• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2017
  • Ngày hết hiệu lực: 25/04/2019
CHÍNH PHỦ
Số: 55/2017/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Trị, ngày 9 tháng 5 năm 2017

NGHỊ ĐỊNH

QUẢN LÝ NUÔI, CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU SẢN PHẨM CÁ TRA

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá Tra trên lãnh thổ Việt Nam.

Chương II

NUÔI, CHẾ BIẾN, XUẤT KHẨU SẢN PHẨM CÁ TRA

Điều 3. Điều kiện nuôi cá Tra thương phẩm

1. Có địa điểm, diện tích nuôi cá Tra phù hợp với quy hoạch về sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về nuôi cá Tra thương phẩm; có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; có nơi xử lý chất thải, bùn thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y.

3. Đáp ứng các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

4. Có Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá Tra theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Điều 4. Đăng ký mã số nhận diện ao nuôi cá Tra thương phẩm

1. Mã số nhận diện ao nuôi:

Mã số gồm 11 số và có cấu trúc AA-BB-CCCC-DDD, trong đó:

AA: Mã số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng trong quản lý nuôi trồng thủy sản (Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này);

BB: Mã số đối tượng nuôi (đối với cá Tra là 01);

CCCC: Số thứ tự cơ sở nuôi được cấp từ 0001 đến 9999;

DDD: Số thứ tự ao nuôi của cơ sở nuôi cá Tra, được cấp theo thứ tự từ 001 đến 999.

2. Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh thực hiện cấp mã số nhận diện ao nuôi. Mỗi ao nuôi được cấp duy nhất một mã số nhận diện.

3. Chủ cơ sở nuôi phải thực hiện đăng ký mã số nhận diện ao nuôi lần đầu hoặc đăng ký lại khi thay đổi chủ cơ sở nuôi hoặc thay đổi diện tích ao nuôi.

4. Hồ sơ đăng ký:

a) Hồ sơ đăng ký lần đầu gồm: Giấy đăng ký cấp mã số nhận diện ao nuôi (Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này) và bản sao sơ đồ mặt bằng vị trí ao nuôi;

b) Hồ sơ đăng ký lại gồm: Giấy đăng ký cấp lại mã số nhận diện ao nuôi (Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này), bản gốc Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá Tra thương phẩm đề nghị cấp lại và bản sao sơ đồ mặt bằng vị trí ao nuôi.

5. Trình tự thực hiện:

a) Chủ cơ sở nuôi nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này về cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh;

b) Trong thời gian không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh hướng dẫn chủ cơ sở nuôi bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định;

c) Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá Tra thương phẩm (Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này); lưu hồ sơ 01 bản và gửi 01 bản cho chủ cơ sở nuôi. Trường hợp không cấp mã số nhận diện ao nuôi, cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh trả lời chủ cơ sở nuôi bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Điều 5. Điều kiện chế biến cá Tra

1. Đáp ứng các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh tại Điều 21 của Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.

2. Đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến thủy sản.

3. Có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

4. Có hệ thống truy xuất nguồn gốc đáp ứng các quy định của pháp luật và đảm bảo khả năng truy xuất đến cơ sở nuôi.

Điều 6. Điều kiện chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá Tra

1. Cá Tra nguyên liệu dùng để chế biến phải được nuôi từ cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 3 Nghị định này.

2. Sản phẩm cá Tra phải đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực phẩm.

3. Việc ghi nhãn sản phẩm cá Tra phải tuân thủ quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm đã qua chế biến.

Điều 7. Điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá Tra

1. Sản phẩm cá Tra xuất khẩu phải được chế biến từ cơ sở chế biến cá Tra đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định này. Trường hợp tổ chức, cá nhân xuất khẩu sản phẩm cá Tra không có cơ sở chế biến đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định này, phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau:

a) Có hợp đồng mua sản phẩm cá Tra được chế biến tại cơ sở chế biến cá Tra đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định này;

b) Có hợp đồng gia công, chế biến với chủ sở hữu cơ sở chế biến đáp ứng quy định tại Điều 5 Nghị định này.

2. Sản phẩm cá Tra xuất khẩu phải đáp ứng các quy định tại Điều 6 Nghị định này và quy định của quốc gia nhập khẩu. Trường hợp quốc gia nhập khẩu có quy định khác với quy định của pháp luật Việt Nam thì áp dụng theo quy định của quốc gia nhập khẩu.

3. Trình tự, thủ tục hải quan đối với sản phẩm cá Tra xuất khẩu thực hiện theo quy định của Luật hải quan. Tổ chức, cá nhân không phải xuất trình giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm cá Tra cho cơ quan hải quan.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì xây dựng, ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá Tra theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn;

b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh về việc cấp mã số nhận diện ao nuôi;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi, chế biến cá Tra; kiểm tra, giám sát chất lượng cá Tra nuôi, chế biến, xuất khẩu theo thẩm quyền;

d) Hướng dẫn thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cá Tra theo quy định pháp luật;

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý môi trường và Chương trình giám sát dịch bệnh cá Tra;

e) Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra;

g) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tham mưu, xử lý các vấn đề liên quan đến rào cản kỹ thuật và xúc tiến thương mại đối với xuất khẩu sản phẩm cá Tra;

h) Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá Tra theo thẩm quyền.

2. Bộ Công Thương:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tham mưu, xử lý các tranh chấp thương mại đối với xuất khẩu sản phẩm cá Tra;

b) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị định này theo quy định pháp luật về thương mại.

3. Bộ Ngoại giao:

Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan tham mưu, xử lý các tranh chấp thương mại, rào cản kỹ thuật và xúc tiến thương mại đối với xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

4. Bộ Tài chính:

Chỉ đạo Tổng cục Hải quan tổng hợp, báo cáo định kỳ tình hình xuất nhập khẩu cá Tra vào ngày 20 hàng tháng (Phụ lục IV và Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này) gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.

Điều 9. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Quy định địa điểm, diện tích vùng sản xuất giống, vùng nuôi cá Tra thương phẩm phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất tại địa phương.

2. Chỉ đạo các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương tổ chức thực hiện cấp, cấp lại mã số nhận diện ao nuôi cá Tra thương phẩm.

3. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức nuôi, chế biến, xuất khẩu cá Tra tại địa phương theo quy định của pháp luật.

4. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật đối với hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra tại địa phương theo thẩm quyền.

5. Báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình nuôi, chế biến, xuất khẩu cá Tra tại địa phương theo định kỳ hàng tháng, quý, năm hoặc đột xuất.

Điều 10. Hội, Hiệp hội ngành nghề có liên quan

1. Hướng dẫn hội viên tuân thủ quy định pháp luật về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

2. Tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, phân tích, dự báo, thông tin thị trường xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, xử lý các tranh chấp thương mại, rào cản kỹ thuật liên quan tới nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

4. Hỗ trợ, cung cấp thông tin về nuôi, chế biến, thị trường cho các tổ chức, cá nhân nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

Điều 11. Tổ chức, cá nhân nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra

1. Tuân thủ các quy định về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.

2. Thực hiện việc lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá Tra theo quy định trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thu hoạch hoặc xuất bán.

3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi, vi phạm trong nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Điều khoản chuyển tiếp

Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá Tra thương phẩm đã được cấp theo Nghị định số 36/2014/N%C4%90-CP&area=2&type=0&match=False&vc=True&lan=1" target="_blank">36/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra tiếp tục có hiệu lực.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 36/2014/N%C4%90-CP&area=2&type=0&match=False&vc=True&lan=1" target="_blank">36/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về nuôi chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (3b). XH

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.