• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/10/2005
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 225/2005/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ninh, ngày 15 tháng 9 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc phê duyệt Đề án nâng cấp bệnh viện huyện

và bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn 2005 - 2008

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 09 năm 2004 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 172/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 09 năm 2004 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh;

Căn cứ Chỉ thị số 06/CT-TW ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cấp một số bệnh viện huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là bệnh viện huyện) và một số bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện (sau đây gọi chung là bệnh viện đa khoa khu vực) giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2008 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu

Nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế của các bệnh viện huyện và một số bệnh viện đa khoa khu vực nhằm đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế về gần dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, đồng thời giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

2. Nhiệm vụ chủ yếu

- Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng một số bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực (bao gồm một số phòng khám đa khoa khu vực);

- Mua sắm trang thiết bị y tế thiết yếu theo danh mục do Bộ Y tế quy định phù hợp với quy mô của từng loại bệnh viện;

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế, ưu tiên tập trung đào tạo, bồi dưỡng ngay trong 2 năm đầu thực hiện Đề án để kịp có cán bộ đủ năng lực sử dụng, phát huy hiệu quả của trang thiết bị được đầu tư mới.

3. Thời gian thực hiện: đến năm 2008.

4. Nguồn vốn đầu tư:

a) Nguồn vốn đầu tư được huy động từ các nguồn vốn sau đây:

- Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương;

- Vốn của các dự án ODA;- Ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. ‎b) Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu để ưu tiên nâng cấp một số bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực bao gồm cả phòng khám đa khoa khu vực thuộc các vùng khó khăn, các huyện mới chia tách; các bệnh viện huyện có cơ sở vật chất và trang thiết bị đã quá xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp; các bệnh viện huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa hoặc ở quá xa bệnh viện tỉnh; các bệnh viện huyện theo quy hoạch sẽ được nâng cấp thành bệnh viện đa khoa khu vực. Mức hỗ trợ thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Các bệnh viện ở các huyện miền núi: ngân sách trung ương hỗ trợ 100%;

- Các bệnh viện ở các huyện, thị xã đồng bằng thuộc các tỉnh miền núi: ngân sách trung ương hỗ trợ 80%, ngân sách địa phương bố trí 20%;

- Các bệnh viện ở các huyện thuộc các tỉnh còn lại: ngân sách trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách địa phương bố trí 30%;

- Riêng đối với 9 tỉnh, thành phố có nguồn thu lớn gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà, Cần Thơ, Bình Dương do địa phương tự cân đối ngân sách để thực hiện Đề án; ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ cho một số bệnh viện huyện miền núi, hải đảo của địa phương và một số bệnh viện huyện theo quy hoạch sẽ trở thành bệnh viện đa khoa khu vực.

c) Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của Đề án do Bộ Y tế và các địa phương bố trí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

d) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ưu tiên bố trí từ ngân sách địa phương bảo đảm đủ nguồn vốn thực hiện mục tiêu của Đề án. Đối với một số địa phương không thể bố trí đủ kinh phí thực hiện, phải làm việc với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế để thống nhất, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Thành lập Ban Chỉ đạo Đề án nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn 2005 - 2008 ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế là Trưởng ban, ủy viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm giúp Thủ tướng chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án.

2. Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Đề án có nhiệm vụ:

a) Tổng hợp, xây dựng dự toán chi hàng năm của Đề án và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng phương án phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung cho các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thông báo mức vốn bổ sung từ ngân sách trung ương được duyệt để các địa phương triển khai thực hiện.

b) Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án; hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

c) Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức quản lý, triển khai việc xây dựng, cải tạo, mở rộng cơ sở hạ tầng, đấu thầu mua sắm trang thiết bị theo Quy chế đầu tư xây dựng và Quy chế đấu thầu của nhà nước.

d) Tổ chức và chỉ đạo các Sở Y tế mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến huyện.

đ) Trong quá trình thực hiện Đề án, nếu có vấn đề mới phát sinh, Bộ Y tế có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối và bố trí vốn đầu tư hàng năm từ ngân sách trung ương theo quy định nêu tại khoản 4 Điều 1 của Quyết định này để các địa phương triển khai thực hiện.

b) Hướng dẫn ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí phần vốn do địa phương tự cân đối trong ngân sách địa phương để bảo đảm thực hiện Đề án.c) Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn về cơ chế tài chính để các địa phương bảo đảm nguồn vốn do địa phương tự cân đối.

4. Bộ Tài chính có nhiệm vụ:

a) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí và bảo đảm nguồn vốn thực hiện Đề án theo kế hoạch và tiến độ hàng năm.b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về cơ chế tài chính để các địa phương bảo đảm nguồn vốn do địa phương tự cân đối.

c) Hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí để vận hành, duy tu, bảo dưỡng máy móc trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả của thiết bị được đầu tư.

5. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ:

a) Thành lập Ban Chỉ đạo Đề án nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực của địa phương.

b) Chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các ban, ngành có liên quan căn cứ vào quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh của địa phương được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng các dự án theo đúng Quy chế đầu tư xây dựng của nhà nước.

c) Chịu trách nhiệm toàn diện trong việc thẩm định, quyết định đầu tư, phê duyệt các dự án đầu tư, chỉ đạo việc triển khai thực hiện dự án theo đúng Quy chế hiện hành về đấu thầu và quản lý đầu tư và xây dựng. Đồng thời chỉ đạo việc tổ chức, bố trí việc sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị một cách có hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát.

d) Hàng năm bố trí từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung của địa phương tăng đầu tư cho y tế tối thiểu là 20%, trong đó dành tối thiểu 30% để đầu tư cho y tế tuyến huyện. Bố trí từ nguồn tăng thu và các nguồn tài chính hợp pháp khác để bảo đảm phần vốn do ngân sách địa phương tự cân đối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sử dụng đúng mục đích nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các dự án. Bố trí đủ kinh phí để vận hành và bảo dưỡng cơ sở vật chất và máy móc thiết bị được đầu tư.

đ) Xây dựng lộ trình cụ thể và khả thi bảo đảm đủ nguồn nhân lực y tế có chất lượng cho tuyến huyện. Bố trí và bảo đảm kinh phí từ nguồn chi thường xuyên để tổ chức hoặc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng vận hành trang thiết bị.

e) Tổ chức giao ban định kỳ hàng quý để đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng nhân dân các cấp phải tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình triển khai thực hiện Đề án theo chức năng được giao.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.