• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/2016
CHÍNH PHỦ
Số: 42/2011/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Ninh, ngày 13 tháng 6 năm 2011

NGHỊ ĐỊNH

Quy định công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến

___________________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Quốc phòng ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981, đã được sửa đổi, bổ sung năm 1990, năm 1994 và năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh Về lực lượng dự bị động viên ngày 27 tháng 8 năm 1996;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định những trường hợp công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với công dân Việt Nam thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự (kể cả công dân nữ có chuyên môn cần cho Quân đội); các cơ quan, tổ chức nơi có công dân Việt Nam thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự.

2. Nghị định này không áp dụng đối với những công dân đang phục vụ trong Công an nhân dân, những công dân có chuyên môn đã được xếp vào các đơn vị chuyên môn dự bị và những công dân được Bộ Quốc phòng điều động vào phục vụ Quân đội khi cần thiết.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, những từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự là công dân trong độ tuổi có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến là miễn gọi vào phục vụ tại ngũ trong Quân đội khi có lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ và trong chiến tranh.

Điều 4. Việc quy định công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến

Việc quy định công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến để chủ động lập kế hoạch huy động lực lượng dự bị động viên bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội, bảo đảm đủ lực lượng sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh xâm lược bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời để duy trì quản lý nhà nước, duy trì hoạt động xã hội và bảo đảm hoạt động kinh tế của đất nước trong thời chiến.

Điều 5. Công dân được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến

1. Công dân được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Công dân đang đảm nhiệm vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ địa phương đến Trung ương, tổ chức kinh tế có nhiều lao động hoặc có tác động lớn đến hoạt động kinh tế một vùng, một ngành, một lĩnh vực kinh tế đất nước; nếu công dân này nhập ngũ sẽ trực tiếp làm giảm, làm gián đoạn hoặc ngừng hoạt động của cơ quan, tổ chức đó, trực tiếp ảnh hưởng việc duy trì quản lý, hoạt động của xã hội và hoạt động của nền kinh tế đất nước.

b) Công dân nằm trong kế hoạch bảo đảm cho hoạt động quốc phòng trong thời chiến.

c) Công dân đang công tác ở các vị trí đặc biệt quan trọng như đang làm việc ở các công trình trọng điểm quốc gia, các ngành cơ yếu, vẽ, in giấy bạc, các đài, trạm khí tượng thủy văn, đèn biển, hoa tiêu, chủ nhiệm các công trình nghiên cứu cấp bộ, ngành, quốc gia, quốc tế và các vị trí quan trọng trong các ngành nghề đặc biệt khác.

d) Công dân làm việc trong các cơ quan, tổ chức đang hoạt động ở địa bàn đặc biệt khó khăn như các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được Chính phủ xác định đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội.

đ) Công dân được cấp có thẩm quyền công nhận có trình độ cao cấp về chuyên môn, nghiệp vụ và đang hưởng lương cao cấp về chuyên môn, nghiệp vụ đó.

e) Công dân có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm để duy trì hoạt động của cơ quan, tổ chức lớn trong thời chiến như có tay nghề thuộc bậc cuối cùng trong thang năm bậc trở xuống hoặc hai bậc cuối cùng trong thang sáu bậc trở lên.

g) Công dân có trình độ nghiên cứu khoa học cao hoặc là nguồn để phát triển tài năng cho đất nước.

h) Công dân là con độc nhất hoặc con trai duy nhất của liệt sỹ.

2. Khi có nhu cầu cần thiết, Bộ Quốc phòng được phép điều động một số công dân có chuyên môn thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này vào phục vụ trong Quân đội.

3. Công dân thuộc diện được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến nếu có đơn tình nguyện phục vụ trong Quân đội và được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng người đó thì có thể được gọi nhập ngũ.

4. Bộ Quốc phòng quy định danh mục cụ thể công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến. Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng trong việc xác định danh mục cụ thể những người thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.

Điều 6. Đăng ký, quản lý công dân thuộc diện được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến

1. Việc đăng ký nghĩa vụ quân sự của công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến (gọi là đăng ký riêng) thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

2. Công dân thuộc diện được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến sau khi đăng ký với Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được quản lý riêng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 7. Những hành vi bị cấm

1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn xác nhận sai sự thật về vị trí công tác, địa bàn hoạt động, trình độ, tay nghề và các nội dung khác cho công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự, tạo điều kiện để họ trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

2. Khai báo sai sự thật về vị trí công tác, địa bàn hoạt động, trình độ, tay nghề và các nội dung khác của bản thân để trốn tránh làm nghĩa vụ quân sự.

3. Không chấp hành đúng những quy định về đăng ký theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Điều 8. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm những quy định tại Nghị định này tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật; xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2011.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 82/HĐBT ngày 06 tháng 5 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành bảng danh mục các chức vụ và nghề nghiệp những người thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ khi có lệnh động viên.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.