• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 17/07/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 20/04/2011
BỘ TƯ PHÁP
Số: 03/2007/TT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 17 tháng 5 năm 2007

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 06/2006/TT-BTP

ngày 28 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề

về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về

giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của

Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp

_______________________

 

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm,

Nhằm đảm bảo thống nhất trong việc thi hành những văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày 28 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp như sau:

1. Sửa đổi điểm 2.1 khoản 2 mục I như sau:

“2.1. Các trường hợp đăng ký tại Trung tâm Đăng ký:

a) Việc thế chấp tài sản, bao gồm cả thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, việc cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ (sau đây gọi chung là giao dịch bảo đảm);

b) Thay đổi, sửa chữa sai sót, gia hạn, xoá đăng ký giao dịch bảo đảm nêu tại điểm 2.1.a khoản này;

c) Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm đối với giao dịch bảo đảm đã được đăng ký.”

2. Bổ sung điểm 2.3 khoản 2 mục I như sau:                          

“2.3. Không thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm đối với bảo lãnh và tín chấp.”

3. Sửa đổi, bổ sung điểm 8.2.c khoản 8 mục I như sau:

“c) Trường hợp yêu cầu đăng ký thay đổi tên, số của giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm theo quy định tại điểm a khoản 1 mục III của Thông tư này, yêu cầu đăng ký thay thế bên bảo đảm theo quy định tại điểm b khoản 1 mục III của Thông tư này thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nhận đơn nêu tại điểm 8.1 khoản này, nếu người yêu cầu đăng ký nộp Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi trong thời hạn chín mươi (90) ngày, kể từ ngày có sự thay đổi; nếu nộp Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi sau thời hạn nêu trên thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm được tính lại là thời điểm nhận Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi hợp lệ.

Trong trường hợp yêu cầu đăng ký bổ sung tài sản bảo đảm thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm đối với phần tài sản bổ sung là thời điểm nhận Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi hợp lệ.

Trong trường hợp yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung khác thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nhận đơn nêu tại điểm 8.1 khoản này;”

4. Sửa đổi, bổ sung điểm 9.7.c khoản 9 mục I như sau:

“c) Đơn yêu cầu đăng ký chỉ cần chữ ký, con dấu (nếu có) của bên nhận bảo đảm hoặc người được bên nhận bảo đảm ủy quyền yêu cầu đăng ký trong các trường hợp: yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký về bên nhận bảo đảm; yêu cầu sửa chữa sai sót về bên nhận bảo đảm; yêu cầu đăng ký thay đổi tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm; xóa đăng ký giao dịch bảo đảm.”

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 mục III như sau:

“1. Trong thời hạn còn hiệu lực của việc đăng ký, người yêu cầu đăng ký nộp Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Thay đổi tên, số của giấy tờ xác định tư cách pháp lý hoặc địa chỉ của bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm;

b) Rút bớt, thay thế, bổ sung bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm;

c) Rút bớt, thay thế, bổ sung tài sản bảo đảm;

d) Thay đổi biện pháp bảo đảm đối với tài sản bảo đảm đã đăng ký (từ cầm cố sang thế chấp hoặc ngược lại);

đ) Thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm;

e) Thay đổi các nội dung khác đã đăng ký.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 mục VII như sau:

“4. Trung tâm Đăng ký thông báo về việc xử lý tài sản của bên bảo đảm cho các bên có liên quan sau đây (nếu có) theo địa chỉ được lưu giữ trong Hệ thống dữ liệu: bên cùng nhận bảo đảm bằng tài sản của bên bảo đảm; bên bán tài sản trả chậm, trả dần cho bên bảo đảm; bên cho bên bảo đảm thuê tài sản; bên cho bên bảo đảm thuê tài chính; bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ từ bên bảo đảm”.

7. Sửa đổi điểm 1.b khoản 1 mục IX như sau:

“b) Văn bản tổng hợp thông tin về các giao dịch bảo đảm (theo tên của bên bảo đảm hoặc số khung, số máy của phương tiện giao thông cơ giới): bao gồm các thông tin nêu tại điểm a khoản này và các lần sửa đổi, bổ sung, sửa chữa sai sót nội dung đã đăng ký, tài sản bảo đảm đã đăng ký (nếu có).”

8. Thay thế Mẫu đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm (Mẫu số 01 BD) và Mẫu đơn yêu cầu cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm (Mẫu số 08 BD) được ban hành kèm theo Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày 28 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp bằng các mẫu đơn được ban hành kèm theo Thông tư này.

9. Tổ chức thực hiện

9.1. Thông tư này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

9.2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cá nhân, tổ chức phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp để nghiên cứu, giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Uông Chu Lưu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.