Sign In

THÔNG TƯ

Quy định về giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

 

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 40/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về nghiệp vụ phát hành tin; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thng Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 87/2023/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về giám sát tiêu hủy tiền, bao gồm: tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành, tiền giả, tiền bị hủy hoại trái pháp luật (sau đây gọi là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước); tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng (sau đây gọi là tiền in, đúc hỏng) tại các cơ sở in, đúc tiền.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là Hội đồng giám sát).

2. Hội đồng tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, Hội đồng tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là Hội đồng tiêu hủy).

3. Các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước; các cơ sở in, đúc tiền và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiêu hủy tiền, giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền in, đúc hỏng (sau đây gọi là giám sát tiêu hủy tiền).

Điều 3. Mục đích giám sát tiêu hủy tiền

1. Đảm bảo công tác tiêu hủy tiền thực hiện theo quy định của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước.

2. Đảm bảo an toàn tài sản và bí mật Nhà nước trong công tác tiêu hủy tiền.

3. Đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong công tác tiêu hủy tiền.

Điều 4. Nguyên tắc giám sát tiêu hủy tiền

1. Việc giám sát tiêu hủy tiền được thực hiện tại các địa điểm, cơ sở tiêu hủy của Ngân hàng Nhà nước hoặc do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là Thống đốc) quyết định.

2. Việc giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được thực hiện ở các khâu kiểm đếm chọn mẫu trước khi tổ chức tiêu hủy, kiểm đếm tiền tiêu hủy và cắt hủy (hoặc nấu hủy) hoàn toàn tiền tiêu hủy thành phế liệu.

3. Việc giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng được thực hiện ở các khâu giao, nhận tiền in, đúc hỏng giữa cơ sở in, đúc tiền với Hội đồng tiêu hủy tại thời điểm giao nhận, kiểm đếm tiền in, đúc hỏng và cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) hoàn toàn tiền in, đúc hỏng thành phế liệu.

Chương II

HỘI ĐỒNG GIÁM SÁT, TỔ GIÚP VIỆC HỘI ĐỒNG GIÁM SÁT

Điều 5. Hội đồng giám sát

1. Hội đồng giám sát do Thống đốc quyết định thành lập theo đề nghị của Vụ Tổ chức cán bộ.

2. Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được tổ chức thành Cụm giám sát tiêu hủy phía Bắc và Cụm giám sát tiêu hủy phía Nam; Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng được tổ chức theo cơ sở in, đúc tiền.

3. Thành phần Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng giám sát: Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ;

b) 01 Phó Chủ tịch Hội đồng giám sát là Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ, trực tiếp phụ trách Cụm giám sát tiêu hủy phía Bắc;

c) 01 Phó Chủ tịch Hội đồng giám sát là lãnh đạo Chi cục Quản trị tại Thành phố Hồ Chí Minh, trực tiếp phụ trách Cụm giám sát tiêu hủy phía Nam;

d) 01 ủy viên là lãnh đạo Cục Quản trị, tham gia Cụm giám sát tiêu hủy phía Bắc;

đ) 01 ủy viên là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia Cụm giám sát tiêu hủy phía Nam;

e) 01 ủy viên là lãnh đạo cấp phòng thuộc Vụ Kiểm toán nội bộ kiêm thư ký Hội đồng giám sát và thư ký Cụm giám sát tiêu hủy phía Bắc;

g) 01 ủy viên là lãnh đạo cấp phòng thuộc Chi cục Quản trị tại Thành phố Hồ Chí Minh kiêm thư ký Cụm giám sát tiêu hủy phía Nam.

4. Thành phần Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng giám sát: lãnh đạo Vụ Kiểm toán nội bộ;

b) Các ủy viên gồm: 01 lãnh đạo cấp phòng thuộc Vụ Kiểm toán nội bộ kiêm thư ký Hội đồng giám sát; 01 lãnh đạo cấp Phòng thuộc Cục Quản trị.

 5. Hội đồng giám sát họp định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng giám sát. Các thành viên Hội đồng giám sát làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng giám sát về nhiệm vụ được phân công.

6. Giúp việc Hội đồng giám sát là Tổ giúp việc Hội đồng giám sát (sau đây gọi là Tổ giúp việc) được quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng giám sát

1. Tổ chức thực hiện công tác giám sát tiêu hủy tiền theo quy định tại Thông tư này.

2. Phát hiện tồn tại, thiếu sót trong quá trình tiêu hủy tiền và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời; báo cáo Thống đốc tạm dừng, đình chỉ đợt tiêu hủy trong trường hợp hành vi vi phạm có nguy cơ xảy ra thất thoát, mất an toàn tài sản trong quá trình tiêu hủy tiền.

3. Phối hợp với Hội đồng tiêu hủy tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá và báo cáo Thống đốc kết quả thực hiện công tác tiêu hủy tiền, giám sát tiêu hủy tiền.

4. Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xem xét hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc hoặc hình thức kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm quy định trong công tác giám sát tiêu hủy tiền.

5. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc bảo quản, lưu giữ hồ sơ, tài liệu về giám sát tiêu hủy tiền.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng giám sát

1. Chỉ đạo, điều hành chung việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng giám sát theo quy định tại Điều 6 Thông tư này. Chịu trách nhiệm trước Thống đốc và pháp luật về công tác giám sát tiêu hủy tiền.

2. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng giám sát.

3. Trình Thống đốc phê duyệt phương án huy động, trưng tập công chức của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước tham gia Tổ giúp việc; có văn bản đề nghị các đơn vị cử công chức tham gia Tổ giúp việc và ký quyết định trưng tập công chức tham gia Tổ giúp việc theo phương án được Thống đốc phê duyệt.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch, các Ủy viên và thư ký Hội đồng giám sát

1. Phó Chủ tịch Hội đồng giám sát

a) Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng giám sát;

b) Khi được ủy quyền, Phó Chủ tịch Hội đồng giám sát thay mặt Chủ tịch Hội đồng giám sát chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành chung việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng giám sát;

c) Chỉ đạo, điều hành trực tiếp việc thực hiện nhiệm vụ giám sát; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Tổ giúp việc và ký các văn bản, báo cáo kết quả giám sát tại Cụm giám sát tiêu hủy được giao phụ trách.

2. Ủy viên Hội đồng giám sát

a) Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, chỉ đạo của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng giám sát;

b) Kiểm tra, giám sát và đôn đốc các thành viên Tổ giúp việc thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 9 Thông tư này;

 c) Tham mưu cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng giám sát phụ trách Cụm giám sát tiêu hủy trong việc phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình tiêu hủy tiền, giám sát tiêu hủy tiền.

3. Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng giám sát, Thư ký Cụm giám sát tiêu hủy tiền.

a) Thực hiện các nhiệm vụ của Ủy viên Hội đồng giám sát quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Theo dõi quá trình giám sát tiêu hủy tiền; tổng hợp số liệu, lập các báo cáo tổng hợp kết quả tiêu hủy tiền theo các Mẫu số 10, 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Tổ giúp việc

1. Tổ giúp việc gồm các công chức của Ngân hàng Nhà nước được trưng tập theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng giám sát.

2. Thành phần Tổ giúp việc

a) Cụm giám sát tiêu hủy phía Bắc: trưng tập các công chức thuộc Vụ Kiểm toán nội bộ, Cục Quản trị, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hà Nội;

b) Cụm giám sát tiêu hủy phía Nam: trưng tập các công chức thuộc Chi cục Quản trị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh;

c) Giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng: trưng tập các công chức thuộc Vụ Kiểm toán nội bộ, Cục Quản trị.

3. Công chức tham gia Tổ giúp việc phải có đủ phẩm chất, đạo đức, phải nghiên cứu, nắm rõ các quy định, quy trình nghiệp vụ về tiêu hủy tiền, giám sát tiêu hủy tiền. Căn cứ phương án huy động, trưng tập công chức được Thống đốc phê duyệt và văn bản đề nghị của Chủ tịch Hội đồng giám sát, Thủ trưởng đơn vị có công chức được trưng tập gửi Chủ tịch Hội đồng giám sát danh sách công chức tham gia Tổ giúp việc theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Căn cứ nhiệm vụ giám sát, Tổ giúp việc được bố trí thành các tổ chuyên môn, gồm: Tổ giám sát chung, Tổ giám sát kiểm đếm, Tổ giám sát cắt hủy. Trong mỗi tổ có Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên (nếu cần).

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ giúp việc

a) Chấp hành sự phân công, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Hội đồng giám sát về các công việc được giao;

b) Trực tiếp giám sát công tác tiêu hủy tiền theo quy định tại Chương III, Chương IV Thông tư này;

c) Khi phát hiện những hành vi vi phạm trong công tác tiêu hủy tiền, giám sát tiêu hủy tiền, Tổ chuyên môn lập biên bản tại chỗ đối với các hành vi vi phạm, đồng thời báo cáo ngay Hội đồng giám sát.

6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng

a) Chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ của Tổ chuyên môn quy định tại khoản 5 Điều này;

b) Tổ trưởng Tổ giám sát chung làm nhiệm vụ đầu mối xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình giám sát tiêu hủy tiền; thực hiện giám sát qua hệ thống camera quan sát được lắp đặt tại phòng làm việc của Hội đồng giám sát (đối với tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông); giám sát việc giao, nhận tiền in, đúc hỏng giữa cơ sở in, đúc tiền với Hội đồng tiêu hủy tiền tại thời điểm giao, nhận (đối với tiêu hủy tiền in, đúc hỏng); đầu mối tiếp nhận, tổng hợp số liệu, báo cáo giám sát từ Tổ giám sát kiểm đếm, Tổ giám sát cắt hủy;

c) Tổ trưởng Tổ giám sát kiểm đếm, Tổ trưởng Tổ giám sát cắt hủy trực tiếp phụ trách, xử lý công việc giám sát hàng ngày của Tổ, chịu trách nhiệm chung về công việc trong Tổ, đại diện Tổ (hoặc phân công Tổ phó) ký xác nhận các báo cáo, biên bản do Hội đồng giám sát, Hội đồng tiêu hủy lập theo quy định về tiêu hủy tiền, giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước;

d) Định kỳ hàng tháng (đối với giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông), cuối đợt tiêu hủy (đối với giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng) và đột xuất theo yêu cầu, báo cáo kết quả công tác giám sát tiêu hủy tiền với Chủ tịch Hội đồng giám sát (thông qua thư ký Cụm giám sát tiêu hủy tiền) theo các Mẫu số 03, 04, 05, 06, 07, 08, 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; 

đ) Báo cáo kịp thời cho Thư ký Hội đồng giám sát, Thư ký Cụm giám sát tiêu hủy hoặc thành viên Hội đồng giám sát các vấn đề phát sinh trong quá trình giám sát tiêu hủy tiền.

Điều 10. Quyền lợi của những người tham gia giám sát tiêu hủy tiền

1. Hội đồng giám sát, Tổ giúp việc được bố trí, trang bị đầy đủ điều kiện, phương tiện làm việc để thực hiện nhiệm vụ giám sát tiêu hủy tiền.

2. Các thành viên Hội đồng giám sát, Tổ giúp việc ngoài tiền lương, phụ cấp lương do Nhà nước chi trả theo chế độ quy định còn được hưởng các chế độ bồi dưỡng về tiêu hủy tiền và các chế độ khác theo quy định hiện hành.

Chương III

 GIÁM SÁT TIÊU HỦY TIỀN KHÔNG ĐỦ TIÊU CHUẨN LƯU THÔNG

Điều 11. Giám sát việc kiểm đếm chọn mẫu tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông trước khi đưa vào tiêu hủy

1. Thực hiện giám sát kiểm đếm chọn mẫu các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông (không bao gồm tiền đình chỉ lưu hành, tiền giả, tiền bị hủy hoại trái pháp luật) trong kho của Hội đồng tiêu hủy vào ngày đầu tiên của đợt tiêu hủy và lập Báo cáo kết quả kiểm đếm chọn mẫu tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông trước khi đưa vào tiêu hủy theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Nếu tổng số tiền được kiểm đếm chọn mẫu theo khoản 1 Điều này có tỷ lệ thừa, thiếu, lẫn loại không vượt 0,01% về mặt giá trị trên tổng giá trị tiền được kiểm đếm chọn mẫu; hoặc tổng số lượng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông không vượt 0,5% về số lượng tờ trên tổng số tờ tiền được kiểm đếm chọn mẫu thì Hội đồng giám sát cho phép tiến hành công tác tiêu hủy tiền.

Trường hợp tổng số tiền được kiểm đếm chọn mẫu có tỷ lệ thừa, thiếu, lẫn loại hoặc tổng số lượng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông vượt các tỷ lệ nêu trên thì Hội đồng giám sát lập biên bản và đề nghị Hội đồng tiêu hủy tăng số tiền được kiểm đếm chọn mẫu (số lượng kiểm đếm tăng thêm do hai Hội đồng thống nhất quyết định). Nếu số tiền được kiểm đếm chọn mẫu vẫn vượt các tỷ lệ nêu trên thì Hội đồng giám sát đề nghị Hội đồng tiêu hủy tạm thời chưa thực hiện công tác tiêu hủy tiền, đồng thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thống đốc.

Điều 12. Giám sát kiểm đếm tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông

1. Giám sát việc giao, nhận tiền hàng ngày tại Tổ kiểm đếm tiền tiêu hủy theo quy định về tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước.

2. Giám sát việc thực hiện kiểm đếm tiền tiêu hủy. Giám sát và xác nhận đối với các trường hợp thừa, thiếu, lẫn loại, tiền giả, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông được phát hiện trong khâu kiểm đếm tiền.

3. Cuối ngày, Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát kiểm đếm xác nhận kết quả kiểm đếm thực tế trên biên bản do Hội đồng tiêu hủy lập. Số tiền chưa kiểm đếm hết hoặc đã kiểm đếm nhưng chưa giao Tổ cắt hủy tiền phải được niêm phong, có đủ chữ ký của Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát kiểm đếm và Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ kiểm đếm tiền tiêu hủy và gửi lại kho của Hội đồng tiêu hủy.

4. Trong quá trình giám sát, công chức giám sát được quyền yêu cầu kiểm đếm lại đối với tiền đã kiểm đếm trong ngày để đảm bảo tính chính xác của các bó tiền đã được kiểm đếm.

5. Đối với những loại tiền tiêu hủy không thực hiện kiểm đếm 100%, kết quả kiểm đếm phát hiện thừa, thiếu, lẫn loại hoặc có tổng số lượng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông trên tổng số lượng tiền đã kiểm đếm vào cuối mỗi đợt tiêu hủy theo quyết định của Thống đốc vượt quá các tỷ lệ quy định tại Điều 11 Thông tư này thì Tổ giúp việc báo cáo Hội đồng giám sát đề nghị Hội đồng tiêu hủy tăng tỷ lệ kiểm đếm đối với loại tiền có sai sót nhiều.

Điều 13. Giám sát cắt hủy (hoặc nấu hủy) tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông

1. Giám sát việc giao, nhận tiền hàng ngày tại Tổ cắt hủy tiền theo quy định về tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước; giám sát và xác nhận đối với các trường hợp thừa, thiếu, lẫn loại, tiền giả, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông phát sinh trong khâu giao, nhận tiền tại Tổ cắt hủy tiền.

2. Giám sát quá trình cắt hủy (hoặc nấu hủy) hoàn toàn tiền tiêu hủy thành phế liệu, đảm bảo phế liệu tiêu hủy không thể khôi phục để sử dụng lại như tiền dưới bất kỳ hình thức nào.

3. Cuối ngày, Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát cắt hủy xác nhận số tiền cắt hủy (hoặc nấu hủy) thực tế trên biên bản do Hội đồng tiêu hủy lập. Số tiền đã giao Tổ cắt hủy nhưng không cắt hủy (hoặc nấu hủy) hết trong ngày phải được niêm phong, có đủ chữ ký của Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát cắt hủy và Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ cắt hủy tiền và gửi lại kho của Hội đồng tiêu huỷ.

Điều 14. Giám sát việc chấp hành nội quy, quy định và thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông

1. Giám sát việc thực hiện các nội quy, quy định về đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước.

2. Giám sát việc thực hiện nội quy, quy trình nghiệp vụ trong khu vực kiểm đếm, khu vực cắt hủy tiền tiêu hủy qua hệ thống camera quan sát được lắp đặt tại phòng làm việc của Hội đồng giám sát.

3. Giám sát việc thực hiện các quy định vào, ra khu vực kiểm đếm, khu vực cắt hủy tiền tiêu hủy; giám sát đối với những trường hợp không có nhiệm vụ thực hiện công tác tiêu hủy tiền, khi vào khu vực tiêu hủy tiền phải có văn bản đồng ý của người có thẩm quyền theo quy định về tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước và phải thông báo cho Hội đồng giám sát.

4. Định kỳ hàng tháng, chứng kiến việc kiểm kê kho tiền tiêu hủy của Hội đồng tiêu hủy trong thời gian thực hiện công tác giám sát tiêu hủy tiền.

5. Thực hiện niêm phong phòng kiểm đếm, phòng cắt hủy trong giờ nghỉ giải lao, giờ nghỉ trưa nếu đang bảo quản tiền tiêu hủy.

Điều 15. Giám sát số liệu tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông

Giám sát, đối chiếu số liệu tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông với Hội đồng tiêu hủy, đảm bảo sự chính xác, khớp đúng giữa số liệu theo dõi trên sổ sách, báo cáo và số liệu tiêu hủy thực tế.

Chương IV

GIÁM SÁT TIÊU HỦY TIỀN IN, ĐÚC HỎNG

Điều 16. Giám sát giao, nhận tiền in, đúc hỏng

Giám sát việc giao, nhận tiền in, đúc hỏng giữa cơ sở in, đúc tiền với Hội đồng tiêu hủy tiền tại thời điểm giao nhận, đối chiếu sự khớp đúng về số lượng, cơ cấu tiền in, đúc hỏng thực tế giao, nhận với số liệu theo quyết định tiêu hủy của Thống đốc.

Điều 17. Giám sát kiểm đếm tiền in, đúc hỏng

1. Giám sát việc giao, nhận tiền in, đúc hỏng hàng ngày tại Tổ kiểm đếm tiền theo quy định về tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước.

2. Giám sát việc thực hiện các quy định, quy trình về kiểm đếm tiền in, đúc hỏng. Giám sát và xác nhận đối với các trường hợp thừa, thiếu, nhầm lẫn được phát hiện trong khâu kiểm đếm tiền.

3. Cuối ngày, Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát kiểm đếm xác nhận kết quả kiểm đếm tiền in, đúc hỏng trên biên bản do Hội đồng tiêu huỷ lập. Số tiền in, đúc hỏng chưa kiểm đếm hết hoặc đã kiểm đếm nhưng chưa giao Tổ cắt hủy thì phải được niêm phong có đủ chữ ký của Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát kiểm đếm và Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ kiểm đếm tiền và gửi lại kho của Hội đồng tiêu huỷ.

4. Trong quá trình giám sát, công chức giám sát có quyền yêu cầu kiểm đếm lại đối với số tiền in, đúc hỏng đã kiểm đếm trong ngày để đảm bảo tính chính xác của các bó (hoặc gói, thùng) tiền đã được kiểm đếm.

Điều 18. Giám sát cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) tiền in, đúc hỏng

1. Giám sát việc giao, nhận tiền in, đúc hỏng từ kho của Hội đồng tiêu hủy, Tổ kiểm đếm đến Tổ cắt hủy và ngược lại.

2. Giám sát việc xử lý đối với trường hợp có nghi vấn thừa, thiếu, nhầm lẫn trong công đoạn cắt hủy theo quy định về tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước.

3. Giám sát việc thực hiện cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) hoàn toàn tiền in, đúc hỏng thành phế liệu, đảm bảo phế liệu tiêu hủy không thể khôi phục như trạng thái ban đầu dưới bất kỳ hình thức nào.

4. Cuối ngày, Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát cắt hủy xác nhận số tiền in, đúc hỏng đã cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) thực tế trên biên bản do Hội đồng tiêu hủy lập. Số tiền in, đúc hỏng đã giao Tổ cắt hủy nhưng không cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) hết trong ngày, được niêm phong, có đủ chữ ký của Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát cắt hủy tiền và Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ cắt hủy tiền và gửi lại kho của Hội đồng tiêu huỷ.

Điều 19. Giám sát việc chấp hành nội quy, quy định và thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác tiêu hủy tiền in, đúc hỏng

1. Giám sát việc chấp hành nội quy, quy định về đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước.

2. Thực hiện niêm phong phòng kiểm đếm, phòng cắt hủy trong giờ nghỉ giải lao, giờ nghỉ trưa nếu đang bảo quản tiền in, đúc hỏng.

3. Việc thực hiện giám sát qua hệ thống camera quan sát do các cơ sở in, đúc tiền thực hiện và chịu trách nhiệm.

Điều 20. Giám sát số liệu tiêu hủy tiền in, đúc hỏng

Giám sát, đối chiếu số liệu tiêu hủy tiền in, đúc hỏng với Hội đồng tiêu hủy, đảm bảo sự chính xác, khớp đúng giữa số liệu theo dõi trên sổ sách, báo cáo và số liệu tiêu hủy thực tế.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN

Điều 21. Vụ Kiểm toán nội bộ

1. Đầu mối tham mưu giúp Thống đốc triển khai công tác giám sát tiêu hủy tiền; hướng dẫn quy trình giám sát tiêu hủy tiền theo quy định tại Thông tư này.

2. Phối hợp với Hội đồng giám sát và các đơn vị liên quan xây dựng phương án huy động, trưng tập công chức tham gia Tổ giúp việc; cử công chức tham gia Hội đồng giám sát và Tổ giúp việc; bảo quản, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về giám sát tiêu hủy tiền.

3. Phối hợp với Hội đồng giám sát báo cáo Thống đốc kết quả công tác giám sát tiêu hủy tiền, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình giám sát tiêu hủy tiền (nếu có).

Điều 22. Chi cục Quản trị tại Thành phố Hồ Chí Minh

1. Đầu mối tham mưu giúp Thống đốc triển khai công tác giám sát tiêu hủy tiền tại Cụm giám sát tiêu hủy phía Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cử công chức tham gia Hội đồng giám sát và Tổ giúp việc theo quy định tại Thông tư này.

2. Phối hợp với Hội đồng giám sát Cụm giám sát tiêu hủy phía Nam xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình giám sát tiêu hủy tiền (nếu có); bảo quản, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về giám sát tiêu hủy tiền tại Cụm giám sát tiêu hủy phía Nam.

3. Thực hiện việc thanh quyết toán các khoản chi theo chế độ đối với công chức của đơn vị mình được cử tham gia Cụm giám sát tiêu hủy phía Nam theo quy định hiện hành.

Điều 23. Cục Phát hành và Kho quỹ (Chi cục Phát hành và Kho quỹ)

1. Hàng năm, gửi Vụ Kiểm toán nội bộ quyết định của Thống đốc cho phép tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền in, đúc hỏng và các tài liệu khác liên quan đến việc triển khai công tác tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước.

2. Cung cấp các điều kiện, phương tiện làm việc phục vụ công tác giám sát tiêu hủy tiền cho Hội đồng giám sát, Tổ giúp việc; thực hiện kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, phương tiện làm việc phục vụ công tác giám sát tiêu hủy tiền; lưu trữ, bảo quản dữ liệu hệ thống camera giám sát tiêu hủy tiền tại Cụm tiêu hủy tiền.

3. Làm đầu mối thực hiện việc thanh quyết toán các khoản chi về chế độ bồi dưỡng tiêu hủy tiền và các chế độ khác đối với công chức tham gia giám sát tiêu hủy tiền theo quy định hiện hành.

Điều 24. Vụ Tổ chức cán bộ

1. Thực hiện thủ tục cử công chức tham gia Hội đồng giám sát, trình Thống đốc ban hành quyết định thành lập Hội đồng giám sát theo quy định tại Thông tư này.

2. Đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý các vấn đề phát sinh về vị trí việc làm, biên chế, tuyển dụng công chức làm nhiệm vụ giám sát tiêu hủy tiền cho các đơn vị tham gia công tác giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước.

3. Đầu mối phối hợp với Hội đồng giám sát và các đơn vị có liên quan xem xét, trình Thống đốc khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc hoặc hình thức kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm quy định trong công tác giám sát tiêu hủy tiền.

Điều 25. Cục Quản trị

1. Bố trí và cử đủ số lượng công chức tham gia Hội đồng giám sát, Tổ giúp việc theo quy định và phương án được Thống đốc phê duyệt.

2. Làm đầu mối thực hiện việc thanh quyết toán các khoản chi theo chế độ đối với công chức tham gia Cụm giám sát tiêu hủy phía Bắc theo quy định hiện hành.

Điều 26. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh

1. Bố trí và cử đủ số lượng công chức tham gia Hội đồng giám sát và Tổ giúp việc theo quy định và phương án được Thống đốc phê duyệt.

2. Thực hiện việc thanh quyết toán các khoản chi theo chế độ đối với công chức của đơn vị mình được cử tham gia giám sát tiêu hủy tiền theo quy định hiện hành.

Điều 27. Hội đồng tiêu hủy

1. Hội đồng tiêu hủy gửi Hội đồng giám sát quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy, danh sách thành viên tham gia công tác tiêu hủy tiền, phân công nhiệm vụ của các thành viên tham gia công tác tiêu hủy tiền và các tài liệu có liên quan đến công tác tiêu hủy tiền để phối hợp giám sát.

2. Chủ động phối hợp với Hội đồng giám sát để xử lý các vấn đề phát sinh trong công tác tiêu hủy tiền, giám sát tiêu hủy tiền; chịu sự giám sát của Hội đồng giám sát theo quy định tại Thông tư này; chấp hành quyết định của Thống đốc về tạm dừng, đình chỉ đợt tiêu hủy trong trường hợp có những vi phạm gây thất thoát, mất an toàn tài sản trong quá trình tiêu hủy tiền.

3. Kết thúc đợt tiêu hủy, Hội đồng tiêu hủy gửi báo cáo kết quả công tác tiêu hủy tiền cho Chủ tịch Hội đồng giám sát; phối hợp với Hội đồng giám sát tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiêu hủy tiền theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 28. Các cơ sở in, đúc tiền

1. Phối hợp với Hội đồng giám sát và Hội đồng tiêu hủy thực hiện công tác tiêu hủy tiền in, đúc hỏng theo quy định hiện hành.

2. Trong quá trình giao, nhận hoặc kiểm đếm tiền in, đúc hỏng, nếu xảy ra thừa, thiếu, nhầm lẫn, các cơ sở in, đúc tiền có trách nhiệm tìm ra nguyên nhân và biện pháp xử lý cụ thể đối với số tiền thừa, thiếu, nhầm lẫn, báo cáo Hội đồng tiêu hủy và Hội đồng giám sát về kết quả xử lý.

3. Cung cấp tài liệu và các điều kiện, phương tiện làm việc cần thiết cho Hội đồng giám sát và Tổ giúp việc để thực hiện nhiệm vụ giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng; tổ chức giám sát qua hệ thống camera quan sát và lưu trữ, bảo quản dữ liệu hệ thống camera quan sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng.

4. Thực hiện thanh quyết toán các khoản bồi dưỡng về tiêu hủy tiền theo chế độ cho công chức của Ngân hàng Nhà nước tham gia giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng theo quy định hiện hành.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 02  năm 2024.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 07/2017/TT-NHNN ngày 31/7/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành và tiêu hủy tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng.

Điều 30. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Quản trị, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và cơ sở in, đúc tiền chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.

 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Đào Minh Tú