CHỈ THỊ
Về tăng cường chỉ đạo công tác lưu trữ trong thời gian tới
Thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 11 tháng 12 năm 1982, những năm gần đây công tác lưu trữ ở các cơ quan Trung ương và các địa phương đã từng bước đi vào nền nếp. Các tư liệu lưu trữ được sử dụng, khai tác đã đáp ứng một phần yêu cầu nghiên cứu phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Chính phủ.
Tuy nhiên công tác lưu trữ ở các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương còn có nhiều điểm yếu: Công tác lưu trữ ở nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa được tổ chức thống nhất theo quy định chung của Nhà nước; điều kiện cơ sở vật chất và kỹ thuật không đủ để thực hiện tốt nhiệm vụ lưu trữ ở các ngành và địa phương; các kho lưu trữ chưa được xây dựng hoặc cải tạo theo quy hoạch, có hệ thống để bảo quản an toàn tài liệu; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác lữu trữ còn chậm. Hầu hết các phòng lưu trữ ở các Bộ và tỉnh mới có khả năng làm nhiệm vụ lưu giữ một số hồ sơ, tài liệu của Văn phòng Bộ và Văn phòng Uỷ ban nhân dân; lực lượng cán bộ lưu trữ ở các Bộ, ngành và các địa phương còn chưa đủ về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn; nhiều nơi đã để xẩy ra tình trạng tài liệu bị thất lạc, mất mát, hư hỏng, không tìm được khi cần tra cứu v.v...
Nhằm sớm khắc phục tình hình trên, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác lưu trữ đáp ứng yêu cầu của phát triển đất nước, của nhiệm vụ cải cách nền hành chính quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện những việc sau đây:
1. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, thành phố tổ chức thống nhất bộ phận làm công tác lưu trữ ở các cơ quan nhà nước các cấp; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo cán bộ làm công tác lưu trữ, chấn chỉnh công tác văn thư ở các cơ quan, tổ chức tốt việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ yêu cầu nghiên cứu. Các Bộ, ngành và địa phương phải bố trí, sử dụng cán bộ văn thư, lưu trữ theo đúng tiêu chuẩn ngạch công chức do Nhà nước ban hành.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các ngành, các địa phương lập kế hoạch và các dự án cải tạo, nâng cấp các kho lưu trữ của các Bộ, ngành và địa phương theo hướng dẫn chuyên môn của Cục Lưu trữ Nhà nước bảo đảm yêu cầu bảo quản an toàn và lâu dài tài liệu lưu trữ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí trong Ngân sách hàng năm của các ngành, địa phương kinh phí cho việc thu thập và bảo quản tài liệu lưu trữ.
3. Cục Lưu trữ Nhà nước:
- Phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin hướng dẫn thống nhất về các nguyên tắc, phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn thư lưu trữ, đẩy nhanh các hoạt động này theo yêu cầu hiện đại hoá.
- Kiểm tra toàn bộ công tác bảo quản tài liệu trong các kho lưu trữ trong toàn quốc để chỉ đạo việc tu sửa, phục chế, bảo quản, bảo vệ an toàn tài liệu theo yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.