Sign In

CHỈ THỊ

Về việc thực hiện công tác xuất khẩu lao động

______________

 

 

Trong thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành mà nòng cốt là ngành Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm trên địa bàn tỉnh, góp phần chăm lo đòi sống cho nhân dân được tốt hơn. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động chưa tạo sự chuyển biến tích cực theo hướng xã hội hoá; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm còn khá cao (tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 6,2%), tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 8%; đáng lưu ý là việc tổ chức xuất khẩu lao động chưa được quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất kỹ thuật của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực giảng dạy,....

Để nhanh chóng khắc phục tình trạng trên và đẩy nhanh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Thủ trưởng các Sở, ngành chức năng có liên quan, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị tập trung thực hiện tốt một số việc sau đây:

1/- Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xoá đói giảm nghèo và việc làm, đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT.UBT.98, ngày 25/02/1998 về việc tăng cường thực hiện Chương trình xoá đói giảm nghèo và Chỉ thị số 09/2000/CT.UBNDT, ngày 5/12/2000 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc nâng cao năng lực và quy mô đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội theo hướng tạo mở việc làm, gắn với chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động trong nông thôn và đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức kinh tế, tổ chức đoàn thể, xã hội, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

2/- Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với các ngành, các địa phương và chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ:

- Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, từng bước nâng cao năng lực và hiện đại hoá Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh. Lập báo cáo đầu tư xây dựng một số hạng mục cần thiết của Trường dạy nghề  theo nội dung Công văn số 243/CV.HC.03, ngày 14/03/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Phấn đấu trong năm 2003, giải quyết việc làm tại chỗ cho từ 35.000 - 37.000 lao động, dạy nghề cho 3.000 người; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn dưới 6 % và nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên từ 79 - 80%.

- Đa dạng hoá các hình thức đào tạo nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhất là đối với các ngành có thu hút nhiều lao động tham gia. Đặc biệt, tập trung đào tạo lao động về tay nghề, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật phục vụ xuất khẩu lao động; đưa việc đào tạo lao động xuất khẩu vào chương trình, kế hoạch đào tạo nghề của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp; tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để xúc tiến tổ chức thực hiện xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.

 - Thực hiện tốt các hình thức cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động và người sử dụng lao động như tư vấn miễn phí về đào tạo nghề và việc làm cho người thất nghiệp, người thiếu việc làm; tư vấn lập dự án tạo việc làm; tư vấn về pháp luật lao động liên quan đến việc làm; giới thiệu việc làm và bố trí việc làm; cung ứng lao động và tuyển dụng lao động; tổ chức các hình thức giao lưu, phổ biến rộng rãi các thông tin về nhu cầu thị trường lao động và xuất khẩu lao động,.... tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động và dạy nghề trên địa bàn tỉnh; thường xuyên theo dõi, đánh giá diễn biến của thị trường lao động, nắm số lao động được giải quyết việc làm và số lao động bị mất việc làm hàng năm để đề xuất các giải pháp xử lý hiệu quả.

3/- Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh có trách nhiệm phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ trực tiếp giải quyết việc làm, nhất là tín dụng ưu đãi việc làm; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay hỗ trợ việc làm theo hướng ưu tiên cho những người thất nghiệp, thiếu việc làm, các đối tượng yếu thế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các ngành nghề truyền thống tại địa phương có thu hút nhiều lao động tham gia; gắn với phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật và mô hình làm ăn có hiệu quả để mọi người tham khảo, học tập.

4/- Thủ trưởng các Sở, ngành chức năng có liên quan, các Đoàn thể, chính trị, các Hội nghề nghiệp và Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện đạt hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

5/- Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể các cấp trong tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xoá đói giảm nghèo và việc làm, trong đó có công tác xuất khẩu lao động, giúp mọi người hiểu rõ và tích cực tham gia thực hiện.

6/- Chủ tịch UBND các huyện, thị có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, có đề ra chỉ tiêu, giải pháp cụ thể và chỉ đạo các ngành, các địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện tốt công tác này. Sớm chuẩn bị thành lập Trung tâm dịch vụ việc làm và dạy nghề để hỗ trợ, tạo điều kiện cho Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

 

1.  Phải quán triệt trong các cấp, các ngành đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, coi xuất khẩu lao động là một hoạt động kinh tế xã hội, góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao tay nghề cho người lao động. Do vậy phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất là chính quyền các cấp, khắc phục tình trạng buông lỏng, khoán trắng cho ngành Lao động Thương binh & Xã hội.

2.  Mở đợt  tuyên truyền sâu rộng về công tác xuất khẩu lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng, để mọi người, mọi cơ quan đơn vị, đặc biệt là những người lao động hiểu được, nắm được cặn kẽ chế độ, chính sách cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, qua đó tự nguyện đăng ký đi lao động ở nước ngoài.

3.  Thông báo công khai về thị trường lao động,  số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, các khoản phí phải nộp, mức lương được hưởng, thủ tục làm hồ sơ, cơ quan thẩm quyền giải quyết .v.v..

4.  Trách nhiệm các cấp, các Ngành.

- Ngành Văn hóa Thông tin, Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thị, và các phương tiện thông tin đại chúng khác, tập trung tuyên truyền về chế độ, chính sách tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về công tác xuất khẩu lao động đến mọi tầng lớp nhân dân.

- Ngành Lao động Thương binh & Xã hội là cơ quan thường trực có trách nhiệm xây dựng chương trình. Kế hoạch, hướng dẫn, giải quyết, điều phối chung giữa các cấp, các Ngành, đồng thời chỉ đạo các cơ sở dạy nghề, các Trung tâm Dịch vụ việc làm, tổ chức giáo dục định hướng và đào tạo nghề cho người lao đông, đảm bảo chất lượng phù hợp và đủ số lượng đáp ứng nhu cầu của các Công ty xuất khẩu lao động, phục vụ kịp thời cho công tác xuất khẩu lao động.

- Ngành Công an: chịu trách nhiệm về việc cấp hộ chiếu, cần thông báo công khai thủ tục hồ sơ, lệ phí, thời gian hoàn thành cấp hộ chiếu….Đồng thời ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc các hiện tượng cò mồi, lừa đảo gây thiệt hại cho người lao động.

-Ngành Y Tế: Chịu trách nhiệm về khám sức khỏe, thông báo công khai thủ tục khám, lệ phí khám .v.v..

- Các Ngành: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính , Kho bạc Nhà nước, Các Ngân hàng Chính sách-Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp về vốn, chính sách cho vay, chính sách hỗ trợ giáo dục định hướng, đào tạo nghề cho người lao động và giải pháp thu hồi nợ vốn vay .v.v..

- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác xuất khẩu lao động (thành phần tương tự như ở tỉnh) đồng thời chỉ đạo các xã, phường làm điểm, khẩn trương triển khai công tác xuất khẩu lao động theo sự chỉ đạo chung của tỉnh.

5. Đề nghị các tổ chức đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của mình, có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên của mình tham gia công tác xuất khẩu lao động của tỉnh có hiệu quả.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai thực hiện và định kỳ hàng quý báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Huỳnh Thành Hiệp