• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/09/1998
BỘ CÔNG AN-BỘ QUỐC PHÒNG
Số: 03/1998/TTLT-CA-QP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Trị, ngày 17 tháng 8 năm 1998

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn về quan hệ phối hợp trong lĩnh vực quản lý vũ khí,
vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

 Thi hành Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, liên Bộ Công an - Quốc phòng hướng dẫn về quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an và Quân đội trong lĩnh vực quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như sau:

 

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

 

 Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của từng Bộ đã được Chính phủ giao (quy định tại Điều 7, Điều 8 của Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996) mỗi ngành phải thực hiện theo đúng trách nhiệm của mình; đồng thời hai Bộ quy định thống nhất các mối quan hệ phối hợp giữa hai lực lượng Công an và Quân đội để giúp Chính phủ quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ liên quan đến trật tự an toàn xã hội.

 

II. PHẠM VI VÀ NỘI DUNG PHỐI HỢP

 

 1. Phối hợp trong việc trang bị và cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng.

 a) Các đối tượng thuộc diện được trang bị vũ khí quân dụng (quy định tại điểm d, đ, e, g khoản 1 Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP) nếu có nhu cầu trang bị vũ khí phải có văn bản gửi cơ quan Công an nêu rõ sự cần thiết, điều kiện, tiêu chuẩn, số lượng từng loại vũ khí cần trang bị theo thủ tục và phân cấp như sau:

 - Đối tượng có nhu cầu trang bị vũ khí là cơ quan ở Trung ương thì văn bản đề nghị do Lãnh đạo Bộ, ngành ký gửi Bộ Công an (Tổng cục Cảnh sát).

 - Đối tượng có nhu cầu trang bị vũ khí là cơ quan, đơn vị ở địa phương, thì văn bản đề nghị do Lãnh đạo Sở, Ban, ngành ở địa phương (cấp tỉnh) ký gửi Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét báo cáo Bộ Công an (Tổng cục Cảnh sát) quyết định.

 b) Trên cơ sở công văn đề nghị trang bị vũ khí, Bộ Công an xem xét, quyết định và có công văn trả lời được hoặc không được trang bị. Trong thời hạn không quá 15 ngày nếu là các trường hợp ở cơ quan Trung ương; không quá 30 ngày nếu là ở các địa phương, Bộ Công an phải trả lời bằng văn bản được hay không được trang bị vũ khí cho cơ quan, đơn vị đề nghị. Trường hợp được trang bị, Bộ Công an sẽ cấp giấy giới thiệu và hướng dẫn cơ quan, đơn vị đó làm thủ tục gửi Bộ Quốc phòng để xem xét quyết định việc cung cấp hoặc chuyển nhượng.

 Bộ Quốc phòng thực hiện việc cung cấp hoặc chuyển nhượng vũ khí quân dụng theo quy định tại điểm 7 Phần II Thông tư số 1691/ TT-QP ngày 8/7/1997 của Bộ Quốc phòng.

 c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được vũ khí, cơ quan đơn vị được trang bị vũ khí phải làm thủ tục kê khai, đăng ký cấp giấy phép sử dụng tại cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (kể cả cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan Trung ương đóng tại địa phương).

 2. Phối hợp trao đổi và xử lý thông tin

 Cơ quan Công an và Quân sự cùng cấp phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên thông báo, cung cấp cho nhau về tình hình, vụ việc có liên quan tới công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các loại giấy tờ, thủ tục về đăng ký quản lý sử dụng đối với các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để giúp cho việc phối hợp quản lý, kiểm tra kiểm soát tình hình kết quả cung cấp hoặc chuyển nhượng vũ khí quân dụng cho các đối tượng được trang bị theo quy định; kết quả trong công tác phối hợp quản lý, thu hồi xử lý các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đồng thời rút kinh nghiệm các sơ hở thiếu sót để chấn chỉnh, khắc phục, bổ sung kịp thời các biện pháp phối hợp quản lý.

 3. Phối hợp trong công tác bảo vệ các kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

 Chỉ huy các đơn vị quản lý kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Quân đội, Công an hoặc các ngành phải xây dựng và tổ chức luyện tập thường xuyên các phương án phòng, chống cháy nổ, bảo vệ kho và có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan Quân sự và Công an địa phương tổ chức phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ kho. Phát hiện các sơ hở thiếu sót trong quản lý kho, những yếu tố có nguy cơ mất an toàn và có biện pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn để bảo đảm tuyệt đối an toàn kho.

 Trường hợp xẩy ra trộm cắp, cháy nổ, cướp phá kho, mất vũ khí, vật liệu nổ... thì người chỉ huy kho phải tổ chức xử lý theo các phương án và báo cáo ngay lên cấp trên, áp dụng các biện pháp bảo vệ hiện trường đồng thời báo cáo cho cơ quan Công an, chính quyền và cơ quan Quân sự địa phương biết để phối hợp kịp thời truy tìm thủ phạm và khắc phục hậu quả.

 4. Phối hợp để tiếp nhận, thu gom, bảo quản, giao nhận, xử lý và tiêu huỷ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

 a) Cơ quan Công an, cơ quan Quân sự địa phương và các đơn vị Quân đội có trách nhiệm phối hợp trong việc vận động, tổ chức nhân dân tiến hành thu gom giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội không thuộc đối tượng được phép trang bị (kể cả những người là Bộ đội, Công an, cán bộ đã có quyết định nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành), các trường hợp đã có vũ khí từ các nguồn khác nhau, đều phải nộp lại cho cơ quan Công an hoặc cơ quan Quân sự các cấp để quản lý và xử lý.

 Cơ quan Công an và cơ quan Quân sự địa phương phải phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể và chủ động đề xuất với chính quyền để chỉ đạo và thường xuyên có biện pháp thu hồi triệt để; tích cực tuyên truyền vận động nhân dân phát hiện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ còn tàng trữ, lưu hành hoặc cất dấu trong nhân dân; phát hiện các trường hợp nghi vấn và xử lý kịp thời những hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.

 b) Việc tiếp nhận, xử lý và tiêu huỷ vũ khí quân dụng, các loại bom, mìn, lựu đạn, thuốc phóng, vật liệu nổ do tổ chức, cá nhân giao nộp thực hiện theo đúng điểm 5 Điều 8 Nghị định số 47/CP của Chính phủ.

 Trong quá trình thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và tiêu huỷ vũ khí quân dụng, các loại bom... nói trên, cơ quan Công an và Quân sự phối hợp chặt chẽ với nhau và theo trình tự cụ thể như sau: Nếu các loại vũ khí quân dụng, vật liệu nổ do tổ chức, cá nhân giao nộp cho cơ quan Công an thì sau đó cơ quan Công an làm thủ tục bàn giao cho cơ quan Quân sự cùng cấp để quản lý và phân loại, xử lý, tiêu huỷ theo quy định. Thủ tục bàn giao phải lập biên bản giao nhận, trong đó ghi rõ địa chỉ người, đơn vị, tổ chức giao nộp, lý do, nguồn gốc vũ khí, số lượng, chất lượng; phải lập sổ theo dõi chặt chẽ và báo cáo lên cấp trên sau mỗi lần bàn giao.

 Chỉ huy đơn vị, cơ quan tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải có biện pháp vô hiệu ngay những loại nguy hiểm hoặc có nguy cơ mất an toàn trước khi đưa vào cất giữ; tổ chức quản lý chặt chẽ, cử người trông giữ, bảo đảm an toàn; kịp thời phân loại, xử lý giải quyết ngay những loại không đảm bảo an toàn.

 Vũ khí, vật liệu nổ thu hồi có nguy cơ mất an toàn không được để chung trong kho vũ khí của đơn vị.

 5. Phối hợp trong việc kiểm tra vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

 a) Thẩm quyền kiểm tra việc mang, sử dụng, bảo quản các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được quy định tại Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP của Chính phủ. Lực lượng Công an, lực lượng Kiểm soát Quân sự và Bộ đội biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ theo Thông tư số 05-TT/BNV ngày 28-09-1996 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Thông tư số 1691-TT/QP ngày 08-07-1997 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

 Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức kiểm tra chuyên theo riêng từng ngành, từng đơn vị hoặc khi được lãnh đạo hai ngành từ cấp tỉnh trở lên đồng ý thì mới tổ chức một lực lượng phối hợp tham gia gồm lực lượng Cảnh sát, Kiểm soát Quân sự để kiểm tra, kiểm soát lưu động trong khu vực địa bàn được phân công, chỉ tiến hành trong một thời điểm nhất định và có kế hoạch chuẩn bị chu đáo.

 b) Nội dung, hình thức kiểm tra:

 - Kiểm tra những cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân mang, sử dụng, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ hoặc những người có biểu hiện nghi vấn vi phạm pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để ngăn chặn và xử lý kịp thời.

 - Kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy phép sử dụng, mang, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ của cấp có thẩm quyền.

 - Tập trung kiểm tra ở những địa bàn trọng điểm, khu vực phức tạp như: cửa khẩu, nhà ga, bến tàu, trên các phương tiện giao thông, các trục đường, nút giao thông, nơi công cộng, các khu vực đào đãi vàng, khai thác đá quý; những nơi trước đây là khu vực có chiến sự xẩy ra, các khu căn cứ địa, nơi để kho hoặc chuyển giao vũ khí, vật liệu nổ. Chú ý kiểm tra các đối tượng có tiền án, tiền sự về buôn bán, tàng trữ, tiêu thụ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ.

 Phải có phương án đề phòng các tình huống có thể xẩy ra hoặc đối tượng xấu chống đối, khi bị kiểm tra, phát hiện vi phạm.

 c) Xử lý vi phạm:

 - Trong khi kiểm tra, lực lượng kiểm tra được quyền xử lý các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo Nghị định số 49/CP ngày 15/8/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.

 - Nghiêm cấm việc lợi dụng chức trách kiểm tra để sách nhiễu, gây phiền hà.

 - Khi phát hiện vi phạm phải lập biên bản. Nếu tạm giữ tang vật phải ghi rõ số lượng, chất lượng, nhãn hiệu, ký hiệu, số hiệu, chủng loại của từng loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và lý do tạm giữ theo quy định. Phải bảo đảm an toàn trong việc thu giữ, vận chuyển, bảo quản đồng thời báo cáo ngay lên cấp trên và phối hợp lực lượng liên quan xác minh làm rõ. Vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của lực lượng nào thì lực lượng đó tiến hành xử lý theo thẩm quyền.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

 1. Chỉ huy các đơn vị trong Quân đội và Công an có trách nhiệm phổ biến quán triệt Thông tư này đến cấp cơ sở, từng cán bộ, chiến sĩ để nắm vững và thực hiện nghiêm túc. Hàng tháng, quý các đơn vị, các cơ quan Quân sự và Công an tỉnh báo cáo tình hình, kết quả thực hiện lên cấp trên và báo cáo đột xuất các vụ việc xẩy ra theo quy định.

 2. Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân và Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

 3. Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

 4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Thông tư liên Bộ Quốc phòng - Nội vụ số 02-TT/LB ngày 11-06-1990 và số 62/TT-LB ngày 16-01-1993, các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Quốc phòng trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Quốc phòng
Thứ trưởng - Thượng tướng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Thiếu tướng Lê Thế Tiệm

Thượng tướng Nguyễn Chơn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.