• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 10/09/2017
CHÍNH PHỦ
Số: 84/2017/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 18 tháng 7 năm 2017

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 173/2013/NĐ-CP NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN, ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 như sau:

“2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn gồm: vi phạm các quy định về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; vi phạm các quy định về quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; vi phạm các quy định về cung cấp, khai thác, sử dụng, trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; vi phạm các quy định về tác động vào thời tiết và các hành vi vi phạm khác về khí tượng thủy văn quy định tại Nghị định này.”.

2. Sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 3 như sau:

“c) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 03 (ba) đến 24 (hai bốn) tháng.”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 như sau:

“2. Hình thức xử phạt bổ sung

a) Đình chỉ hoạt động từ 03 (ba) tháng đến 06 (sáu) tháng;

b) Đình chỉ hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đã cấp phép từ 03 (ba) tháng đến 12 (mười hai) tháng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 như sau:

“3. Biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại khoản 5, khoản 7, khoản 8, khoản 10, khoản 12, khoản 13 và khoản 15 Điều 1 Nghị định này và Chương III của Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, gồm:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép, phá dỡ phần sai phạm của công trình, nhà cao tầng trong phạm vi hành lang kỹ thuật của công trình khí tượng thủy văn đối với hành vi vi phạm;

c) Buộc thu hồi sản phẩm có được do thực hiện hành vi vi phạm; thu hồi giấy phép bị sửa chữa, tẩy xóa;

d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

đ) Buộc hủy bỏ kết quả, sản phẩm, số liệu, bản tin, ấn phẩm có được do thực hiện hành vi vi phạm;

e) Buộc cung cấp thông tin, dữ liệu còn thiếu, bổ sung thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn được cập nhật đến năm gần nhất đối với hành vi vi phạm;

g) Buộc tổ chức thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn đối với hành vi vi phạm;

h) Buộc chặt phá cây hoặc di dời cây, di dời công trình, phương tiện, thiết bị đối với hành vi vi phạm;

i) Buộc sửa chữa hoặc xây dựng lại công trình khí tượng thủy văn, mốc độ cao, mốc giới hành lang kỹ thuật của công trình khí tượng thủy văn đối với hành vi vi phạm;

k) Buộc thu hồi các bản tin đã ban hành đối với hành vi vi phạm;

l) Buộc xin cấp lại giấy phép đối với hành vi vi phạm;

m) Buộc cải chính thông tin gian lận, sai lệch đã truyền, phát, cung cấp đối với các hành vi vi phạm.”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

“Điều 5. Vi phạm quy định về giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Hoạt động không đúng với nội dung ghi trong giấy phép;

b) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung giấy phép;

c) Hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn khi giấy phép đã hết hạn.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi giao cho cá nhân, tổ chức sử dụng giấy phép hoặc sử dụng giấy phép của cá nhân, tổ chức trái quy định.

3. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có giấy phép.

4. Tước quyền sử dụng giấy phép từ 03 (ba) tháng đến 06 (sáu) tháng đối với hành vi không tổ chức hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong thời gian 12 tháng liên tục kể từ khi được cấp giấy phép mà không thông báo lý do cho cơ quan cấp giấy phép.

5. Tước quyền sử dụng giấy phép từ 06 (sáu) tháng đến 12 (mười hai) tháng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Gian lận trong việc kê khai nội dung đề nghị cấp giấy phép;

b) Tiếp tục hoạt động khi đã có quyết định đình chỉ hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

6. Tước quyền sử dụng giấy phép từ 12 (mười hai) tháng đến 24 (hai bốn) tháng đối với hành vi lợi dụng giấy phép thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đã cấp phép từ 06 (sáu) tháng đến 12 (mười hai) tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi các bản tin đã ban hành đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc xin cấp lại giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 và khoản 6 Điều này;

d) Buộc hủy bỏ bản tin, ấn phẩm có được đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 3 Điều này.”.

6. Bổ sung Điều 5a như sau:

“Điều 5a. Vi phạm quy định về hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi ban hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn 3 lần liên tiếp trong 1 tháng không đủ độ tin cậy.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ kết quả hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;

b) Không tuân thủ quy trình kỹ thuật, quy trình đánh giá chất lượng trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đã cấp phép từ 03 (ba) tháng đến 06 (sáu) tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đã cấp phép từ 06 (sáu) tháng đến 12 (mười hai) tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.”.

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Vi phạm quy định về truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn mà không nêu rõ nguồn gốc bản tin.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có nguồn gốc.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi truyền, phát không đầy đủ nội dung bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn chậm so với thời gian quy định.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn;

b) Gian lận về nguồn gốc bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn khi truyền, phát;

c) Truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc cải chính thông tin gian lận, sai lệch đã truyền, phát đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 5 Điều này.

7. Cơ quan báo chí vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm b, điểm c khoản 5 Điều này thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về báo chí.”.

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

“Điều 7. Vi phạm quy định về công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn

1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quan trắc không đúng vị trí theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không bảo đảm yếu tố quan trắc tối thiểu theo quy định;

b) Không bảo đảm tần suất quan trắc tối thiểu theo quy định;

c) Quan trắc không đúng thời gian quy định.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc chậm so với thời gian quy định;

b) Cung cấp không đầy đủ thông tin, dữ liệu quan trắc.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc.

5. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc cung cấp thông tin, dữ liệu còn thiếu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này.”.

9. Bổ sung Điều 7a như sau:

“Điều 7a. Vi phạm quy định về thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của tổ chức, cá nhân

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm sau khi giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm sau khi di chuyển trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm sau khi thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.”.

10. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

“Điều 8. Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Đốt lửa, phun nước ảnh hưởng đến công trình thuộc trạm khí tượng;

b) Cắm đăng đó, ngâm tre, luồng, nứa, lá, gỗ trong hành lang kỹ thuật của công trình thuộc trạm thủy văn, trạm hải văn.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Trồng cây lâu năm trong hành lang kỹ thuật che chắn công trình khí tượng thủy văn;

b) Cản trở vận hành, khai thác công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Lấy nước, xả nước trong hành lang kỹ thuật của công trình thủy văn mà không có giấy phép;

b) Neo đậu các phương tiện vận tải thủy vào công trình khí tượng thủy văn.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Lấn, chiếm khoảng không, diện tích mặt đất, dưới đất, mặt nước, dưới nước của công trình khí tượng thủy văn;

b) Đắp đập, chặn dòng trong hành lang kỹ thuật của công trình thuộc trạm thủy văn;

c) Đào bới lòng sông, hai bên bờ sông, khai thác cát, sỏi, vàng sa khoáng trong hành lang kỹ thuật của công trình thuộc trạm thủy văn;

d) Đổ rác thải, chất thải và các vật liệu xây dựng khác vào lòng sông, hai bên bờ sông trong hành lang kỹ thuật của công trình thuộc trạm thủy văn;

đ) Đặt các công trình, thiết bị sinh nhiệt ở khu vực công trình thuộc trạm khí tượng.

5. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dịch chuyển mốc giới hành lang kỹ thuật của công trình khí tượng thủy văn.

6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi xâm hại, va đập làm ảnh hưởng, hư hỏng công trình khí tượng thủy văn, mốc độ cao, mốc giới hành lang kỹ thuật của công trình khí tượng thủy văn.

7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình, nhà cao tầng che chắn công trình khí tượng thủy văn trong phạm vi hành lang kỹ thuật.

8. Phạt tiền đối với hành vi làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin và các thiết bị kỹ thuật khác của công trình khí tượng thủy văn như sau:

a) Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin và các thiết bị kỹ thuật có giá trị dưới 10.000.000 đồng;

b) Từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin và các thiết bị kỹ thuật có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin và các thiết bị kỹ thuật có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

d) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin và các thiết bị kỹ thuật có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

đ) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin và các thiết bị kỹ thuật có giá trị từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

e) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin và các thiết bị kỹ thuật có giá trị trên 500.000.000 đồng.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 4 và khoản 6 Điều này.

10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chặt phá hoặc di dời cây đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 4 và khoản 5 Điều này;

c) Buộc di dời công trình, phương tiện, thiết bị đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này;

d) Buộc sửa chữa, xây dựng lại công trình khí tượng thủy văn, mốc độ cao, mốc giới hành lang kỹ thuật của công trình khí tượng thủy văn đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;

đ) Buộc phá dỡ phần sai phạm của công trình, nhà cao tầng trong phạm vi hành lang kỹ thuật của công trình khí tượng thủy văn đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 Điều này.”.

11. Bổ sung Điều 8a như sau:

“Điều 8a. Vi phạm quy định về quan trắc đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của tổ chức, cá nhân

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về quan trắc khí tượng thủy văn.

2. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng, kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn thì xử phạt theo quy định của pháp luật về đo lường.”.

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

“Điều 9. Vi phạm quy định về cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn không đúng thẩm quyền;

b) Giao nộp không đầy đủ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn cho cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không giao nộp, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn;

b) Che giấu thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn;

c) Cung cấp sai lệch thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cung cấp thông tin, dữ liệu còn thiếu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này;

b) Buộc cải chính thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.”.

13. Bổ sung Điều 9a như sau:

“Điều 9a. Vi phạm quy định về khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật thông tin, dữ liệu đến năm gần nhất trong tư vấn, thiết kế, đầu tư xây dựng công trình, dự án.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn không đúng mục đích so với yêu cầu cung cấp.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn được cung cấp miễn phí để thực hiện các hoạt động mua bán, trao đổi vì mục đích lợi nhuận.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn không có nguồn gốc rõ ràng trong tư vấn, thiết kế, đầu tư xây dựng công trình, dự án;

b) Sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn không được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp xác nhận trong tư vấn, thiết kế, đầu tư xây dựng công trình, dự án.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn được cập nhật đến năm gần nhất đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.”.

14. Bổ sung Điều 9b như sau:

“Điều 9b. Vi phạm quy định về trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi trái với văn bản đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường như sau:

a) Mục đích trao đổi thông tin, dữ liệu;

b) Tên, địa chỉ của tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài được trao đổi thông tin, dữ liệu;

c) Loại thông tin, số lượng thông tin, dữ liệu được trao đổi;

d) Thời gian trao đổi thông tin, dữ liệu;

đ) Hình thức trao đổi thông tin, dữ liệu;

e) Thời hạn trao đổi thông tin, dữ liệu.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo về hoạt động trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài theo thời hạn quy định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu không có văn bản đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.”.

15. Bổ sung Điều 9c như sau:

“Điều 9c. Vi phạm các quy định về tác động vào thời tiết

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng kế hoạch tác động vào thời tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không điều chỉnh kế hoạch tác động vào thời tiết khi có sự thay đổi về một trong các nội dung cơ bản của kế hoạch tác động vào thời tiết quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật khí tượng thủy văn và nhân sự nêu trong kế hoạch tác động vào thời tiết đã được phê duyệt dẫn tới ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch;

b) Không điều chỉnh kế hoạch tác động vào thời tiết khi có sự biến động khách quan về điều kiện khí tượng thủy văn, quốc phòng, an ninh có ảnh hưởng tới việc thực hiện kế hoạch tác động vào thời tiết;

c) Không điều chỉnh kế hoạch tác động vào thời tiết khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo công khai cho cộng đồng dân cư trong khu vực biết trước khi tiến hành tác động vào thời tiết.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực theo kế hoạch đã phê duyệt;

b) Tác động vào thời tiết mà không có kế hoạch được phê duyệt.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.”.

16. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:

“Điều 17. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b, điểm h và điểm i khoản 3 thuộc khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.”.

17. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:

“Điều 18. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành

1. Thanh tra viên chuyên ngành, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 3 thuộc khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

2. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 35.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

4. Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.”.

18. Bổ sung Điều 19a, Điều 19b, Điều 19c, Điều 19d, Điều 19đ như sau:

“Điều 19a. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn của lực lượng Công an nhân dân

Lực lượng Công an nhân dân có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 10, khoản 14 và khoản 15 Điều 1 Nghị định này, cụ thể như sau:

1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo.

2. Trưởng Công an cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2.500.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b, điểm h và điểm i khoản 3 thuộc khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

3. Trưởng Công an cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

4. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 25.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

Điều 19b. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn của Bộ đội biên phòng

Bộ đội biên phòng có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 10, khoản 14 và khoản 15 Điều 1 Nghị định này tại khu vực biên giới thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ đội biên phòng, cụ thể như sau:

1. Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo.

2. Đội trưởng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng.

3. Đồn trưởng Đồn biên phòng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b, điểm h và điểm i khoản 3 thuộc khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

4. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

Điều 19c. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn của Cảnh sát biển

Cảnh sát biển có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 10, khoản 14 và khoản 15 Điều 1 Nghị định này thuộc phạm vi trách nhiệm của Cảnh sát biển, cụ thể như sau:

1. Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.

2. Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng.

3. Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b, điểm h và điểm i khoản 3 thuộc khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

4. Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

5. Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 30.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

6. Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

7. Cục trưởng Cục Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

Điều 19d. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn của Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa

Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11, khoản 12, khoản 13, khoản 14 và khoản 15 Điều 1 Nghị định này thuộc phạm vi trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa, cụ thể như sau:

1. Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải, Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng.

2. Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ hàng không, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 25.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm h, điểm i và điểm m khoản 3 thuộc khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

Điều 19đ. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn của thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, xây dựng

Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, xây dựng có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11, khoản 12, khoản 13, khoản 14 và khoản 15 Điều 1 Nghị định này, cụ thể như sau:

1. Thanh tra viên chuyên ngành, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, xây dựng đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 3 thuộc khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

2. Chánh Thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Bộ trưởng và Chánh Thanh tra các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 35.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

4. Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.”.

19. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 20 như sau:

“b) Chiến sĩ cảnh sát biển; công chức, viên chức thuộc các cơ quan quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ và tại khoản 16, khoản 17, khoản 18 Điều 1 Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 9 năm 2017.

Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà mới bị phát hiện hoặc đang được xem xét giải quyết thì áp dụng các quy định xử phạt theo hướng có lợi cho cá nhân, tổ chức.

2. Hành vi vi phạm đã có quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành nhưng chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa xong thì thi hành theo quyết định xử phạt trước đó.

Điều 4. Trách nhiệm hướng dẫn, thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.