NGHỊ QUYẾT
Về việc thông qua Đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản
tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020
_____________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Xét Tờ trình số 42/TTr-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020 với một số nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
- Tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị của hạt gạo Sóc Trăng trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Xây dựng vùng nguyên liệu lúa đặc sản trên cơ sở phát huy lợi thế, khai thác và sử dụng có hiệu quả về tiềm năng đất đai theo hướng bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
- Tiếp tục thực hiện tốt chuỗi giá trị trong sản xuất lúa; xây dựng thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng.
- Phát triển kinh tế hợp tác và thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa đặc sản trong vùng đề án.
b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- Phấn đấu đến năm 2020 sản lượng lúa đặc sản đạt 800.000 tấn.
- Xây dựng các vùng sản xuất lúa đặc sản, phát triển ổn định và bền vững, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cung ứng cho thị trường trong nước và thế giới.
- Gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
- Nâng cao kiến thức, thu nhập của người trồng lúa đặc sản trong vùng đề án, môi trường canh tác được cải thiện tốt hơn.
- Xây dựng thương hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng” để nâng cao giá trị sản phẩm gạo thơm của tỉnh, trên thị trường trong nước và thế giới.
2. Giải thích từ ngữ
Lúa đặc sản: Là các giống lúa ST, lúa Tài nguyên mùa và các giống lúa thơm nhẹ khác.
3. Phạm vi thực hiện đề án
Đề án được triển khai thực hiện tại 7 huyện, thị xã với tổng số 55 xã, phường, thị trấn gồm:
- Huyện Trần Đề: 10 xã, thị trấn (Tài Văn, Viên An, Viên Bình, Thạnh Thới Thuận, Thạnh Thới An, Đại Ân 2, Trung Bình, Liêu Tú, Lịch Hội Thượng, thị trấn Lịch Hội Thượng).
- Huyện Mỹ Xuyên: 10 xã (Gia Hòa 1, Gia Hòa 2, Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Ngọc Đông, Ngọc Tố, Tham Đôn, Đại Tâm, Thạnh Phú, Thạnh Quới).
- Huyện Thạnh Trị: 10 xã, thị trấn (Hưng Lợi, Châu Hưng, Thạnh Trị, Tuân Tức, Vĩnh Thành, Phú Lộc, Thạnh Tân, Lâm Tân, Lâm Kiết, Vĩnh Lợi).
- Thị xã Ngã Năm: 8 phường, xã (Phường 1, Phường 2, Phường 3, Long Bình, Vĩnh Quới, Tân Long, Mỹ Bình, Mỹ Quới).
- Huyện Mỹ Tú: 5 xã, thị trấn (Mỹ Hương, Long Hưng, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, Hưng Phú, Mỹ Phước).
- Huyện Châu Thành: 5 xã (An Ninh, An Hiệp, Phú Tân, Phú Tâm, Thuận Hòa).
- Huyện Long Phú: 7 xã, thị trấn (Long Đức, Tân Thạnh, Châu Khánh, Phú Hữu, Long Phú, Tân Hưng, thị trấn Long Phú).
4. Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.
5. Diện tích triển khai thực hiện, sản lượng dự kiến
- Diện tích gieo trồng lúa đặc sản vùng đề án tính theo năm lương thực đến năm 2020 đạt 137.500 ha (huyện Trần Đề 34.500 ha, huyện Mỹ Xuyên 19.000 ha, huyện Thạnh Trị 32.000 ha, thị xã Ngã Năm 23.000 ha, Mỹ Tú 9.000 ha, Long Phú 11.000 ha, Châu Thành 9.000 ha).
- Sản lượng vùng đề án: Tính đến năm 2020 ước đạt 800.000 tấn.
6. Giải pháp thực hiện
6.1. Thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động, khuyến cáo, nâng cao nhận thức của nông dân và sự quan tâm của các ngành các cấp trong việc tham gia phát triển sản xuất lúa đặc sản.
6.2. Khảo sát, đánh giá tiềm năng lợi thế về sản xuất lúa của từng địa phương, phân vùng sản xuất lúa đặc sản ổn định
Điều tra, khảo sát về hiện trạng sản xuất của các địa phương để đánh giá việc phát triển sản xuất lúa đặc sản ở những vùng đã triển khai đề án trong thời gian qua và những khu vực cần mở rộng để sản xuất lúa đặc sản; từ đó, xây dựng các cánh đồng sản xuất tập trung trên quy mô lớn để đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, góp phần phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng và chuyển giao quy trình sản xuất phù hợp từng vùng.
6.3. Đẩy mạnh công tác xúc tiến liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo
- Đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tiêu thụ lúa trong việc ký hợp đồng với nông dân.
- Liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, xây dựng cánh đồng lớn, nhằm từng bước hướng nông dân vào sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập và cải thiện mức sống của nông dân sản xuất lúa, từng bước phát huy thế mạnh, vai trò của loại hình kinh tế hợp tác. Trước tiên, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ các giống lúa có thế mạnh của từng địa phương.
- Nhân rộng và phát triển các hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa, gạo thông qua hợp đồng; trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò cung ứng đầu vào sản xuất và thu mua lúa gạo cho nông dân.
6.4. Đẩy mạnh thực hiện việc tổ chức lại sản xuất
Củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tổ chức và quản lý điều hành của hợp tác xã và tổ hợp tác tại các vùng dự án; cụ thể:
- Thực hiện tốt việc phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác mới trong vùng đề án trên cơ sở Kế hoạch số 23/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Phát triển cánh đồng lớn trong sản xuất lúa giai đoạn 2014 - 2025.
- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho ban điều hành các hợp tác xã, tổ hợp tác về quản lý, điều hành, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020).
- Xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn đặc thù cho các hợp tác xã, tổ hợp tác vùng Đề án để triển khai các dịch vụ hỗ trợ thành viên trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
6.5. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất
Chú trọng phát triển hệ thống giao thông thủy lợi, tập trung đầu tư nâng cấp các công trình đầu mối, kênh mương; trong đó, lưu ý đến các khu vực sản xuất tập trung. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng nhằm cung cấp nước cho việc thâm canh lúa, đảm bảo tưới tiêu và vận chuyển.
6.6. Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong chọn tạo giống lúa
- Thực hiện công tác chọn tạo, khảo nghiệm các giống lúa mới có năng suất cao, ổn định, phẩm chất gạo tốt, kháng sâu bệnh và thích nghi với điều kiện tại các vùng sinh thái; có thị trường tiêu thụ đưa vào sản xuất.
- Nâng cấp và phát triển hệ thống sản xuất giống lúa ở các trạm, trại; nhân rộng mạng lưới sản xuất giống trong cộng đồng nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về giống lúa chất lượng cao phục vụ sản xuất.
6.7. Chuyển giao khoa học kỹ thuật
Hướng dẫn việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng các biện pháp sinh học, công nghệ sinh thái, sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, VietGAP. IPM, 1P5G,… và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao giá trị và thu nhập trong sản xuất lúa đặc sản.
6.8. Ứng dụng cơ giới hóa trong quá trình sản xuất lúa đặc sản
Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa các khâu canh tác trong quá trình sản xuất (từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch) phù hợp với điều kiện của từng vùng, nhất là những vùng sản xuất lúa tập trung, góp phần thay đổi tập quán canh tác phân tán, thủ công sang sản xuất bằng máy, thiết bị tiên tiến, hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và giảm tổn thất trong sản xuất.
6.9. Xây dựng thương hiệu gạo thơm và gạo đặc sản Sóc Trăng
- Xây dựng được các vùng nguyên liệu sản xuất lúa đặc sản, lúa thơm ổn định bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển thương hiệu gạo quốc gia (theo Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030).
- Lựa chọn, phát triển một số giống lúa đặc sản có chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường; xây dựng các cơ sở, mạng lưới sản xuất giống xác nhận có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo chất lượng giống trong sản xuất.
- Áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt để sản phẩm gạo đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Tăng cường ứng dụng, phổ biến về công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm gạo, nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm gạo Sóc Trăng.
- Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng theo quy trình sản xuất lúa theo hướng VietGAP.
- Phân tích các chỉ tiêu đánh giá chất lượng gạo trong vùng nguyên liệu, làm cơ sở xây dựng thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng.
- Phát triển hiệu quả các thương hiệu gạo tỉnh Sóc Trăng đã được bảo hộ, tiếp tục xây dựng và phát triển mới các thương hiệu có tiềm năng.
6.10. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại
Tham gia Hội nghị, Hội thảo, triển lãm, Hội chợ xúc tiến thương mại; tổ chức và thực hiện các hoạt động quảng bá giới thiệu thương hiệu gạo Sóc Trăng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
6.11. Lồng ghép và sử dụng nguồn vốn của các chương trình, dự án
Lồng ghép và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án như: Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Chương trình giống, Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM (dự án WB6); huy động nguồn vốn đầu tư hỗ trợ từ các doanh nghiệp,…
6.12. Tiến độ thực hiện, tổng dự toán và phân kỳ đầu tư
a) Tiến độ thực hiện
- Năm 2016: Diện tích lúa đặc sản các loại vùng đề án đạt 119.000 ha.
- Năm 2017: Diện tích lúa đặc sản các loại vùng đề án đạt 122.000 ha.
- Năm 2018: Diện tích lúa đặc sản các loại vùng đề án đạt 125.500 ha.
- Năm 2019: Diện tích lúa đặc sản các loại vùng đề án đạt 131.500 ha.
- Năm 2020: Diện tích lúa đặc sản các loại vùng đề án đạt 137.500 ha.
b) Tổng dự toán và phân kỳ đầu tư
- Tổng dự toán kinh phí của đề án: 6.377,47 tỷ đồng; trong đó:
+ Vốn Ngân sách và các nguồn vốn lồng ghép khác: 22,47 tỷ đồng; trong đó:
• Tổ chức sản xuất: 0,49 tỷ đồng.
• Công tác giống: 6,41 tỷ đồng.
• Đào tạo: 3,06 tỷ đồng.
• Xây dựng cánh đồng lớn: 7,73 tỷ đồng.
• Hội thảo liên kết sản xuất: 1,95 tỷ đồng.
• Giải pháp thị trường: 2,20 tỷ đồng.
• Chi phí quản lý: 0,63 tỷ đồng.
+ Vốn tự có trong dân: 6.355 tỷ đồng.
- Phân kỳ đầu tư:
+ Theo tổng dự toán: 6.377,47 tỷ đồng
• Năm 2016: 1.192,33 tỷ đồng.
• Năm 2017: 1.224,40 tỷ đồng.
• Năm 2018: 1.260,13 tỷ đồng.
• Năm 2019: 1.320,06 tỷ đồng.
• Năm 2020: 1.380,55 tỷ đồng.
+ Theo vốn ngân sách và các nguồn vốn lồng ghép khác: 22,47 tỷ đồng
• Năm 2016: 2,33 tỷ đồng.
• Năm 2017: 4,40 tỷ đồng.
• Năm 2018: 5,13 tỷ đồng.
• Năm 2019: 5,06 tỷ đồng.
• Năm 2020: 5,55 tỷ đồng.
Điều 2.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020. Trong quá trình thực hiện, nếu có điều chỉnh, bổ sung, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa IX, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 14 tháng 7 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 26 tháng 7 năm 2016./.