• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/03/2019
  • Ngày hết hiệu lực: 01/02/2024
BỘ TƯ PHÁP
Số: 01/2019/TT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ninh, ngày 17 tháng 1 năm 2019

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số nội dung về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển

________________________

 

Căn cứ Bộ luật dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về các trường hợp đăng ký và biểu mẫu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển; kê khai thông tin trên phiếu yêu cầu đăng ký và ghi nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển vào sổ đăng ký.

 Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cục Hàng không Việt Nam.

2. Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam (sau đây gọi chung là Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam).

3. Cá nhân, pháp nhân theo quy định của pháp luật có yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển.

4. Cá nhân, pháp nhân khác có liên quan.

Điều 3. Các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển 

1. Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển.

2. Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tàu bay, tàu biển có bảo lưu quyền sở hữu.

3. Thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển đã đăng ký.

4. Sửa chữa sai sót nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển đã đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký.

5. Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển trong trường hợp đã đăng ký cầm cố, thế chấp.

6. Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển.

Chương II

KÊ KHAI THÔNG TIN TRÊN PHIẾU YÊU CẦU ĐĂNG KÝ

VÀ GHI NỘI DUNG ĐĂNG KÝ VÀO SỔ ĐĂNG KÝ

Điều 4. Kê khai thông tin trên phiếu yêu cầu đăng ký

1. Thông tin về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; bên mua tài sản, bên bán tài sản trong trường hợp mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu được kê khai như sau:

a) Đối với cá nhân: Họ và tên, địa chỉ, quốc tịch, số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân đối với công dân Việt Nam; Họ và tên, địa chỉ, quốc tịch, số Hộ chiếu đối với người nước ngoài; Họ và tên, địa chỉ, số Thẻ thường trú đối với người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam;

b) Đối với pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc nhà đầu tư nước ngoài: Tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đối với pháp nhân được thành lập, hoạt động theo pháp luật nước ngoài: Tên, địa chỉ được đăng ký tại cơ quan nước ngoài có thẩm quyền bằng chữ Latinh hoặc bằng tiếng Anh.

2. Thông tin về hợp đồng bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển kê khai như sau: Số của hợp đồng bảo đảm (nếu có) và thời điểm ký kết (ngày, tháng, năm) của hợp đồng.

3. Thông tin về đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký, sửa chữa sai sót nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm kê khai như sau: Số Giấy chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm đã cấp.

4. Việc ký phiếu yêu cầu đăng ký được thực hiện như sau:

a) Có đầy đủ chữ ký, con dấu (nếu có) của một trong các bên tham gia biện pháp bảo đảm bằng tàu bay hoặc các bên tham gia biện pháp bảo đảm bằng tàu biển hoặc người được các bên đó uỷ quyền, trừ trường hợp xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển;

b) Trong trường hợp xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển thì phiếu yêu cầu đăng ký phải có chữ ký của bên nhận bảo đảm, bên bán tài sản trong trường hợp mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu hoặc các bên tham gia biện pháp bảo đảm. Trong trường hợp trên phiếu yêu cầu xóa đăng ký không có chữ ký của bên nhận bảo đảm, bên bán tài sản thì hồ sơ xóa đăng ký phải có văn bản đồng ý xóa đăng ký biện pháp bảo đảm của bên nhận bảo đảm, bên bán tài sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 29 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 102/2017/NĐ-CP);

c) Chỉ cần chữ ký, con dấu (nếu có) của bên nhận bảo đảm hoặc người được bên nhận bảo đảm uỷ quyền, bên bán tài sản hoặc người được bên bán tài sản ủy quyền trong trường hợp mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu đối với trường hợp yêu cầu đăng ký thay đổi về bên nhận bảo đảm, bên bán tài sản; sửa chữa sai sót thông tin về bên nhận bảo đảm, bên bán tài sản; yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm;

d) Chỉ cần chữ ký, con dấu (nếu có) của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là người yêu cầu đăng ký trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cho người khác vay tài sản nhưng không thực hiện việc đăng ký biện pháp bảo đảm.

Điều 5. Ghi nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam

1. Trường hợp đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, đăng ký bảo lưu quyền sở hữu tàu bay trong trường hợp mua bán tàu bay có bảo lưu quyền sở hữu hoặc hợp đồng mua bán tàu bay kèm văn bản về bảo lưu quyền sở hữu tàu bay, Cục Hàng không Việt Nam ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm), ghi tên bên cầm cố, bên thế chấp, tên bên mua tài sản, tên bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, tên bên bán tài sản vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.

2. Trường hợp đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký, Cục Hàng không Việt Nam ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam như sau:

a) Ghi thời điểm đăng ký thay đổi (giờ, phút, ngày, tháng, năm);

b) Trường hợp thay đổi một trong các bên hoặc các bên ký kết hợp đồng cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, hợp đồng mua bán tàu bay có điều khoản bảo lưu quyền sở hữu hoặc hợp đồng mua bán tàu bay kèm văn bản về bảo lưu quyền sở hữu tàu bay thì ghi “Thay đổi bên cầm cố, bên thế chấp, bên mua tài sản (hoặc bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên bán tài sản) thành bên cầm cố, bên thế chấp mới, bên mua tài sản mới (hoặc bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp mới, bên bán tài sản mới) là… (ghi tên bên mới thay đổi) theo Phiếu yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký ngày, tháng, năm”;

c) Trường hợp thay đổi tên của một trong các bên hoặc các bên ký kết hợp đồng cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, hợp đồng mua bán tàu bay có điều khoản bảo lưu quyền sở hữu hoặc hợp đồng mua bán tàu bay kèm văn bản về bảo lưu quyền sở hữu tàu bay thì ghi “Thay đổi tên của bên cầm cố, bên thế chấp, bên mua tài sản (hoặc bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên bán tài sản) thành tên mới là… (ghi tên bên mới thay đổi) theo Phiếu yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký ngày, tháng, năm”;

d) Trường hợp rút bớt tài sản cầm cố, tài sản thế chấp, tài sản bảo lưu quyền sở hữu là tàu bay thì ghi “Rút bớt tài sản cầm cố, tài sản thế chấp, tài sản bảo lưu quyền sở hữu là... (ghi thông tin về tài sản bị rút bớt); tài sản cầm cố, tài sản thế chấp, tài sản bảo lưu quyền sở hữu còn lại là… (ghi nội dung thông tin về tài sản còn lại) theo Phiếu yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký ngày, tháng, năm”;

đ) Trường hợp bổ sung tài sản cầm cố, tài sản thế chấp, tài sản bảo lưu quyền sở hữu là tàu bay thì ghi “Bổ sung tài sản cầm cố, tài sản thế chấp, tài sản bảo lưu quyền sở hữu là… (ghi thông tin về tài sản được bổ sung) theo Phiếu yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký ngày, tháng, năm”;

e) Trường hợp thay thế tài sản cầm cố, tài sản thế chấp, tài sản bảo lưu quyền sở hữu là tàu bay thì Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ, thực hiện thủ tục xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP và nộp hồ sơ, thực hiện thủ tục đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, đăng ký bảo lưu quyền sở hữu tàu bay theo quy định tại các Điều 24, 25 và 30 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP.

3. Trường hợp đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố, tài sản thế chấp là tàu bay trong trường hợp đã đăng ký, Cục Hàng không Việt Nam ghi nội dung đăng ký vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam như sau:

a) Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm);

b) Ghi “Đã có văn bản thông báo về việc xử lý… (ghi tên tài sản phải xử lý) đã cầm cố, thế chấp với... (ghi tên bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp) theo Phiếu yêu cầu đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản cầm cố tàu bay, tài sản thế chấp tàu bay ngày, tháng, năm”.

4. Trường hợp xóa đăng ký biện pháp bảo đảm thì Cục Hàng không Việt Nam ghi nội dung vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam như sau:

Ghi thời điểm xóa đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) và ghi “Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay giữa... (ghi tên bên cầm cố, bên thế chấp hoặc bên mua tài sản) và... (ghi tên bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp hoặc bên bán tài sản) theo Phiếu yêu cầu xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay ngày, tháng, năm”.

Điều 6. Ghi nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam

1. Trường hợp đăng ký thế chấp tàu biển, đăng ký bảo lưu quyền sở hữu tàu biển trong trường hợp mua bán tàu biển có bảo lưu quyền sở hữu hoặc hợp đồng mua bán tàu biển kèm văn bản về bảo lưu quyền sở hữu tàu biển, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam ghi nội dung đăng ký theo hướng dẫn trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam như sau:

a) Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm);

b) Ghi “Thế chấp tàu biển giữa... (ghi tên bên thế chấp) và... (ghi tên bên nhận thế chấp) theo hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng tín dụng (trường hợp việc thế chấp được ghi trong hợp đồng tín dụng) hoặc văn bản thỏa thuận khác về thế chấp tàu biển số… (nếu có), ngày, tháng, năm”;

c) Ghi “Bảo lưu quyền sở hữu tàu biển giữa... (ghi tên bên mua tài sản) và... (ghi tên bên bán tài sản) theo hợp đồng mua bán có điều khoản bảo lưu quyền sở hữu hoặc hợp đồng mua bán kèm văn bản về bảo lưu quyền sở hữu tàu biển số… (nếu có), ngày, tháng, năm”.

2. Trường hợp đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam ghi nội dung đăng ký thay đổi vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam như sau:

a) Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm);

b) Trường hợp thay đổi một trong các bên hoặc các bên ký kết hợp đồng thế chấp tàu biển, hợp đồng mua bán tàu biển có điều khoản bảo lưu quyền sở hữu hoặc hợp đồng mua bán tàu biển kèm văn bản về bảo lưu quyền sở hữu tàu biển thì ghi “Thay đổi bên thế chấp, bên mua tài sản (hoặc bên nhận thế chấp, bên bán tài sản) thành bên thế chấp mới, bên mua tài sản mới (hoặc bên nhận thế chấp mới, bên bán tài sản mới) là… (ghi tên bên mới thay đổi) theo Phiếu yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã đăng ký ngày, tháng, năm”;

c) Trường hợp thay đổi tên của một trong các bên hoặc các bên ký kết hợp đồng thế chấp tàu biển, hợp đồng mua bán tàu biển có điều khoản bảo lưu quyền sở hữu, hợp đồng mua bán tàu biển kèm văn bản về bảo lưu quyền sở hữu tàu biển thì ghi “Thay đổi tên của bên thế chấp, bên mua tài sản (hoặc bên nhận thế chấp, bên bán tài sản) thành tên mới là… (ghi tên bên mới thay đổi) theo Phiếu yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã đăng ký ngày, tháng, năm”;

d) Trường hợp rút bớt tài sản thế chấp, tài sản bảo lưu quyền sở hữu là tàu biển thì ghi “Rút bớt tài sản thế chấp, tài sản bảo lưu quyền sở hữu là... (ghi thông tin về tài sản bị rút bớt); tài sản thế chấp, tài sản bảo lưu quyền sở hữu còn lại là… (ghi nội dung thông tin về tài sản còn lại) theo Phiếu yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã đăng ký ngày, tháng, năm”;

đ) Trường hợp bổ sung tài sản thế chấp, tài sản bảo lưu quyền sở hữu là tàu biển thì ghi “Bổ sung tài sản thế chấp, tài sản bảo lưu quyền sở hữu là… (ghi thông tin về tài sản được bổ sung) theo Phiếu yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã đăng ký ngày, tháng, năm”;

e) Trường hợp thay thế tài sản thế chấp, tài sản bảo lưu quyền sở hữu là tàu biển thì Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam hướng dẫn người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ, thực hiện thủ tục xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển theo quy định tại Điều 37 và Điều 38 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP và nộp hồ sơ, thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp, đăng ký bảo lưu quyền sở hữu tàu biển trong trường hợp mua bán tàu biển có bảo lưu quyền sở hữu theo quy định tại các Điều 32, 33 và 38 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP.

3. Trường hợp đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp  là tàu biển trong trường hợp đã đăng ký, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam ghi nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam như sau: Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) và ghi “đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý… (ghi tên tài sản phải xử lý) đã thế chấp với... (ghi tên bên nhận thế chấp) theo Phiếu yêu cầu đăng ký ngày, tháng, năm”.

4. Trường hợp xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam ghi nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam như sau: Ghi thời điểm xoá đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm); ghi “Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển giữa... (ghi tên bên thế chấp hoặc bên mua tài sản) và... (ghi tên bên nhận thế chấp hoặc bên bán tài sản) theo Phiếu yêu cầu xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển ngày, tháng, năm”.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 3 năm 2019.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay gồm:

a) Phụ lục 01: Phiếu yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay;

b) Phụ lục 02: Giấy chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay;

c) Phụ lục 03: Phiếu yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký;

d) Phụ lục 04: Danh mục các hợp đồng bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký;

đ) Phụ lục 05: Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký;

e) Phụ lục 06: Phiếu yêu cầu sửa chữa sai sót về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay;

g) Phụ lục 07: Phiếu yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu bay;

h) Phụ lục 08: Giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu bay;

i) Phụ lục 09: Phiếu yêu cầu xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay;

k) Phụ lục 10: Giấy chứng nhận xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay;

l) Phụ lục 11: Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay.

3. Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển gồm: 

a) Phụ lục 01: Phiếu yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển;

b) Phụ lục 02: Giấy chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển;

c) Phụ lục 03: Phiếu yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã đăng ký;

d) Phụ lục 04: Danh mục các hợp đồng bảo đảm bằng tàu biển đã đăng ký; 

đ) Phụ lục 05: Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã đăng ký;

e) Phụ lục 06: Phiếu yêu cầu sửa chữa sai sót về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển;

g) Phụ lục 07: Phiếu yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu biển;

h) Phụ lục 08: Giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu biển;

i) Phụ lục 09: Phiếu yêu cầu xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển;

k) Phụ lục 10: Giấy chứng nhận xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển;

l) Phụ lục 11: Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển.

4. Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BTP-BGTVT ngày 30 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển.

Điều 8. Điều khoản chuyển tiếp

1. Trường hợp giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển đã được đăng ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà vẫn còn hiệu lực, thì người yêu cầu đăng ký không phải thực hiện đăng ký lại biện pháp bảo đảm theo quy định của Thông tư này.

2. Trường hợp người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, nhưng hồ sơ chưa được giải quyết thì cơ quan đăng ký thực hiện việc đăng ký, cung cấp thông tin theo thủ tục quy định tại Thông tư này.

3. Trường hợp người yêu cầu đăng ký đã đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển theo quy định của pháp luật trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, mà có yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký, yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp đã đăng ký, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Cục Hàng không Việt Nam, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp để nghiên cứu, giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Thành Long

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.