QUYẾT ĐỊNH
Về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
_________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 153/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập theo mô hình công ty mẹ - công ty con;
Căn cứ Quyết định số 248/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
Xét đề nghị của Hội đồng quản trị Tổng công ty Cao su Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (sau đây gọi là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) trên cơ sở tổ chức lại cơ quan quản lý, điều hành của Tổng công ty Cao su Việt Nam:
1. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là công ty nhà nước, có tư cách pháp nhân, con dấu, biểu tượng, Điều lệ tổ chức và hoạt động; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng theo quy định của pháp luật, được tự chủ kinh doanh; có trách nhiệm kế thừa các quyền và nghĩa vụ pháp lý của Tổng công ty Cao su Việt Nam.
2. Tên gọi: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam,
- Tên giao dịch quốc tế: Vietnam Rubber Group, viết tắt là VRG.
3. Trụ sở chính: 236 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
4. Văn phòng đại diện: 56 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
5. Vốn điều lệ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: là vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Cao su Việt Nam tại thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2006 sau khi đã kiểm toán.
6. Nhà nước giao đất cho Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam làm đầu mối để thống nhất quản lý và bố trí diện tích sản xuất, kinh doanh cao su cho các công ty con.
7. Ngành, nghề kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam:
- Trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến mủ cao su;
- Chăn nuôi gia súc, các loại cây công nghiệp, chế biến nông sản;
- Công nghiệp cao su: sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghiệp cao su, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp cao su;
- Trồng rừng và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gỗ nguyên liệu, gỗ thành phẩm;
- Công nghiệp điện: đầu tư xây dựng, khai thác vận hành các nhà máy nhiệt điện, các nhà máy thuỷ điện; bán điện cho các hộ kinh doanh và tiêu dùng theo quy định của pháp luật;
- Cơ khí: đúc, cán thép; sửa chữa, lắp ráp, chế tạo các sản phẩm cơ khí và các thiết bị công nghiệp khác;
- Quản lý, khai thác cảng biển, bến thủy nội địa và vận tải đường bộ, đường thuỷ chuyên dùng, xếp dỡ, chuyển tải hàng hoá;
- Sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng;
- Đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng và bất động sản;
- Cấp nước, xử lý nước thải, dịch vụ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
- Các dịch vụ: đo đạc bản đồ, thăm dò địa chất; tư vấn đầu tư, thiết kế; khoa học công nghệ, tin học, kiểm định, giám định hàng hoá; in ấn, xuất bản; đào tạo, điều trị bệnh nghề nghiệp và phục hồi chức năng; thương mại, xuất nhập khẩu, khách sạn, du lịch; xuất khẩu lao động; tài chính;
- Các ngành, nghề khác theo quy định của pháp luật.
8. Cơ cấu quản lý và điều hành của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam gồm:
a) Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, có tối đa 07 thành viên. Thành viên Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn không kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc Tập đoàn;
b) Ban kiểm soát Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam do Hội đồng quản trị bổ nhiệm, có tối đa 05 thành viên, trong đó Trưởng ban kiểm soát là uỷ viên Hội đồng quản trị;
c) Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam do Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tổng giám đốc là đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
d) Giúp việc cho Tổng giám đốc Tập đoàn có các Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng. Hội đồng quản trị Tập đoàn bổ nhiệm Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng theo đề nghị của Tổng giám đốc Tập đoàn;
đ) Bộ máy giúp việc Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn có Văn phòng Tập đoàn, các Ban tham mưu.
9. Mối quan hệ giữa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với chủ sở hữu nhà nước và các đơn vị thành viên được thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
10. Chính phủ thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện một số quyền của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định:
- Phê duyệt mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành, nghề kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và ý kiến của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Kế hoạch và Đầu tư;
- Phê duyệt điều lệ, phê duyệt sửa đổi và bổ sung điều lệ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và ý kiến của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
- Tổ chức lại, giải thể, đa dạng hoá sở hữu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và ý kiến của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thẩm định của Bộ Nội vụ;
- Chấp thuận việc bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc ký hợp đồng với Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thông qua đề án thành lập mới doanh nghiệp do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đầu tư 100% vốn điều lệ; việc tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; việc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp nhận thành viên mới;
- Phê duyệt các dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các dự án đầu tư ra ngoài Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Quyết định việc đầu tư vốn để hình thành vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và ý kiến của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
- Thẩm định việc thực hiện quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng với Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khi Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ;
- Chỉ đạo triển khai, kiểm tra việc thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt;
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ ý kiến khi Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ về:
+ Mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành, nghề kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
+ Điều lệ, phê duyệt sửa đổi và bổ sung điều lệ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
+ Tổ chức lại, giải thể, đa dạng hoá sở hữu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
- Giám sát thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư.
c) Bộ Tài chính:
- Thực hiện việc đầu tư vốn để hình thành vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận;
- Kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, thực hiện Quy chế quản lý tài chính đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh, hoạt động quản lý của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
d) Bộ Nội vụ:
Thẩm định về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ;
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Giám sát việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
e) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
g) Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và đại diện chủ sở hữu đối với công ty do mình đầu tư toàn bộ vốn điều lệ.
Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam:
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
- Xây dựng đề án thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu trong Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ; triển khai thực hiện theo đề án đã được phê duyệt;
- Quyết định mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành, nghề kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và của các công ty do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sở hữu toàn bộ vốn điều lệ;
- Phê duyệt điều lệ, phê duyệt sửa đổi và bổ sung điều lệ của công ty thành viên do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ;
- Quyết định sử dụng, đầu tư và điều chỉnh vốn, các nguồn lực khác do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đầu tư đối với các công ty thành viên, nhưng phải đảm bảo yêu cầu mức vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp hoặc mức vốn pháp định đối với các ngành, nghề theo quy định của pháp luật;
- Quyết định sử dụng vốn của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để đầu tư thành lập đơn vị thành viên do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sở hữu toàn bộ vốn điều lệ nhưng không vượt quá mức vốn đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị và sau khi có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ;
- Phê duyệt đề án góp vốn của công ty thành viên do Tập đoàn nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ để thành lập mới các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là Nhà nước ngoài ngành, lĩnh vực, địa bàn quy định tại Điều 6 của Luật Doanh nghiệp nhà nước;
- Quyết định hoặc ủy quyền cho Tổng giám đốc quyết định các dự án góp vốn liên doanh với chủ đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư ra nước ngoài của công ty thành viên do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận;
11. Cơ cấu tổ chức của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại thời điểm thành lập, bao gồm:
- Văn phòng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
- Văn phòng đại diện Tập đoàn tại Hà Nội.
12. Các công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam:
a) Các Tổng công ty do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, bao gồm:
- Tổng công ty Cao su Đồng Nai.
- Tổng công ty Công nghiệp cao su.
- Tổng công ty Cao su Việt Lào.
b) Công ty con do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ:
- Công ty Cao su Dầu Tiếng (hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con).
- Công ty Tài chính cao su (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên)
c) Các công ty do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, bao gồm:
- Các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn:
+ Công ty cổ phần Cao su Hoà Bình;
+ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Hố Nai;
+ Công ty cổ phần Sông Côn;
+ Công ty TNHH BOT 741 Bình Dương;
- Các công ty sẽ cổ phần hoá:
+ Công ty Cao su Bà Rịa;
+ Công ty Cao su Phước Hòa;
+ Công ty Cao su Bình Long;
+ Công ty Cao su Lộc Ninh;
+ Công ty Cao su Đồng Phú;
+ Công ty Cao su Phú Riềng;
+ Công ty Cao su Tân Biên;
+ Công ty Cao su Krông Buk;
+ Công ty Cao su Eah Leo;
+ Công ty Cao su Chư Păh;
+ Công ty Cao su Chư Prông;
+ Công ty Cao su Mang Yang;
+ Công ty Cao su Chư Sê;
+ Công ty Cao su Kon Tum;
+ Công ty Cao su Bình Thuận;
+ Công ty Cao su Quảng Trị;
+ Công ty Cao su Quảng Nam;
+ Công ty Cao su Quảng Ngãi;
+ Công ty Cao su Hà Tĩnh;
+ Công ty Cao su Thanh Hoá;
+ Công ty Cơ khí cao su;
+ Công ty TNHH một thành viên Cao su Tây Ninh.
13. Các công ty liên kết do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ:
- Các công ty cổ phần:
+ CTCP Kho vận và Dịch vụ hàng hoá;
+ CTCP Kỹ thuật xây dựng cơ bản và Địa ốc cao su;
+ CTCP Đầu tư Xây dựng cao su;
+ CTCP Xây dựng và Tư vấn đầu tư;
+ CTCP Dịch vụ Thương mại và Du lịch cao su;
+ CTCP Fico ciment Tây Ninh;
+ CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên;
+ CTCP Đầu tư và Xây dựng cầu Hàn;
+ CTCP Đầu tư phát triển đô thị & Khu công nghiệp Geruco;
+ CTCP Thống Nhất;
+ CTCP Thuỷ điện Cửa Đạt;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn
+ CT TNHH BOT Cơ sở hạ tầng Đồng Tháp;
- Liên doanh:
+ Xí nghiệp Liên doanh Visorutex.
14. Các đơn vị sự nghiệp có thu do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giữ 100% vốn:
- Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam;
- Trường trung học Kỹ thuật nghiệp vụ Cao su;
- Trung tâm Y tế Cao su;
- Tạp chí Cao su Việt Nam.
15. Đối với các thành viên mới, Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quyết định việc tiếp nhận theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (trong quý IV năm 2006).
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam việc giao, nhận lại toàn bộ quỹ đất của các doanh nghiệp thành viên Tổng công ty Cao su Việt Nam cho Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để thống nhất quản lý và bố trí diện tích sản xuất, kinh doanh cao su cho các công ty con theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Bộ Tài chính: xác định mức vốn điều lệ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
4. Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của Tổng công ty Cao su Việt Nam tiếp tục quản lý, điều hành Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho đến khi Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
5. Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam:
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trong quý I năm 2007.
- Ban hành Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.
- Trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng với Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (trong quý IV năm 2006).
- Trình Thủ tướng Chính phủ thông qua đề án thành lập các tổng công ty nói ở điểm a khoản 12; tổ chức lại công ty nói ở điểm b khoản 12 Điều 1 Quyết định này; đề án tổ chức đầu tư, phát triển cao su ở Campuchia.
- Trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc cổ phần hoá các công ty nói ở điểm c khoản 12 Điều 1 Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Hội đồng quản trị Tổng công ty Cao su Việt Nam và Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.