QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020
______________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 235/1999/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”;
Căn cứ Quyết định số 473/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên Ban Chỉ đạo cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Thiện Nhân
|
CHƯƠNG TRÌNH
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020
(Ban hành theo Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)
_______________________________________
I. QUAN ĐIỂM
1. Trên cơ sở kế thừa kết quả, thành tựu đạt được qua 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 - 2010, tiếp tục phát triển phong trào bền vững, có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực.
2. Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền; vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các cấp; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở các cấp; phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng, tạo cơ chế quản lý đồng bộ để phong trào phát triển bền vững.
3. Gắn thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Phối hợp và đẩy mạnh thực hiện các phong trào hiện có, tạo sức mạnh tổng hợp của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phong trào phù hợp với đặc điểm, tình hình ở các khu vực, vùng miền; thu hút càng đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các địa bàn tham gia.
5. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực tham gia thực hiện phong trào, trên cơ sở tăng mức đầu tư, hỗ trợ của ngân sách nhà nước; thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội hóa văn hóa, nhằm động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp, để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
a) Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng, ấp, bản văn hóa; tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới; việc tang và lễ hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
b) Gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015
a) Đối với vùng đồng bằng:
- Thu hút 50% trở lên số người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở;
- 70% nhà văn hóa và khu thể thao xã; 70% nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- 70% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”;
- 60% thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương;
- 70% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa;
- 20% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 20% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
b) Đối với vùng miền núi, hải đảo, biên giới:
- Thu hút 25% trở lên số người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở;
- 40% nhà văn hóa và khu thể thao xã; 40% nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- 50% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”;
- 40% thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương;
- 60% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa;
- 15% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 15% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
3. Mục tiêu định hướng đến năm 2020:
a) Tiếp tục củng cố về chất lượng; nâng cao tỷ lệ các chỉ tiêu đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015.
b) Phấn đấu đạt được các tiêu chí về xây dựng văn hóa nông thôn mới cấp xã:
- 50% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
- 100% thôn, làng, ấp, bản và tương đương ở đồng bằng và 60% ở miền núi, hải đảo, biên giới có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Xây dựng “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến
a) Xây dựng con người có đủ phẩm chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách văn hóa, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
b) Bình chọn, biểu dương và khen thưởng “Người tốt, việc tốt” ở các cấp trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, với những đức tính sau:
- Có tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh;
- Có tinh thần vượt khó, vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu;
- Gương mẫu, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và quy ước cộng đồng;
- Tương thân, tương ái, đoàn kết và giúp đỡ mọi người;
- Tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương.
c) Xây dựng, biểu dương, khen thưởng và phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bao gồm:
- Gia đình văn hóa; thôn, làng, ấp, bản văn hóa; tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường đạt chuẩn văn minh đô thị;
- Các cá nhân, tập thể có tinh thần vượt khó, phát huy nội lực, có cách làm sáng tạo, hiệu quả, đạt thành tích xuất sắc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
2. Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới
a) Xây dựng khu dân cư đoàn kết, tương trợ, phát triển bền vững vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
b) Tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên cơ sở bổ sung nội dung, tiêu chí thực hiện góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” gắn với việc huy động mọi nguồn lực nhằm bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo.
c) Tiếp tục phát huy kết quả việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư.
d) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch của địa phương; vận động nhân dân phát huy nội lực để xây dựng nông thôn mới; xây dựng đô thị văn minh; xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa và tương đương.
3. Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng, ấp, bản văn hóa; tổ dân phố văn hóa
a) Nâng cao nhận thức và ý thức tự nguyện, tự giác của các gia đình trong xây dựng gia đình văn hóa; ý thức trách nhiệm của người dân và năng lực tự quản cộng đồng ở khu dân cư trong quá trình xây dựng, giữ vững danh hiệu thôn, làng, ấp, bản văn hóa; tổ dân phố; tổ dân phố văn hóa và tương đương.
b) Sửa đổi, bổ sung các tiêu chí công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới.
c) Thực hiện nghiêm việc công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương theo Luật Thi đua - Khen thưởng và các quy định pháp luật có liên quan.
d) Phát huy vai trò Ban công tác mặt trận ở khu dân cư trong việc tuyên truyền, vận động, bình xét và công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương.
4. Xây dựng, công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa
a) Xây dựng cơ quan, đơn vị (cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị; các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch, các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân) đạt chuẩn văn hóa, do Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận, theo các tiêu chuẩn cơ bản sau:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ;
- Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa công sở;
- Gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
b) Xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, do Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận, theo các tiêu chuẩn cơ bản sau:
- Sản xuất, kinh doanh ổn định và từng bước phát triển;
- Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa doanh nghiệp;
- Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người lao động;
- Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
5. Xây dựng, công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị
a) Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (thành phố) công nhận, đạt các tiêu chuẩn sau:
- Giúp nhau phát triển kinh tế;
- Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa; thôn, làng, ấp, bản văn hóa;
- Xây dựng thiết chế và phong trào văn hóa, thể thao;
- Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn;
- Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
b) Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (thành phố) công nhận đạt các tiêu chuẩn sau:
- Quản lý, xây dựng đô thị theo quy hoạch;
- Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa;
- Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị;
- Xây dựng phong trào văn hóa, thể thao;
- Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.
6. Thực hiện các cuộc vận động, phong trào và nội dung văn hóa gắn với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ
a) Lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào hiện có; bổ sung các nội dung văn hóa phù hợp với thực tiễn; gắn kết chặt chẽ văn hóa với các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát huy vai trò của các yếu tố văn hóa và nhân tố con người trở thành nội sinh quan trọng của sự phát triển kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ.
b) Gắn với các cuộc vận động xã hội rộng lớn: “Ngày vì người nghèo”; xây dựng nông thôn mới; xây dựng đô thị văn minh; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phòng chống tệ nạn xã hội; xây dựng văn hóa giao thông.
c) Gắn kết thực hiện các nhiệm vụ của các ngành, đoàn thể với các phong trào: “Học tập, lao động, sáng tạo trong cán bộ, công nhân viên chức”; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Cựu Chiến binh gương mẫu”; “Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”; “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các đơn vị lực lượng vũ trang”; “Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân”.
IV. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo
a) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo:
- Đưa mục tiêu thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện;
- Kiện toàn về tổ chức, hoạt động và bảo đảm điều kiện cho Ban Chỉ đạo phong trào ở các cấp hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Chú trọng công tác giáo dục, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang gương mẫu thực hiện phong trào.
b) Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào ở các cấp:
- Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chủ động tăng cường các hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện phong trào theo các nội dung được phân công;
- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp theo hướng: Thiết thực, hiệu quả, sâu sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập đặt ra trong quá trình triển khai phong trào;
- Phối hợp chặt chẽ giữa Ban vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các cấp; thành lập Ban vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp” do Liên đoàn Lao động ở các cấp chủ trì;
- Xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, nhằm bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chỉ đạo, gắn với việc phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức thành viên Ban Chỉ đạo các cấp.
2. Giải pháp về huy động nguồn lực
a) Tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước:
- Bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo phong trào ở các cấp; kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ; kinh phí khen thưởng các cá nhân, gia đình, cộng đồng, tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện phong trào theo quy định hiện hành;
- Ngân sách nhà nước xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao xã; hỗ trợ một phần xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao thôn theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
- Bảo đảm kinh phí khen thưởng “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương được cấp kèm giấy chứng nhận theo quy định tại điểm c và điểm d, khoản 1, Điều 71 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng;
- Bổ sung kinh phí khen thưởng từ nguồn ngân sách nhà nước cho việc công nhận cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cho Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kinh phí khen thưởng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” cho Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (thành phố);
- Khuyến khích các địa phương, các ngành, đoàn thể căn cứ vào khả năng ngân sách và các nguồn xã hội hóa hỗ trợ trang thiết bị hoạt động văn hóa, thể thao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; các thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa và tương đương; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới;
- Hỗ trợ kinh phí khuyến khích các thôn, làng, ấp, bản xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn mới. Hoàn thành quy hoạch, dành quỹ đất công, hỗ trợ kinh phí đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao xã hội hóa theo các quy định của pháp luật.
b) Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa văn hóa:
- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở xã hội hóa về lĩnh vực văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí ở nông thôn, theo quy định của pháp luật;
- Xây dựng cơ chế huy động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia xây dựng đời sống văn hóa; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên của nhà văn hóa, sân thể thao xã, thôn (làng, ấp, bản và tương đương);
- Phát động rộng rãi các mô hình tổ chức, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với điều kiện sinh hoạt và nhu cầu người dân ở các vùng, miền, địa bàn dân cư.
3. Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng
a) Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về vai trò của văn hóa, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa; gắn với phát động và tổ chức tốt phong trào thi đua, tạo động lực, thúc đẩy thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, gia đình, cộng đồng, tập thể thực hiện phong trào.
b) Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Định kỳ tổ chức Hội nghị tuyên dương các cá nhân, tập thể xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các cấp, tiến tới Hội nghị tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” toàn quốc vào năm 2015 và năm 2020.
c) Lấy kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong các tiêu chuẩn để bình xét các danh hiệu thi đua của các cá nhân và tập thể hàng năm. Chú trọng công tác khen thưởng, động viên, cổ vũ phong trào phù hợp với các quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng.
4. Giải pháp về nghiệp vụ
a) Bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức và kỹ năng tổ chức triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho Ban Chỉ đạo phong trào ở các cấp.
b) Xây dựng, phổ biến và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến giữ vững và phát huy các danh hiệu văn hóa; có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các cấp.
c) Tổ chức tốt việc nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận và thực tiễn, điều tra xã hội học về hiệu quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; kịp thời bổ sung, sửa đổi về nội dung, giải pháp thực hiện phong trào phù hợp với thực tiễn ở các khu vực, vùng, miền.
d) Tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền; tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” căn cứ vào Chương trình đã được phê duyệt, xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các địa phương thực hiện; đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển phong trào trong giai đoạn mới.
b) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền văn hóa, phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cuộc vận động nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa và xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.
c) Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, cổ vũ thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
3. Các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì chỉ đạo triển khai thực hiện các phong trào, nội dung văn hóa gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Cụ thể hóa Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, sát hợp với yêu cầu và thực tiễn ở địa phương.
b) Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển phong trào vào kế hoạch hoạt động của chính quyền địa phương hàng năm để thực hiện.
c) Phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp.
d) Ban hành các quyết định cụ thể đảm bảo kinh phí đầu tư, hỗ trợ ngân sách nhà nước thực hiện phong trào; khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tham gia phong trào.
đ) Chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng, công nhận danh hiệu văn hóa và khen thưởng các cá nhân, gia đình, tập thể xuất sắc thực hiện phong trào theo quy định của pháp luật.
5. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các nội dung sau:
a) Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền vận động đến từng người dân, hộ gia đình, khu dân cư và toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh; khơi dậy tiềm năng, phát huy các nguồn lực và vận động toàn dân tích cực tham gia thực hiện.
b) Chủ trì thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo” và các phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, xây dựng “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”.
6. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất./.