Sign In

 

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh

an toàn thức ăn đường phố

___________


 

Trong những năm qua, công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm và chỉ đạo vì vậy đã đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng cơ bản yêu cầu, nhiệm vụ về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây qua thực phẩm cho các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các loại dịch vụ như: Cung cấp thực phẩm, ăn uống, giải khát thì dịch vụ thức ăn đường phố cũng gia tăng, đặc biệt ở các khu vực trung tâm huyện, thành phố trong tỉnh. Đây là dịch vụ cung cấp thực phẩm gồm các loại: Thức ăn, đồ uống đã làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể sử dụng ngay hoặc là các loại rau, quả tươi sống không qua chế biến được bán trên phố, những nơi công cộng. Thức ăn đường phố rất thuận lợi đối với người tiêu dùng về địa điểm bán, chủng loại thức ăn đa dạng, giá cả phù hợp với mọi đối tượng người tiêu dùng. Nhưng do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, sự quản lý của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ thường xuyên và sự hiểu biết về chế biến thực phẩm của nhân dân còn hạn chế, đó là nguyên nhân nguy cơ tiềm ẩn gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Để từng bước nâng cao chất lượng quản lý công tác vệ sinh an toàn thức ăn đường phố, nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số: 05/2005/CT-BYT ngày 8/6/2005 của Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm về việc tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thức ăn đường phố, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ thị:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:

- Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội và các ngành có liên quan trên địa bàn tham gia triển khai thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thức ăn đường phố; xây dựng quy hoạch các điểm kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý.

- Huy động liên ngành, đặc biệt là ngành công an, quản lý thị trường, y tế, văn hóa thông tin phối hợp hoạt động kiểm soát thức ăn đường phố gắn liền với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xây dựng làng văn hóa- sức khỏe.

- Thực hiện xã hội hóa công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thức ăn đường phố bằng việc tự quản vệ sinh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý với việc phát huy vai trò của các tổ chức: Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội chữ thập đỏ thông qua tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện.

2. Sở Y tế Lào Cai:

- Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch nhằm triển khai tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thức ăn đường phố phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố hiểu và thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây qua thực phẩm do thức ăn đường phố gây ra.

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn đối với thức ăn đường phố theo đúng quy định của pháp luật.

3. Đài phát thành- truyền hình tỉnh; Báo Lào Cai.

Tăng cường thời lượng phát sóng, đưa các tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng về phổ biến kiến thức, pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến thức và các quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thức ăn đường phố.

4. Sở Du lịch- thương mại Lào Cai:

Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thức ăn đường phố của các cơ sở sản xuất kinh doanh , bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Công an tỉnh Lào Cai:

Phối hợp với Sở Văn hóa- thông tin và các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố lấn chiếm hành lang, vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

6. Sở Tài chính- vật giá tỉnh Lào Cai:

Phối hợp với Sở Kế hoạch- đầu tư và các ngành liên quan quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt kinh phí hỗ trợ công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thức ăn đường phố của các địa phương.

7. Các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội tỉnh Lào Cai:

Có trách nhiệm phối hợp với ngành Y tế và các ngành liên quan tổ chức công tác tuyên truyền kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm trong các tầng lớp nhân dân và các hộ kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố, phát huy vai trò tự quản trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thức ăn đường phố trên địa bàn, góp phần ngăn ngừa phòng chống các vụ ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc và báo cáo kết quả về cơ quan thường trực Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh (qua sở Y tế) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Trung ương theo đúng quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Ngọc Kim