
b) Giấy phép lái đầu máy điện (dùng cho cả lái toa xe động lực chạy điện);
c) Giấy phép lái đầu máy hơi nước;
d) Giấy phép lái phương tiện chuyên dùng đường sắt.
2. Mẫu giấy phép được quy định tại Phụ lục 1 của Quy chế này.
Điều 5. Thời hạn hiệu lực của giấy phép
Thời hạn hiệu lực của giấy phép là 05 năm kể từ ngày cấp.
Điều 6. Sử dụng giấy phép
1. Người được cấp giấy phép chỉ được lái loại phương tiện giao thông đường sắt (có đẩy, kéo hoặc không có đẩy, kéo theo toa xe) đã quy định trong giấy phép, có trách nhiệm:
a) Bảo quản giấy phép không để mất, hư hỏng;
b) Mang theo giấy phép khi lái tầu;
c) Chậm nhất 20 ngày trước khi giấy phép hết hạn phải làm thủ tục đổi giấy phép theo quy định tại Điều 17 của Quy chế này.
2. Người không đảm nhiệm công tác lái tầu theo giấy phép từ 12 tháng trở lên thì giấy phép đó không còn giá trị, nếu muốn đảm nhiệm lại công tác lái tầu thì phải làm các thủ tục để được sát hạch, cấp giấy phép mới theo quy định của Quy chế này.
Điều 7. Thu hồi giấy phép
1. Giấy phép bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Lái tầu vi phạm các quy định an toàn giao thông đường sắt ở mức độ bị xử lý buộc thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật;
b) Việc cấp giấy phép vi phạm quy định của Quy chế này.
2. Thủ trưởng doanh nghiệp trực tiếp quản lý người bị thu hồi giấy phép có trách nhiệm thu hồi giấy phép, gửi về Cục Đường sắt Việt Nam để xóa tên trong sổ cấp giấy phép.
3. Người đã bị thu hồi giấy phép nếu muốn đảm nhiệm lại công tác lái tầu thì phải làm các thủ tục để được sát hạch, cấp giấy phép mới theo quy định của Quy chế này.
Chương III
SÁT HẠCH, CẤP, ĐỔI GIẤY PHÉP
Điều 8. Nội dung và quy trình sát hạch cấp giấy phép
1. Nội dung sát hạch bao gồm 2 phần:
a) Lý thuyết;
b) Thực hành.
2. Cục Đường sắt Việt Nam xây dựng nội dung chi tiết, quy trình sát hạch cấp giấy phép trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Điều 9. Địa điểm sát hạch
Địa điểm tổ chức sát hạch phải có phòng thi lý thuyết riêng biệt và các loại phương tiện giao thông đường sắt, trang thiết bị chuyên môn bảo đảm cho việc thi thực hành phù hợp với loại giấy phép cần cấp.
Điều 10. Điều kiện để được sát hạch cấp giấy phép
1. Là cá nhân có đầy đủ quyền công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độ tuổi từ 23 đến 55 đối với nam giới, từ 23 đến 50 đối với nữ giới, có đủ sức khỏe để lái các loại phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật.
2. Đã có bằng hoặc chứng chỉ tốt nghiệp chuyên ngành lái phương tiện giao thông đường sắt do cơ sở đào tạo cấp.
3. Đã qua thời gian làm phụ lái tầu an toàn liên tục 24 tháng trở lên.
4. Có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 11 của Quy chế này.
Điều 11. Hồ sơ đề nghị sát hạch, cấp giấy phép
1. Đơn đề nghị có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý người đăng ký dự sát hạch theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Quy chế này.
2. Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định.
3. Bản sao bằng (hoặc chứng chỉ) tốt nghiệp chuyên ngành lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do cơ sở đào tạo cấp
4. 03 ảnh mầu cỡ 3 x 4 cm.
Điều 12. Quản lý sát hạch, cấp, đổi giấy phép
1. Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan quản lý thống nhất công tác sát hạch, cấp, đổi giấy phép trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm:
a) In ấn, phát hành, hướng dẫn và quản lý việc sử dụng giấy phép trong phạm vi cả nước;
b) Chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động sát hạch;
c) Xây dựng kế hoạch, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và trực tiếp quản lý đội ngũ sát hạch viên;
d) Xây dựng biểu mẫu, sổ sách quản lý nghiệp vụ liên quan đến công tác quản lý sát hạch, cấp giấy phép;
đ) Lưu trữ, bảo quản hồ sơ sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép;
e) Nghiên cứu xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về sát hạch, cấp giấy phép để trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
2. Giấy phép do Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam hoặc Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam được Cục trưởng ủy quyền ký.
Điều 13. Hội đồng sát hạch
1. Hội đồng sát hạch do Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam thành lập.
2. Thành phần của Hội đồng sát hạch:
a) Chủ tịch Hội đồng là Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam hoặc người được Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam ủy quyền;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng là Thủ trưởng đơn vị quản lý người dự sát hạch;
c) Các thành viên khác của Hội đồng do Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam quyết định.
3. Nguyên tắc hoạt động:
a) Hội đồng sát hạch chỉ làm việc khi có mặt Chủ tịch Hội đồng và tối thiểu 60% tổng số thành viên của Hội đồng;
b) Kết luận đánh giá của Hội đồng sát hạch chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 80% tổng số thành viên có mặt nhất trí;
c) Kết thúc kỳ sát hạch, Hội đồng sát hạch tự giải thể.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng sát hạch:
a) Chỉ đạo và kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ sát hạch;
b) Chỉ đạo việc sát hạch theo đúng các quy định của Bộ Giao thông vận tải và hướng dẫn của Cục Đường sắt Việt Nam;
c) Phổ biến, hướng dẫn nội dung, quy trình, Quy chế sát hạch này và các quy định cần thiết khác cho các sát hạch viên;
d) Sắp xếp lịch sát hạch và tổ chức sát hạch;
đ) Tạm ngừng việc sát hạch và báo cáo Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam khi thấy không đủ điều kiện tổ chức kỳ sát hạch;
e) Tổng hợp kết quả kỳ sát hạch và ký xác nhận biên bản, gửi lưu trữ các văn bản, tài liệu của kỳ sát hạch tại Cục Đường sắt Việt Nam;
g) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng sát hạch quyết định xử lý, giải quyết các trường hợp vi phạm Quy chế sát hạch do Tổ sát hạch báo cáo.
Điều 14. Tổ sát hạch
1. Tổ sát hạch do Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam thành lập, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng sát hạch.
2. Thành viên tổ sát hạch: Tổ sát hạch gồm Tổ trưởng và các Sát hạch viên.
3. Tiêu chuẩn của Sát hạch viên:
a) Có tư cách đạo đức tốt;
b) Có bằng hoặc chứng chỉ tốt nghiệp chuyên ngành lái phương tiện giao thông đường sắt tương ứng với loại phương tiện người tham gia sát hạch đề nghị sát hạch, do cơ sở đào tạo cấp;
c) Đã qua thực tế công tác ít nhất 5 năm, trực tiếp làm lái tầu ít nhất 3 năm, am hiểu về phương tiện giao thông đường sắt và Quy trình, Quy phạm khai thác kỹ thuật đường sắt, Quy tắc an toàn chạy tầu;
d) Đã qua khóa huấn luyện về nghiệp vụ sát hạch và được Cục Đường sắt Việt Nam cấp thẻ sát hạch viên.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ sát hạch:
a) Kiểm tra tiêu chuẩn, quy cách của phương tiện, trang thiết bị chuyên môn phục vụ sát hạch và phương án bảo đảm an toàn cho kỳ sát hạch;
b) Phổ biến nội dung, quy trình sát hạch và kiểm tra việc chấp hành nội quy sát hạch;
c) Sát hạch thí sinh theo nội dung và quy trình quy định;
d) Lập biên bản, xử lý các trường hợp vi phạm nội quy sát hạch theo quyền hạn được giao hoặc báo cáo Chủ tịch Hội đồng sát hạch giải quyết;
đ) Chấm thi và tổng hợp kết quả, đánh giá kỳ sát hạch để báo cáo Hội đồng sát hạch;
e) Sát hạch viên chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả chấm thi. Tổ trưởng Tổ sát hạch chịu trách nhiệm chung về kết quả sát hạch.
5. Kết thúc kỳ sát hạch, Tổ sát hạch tự giải thể.
Điều 15. Cấp mới giấy phép
Giấy phép được cấp mới cho người đã tham dự kỳ sát hạch và được Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam ra quyết định công nhận trúng tuyển trong kỳ sát hạch.
Điều 16. Cấp lại giấy phép
1. Nguyên tắc cấp lại:
Chỉ giải quyết cấp lại giấy phép cho những người đang đảm nhiệm công tác lái tầu, thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Mất giấy phép có lý do chính đáng (do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn ...);
b) Hỏng giấy phép có lý do chính đáng nhưng còn các yếu tố có thể đối chiếu đúng với sổ cấp giấy phép gốc.
Những trường hợp giấy phép bị mất (hoặc hỏng) khác nếu muốn đảm nhiệm công tác lái tầu thì phải làm đầy đủ thủ tục để được sát hạch, cấp giấy phép mới theo quy định của Quy chế này.
2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Quy chế này;
b) Các chứng cứ mất, hỏng giấy phép bao gồm: đơn trình báo có xác nhận của cơ quan công an nơi bị mất hoặc giấy phép bị hỏng nhưng còn các yếu tố để đối chiếu với sổ gốc;
c) 03 ảnh mầu cỡ 3 x 4 cm;
d) Xuất trình giấy chứng minh nhân dân khi cần thiết.
Điều 17. Đổi giấy phép
1. Nguyên tắc đổi giấy phép:
a) Chỉ đổi giấy phép cho những người đang đảm nhiệm công tác lái tầu, có giấy phép do Cục Đường sắt Việt Nam cấp đã hết hạn sử dụng;
b) Các giấy phép do Cục Đường sắt Việt Nam cấp theo quy định tại "Quy chế quản lý sát hạch, cấp giấy phép điều khiển các loại phương tiện giao thông đường sắt" ban hành kèm theo Quyết định số 22/2004/QĐ-BGTVT ngày 04/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nếu còn hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng.
2. Hồ sơ đề nghị đổi giấy phép bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Quy chế này;
b) Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định;
c) Bản sao giấy phép có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý;
d) 03 ảnh mầu cỡ 3 x 4 cm.
Điều 18. Thời hạn cấp mới, cấp lại, đổi giấy phép
1. Sau 10 ngày, kể từ ngày Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam ra Quyết định công nhận trúng tuyển đối với những người được sát hạch, Cục Đường sắt Việt Nam phải hoàn tất việc cấp giấy phép mới cho những người đạt yêu cầu.
2. Sau 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đề nghị đổi hoặc cấp lại giấy phép, Cục Đường sắt Việt Nam phải hoàn tất việc đổi hoặc cấp lại giấy phép.
Điều 19. Lệ phí sát hạch, cấp mới, cấp lại hoặc đổi giấy phép
Người tham gia kỳ sát hạch cấp giấy phép hoặc đề nghị đổi, cấp lại giấy phép phải trả lệ phí theo quy định hiện hành.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20. Trách nhiệm của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam
1. Tổ chức hướng dẫn, phổ biến và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
2. Định kỳ vào tháng 11 hàng năm tổng kết công tác sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
3. Trong quá trình thực hiện, tập hợp các kiến nghị, đề xuất, nghiên cứu trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giải quyết hoặc sửa đổi, bổ sung Quy chế khi cần thiết.
Điều 21. Trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị có liên quan
Nghiên cứu quán triệt, tổ chức phổ biến rộng rãi nội dung và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này đến từng đối tượng có liên quan thuộc phạm vi quản lý; thường xuyên liên hệ với Cục Đường sắt Việt Nam để báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất, kiến nghị, giải quyết những vấn đề tồn tại.
Điều 22. Công tác thanh tra
Vụ Tổ chức cán bộ và Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam và các Cơ quan hữu quan định kỳ tổ chức thanh tra hoặc thanh tra đột xuất khi cần thiết việc thực hiện Quy chế này./.