• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/01/1988
  • Ngày hết hiệu lực: 15/07/1997
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 4-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ngãi, ngày 7 tháng 1 năm 1988

NGHỊ ĐỊNH

của Hội đồng Bộ trưởng số 4-HĐBT ngày 7-1-1988 ban hành Điều lệ

đăng ký và quản lý hộ khẩu 

______________

 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Nay ban hành bản Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu kèm theo Nghị định này.

Điều 2.- Điều lệ này thi hành thống nhất trong cả nước và có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các văn bản ban hành trước đây trái với bản Điều lệ này đều bị bãi bỏ.

Điều 3.- Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 4.- Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc việc thi hành Điều lệ này.

 

 

T.M Hội đồng Bộ trưởng

Chủ tịch

(Đã ký)

Phạm Hùng

 

ĐIỀU LỆ
Đ
ăng ký và quản lý hộ khẩu
(Ban hành kèm theo Nghị định số 4-HĐBT ngày 7-1-1988)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Đăng ký và quản lý hộ khẩu là biện pháp quan trọng của Nhà nước để quản lý xã hội; bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; xác định việc cư trú hợp pháp để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.

Điều 2.- Công dân được quyền và có trách nhiệm đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi ở thường xuyên của mình. Không đăng ký hộ khẩu thường trú ở nơi này nhưng lại thường xuyên cư trú ở nơi khác.

Điều 3.- Những người có quan hệ về gia đình hoặc quan hệ thân thuộc cùng ở trong một nhà hoặc một phòng ở thì đăng ký là một hộ.

Mỗi hộ phải cử một người có trách nhiệm chính làm chủ hộ để thực hiện các quy định về đăng ký và quản lý hộ khẩu trong hộ của mình.

Điều 4.- Những người của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội (gọi tắt là cơ quan và tổ chức) mà cùng ở chung trong một nhà hoặc một phòng thì đăng ký hộ khẩu ở tập thể và cơ quan đăng ký hộ khẩu phải trực tiếp đăng ký với từng người.

Các cơ quan và tổ chức phải cử người để đôn đốc những người ở trong nhà tập thể của mình chấp hành những quy định về đăng ký và quản lý hộ khẩu.

Điều 5.- Cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân ở tập thể trong doanh trại, nhà ở tập thể của quân đội, công an thì quản lý theo quy định riêng của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ.

Những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ công nhân, nhân viên quốc phòng của quân đội nhân dân và của công an nhân dân hàng ngày ngoài giờ làm việc về ở với bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con cùng trong một thành phố, thị xã, thị trấn, một huyện thì đăng ký hộ khẩu thường trú cùng với hộ gia đình.

Những người không phải là quân đội, công an mà ở trong khu vực doanh trại, nhà ở tập thể của quân đội, của công an đều thực hiện theo những quy định trong Điều lệ này.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ KHẨU

Điều 6.- Mỗi người từ 15 tuổi trở lên tự khai một bản khai nhân khẩu đầy đủ chính xác theo mẫu hướng dẫn thống nhất của Bộ Nội vụ.

Điều 7.- Lập sổ hộ khẩu: ở thành phố, thị xã, thị trấn lập theo từng hộ, ở nông thôn lập theo xóm, ấp, bản. Đối với nhà ở tập thể của cơ quan và tổ chức thì lập theo từng nhà ở hoặc phòng ở tập thể của cán bộ, công nhân, viên chức, hội viên.

Điều 8.- Khi có những sự thay đổi về hộ khẩu như dưới đây thì người có sự thay đổi, hoặc chủ hộ, hoặc người có trách nhiệm nhiệm của cơ quan, đơn vị chủ quản có nhà ở tập thể đến báo với cơ quan đăng ký hộ khẩu để xác nhận sự thay đổi đó vào sổ hộ khẩu.

- Chia một hộ thành nhiều hộ, hợp nhiều hộ thành một hộ.

- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh sau khi có quyết định cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

- Có trẻ em mới sinh, hoặc có người chết.

- Có người được tuyển dụng vào lực lượng vũ trang, đi công tác, lao động, học tập dài hạn ở nước ngoài, xuất cảnh ra nước ngoài.

- Có người tự bỏ đi nơi khác, mất tích, bị bắt đi tù, đi tập trung giáo dục cải tạo, bắt buộc lao động tập trung.

Điều 9.- Khi thay đổi nơi thường trú, trước khi chuyển đi, người có thay đổi hoặc chủ hộ đến cơ quan đăng ký hộ khẩu sở tại để làm thủ tục chuyển đi. Đến nơi ở mới, nếu ở thành phố, thị xã trong thời hạn không quá 2 ngày, nếu ở nông thôn không quá 5 ngày người chuyển đến hoặc chủ hộ nơi chuyển đến báo với cơ quan đăng ký hộ khẩu sở tại để làm thủ tục chuyển đến.

Điều 10.- Việc chuyển hộ khẩu đến nội thành, nội thị của các thành phố, thị xã do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương nơi đến xét duyệt.

Những trường hợp sau đây được chuyển đến đăng ký hộ khẩu thường trú ở nội thành, nội thị của các thành phố, thị xã:

1. Cán bộ, công nhân, nhân viên bao gồm cả công nhân, nhân viên quốc phòng và công nhân của công an, học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề được cấp có thẩm quyền ra quyết định điều động, hoặc tuyển dụng vào biên chế của cơ quan, xí nghiệp theo quy chế về điều động, tuyển dụng.

2. Cán bộ, công nhân, nhân viên công tác ở các tỉnh, thành phố giáp ranh thường xuyên về ở với vợ hoặc chồng là nhân khẩu thường trú ở thành phố, thị xã.

3. Những người đã là nhân khẩu thường trú ở nội thành, nội thị đi nghĩa vụ quân sự, đi công tác, đi lao động, đi học tập ở nơi khác kể cả trong và ngoài nước, đã làm xong nhiệm vụ hoặc nghỉ hưu, phục viên, nghỉ mất sức, được xuất ngũ, thôi việc.

4. Những người già yếu, hết tuổi lao động đến ở với vợ hoặc chồng, con là nhân khẩu thường trú để nương tựa.

5. Những người dưới 18 tuổi chưa tự lập được, những người bị bệnh tật không có khả năng tự lập được không có người nuôi dưỡng về ở với bố, mẹ, ông bà hoặc anh, chị ruột là nhân khẩu thường trú.

6. Những người mới kết hôn đến ở với vợ hoặc chồng là nhân khẩu thường trú.

7. Những người đã là nhân khẩu thường trú ở nội thành, nội thị bị bắt buộc lao động tập trung, đi trường phổ thông công nông nghiệp, đi tập trung cải tạo, đi tù đã hết hạn mà không thuộc diện phải thi hành lệnh cấm cư trú được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy cho về.

8. Những trường hợp ngoại lệ khác được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương xét duyệt cho phép đăng ký hộ khẩu vào nội thành, nội thị.

Điều 11.- Những trường hợp sau đây không được chuyển đến đăng ký hộ khẩu thường trú ở nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương, các xã biên giới, hải đảo:

a) Những người đang bị quản chế.

b) Những người đang cải tạo tại chỗ.

c) Những người đã có hành động phạm pháp chờ xét xử.

d) Những người đang trong thời hạn thi hành án phạt của Toà án nhân dân về cấm cư trú.

e) Những người đang thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấm cư trú hoặc cư trú bắt buộc.

Điều 12. - Những người từ 15 tuổi trở lên đến tạm trú ở nơi khác ngoài phạm vi nội thành, nội thị và huyện nơi ở thường trú của mình phải khai báo tạm trú.

- Tạm trú trong các nhà trọ, khách sạn thì người phụ trách các nhà trọ, khách sạn phải khai báo với cơ quan đăng ký hộ khẩu sở tại.

- Tạm trú trong các nhà khách, nhà ở tập thể của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, thì người tạm trú báo cho Ban bảo vệ trực tiếp quản lý nhà khách, nhà ở tập thể đó.

- Tạm trú trong các nhà ở tập thể không thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và tạm trú trong các hộ gia đình thì người tạm trú hoặc chủ hộ gia đình báo cho tổ trưởng nhân dân nơi tạm trú.

- Những người là bố, mẹ, vợ, chồng, con đến tạm trú ở nhà nhau cũng phải khai báo.

Thời hạn tạm trú không quá 6 tháng, hết hạn nếu còn tạm trú phải khai báo lại.

Điều 13.- Những người từ 15 tuổi trở lên đi vắng khỏi nội thành, nội thị và huyện nơi thường trú của mình phải khai báo tạm vắng.

- Người ở các nhà tập thể của tổ chức không thuộc cơ quan Nhà nước và hộ gia đình thì người đi vắng hoặc chủ hộ báo cho tổ trưởng nhân dân nơi thường trú.

- Người ở các nhà tập thể của các cơ quan, tổ chức của Nhà nước thì báo cho Ban bảo vệ trực tiếp quản lý nhà ở tập thể.

- Thời hạn tạm vắng không quá 6 tháng, người nào vắng quá 6 tháng không có lý do rõ ràng thì cơ quan đăng ký hộ khẩu nơi thường trú xoá tên trong sổ hộ khẩu. Khi người ấy trở về sẽ xét đăng ký hộ khẩu trở lại.

- Người đi công tác, họp hội nghị, học tập hoặc đi chữa bệnh trong thời hạn nói trên cũng phải khai báo tạm vắng.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14.- Bộ Nội vụ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ khẩu; quy định những thủ tục, biểu mẫu sổ sách cần thiết về đăng ký và quản lý hộ khẩu để thi hành thống nhất.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ khẩu ở địa phương mình.

Điều 15.- Cấm giả mạo giấy tờ, kê khai gian dối để đăng ký hộ khẩu sai quy định.

Không cơ quan, tổ chức nào được tuỳ tiện thay đổi hoặc làm trái quy định của Điều lệ đăng lý, quản lý hộ khẩu. Đối với những trường hợp quy định trái Điều lệ này, Bộ Nội vụ có quyền đình chỉ việc thi hành và kiến nghị lên Hội đồng Bộ trưởng để ra lệnh bãi bỏ.

Điều 16.- Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước về những việc đăng ký hộ khẩu không đúng. Cơ quan nhận được khiếu nại, tố cáo phải xem xét giải quyết theo đúng Pháp lệnh ngày 23-11-1981 của Hội đồng Nhà nước quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Điều 17.- Cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào có thành tích trong việc thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu, tuỳ theo mức độ của thành tích sẽ được khen thưởng theo chế độ khen thưởng của Nhà nước.

Điều 18.- Nếu vi phạm những quy định về đăng ký quản lý hộ khẩu theo Điều lệ này, tuỳ mức độ sai phạm và xử lý kỷ luật hành chính đến truy tố trước pháp luật.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.