Sign In

PHÁP LỆNH

THỪA KẾ

___________

Để bảo hộ quyền thừa kế của công dân;

Căn cứ vào Điều 27 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Pháp lệnh này quy định quyền thừa kế của công dân.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quyền thừa kế của công dân

Công dân có quyền lập di chúc đề định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Điều 2: Quyền bình đẳng về thừa kế của công dân

Công dân không phân biệt nam, nữ đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác theo di chúc hoặc theo pháp luật, quyền hưởng di sản.

Điều 3: Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

1- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết hoặc được Toà án xác định là đã chết.

2- Địa điểm mở thừa kế là nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Nếu không xác định được nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản, thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản.

Điều 4: Di sản

1- Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác, quyền về tài sản do người chết để lại.

Tài sản gồm có tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, các thu nhập hợp pháp.

2- Trong trường hợp vợ hoặc chồng chết thì một nửa tài sản chung của vợ chồng thuộc về di sản của người chết.

Điều 5: Người thừa kế

1- Người thừa kế theo di chúc có thể là cá nhân, Nhà nước, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế.

Người thừa kế theo di chúc là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Người sinh ra sau khi người lập di chúc chết, nhưng đã thành thai trước khi người lập di chúc chết cũng là người thừa kế di chúc.

Người thừa kế là cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế phải là cơ quan, tổ chức còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

2- Người thừa kế theo pháp luật phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Con của người để lại di sản sinh ra sau khi người để lại di sản chết cũng là người thừa kế theo pháp luật của người chết.

Điều 6: Việc thừa kế của những người được coi là chết trong cùng một thời điểm

Trong trường hợp những người có quyền thừa kế tài sản của nhau đều chết mà không xác định được người nào chết trước, thì họ không được thừa kế tài sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng.

Điều 7: Những người thừa kế không có quyền hưởng di sản

1- Những người thừa kế sau đây không có quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế khác có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép người có tài sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người có tài sản.

2- Những người nói tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người có tài sản thể hiện ý chí vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Điều 8: Nghĩa vụ về tài sản của người thừa kế

Người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại.

Điều 9: Di sản thuộc về Nhà nước

Trong trường hợp không có người thừa kế hoặc những người thừa kế đều không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản, thì di sản thuộc về Nhà nước.

Chương II

THỪA KẾ THEO DI CHÚC

Điều 10: Quyền lập di chúc

Công dân có quyền lập di chúc để chuyển quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình cho một hoặc nhiều người trong hoặc ngoài các hàng thừa kế theo pháp luật, cũng như cho Nhà nước, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế.

Điều 11: Quyền của người lập di chúc

1- Khi lập di chúc người có tài sản có quyền:

a) Chỉ định người thừa kế;

b) Phân định tài sản cho người thừa kế;

c) Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

d) Truất quyền hưởng di sản của một hoặc nhiều người thừa kế theo pháp luật mà không nhất thiết phải nêu lý do.

2- Người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc đã lập, thay thế di chúc đã lập bằng di chúc khác, huỷ bỏ di chúc.

Điều 12: Di chúc hợp pháp

1- Di chúc hợp pháp là di chúc do người từ đủ mười tám tuổi trở lên tự nguyện lập trong khi minh mẵn, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật.

Di chúc cũng được coi là hợp pháp nếu do người từ đủ mười sáu tuổi trở lên nhưng chưa đủ mười tám tuổi tự nguyện lập trong khi minh mẵn, được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đỡ đầu, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật.

2- Di chúc do công dân Việt Nam lập ở nước ngoài theo pháp luật của nước ngoài, nếu có nội dung không trái với pháp luật của Việt Nam, cũng được coi là di chúc hợp pháp.

Điều 13: Nội dung bản di chúc

1- Trong bản di chúc phải ghi rõ: Ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi thường trú của người lập di chúc; họ, tên người được hưởng di sản; tên cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; tài sản, quyền về tài sản để lại cho người, cơ quan tổ chức được hưởng; nơi có tài sản đó. Nếu người lập di chúc giao nghĩa vụ cho người thừa kế thì phải nêu rõ là giao cho ai, nghĩa vụ gì.

2- Trong bản di chúc phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Điều 14: Di chúc viết được cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân chứng thực

1- Người lập di chúc có thể yêu cầu cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực bản di chúc.

2- Người lập di chúc có thể tự viết hoặc nhờ người khác viết bản di chúc, nhưng người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ trước mặt người có trách nhiệm chứng thực của cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

3- Trong trường hợp người lập di chúc không đọc bản di chúc được, không ký hoặc điểm chỉ được, thì phải nhờ người chứng kiến. Người chứng kiến đọc bản di chúc cho người lập di chúc nghe và ký vào bản di chúc trước mặt người có trách nhiệm chứng thực của cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

4- Người có trách nhiệm của cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân chứng thực vào bản di chúc trước mặt người lập di chúc, người chứng kiến.

Điều 15: Di chúc viết được cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng thực

Công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có thể yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng thực di chúc theo thủ tục như quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh này.

Điều 16: Di chúc viết có giá trị như di chúc được chứng thực

Các di chúc sau đây cũng có giá trị như di chúc được chứng thực:

1- Di chúc của quân nhân có xác nhận của thủ trưởng đơn vị quân đội từ cấp đại đội hoặc cấp tương đương trở lên trong trường hợp quân nhân không thể yêu cầu cơ quan công chứng, Uỷ ban nhân dân chứng thực;

2- Di chúc của người đang đi trên tầu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó;

3- Di chúc của người đang điều trị tại cơ sở chữa bệnh, cơ sở điều dưỡng có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó;

4- Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị đó;

5- Di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang cải tạo ở trại cải tạo có xác nhận của người phụ trách cơ sở giam giữ, cải tạo đó.

Điều 17: Di chúc viết không có chứng thực, xác nhận

Di chúc viết không có chứng thực, xác nhận như quy định tại các Điều 14, 15, 16 của Pháp lệnh này chỉ được coi là di chúc hợp pháp, nếu đúng là do người để lại di sản tự nguyện lập trong khi minh mẫn, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật.

Điều 18: Di chúc miệng

1- Trong trường hợp tính mạng bị đe doạ nghiêm trọng mà không thể lập di chúc viết được thì có thể lập di chúc miệng.

2- Di chúc miệng cũng là di chúc hợp pháp nếu đúng là do người để lại di sản tự nguyện lập trong khi minh mẫn, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật.

3- Sau ba tháng kể từ ngày lập di chúc miệng, nếu người lập di chúc còn sống và minh mẫn, thì coi như di chúc miệng đó bị huỷ bỏ.

Điều 19: Người không được chứng thực, xác nhận di chúc, chứng kiến việc chứng thực di chúc

1- Người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người nào thì không được chứng thực hoặc xác nhận di chúc của người đó.

2- Người dưới mười sáu tuổi, người không minh mẫn không được làm người chứng kiến việc chứng thực di chúc.

Điều 20: Những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Trong trường hợp không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu như di sản được chia theo pháp luật, thì những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng ít nhất là hai phần ba suất đó, trừ trường hợp họ là người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Pháp lệnh này:

a) Cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên không đủ khả năng lao động và túng thiếu;

b) Con chưa thành niên.

Điều 21: Di sản dùng vào việc thờ cúng

Nếu người lập di chúc có để di sản dùng vào việc thờ cúng thì di sản đó được coi như di sản chưa chia. Khi việc thờ cúng không được thực hiện theo di chúc thì những người thừa kế của người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng có quyền hưởng di sản đó. Nếu những người thừa kế đó đều đã chết, thì di sản thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 25 và Điều 26 của Pháp lệnh này.

Điều 22: Sửa đổi, bổ sung, thay thế di chúc

1- Trong trường hợp người lập di chúc sửa đổi di chúc thì phần của di chúc không bị sửa đổi vẫn hợp pháp.

2- Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và điều bổ sung di chúc đều hợp pháp.

3- Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc thì coi như không có di chúc trước.

Điều 23: Hiệu lực của di chúc

1- Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

Trong trường hợp di chúc do nhiều người lập chung, mà có người chết trước, thì chỉ phần di chúc có liên quan đến tài sản của người chết trước có hiệu lực.

2- Di chúc không có hiệu lực, nếu người thừa kế theo di chúc chết trước người lập di chúc, cơ quan, tổ chức được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước người lập di chúc, cơ quan, tổ chức được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế, thì chỉ phần của di chúc có liên quan đến người chết trước, liên quan đến cơ quan, tổ chức không còn tồn tại đó không có hiệu lực.

3- Di chúc không có hiệu lực nếu tài sản, quyền về tài sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế. Nếu tài sản, quyền về tài sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần của di chúc về phần còn lại đó vẫn có hiệu lực.

4- Nếu di chúc có phần không hợp pháp thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

Chương III

THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT

Điều 24: Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1- Người thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản trong những trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Người thừa kế theo di chúc chết trước người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc đều không có quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản.

2- Các phần di sản sau đây cũng do người thừa kế theo pháp luật hưởng:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực;

c) Phần di sản có liên quan đến người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản hoặc chết trước người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Điều 25: Những người thừa kế theo pháp luật

1- Những người thừa kế theo pháp luật gồm có:

a) Hàng thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

b) Hàng thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết.

c) Hàng thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản ngang nhau.

3- Trong trường hợp không có người thừa kế hàng thứ nhất hoặc những người thừa kế hàng thứ nhất đều không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản, thì những người thừa kế hàng thứ hai được hưởng di sản.

4- Trong trường hợp không có người thừa kế hàng thứ nhất và hàng thứ hai hoặc những người thừa kế thuộc cả hai hàng này đều không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản, thì những người thừa kế hàng thứ ba hưởng di sản.

Điều 26: Thừa kế thế vị

Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Điều 27: Quan hệ thừa kế giữa con nuôi với cha nuôi, mẹ nuôi và gia đình cha, mẹ đẻ

Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế tài sản của nhau và còn được thừa kế tài sản theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 của Pháp lệnh này.

Điều 28: Quan hệ thừa kế giữa con riêng và cha kế, mẹ kế

Con riêng và cha kế, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế tài sản của nhau; ngoài ra họ vẫn được thừa kế tài sản theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 của Pháp lệnh này.

Điều 29: Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung,

đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác

1- Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung theo Điều 18 của Luật hôn nhân và gia đình mà sau đó một người chết, thì người còn sống vẫn được thừa kế tài sản của người đã chết.

2- Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được Toà án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết, thì người còn sống vẫn được thừa kế tài sản của người đã chết.

3- Vợ goá hoặc chồng goá người đã chết dù kết hôn với người khác cũng vẫn được thừa kế tài sản của người đã chết.

Chương IV

QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI THỪA KẾ

Điều 30: Sự phát sinh quyền lợi, nghĩa vụ của người thừa kế

Từ thời điểm mở thừa kế, di sản thuộc quyền sở hữu của người thừa kế và từ đó họ có quyền lợi, nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại.

Điều 31: Khước từ quyền hưởng di sản

1- Người thừa kế có thể khước từ quyền hưởng di sản, trừ trường hợp việc khước từ đó nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của bản thân về tài sản. Người thừa kế có thể nhường quyền hưởng di sản cho người thừa kế khác.

2- Thời hạn khước từ quyền hưởng di sản là sáu tháng, kể từ ngày người thừa kế biết thời điểm mở thừa kế.

3- Người khước từ quyền hưởng di sản phải thông báo việc khước từ cho người thừa kế khác, Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan công chứng nơi mở thừa kế.

Điều 32: Việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại

1- Nếu di sản chưa được chia thì người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại trong phạm vi di sản.

2- Nếu di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại tương ứng với phần di sản mà mình đã nhận.

3- Nếu Nhà nước, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế hưởng di sản theo di chúc, thì cũng thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Chương V

BẢO QUẢN, THANH TOÁN, PHÂN CHIA DI SẢN

Điều 33: Bảo quản di sản

1- Việc giao di sản chưa chia cho ai bảo quản do những người thừa kế quyết định.

2- Người bảo quản di sản chưa chia không được bán, cho, đổi, cầm cố, thế chấp di sản đó, trừ trường hợp được sự thoả thuận của những người thừa kế.

3- Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế hoặc di sản là tài sản vắng chủ, thì di sản do Nhà nước quản lý.

Điều 34: Thanh toán các khoản chi từ di sản trước khi chia di sản

Trước khi chia di sản, nếu có các khoản chi phí, cấp dưỡng, trợ cấp, nợ hoặc các khoản khác phải thanh toán từ di sản, thì thanh toán theo thứ tự sau đây:

1- Chi phí về mai táng cho người đã chết;

2- Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

3- Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

4- Tiền công lao động;

5- Tiền bồi thường thiệt hại;

6- Tiền thuế;

7- Tiền phạt;

8- Các món nợ khác của Nhà nước;

9- Các món nợ khác của công dân, pháp nhân;

10- Chi phí cho việc bảo quản di sản, các chi phí khác.

Điều 35: Phân chia di sản

1- Trong trường hợp những người thừa kế theo pháp luật không thoả thuận được với nhau về phân chia di sản thì những người thừa kế cùng hàng được chia phần di sản ngang nhau.

Khi phân chia di sản nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra, thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng, để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra thì được hưởng, nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

2- Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật. Trong trường hợp không thể chia đều hiện vật thì người nhận hiện vật có giá trị cao phải thanh toán tiền chênh lệch cho người nhận hiện vật có giá trị thấp.

3- Di sản là hiện vật mà không có người thừa kế nào nhận thì được bán để chia tiền.

4- Trong trường hợp người lập di chúc không phân định tài sản cho những người thừa kế, thì việc phân chia di sản được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này.

Điều 36: Thời hiệu khởi kiện về thừa kế

1- Trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

2- Trong thời hạn ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản.

3- Trong trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được quyền khởi kiện trong thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì thời gian bị trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện.

4- Đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này thì thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tính từ ngày công bố Pháp lệnh này.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 37: Quyền thừa kế của người nước ngoài

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền thừa kế của người nước ngoài đối với tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam theo quy chế về người nước ngoài tại Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc công nhận.

Điều 38: Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

 

Hội đồng Nhà nước

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Chí Công