• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2002
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 522/1999/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ngãi, ngày 20 tháng 10 năm 1999

THÔNG TƯ

Hướng dẫn đăng ký, cấp biển số và kiểm tra an toàn kỹ thuật các loại xe, máy chuyên dùng thi công đường bộ

__________________________________

Thực hiện Điều 11, Điều 17 của Điều lệ ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, được sự nhất trí của Bộ Công an tại văn bản số 1123 CV/BCA (V11) ngày 01/09/1999, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc đăng ký, cấp biển số và kiểm tra an toàn kỹ thuật các loại xe, máy chuyên dùng thi côngđường bộ như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các loại xe, máy chuyên dùng khi thi công đường bộ hoặc được các cơ quan quản lý đường bộ cấp giấy phép để di chuyển trên đường bộ (sau đây gọi tắt là xe, máy thi công).

Thông tư này không áp dụng đối với xe, máy thi công dùng vào mục đích quân sự của Bộ Quốc phòng và mục đích bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Bộ Công an.

1.2. Các loại xe, máy thi công quy định trong Thông tư này bao gồm các loại chủ yếu sau đây:

1.2.1. Các loại xe, máy tự chạy, trang bị bánh lốp:

- Máy ủi

- Máy san

- Máy cạp (san cạp vạn năng, cạp chuyển)

- Máy súc (một gẩu, nhiều gầu, gầu thuận, gầu nghịch, xúc lật, gầu ngoạm, liên hiệp xúc ủi ...)

- Máy đào

- Máy đầm

- Máy lu

- Máy rải thảm bê tông nhựa đường

- Máy bóc lớp bê tông nhựa đường cũ.

- Máy khoan ép

- Máy rải đá, cát, sỏi mặt đường

- Máy khoan đất

- Máy cày xới

- Xe nâng hàng.

1.2.2. Các loại xe, máy tự chạy, trang bị bánh xích (xích trơn, xích vấu) hoặc trang bị hỗn hợp bánh lốp, bánh xích.

- Toàn bộ các loại xe, máy tự chạy nói tại Điểm 1.2.1 nhưng được trang bị bánh xích hoặc hỗn hợp bánh lốp và bánh xích.

- Các loại cần cẩu.

- Máy búa đóng cọc.

1.2.3. Các loại xe, máy tự chạy trang bị bánh sắt

- Máy lu.

- Máy lu kết hợp bánh sắt và bánh lốp.

- Máy đầm.

1.3. Cơ quan đăng ký và cấp biển số

1.3.1. Cục đường bộ Việt Nam thống nhất quản lý việc đăng ký, cấp biển số xe, máy thi công, phát hành và quản lý Giấy chứng nhận đăng ký, biển số đăng ký xe, máy thi công trong phạm vi cả nước. Tổ chức việc đăng ký, cấp biển số cho xe, máy thi công thuộc sở hữu của các cơ sở trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

1.3.2. Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính đăng ký, cấp biển số cho các loại xe, máy thi công của các Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có trụ sở chính hoặc hộ khẩu thường trú (đối với cá nhân) tại địa phương mình trừ những đối tượng nói tại Điểm 1.3.1 trên đây.

1.4. Cơ quan kiểm tra an toàn kỹ thuật

Cục đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc kiểm tra an toàn kỹ thuật xe, máy thi công trong phạm vi cả nước.

1.5. Cấp phép di chuyển tạm thời

Đối với những xe, máy thi công mới nhập khẩu, mới sản xuất, lắp ráp ở trong nước khi có nhu cầu di chuyển tự hành từ nơi nhập khẩu, sản xuất, lẵp ráp đến nơi bán hàng, nơi bảo quản hoặc từ nơi nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, từ nơi bán hàng, từ nơi bảo quản đến nơi thường trú của chủ sở hữu xe, máy thi công thì phải đến cơ quan Cảnh sát giao thông để xin cấp phép di chuyển tạm thời.

2. Quy định đăng ký, cấp biển số xe, máy thi công

2.1. Hồ sơ xin đăng ký, cấp biển số lần đầu bao gồm:

2.1.1. Tờ khai xin đăng ký, cấp biển số xe, máy thi công và xin cấp lại biển số, Giấy chứng nhận đăng ký biển số theo mẫu tại Phụ lục 1.

2.1.2. Hồ só chứng minh nguồn gốc hợp pháp của xe, máy thi công

a) Đối với xe, máy thi công được nhập khẩu từ sau ngày 31 tháng 12 năm 1999 cần có:

- Chứng từ nhập khẩu (theo quy định của Tổng cục Hải quan).

- Hoá đơn (theo quy định của Bộ Tài chính).

- Chứng từ lệ phí trước bạ.

b) Đối với xe, máy thi công được sản xuất, lắp ráp trong nước từ sau ngày 31 tháng 12 năm 1999 cần có:

- Hoá đơn (theo quy định của Bộ Tài chính).

- Chứng từ lệ phí trước bạ.

c) Đối với xe, máy thi công đã được đưa vào sử dụng từ ngày 31 tháng 12 năm 1999 trở về trước cần có:

- Hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp đối với xe, máy thi công như quy định tại các khoản a, b trên đây.

- Trong trường hợp hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của xe, máy thi công bị thất lạc thì chủ sở hữu phải có tờ khai và bản cam đoan xe, máy thi công là tài sản hợp pháp, nếu phát hiện có sự sai khác chủ sở hữu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Chứng từ lệ phí trước bạ.

2.1.3. Hồ sơ kỹ thuật của xe, máy thi công

a) Đối với xe máy thi công được nhập khẩu cần có:

- Bản giới thiệu đặc tính kỹ thuật và bản vẽ hình dáng với kích thước chính.

- Riêng đối với các xe, máy thi công được nhập khẩu đã qua sử dụng phải có Giấy chứng nhận chất lượng và an toàn kỹ thuật của cơ quan đăng kiểm Việt Nam.

b) Đối với xe, máy thi công được sản xuất, lắp ráp trong nước cần có:

- Bản giới thiệu đặc tính kỹ thuật và bản vẽ hình dáng với kích thước chính.

- Giấy chứng nhận chất lượng và an toàn kỹ thuật do cục đăng kiểm Việt Nam cấp.

c) Đối với xe, máy thi công đã được đưa vào sử dụng từ ngày 31-12-1999 trở về trước nếu bị thất lạc hồ sơ kỹ thuật phải có:

Giấy chứng nhận chất lượng và an toàn kỹ thuật do cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp.

2.2. Hồ sơ xin đăng ký, cấp biển số chuyển quyền sở hữu

Đối với xe, máy thi công đã đăng ký, cấp biển số, khi cần chuyển quyền sở hữu phải có:

- Tờ khai đăng ký, cấp biển số xe máy thi công và xin cấp lại biển số, Giấy chứng nhận đăng ký theo mẫu Phụ lục 1.

- Hoá đơn (theo qui định của Bộ Tài chính).

- Phiếu sang tên, di chuyển theo mẫu tại Phụ lục 2, kèm theo hồ sơ gốc khi đăng ký, cấp biển số lần đầu.

- Chứng từ lệ phí trước bạ chuyển quyền sở hữu.

2.3. Các giấy tờ đối với chủ sở hữu xe, máy thi công được uỷ quyền đến đăng ký, cấp biển số.

Khi làm thủ tục đăng ký, cấp biển số lần đầu hoặc đăng ký, cấp biển số chuyển quyền sở hữu, ngoài các hồ sơ nói tại Mục 2.1, 2.2 trên đây còn phải xuất trình các giấy tờ sau:

- Đối với xe, máy thi công của cá nhân người Việt Nam phải có giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu.

- Đối với xe, máy thi công của các Tổ chức, doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài phải có Giấy giới thiệu hay công văn ghi rõ họ tên người được uỷ quyền đến đăng ký, cấp biển số.

2.4. Kiểm tra nhận dạng để đăng ký, cấp biển số

Xe máy thi công khi đăng ký, cấp biển số phải được cơ quan đăng ký, cấp biển số kiểm tra nhận dạng ở nơi đăng ký, cấp biển số hoặc ở nơi đậu, đỗ xe, máy thi công để xác định: Số động cơ, số khung (nếu có) hoặc số loạt sản xuất.

Trường hợp không có số động cơ hoặc không có số khung và số loạt sản xuất thì cơ quan đăng ký phải đóng số động cơ và số khung để theo dõi quản lý theo mẫu tại Phụ lục 3. Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất quản lý và hướng dẫn việc đóng số động cơ, số khung xe, máy thi công.

2.5. Biển số đăng ký

- Biển số xe, máy thi công được làm theo mẫu tại Phụ lục 4. Mã số biển số xe, máy thi công của các tỉnh, thành phố theo mẫu tại Phụ lục 5.

- Mỗi xe, máy thi công phải lắp 02 biển số đăng ký, 01 biển ở phía trước, 01 biển ở phía sau.

- Cơ quan đăng ký, cấp biển số căn cứ vào kết cấu cụ thể của xe, máy thi công để xác định vị trí gắn các biển số đảm bảo quan sát thuận tiện, rõ ràng.

2.6. Giấy chứng nhận đăng ký xe, máy thi công

Giấy chứng nhận đăng ký xe, máy thi công được làm theo mẫu tại Phụ lục 6.

2.7. Quy định về việc cấp lại biển số và Giấy chứng nhận đăng ký xe, máy thi công

Trường hợp xe, máy thi công bị mất, hỏng biển số, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký xe, máy thi công bị rách nát, hư hỏng hay bị mất thì chủ sở hữu phải khai báo ngay với cơ quan đăng ký và phải làm tờ khai xin cấp lại biển số hoặc Giấy chứng nhận đăng ký theo mẫu tại Phụ lục 1 để được xem xét cấp lại.

3. Quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật xe, máy thi công

Các loại xe, máy thi công phải chịu sự kiểm tra an toàn kỹ thuật theo: "Tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại xe, máy chuyên dùng thi công đường bộ" do Bộ Giao thông vận tải quy định với các nội dung sau:

3.1. Kiểm tra chứng nhận an toàn kỹ thuật để đăng ký, cấp biển số

Trước khi đăng ký, cấp biển số các xe, máy thi công sau đây phải chịu sự kiểm tra an toàn kỹ thuật:

- Các xe, máy thi công được nhập khẩu khi đã qua sử dụng.

- Các xe, máy thi công đã đưa vào sử dụng từ ngày 31/12/1999 trở về trước khi bị thất lạc hồ sơ kỹ thuật.

3.2. Kiểm ra an toàn kỹ thuật định kỳ

Các xe, máy thi công đã đăng ký, cấp biển số phải chịu sự kiểm tra an toàn kỹ thuật định kỳ 12 tháng 1 lần.

- Riêng đối với xe, máy thi công nhập khẩu mới, chưa qua sử dụng hoặc sản xuất, lắp ráp mới ở trong nước có chu kỳ kiểm tra an toàn kỹ thuật đầu tiên kể từ ngày cấp biển số là 24 tháng.

3.3. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.

Xe, máy thi công đạt các chỉ tiêu quy định trong "Tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại xe, máy chuyên dùng thi công đường bộ" do Bộ Giao thông vận tải ban hành sẽ được cấp Giấy "Chứng nhận an toàn kỹ thuật" làm căn cứ để được đăng ký, cấp biển số và thi công đường bộ hoặc tham gia giao thông trên đường bộ.

4. Phí kiểm tra an toàn kỹ thuật và lệ phí đăng ký, cấp biển số

Phí kiểm tra an toàn kỹ thuật và lệ phí đăng ký, cấp biển số xe máy thi công được thực hiện theo quy định hiện hành.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Cục đường bộ Việt Nam, Cục đăng kiểm Việt Nam căn cứ vào chức năng nhiệm vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra thực hiện Thông tư này.

5.2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2000./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lã Ngọc Khuê

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.