THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
________________________
Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 4 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 8 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
Căn cứ Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc trích lập kinh phí cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy (sau đây viết tắt là PCCC) và cơ chế quản lý cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí này; trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy (sau đây gọi là Nghị định số 35/2003/NĐ-CP), Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (sau đây gọi là Nghị định số 46/2012/NĐ-CP), doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 3. Thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở đó.
2. Trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
a) Đối với những cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có cơ sở đó chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
b) Đối với cơ sở trong đó có nhiều hộ như nhà tập thể, nhà chung cư hoặc trong một cơ sở mà có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thuê, trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thực hiện như sau:
- Trường hợp xác định được người là chủ sở hữu cơ sở hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý hoặc người đại diện chung (sau đây gọi chung là người đại diện), thì người đó chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Từng hộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp phí bảo hiểm cho người đại diện. Trong trường hợp này, người được bảo hiểm là từng hộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp phí bảo hiểm cho người đại diện.
- Trường hợp không xác định được người đại diện thì từng hộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cơ sở đó có trách nhiệm trực tiếp mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
3. Doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành. Trường hợp xảy ra tổn thất thì việc xác định nguyên nhân cháy, nổ dẫn đến tổn thất thuộc trách nhiệm của cơ quan Công an có thẩm quyền.
4. Các quy định về đối tượng, tài sản phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu; hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và các quy định khác về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thực hiện theo quy định tại Chương II Nghị định số 130/2006/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP.
5. Doanh nghiệp bảo hiểm không được từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc khi bên mua bảo hiểm đã tuân thủ các quy định của pháp luật về PCCC, trừ các trường hợp sau:
a) Cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng;
b) Cơ sở không có biên bản kiểm tra về PCCC của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đã quá 01 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
c) Cơ sở đang bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động do vi phạm nghiêm trọng các quy định về PCCC.
6. Doanh nghiệp bảo hiểm được quyền chấm dứt hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong trường hợp bên mua bảo hiểm không thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Phương thức đóng góp cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy
1. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có trách nhiệm đóng góp kinh phí để phục vụ cho các hoạt động PCCC theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 30 tháng 6 và 31 tháng 12 hàng năm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chuyển số tiền đóng góp kinh phí hoạt động PCCC vào Tài khoản của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an mở tại Kho bạc nhà nước Trung ương; báo cáo kết quả kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và báo cáo số tiền trích nộp từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định tại Phụ lục 4, 5 ban hành kèm theo Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và gửi về Bộ Tài chính.
2. Đối với hợp đồng bảo hiểm trọn gói có bao gồm cả bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc bằng phụ lục đính kèm hợp đồng và phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 130/2006/NĐ-CP.
3. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán nguồn kinh phí phải đóng góp cho các hoạt động PCCC theo Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và gửi về Bộ Tài chính.
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đối chiếu số liệu đã nộp với số liệu trong báo cáo quyết toán nguồn kinh phí đóng góp, nếu số đã nộp lớn hơn số phải nộp thì số nộp thừa được để lại để tính cho số nộp của năm sau; nếu số đã nộp thấp hơn số phải nộp thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm nộp bổ sung đủ số còn thiếu trong vòng 05 ngày làm việc.
Điều 5. Quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí đóng góp cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy
1. Hàng năm, căn cứ nội dung chi tại Khoản 2 Điều này, số thu năm trước, khả năng số thu năm kế hoạch, Bộ Công an lập dự toán thu, chi từ nguồn kinh phí đóng góp cho hoạt động PCCC và gửi Bộ Tài chính.
2. Nguồn kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm từ kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc được sử dụng cho hoạt động PCCC với các nội dung sau:
a) Đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị PCCC của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Mức chi cho nội dung này không thấp hơn 70% nguồn kinh phí thực chi cho hoạt động PCCC trong năm; nguồn kinh phí còn lại tối đa không quá 30% để chi cho các hoạt động quy định tại điểm b và điểm c khoản này.
b) Hỗ trợ tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật và kiến thức phổ thông về PCCC chung cho toàn dân. Nội dung và mức chi cho các hoạt động này áp dụng theo Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho các công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
c) Hỗ trợ khen thưởng thành tích trong công tác PCCC cho các đối tượng sau:
- Tổ chức, cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ PCCC;
- Tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp trong công tác PCCC.
Mức khen thưởng tối đa không quá 5 triệu đồng đối với tập thể; 3 triệu đồng đối với cá nhân. Bộ Công an hướng dẫn cụ thể việc khen thưởng và kinh phí khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC.
3. Kinh phí đóng góp cho các hoạt động PCCC từ kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cuối năm chưa chi hết thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi cho các nội dung theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan
1. Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) có trách nhiệm:
a) Phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; đôn đốc các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
b) Tiếp nhận, quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán nguồn kinh phí đóng góp cho các hoạt động PCCC của các doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
c) Quý 4 hàng năm thông báo danh sách các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong phạm vi cả nước cho doanh nghiệp bảo hiểm thông qua Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam.
2. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; đôn đốc các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
b) Kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, xử phạt kịp thời các doanh nghiệp bảo hiểm không bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định.
c) Kiểm tra tính chính xác của số liệu báo cáo quyết toán nguồn kinh phí phải đóng góp cho các hoạt động PCCC và đôn đốc các doanh nghiệp bảo hiểm nộp đủ các khoản kinh phí phải đóng góp.
3. Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn các cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tự kiểm tra an toàn PCCC và thực hiện điều kiện an toàn PCCC theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP.
b) Định kỳ hàng quý thực hiện kiểm tra về an toàn PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn về PCCC hoặc khi có yêu cầu đặc biệt.
c) Kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, xử phạt kịp thời các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nhưng không tham gia bảo hiểm theo quy định.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/02/2014 và thay thế Thông tư liên tịch số 41/2007/TTLT-BTC-BCA ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 quy định quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Công an để có hướng dẫn kịp thời./.