• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/05/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 28/06/1996
TỔNG CỤC HẢI QUAN
Số: 17/TCHQ-GQ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ninh, ngày 15 tháng 5 năm 1993

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành bản quy chế tạm thời Hải Quan khu chế xuất

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ban hành ngày 20-2-1990;

Căn cứ Nghị định số 322/HĐBT ngày 18-10-1991 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quy chế khu chế xuất;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục giám quản - Tổng cục Hải quan.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản Quy chế tạm thời Hải quan khu chế xuất tại Việt Nam.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Sau một thời gian thực hiện Quy chế tạm thời sẽ được điều chỉnh, bổ sung để ban hành Quy chế chính thức.

Điều 3: Ông Cục trưởng Cục giám quản, các ông thủ trưởng các Vụ, Cục, cơ quan thuộc Tổng cục Hải quan, Trưởng Hải quan Việt Nam và các ông Giám đốc Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

QUY CHẾ

TẠM THỜI HẢI QUAN KHU CHẾ XUẤT BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 17/TCHQ-GQ NGÀY 15-5-1993 CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

 

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Hải quan khu chế xuất là đơn vị thuộc Hải quan tỉnh, thành phố nơi có khu chế xuất, có Văn phòng tại khu chế xuất, có chức năng quản lý về mặt Hải quan đối với hàng hoá, hành lý, ngoại hối nhập khẩu, xuất khẩu của các xí nghiệp trong khu chế xuất theo đúng luật lệ Hải quan và những pháp luật hiện hành.

Điều 2: Tất cả phương tiện vận tải, thiết bị, vật tư, nguyên phụ liêu v.v... (trong Quy chế này được gọi là hàng hoá) và hành lý, ngoại hối từ nước ngoài, hay từ nội địa Việt Nam nhập vào khu chế xuất, hoặc từ khu chế xuất, xuất khẩu ra nước ngoài hay nhập vào thị trường nội địa Việt Nam đều phải khai báo và chịu sự kiểm tra, giám sát, quản lý về mặt Nhà nước của cơ quan Hải quan và phải nộp lệ phí Hải quan theo quy định.

 

CHƯƠNG II

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU CỦA CÁC XÍ NGHIỆP TRONG KHU CHẾ XUẤT

Điều 3: Hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu chế xuất hoặc hàng hoá từ khu chế xuất, xuất khẩu ra nước ngoài phải phù hợp với giấy phép kinh doanh của Điều lệ xí nghiệp khu chế xuất và được miễn thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu theo luật định.

3.1- Hàng nhập khẩu:

Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày hàng hoá đến cửa khẩu đầu tiên của Việt Nam, chủ hàng phải nộp cho Hải quan khu chế xuất những giấy tờ sau:

Đơn xin nhận hàng của xí nghiệp khu chế xuất đã được Ban quản lý khu chế xuất phê duyệt đồng ý cho nhận hàng (hai bản).

Tờ khai hàng hoá nhập khẩu (3 bản).

Bản khai chi tiết hàng hoá.

Vận đơn (bản sao).

Lệnh giao hàng.

Hải quan khu chế xuất, sau khi tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, tiến hành thủ tục đăng ký tờ khai hàng hoá, cử nhân viên cùng chủ hàng mang bộ hồ sơ đã đăng ký đến Hải quan cửa khẩu làm thủ tục nhập hàng.

Hải quan cửa khẩu tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, tiến hành đối chiếu nguyên đai kiện, container và niêm phong cặp chì gốc, nếu không có vi phạm hoặc nghi vấn gì thì chứng nhận thực nhập nguyên đai kiện trên các tờ khai hàng, lưu giữ lại một bản tờ khai, số còn lại giao cho Hải quan khu chế xuất cùng với chủ hàng áp tải việc vận chuyển hàng hoá về khu chế xuất.

Tại khu chế xuất: Hải quan khu chế xuất tiến hành thủ tục kiểm hoá lô hàng và giải phóng đưa vào sản xuất tại xí nghiệp trong khu chế xuất. Nếu hàng hoá chưa được kiểm hoá, thì phải đưa vào khu vực kho riêng do Hải quan khu chế xuất giám sát.

3.2- Hàng hoá xuất khẩu:

Trước khi đưa hàng hoá xuất khẩu ra khu vực kho, bãi chờ làm thủ tục hải quan, chủ hàng phải nộp cho hải quan khu chế xuất những giấy tờ sau đây:

Đơn xin xuất khẩu hàng hoá của xí nghiệp khu chế xuất đã được Ban quản lý khu chế xuất phê duyệt.

Tờ khai hàng hoá xuất khẩu.

Bản kê chi tiết hàng hoá.

Hải quan khu chế xuất sau khi tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của bộ hồ sơ, đăng ký tờ khai, tiến hành kiểm hoá, kết thúc thủ tục, đồng thời cử nhân viên hải quan cùng với chủ hàng áp tải hàng hoá đến cửa khẩu xuất hàng và bàn giao cho hải quan cửa khẩu tiếp tục giám sát việc xếp hàng lên phương tiện vận tải.

Hải quan cửa khẩu sau khi giám sát xong việc xếp hàng lên phương tiện vận tải thì xác nhận thực xuất trên tờ khai và chuyển giao lại cho hải quan khu chế xuất để theo dõi, đối chiếu kết thúc hồ sơ xuất hàng hoá.

Điều 4: Hàng hoá nhập khẩu từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất, hoặc từ khu chế xuất, xuất khẩu ra nội địa Việt Nam.

4.1- Nguyên tắc: Tất cả hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu của các xí nghiệp khu chế xuất nói ở Điều này được làm thủ tục hải quan như đối với những hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu của các đơn vị kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam, hàng hoá phải có giấy phép (nếu hàng hoá xuất, nhập khẩu thuộc các danh mục phải có giấy phép); phải chịu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu theo Luật thuế.

4.2- Thủ tục hải quan:

Chủ hàng phải xuất trình và nộp cho hải quan khu chế xuất những loại giấy tờ sau:

Đơn xin mua hàng hoá, bán hàng hoá đã được Ban quản lý khu chế xuất phê duyệt.

Giấy phép (nếu hàng hoá thuộc diện phải có giấy phép).

Tờ khai hàng hoá.

Hợp đồng mua bán hàng hoá.

Bản kê chi tiết hàng hoá.

Giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu hợp đồng thương mại ghi nhận phải kiểm dịch).

Hải quan khu chế xuất tiếp nhận hồ sơ tiến hành các bước thủ tục hoàn chỉnh từ khâu: Đăng ký hồ sơ, kiểm hoá, thu thuế giải phóng hàng hoá và hoàn tất hồ sơ lưu trữ theo chế độ hiện hành.

Điều 5: Hàng hoá gia công của các xí nghiệp khu chế xuất và cung cấp dịch vụ với các tổ chức kinh tế nội địa, thuộc các thành phần kinh tế quy định như sau:

Hợp đồng gia công và cung cấp dịch vụ giữa các xí nghiệp khu chế xuất với các tổ chức kinh tế nội địa do Ban quản lý khu chế xuất chuẩn y.

Các bên ký kết hợp đồng gia công phải làm thủ tục hải quan với hải quan khu chế xuất.

Hải quan khu chế xuất chịu trách nhiệm kiểm tra, quản lý và làm thủ tục hải quan theo đúng quy định về quản lý hàng gia công đang hiện hành.

 

CHƯƠNG III

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNH LÝ, NGOẠI HỐI ĐƯA VÀO, ĐƯA RA KHU CHẾ XUẤT

Điều 6:

6.1- Hành lý, ngoại hối của người nước ngoài từ nội địa Việt Nam đưa vào khu chế xuất và từ khu chế xuất đưa ra nội địa Việt Nam được làm thủ tục hải quan tại khu chế xuất.

6.2- Người nước ngoài và người Việt Nam làm việc hàng ngày trong khu chế xuất chỉ được phép mang từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất số lượng ngoại hối theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

6.3- Hải quan khu chế xuất căn cứ vào tờ khai hành lý đã được hải quan cửa khẩu đầu tiên khi nhập cảnh vào Việt Nam (đối với người nước ngoài) và những giấy tờ được phép đưa vào, đưa ra những hành lý, ngoại hối của người nước ngoài và người Việt Nam làm việc trong khu chế xuất để làm thủ tục hải quan một cách công khai, nhanh chóng và thuận tiện.

 

CHƯƠNG IV

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI VIỆC GIÁM SÁT HÀNG HOÁ LƯU KHO, VẬN CHUYỂN ĐƯA VÀO, ĐƯA RA KHU CHẾ XUẤT

Điều 7: Những hàng hoá nhập khẩu của các xí nghiệp khu chế xuất chưa làm xong thủ tục hải quan và hàng hoá xuất khẩu của các xí nghiệp này đã làm xong thủ tục hải quan nhưng chưa xuất khẩu được đều phải đưa vào khu kho riêng của khu chế xuất để bảo quản. Những khu kho riêng này tại khu chế xuất phải được hải quan chấp thuận và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát liên tục của hải quan khu chế xuất.

Hải quan khu chế xuất tổ chức việc giám sát, quản lý, và mở sổ sách theo dõi việc xuất kho, nhập kho hàng hoá của khu chế xuất theo quy trình nghiệp vụ hải quan hiện hành.

Điều 8: Vận chuyển hàng hoá đưa vào, đưa ra khu chế xuất.

8.1- Nguyên tắc: Tất cả hàng hoá đưa vào, đưa ra khu chế xuất, vận chuyển trên lãnh thổ Việt Nam đều phải thực hiện theo phương thức connener, thùng, kiện hàng, có niêm phong và có nhân viên hải quan áp tải.

8.2- Trường hợp hàng hoá từ khu chế xuất, xuất khẩu ra nước ngoài, hoặc hàng hoá từ nước ngoài nhập vào khu chế xuất qua một cửa khẩu không thuộc hải quan tỉnh, thành phố nơi có khu chế xuất và hoặc từ khu chế xuất này sang khu chế xuất khác, thì chủ hàng phải thi hành thủ tục khai báo, kiểm tra, giám sát của hải quan khu chế xuất như những quy định nêu tại Điều 3 bản Quy chế này.

Trong quá trình vận chuyển hàng hoá phải đi đúng tuyến đường, không được lưu giữ hoặc tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa Việt Nam.

Điều 9: Những hàng hoá đổ vỡ, hư hỏng kém phẩm chất hoặc quá thời hạn sử dụng và những phế liệu, phế phẩm của các xí nghiệp khu chế xuất muốn huỷ bỏ, sau khi đã có biên bản giám định của các cơ quan chức năng, chủ hàng phải làm đơn xin phép hải quan, phải làm đầy đủ thủ tục khai báo và chịu sự kiểm tra, giám sát của hải quan khu chế xuất trong suốt quá trình hoàn tất việc huỷ bỏ.

 

CHƯƠNG V

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 10: Những hành vi vi phạm các điều khoản trong Quy chế này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo Pháp lênh xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

CHƯƠNG VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11: Quy chế này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 5 năm 1993.

Điều 12: Ông Cục trưởng Cục giám quản, các ông thủ trưởng các Vụ, Cục, cơ quan thuộc Tổng cục Hải quan, Trường hải quan Việt Nam và các ông Giám đốc hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Quy chế này./.

 

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Trương Quang Được

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.