• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/2018
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 22/2017/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 29 tháng 12 năm 2017

                             THÔNG TƯ                                      

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hệ thống tài khoản kế toán các

tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN

ngày 29/4/2004 và Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng

ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN

ngày 18/4/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/4/2004 và Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Hệ thống Tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29 tháng 4 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

1. Điểm 8 Mục I- Những quy định chung được sửa đổi, bổ sung như sau:

8. Hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ và vàng

Việc hạch toán trên các tài khoản ngoại tệ quy định trong Hệ thống tài khoản kế toán này thực hiện theo nguyên tắc sau:

8.1. Thực hiện hạch toán đối ứng và cân đối giữa các tài khoản ngoại tệ và từng loại ngoại tệ.

8.2. Đối với các nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ, hạch toán đồng thời các bút toán đối ứng bằng ngoại tệ và bút toán đối ứng bằng đồng Việt Nam.

8.3. Vàng tại tổ chức tín dụng được hạch toán tương tự như ngoại tệ (vàng được coi là một loại ngoại tệ), đơn vị là “chỉ” vàng 99,99% và hạch toán nghiệp vụ mua bán vàng thông qua hai Tài khoản 4711 và 4712 để hạch toán tương tự như hạch toán mua bán ngoại tệ.

8.4. Các khoản thu nhập, chi phí bằng ngoại tệ được chuyển đổi ra đồng Việt Nam thông qua tài khoản mua bán ngoại tệ để hạch toán vào tài khoản thu nhập, chi phí bằng đồng Việt Nam.

8.5. Tỷ giá hạch toán

a) Tỷ giá sử dụng để hạch toán các nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ/vàng là tỷ giá mua, bán thực tế tại thời điểm nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.

b) Tỷ giá sử dụng để hạch toán các nghiệp vụ khác về ngoại tệ để chuyển đổi ra đồng Việt Nam:

(i) Tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh ngoại hối: Là tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản giao ngay của đồng ngoại tệ đó (sau đây gọi tắt là tỷ giá giao ngay) của tổ chức tín dụng tại thời điểm nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh hoặc tỷ giá giao ngay bình quân của tất cả các lần thay đổi tỷ giá tại ngày phát sinh giao dịch.

(ii) Tổ chức tín dụng không được cấp phép kinh doanh ngoại hối: Là tỷ giá giao ngay tại thời điểm nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh của Ngân hàng thương mại mà tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch nhiều nhất trong kỳ kế toán.

(iii) Trường hợp tổ chức tín dụng không có tỷ giá giao ngay của loại ngoại tệ quy đổi, tổ chức tín dụng quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam, được niêm yết trên màn hình Reuters hoặc Bloomberg hoặc các phương tiện khác đối với những loại ngoại tệ không được hiển thị trên màn hình Reuters hoặc Bloomberg tại thời điểm quy đổi.

8.6. Cuối tháng, quý, năm khi lập Bảng cân đối tài khoản kế toán quy đổi theo từng loại ngoại tệ, tổ chức tín dụng phải thực hiện quy đổi số dư, doanh số hoạt động của tài khoản ngoại tệ ra đồng Việt Nam để tổng hợp và phản ánh vào bảng cân đối tài khoản hàng tháng bằng đồng Việt Nam như sau:

a) Tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh ngoại hối:

(i) Đối với các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ:

Quy đổi theo tỷ giá giao ngay (đối với vàng quy đổi theo tỷ giá bình quân mua và bán vàng) tại thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của tháng, quý, năm của tổ chức tín dụng nếu tỷ giá này chênh lệch nhỏ hơn 1% so với tỷ giá bình quân gia quyền mua và bán của ngày làm việc cuối cùng của tháng, quý, năm.

Trường hợp tỷ giá giao ngay tại thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của tháng, quý, năm chênh lệch lớn hơn hoặc bằng 1% so với tỷ giá bình quân gia quyền mua và bán của ngày làm việc cuối cùng của tháng, quý, năm thì tổ chức tín dụng sử dụng tỷ giá bình quân gia quyền mua và bán của ngày làm việc cuối cùng của tháng, quý, năm để quy đổi.

Tỷ giá bình quân gia quyền mua và bán được tính bằng tổng tỷ giá bình quân gia quyền mua và tỷ giá bình quân gia quyền bán chia cho 2 (hai).

Trong đó, tỷ giá bình quân gia quyền mua/bán là tỷ giá được xác định trên cơ sở lấy tổng doanh số mua/bán bằng đồng Việt Nam trong ngày chia cho số lượng ngoại tệ mua/bán trong ngày.

Trường hợp tại ngày làm việc cuối cùng của tháng, quý, năm tổ chức tín dụng không có tỷ giá giao ngay của loại ngoại tệ quy đổi, tổ chức tín dụng quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam, được niêm yết trên màn hình Reuters hoặc Bloomberg hoặc các phương tiện khác đối với những loại ngoại tệ không được hiển thị trên màn hình Reuters hoặc Bloomberg tại thời điểm quy đổi.

 (ii) Đối với các khoản mục phi tiền tệ (góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ,...): quy đổi theo tỷ giá đã ghi nhận tại ngày hạch toán.

b) Tổ chức tín dụng không được cấp phép kinh doanh ngoại hối:

(i) Đối với các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ: Quy đổi theo tỷ giá giao ngay tại thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng trong tháng, quý, năm của Ngân hàng thương mại mà tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch nhiều nhất trong kỳ kế toán.

Trường hợp tại ngày làm việc cuối cùng của tháng, quý, năm tổ chức tín dụng không có tỷ giá giao ngay của loại ngoại tệ quy đổi, tổ chức tín dụng quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam, được niêm yết trên màn hình Reuters hoặc Bloomberg hoặc các phương tiện khác đối với những loại ngoại tệ không được hiển thị trên màn hình Reuters hoặc Bloomberg tại thời điểm quy đổi.

(ii) Đối với các khoản mục phi tiền tệ (góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ,...): Quy đổi theo tỷ giá đã ghi nhận tại ngày hạch toán.

8.7. Các tổ chức tín dụng sử dụng đồng tiền kế toán là ngoại tệ áp dụng hạch toán các nghiệp vụ đối với các đồng tiền khác với đồng tiền kế toán tương tự điểm 8.4, điểm 8.5, điểm 8.6.

8.8. Các tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được lựa chọn áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế đối với giao dịch ngoại hối và các hợp đồng phái sinh; đồng thời, phải thuyết minh nội dung khác biệt giữa chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam, ảnh hưởng của sự khác biệt đó đến thông tin trên báo cáo tài chính.

8.9. Việc hạch toán các nghiệp vụ ngoại tệ đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được hướng dẫn tại công văn hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở áp dụng các quy định trên đây phù hợp với đặc thù hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.”

2. Mục II- Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Thông tư số 10/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 3 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số tài khoản trong Hệ thống tài khoản kế toán các Tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) được sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Sửa tên Tài khoản 20- Cho vay các tổ chức tín dụng khác thành “Cấp tín dụng cho các tổ chức tín dụng khác”.

b) Sửa tên Tài khoản 275- Cho vay khác thành “Cấp tín dụng khác”.

c) Sửa tên Tài khoản 387- Tài sản gán nợ đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng, đang chờ xử lý thành “Tài sản thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng chờ xử lý”.

d) Sửa tên Tài khoản 41- Các khoản nợ các tổ chức tín dụng khác thành “Các khoản nợ các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng khác”.

đ) Sửa đổi, bổ sung Tài khoản 419- Vay chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác như sau:

(i) Sửa tên thành “Nhận cấp tín dụng khác”;

(ii) Bổ sung các tài khoản cấp III “4191- Nhận cấp tín dụng dưới hình thức chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác” và “4199- Nhận cấp tín dụng khác” thuộc tài khoản này.

e) Bổ sung tài khoản cấp III “9823- Lãi cho vay theo hợp đồng hợp vốn” thuộc tài khoản 982- Cho vay theo hợp đồng hợp vốn.

g) Bổ sung tài khoản cấp III “9833- Lãi từ hoạt động cấp tín dụng theo hợp đồng nhận ủy thác” thuộc tài khoản 983- Cấp tín dụng theo hợp đồng nhận ủy thác.

h) Sửa đổi, bổ sung tài khoản 994- Tài sản thế chấp, cầm cố của khách hàng như sau:

(i) Sửa tên thành “Tài sản, giấy tờ có giá của khách hàng đưa thế chấp, cầm cố

(ii) Bổ sung các tài khoản cấp III “9941- Tài sản, giấy tờ có giá của khách hàng đưa thế chấp, cầm cố” và “9942- Các giấy tờ có giá của khách hàng đưa chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu” thuộc tài khoản này.

i) Sửa đổi, bổ sung Tài khoản 996- Các giấy tờ có giá của khách hàng đưa cầm cố như sau:

(i) Sửa tên thành “Các giấy tờ có giá đi vay, giấy tờ có giá của khách hàng đưa chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu đem đi sử dụng”;

(ii) Bổ sung các tài khoản cấp III “9961- Giấy tờ có giá đi vay” và “9962- Giấy tờ có giá của khách hàng đưa chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu đem đi sử dụng” thuộc tài khoản này.

3. Mục III- Nội dung hạch toán các tài khoản (đã được sửa đổi bởi Điều 2, Điều 3 Thông tư số 10/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 3 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số tài khoản trong Hệ thống tài khoản kế toán các Tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) được sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Sửa tên tài khoản 20- Cho vay các tổ chức tín dụng khác thành “Cấp tín dụng cho các tổ chức tín dụng khác”.

b) Sửa tên Tài khoản 275- Cho vay khác thành “Cấp tín dụng khác”.

c) Sửa đổi, bổ sung Tài khoản 34 như sau:

Tài khoản 34- Góp vốn, đầu tư dài hạn

Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị và tình hình biến động của các khoản góp vốn, đầu tư dài hạn của tổ chức tín dụng.

Hạch toán vào tài khoản này cần tuân theo các quy định sau:

1. Hạch toán trên tài khoản này bao gồm: Các khoản góp vốn vào công ty con, các khoản góp vốn liên doanh vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, các khoản góp vốn vào công ty liên kết và các khoản đầu tư dài hạn khác chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán (các khoản đầu tư dài hạn đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán hạch toán trên tài khoản 15 - Chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán thích hợp).

2. Khi đầu tư dưới hình thức góp vốn bằng tài sản, nhà đầu tư đánh giá lại tài sản mang đi góp vốn trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên góp vốn. Phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ hoặc giá trị còn lại và giá trị đánh giá lại của tài sản mang đi góp vốn được hạch toán là thu nhập khác hoặc chi phí khác.

3. Giá phí các khoản đầu tư được phản ánh theo giá gốc, bao gồm giá mua cộng (+) các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đầu tư (nếu có) như: Chi phí giao dịch, môi giới, tư vấn, kiểm toán, lệ phí, thuế và phí ngân hàng, các chi phí khác. Trường hợp đầu tư bằng tài sản, giá phí khoản đầu tư được ghi nhận theo giá trị hợp lý của tài sản tại thời điểm nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.

4. Tổ chức tín dụng mở sổ chi tiết theo dõi các khoản góp vốn vào công ty con, các khoản góp vốn liên doanh vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, các khoản góp vốn vào công ty liên kết và các khoản đầu tư dài hạn khác. Thời điểm ghi nhận các khoản đầu tư tài chính dài hạn là thời điểm chính thức có quyền sở hữu.

5. Hạch toán đầy đủ, kịp thời các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia vào tài khoản 78- Thu nhập góp vốn, mua cổ phần và phản ánh trên Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ tại thời điểm được quyền nhận. Cổ tức, lợi nhuận được chia trong một số trường hợp được hạch toán như sau:

a) Cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền hoặc tài sản cho giai đoạn sau ngày đầu tư được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính theo giá trị hợp lý tại ngày được quyền nhận;

b) Cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền hoặc tài sản cho giai đoạn trước ngày đầu tư không hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính mà hạch toán giảm giá trị khoản đầu tư;

c) Tại thời điểm xác định giá trị tổ chức tín dụng để cổ phần hoá, nếu các khoản đầu tư vào doanh nghiệp khác đã được đánh giá tăng tương ứng với phần sở hữu của tổ chức tín dụng cổ phần hoá trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty con, công ty liên kết, cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát thì tổ chức tín dụng cổ phần hoá phải ghi tăng vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật. Sau đó, khi nhận được phần cổ tức, lợi nhuận đã dùng để đánh giá tăng vốn Nhà nước, tổ chức tín dụng cổ phần hoá không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính mà ghi giảm giá trị khoản đầu tư;

d) Trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu thì thực hiện theo nguyên tắc:

(i) Các tổ chức tín dụng không do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ theo dõi số lượng cổ phiếu được nhận trên thuyết minh Báo cáo tài chính, không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư và doanh thu hoạt động tài chính;

(ii) Tổ chức tín dụng do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện hạch toán theo quy định của pháp luật áp dụng cho loại hình doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

6. Trường hợp góp vốn, đầu tư bằng ngoại tệ, tổ chức tín dụng phải quy đổi ra đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán theo tỷ giá quy định tại điểm 8 Mục I- Những quy định chung. Tổ chức tín dụng không được đánh giá lại vốn góp mua cổ phần, kể cả trường hợp chênh lệch tỷ giá để ghi tăng (giảm) vốn góp.

          Tài khoản 34 có các tài khoản cấp II, III sau:

          341- Đầu tư vào công ty con bằng đồng Việt Nam

          342- Vốn góp liên doanh bằng đồng Việt Nam

                   3421- Vốn góp liên doanh với các tổ chức tín dụng khác

                   3422- Vốn góp liên doanh với các tổ chức kinh tế

          343- Đầu tư vào công ty liên kết bằng đồng Việt Nam

          344- Đầu tư dài hạn khác bằng đồng Việt Nam

          345- Đầu tư vào công ty con bằng ngoại tệ

          346- Vốn góp liên doanh bằng ngoại tệ

                   3461- Vốn góp liên doanh với các tổ chức tín dụng khác

                   3462- Vốn góp liên doanh với các tổ chức kinh tế

          347- Đầu tư vào công ty liên kết bằng ngoại tệ

          348- Đầu tư dài hạn khác bằng ngoại tệ

          349- Dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn

Tài khoản 341- Đầu tư vào công ty con bằng đồng Việt Nam

Tài khoản 345- Đầu tư vào công ty con bằng ngoại tệ

Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động khoản đầu tư vốn trực tiếp vào công ty con. Công ty con là công ty thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 30 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng.

Hạch toán trên tài khoản này cần tuân theo quy định hạch toán tài khoản 34, Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 25- Báo cáo tài chính hợp nhất và quy định sau:

Kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong quá trình hợp nhất kinh doanh của tổ chức tín dụng được xác định là bên mua trong trường hợp hợp nhất kinh doanh dẫn đến quan hệ công ty mẹ- công ty con được thực hiện theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 11- Hợp nhất kinh doanh và Thông tư hướng dẫn Chuẩn mực này.

                  Bên Nợ ghi: - Giá trị thực tế khoản đầu tư vào công ty con tăng.

                  Bên Có ghi: - Giá trị thực tế khoản đầu tư vào công ty con giảm.

                  Số dư Nợ:  - Giá trị thực tế khoản đầu tư vào công ty con hiện có.

                   Hạch toán chi tiết:

                                                       - Mở tài khoản chi tiết cho từng công ty con.

          Tài khoản 342- Vốn góp liên doanh bằng đồng Việt Nam

          Tài khoản 346- Vốn góp liên doanh bằng ngoại tệ

Tài khoản này dùng để phản ánh toàn bộ vốn góp vốn liên doanh dưới hình thức thành lập cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát và tình hình thu hồi lại vốn góp liên doanh khi kết thúc hợp đồng liên doanh.

Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát được thành lập bởi các bên góp vốn liên doanh. Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát là cơ sở kinh doanh mới được thành lập, hoạt động độc lập, hoạt động như một doanh nghiệp tuy nhiên vẫn chịu sự kiểm soát của các bên liên doanh theo hợp đồng liên doanh. Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát phải tổ chức thực hiện công tác kế toán riêng theo quy định của pháp luật hiện hành về kế toán.

          Vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát bao gồm tất cả các loại tài sản, tiền vốn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp kể cả tiền vay dài hạn dùng vào việc góp vốn.

          Hạch toán trên tài khoản này cần tuân theo quy định hạch toán tài khoản 34, Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 08- Thông tin tài chính về những khoản vốn góp liên doanh và các quy định sau:

1. Khoản đầu tư vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát được hạch toán trên tài khoản này khi tổ chức tín dụng có quyền đồng kiểm soát các chính sách tài chính và hoạt động của cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát nhận đầu tư. Khi tổ chức tín dụng không còn quyền đồng kiểm soát thì phải ghi giảm khoản đầu tư vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát trên các tài khoản này.

2. Vốn góp liên doanh được thực hiện theo 3 hình thức: Hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát, Tài sản đồng kiểm soát và Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát. Tài khoản 342, 346 chỉ sử dụng đối với hạch toán các khoản góp vốn liên doanh vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, không áp dụng cho hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát và tài sản đồng kiểm soát.

3. Giá trị vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát phản ánh trên tài khoản này phải là giá trị vốn góp được các bên tham gia liên doanh thống nhất đánh giá và chấp thuận trong văn bản góp vốn.

4. Các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư vào công ty liên kết, cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát được ghi nhận là chi phí tài chính phát sinh trong kỳ.

5. Khi thu hồi vốn góp liên doanh thì ghi giảm số vốn đã góp căn cứ vào giá trị tài sản và tiền do cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát trả lại. Trường hợp bị thiệt hại do không thu hồi đủ vốn góp thì khoản thiệt hại này được ghi nhận là một khoản chi phí hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Trường hợp giá trị thu hồi cao hơn số vốn đã góp thì khoản lãi này được ghi nhận là thu nhập góp vốn, mua cổ phần.

6. Các bên góp vốn liên doanh vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát có quyền chuyển nhượng giá trị phần vốn góp của mình trong liên doanh. Trường hợp giá trị chuyển nhượng cao hơn số vốn đã góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát thì chênh lệch lãi do chuyển nhượng vốn được phản ánh vào bên Có tài khoản Thu nhập khác. Ngược lại, nếu giá trị chuyển nhượng thấp hơn số vốn đã góp thì số chênh lệch là lỗ do chuyển nhượng vốn được phản ánh vào bên Nợ tài khoản Chi phí khác.

7. Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát không được ghi nhận các khoản chi phí phát sinh liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp của các bên liên doanh.

8. Tổ chức tín dụng mua lại phần vốn góp của bên khác trong cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát thì thực hiện phản ánh phần vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát theo giá thực tế mua.

                   Bên Nợ ghi:  - Số vốn góp liên doanh đã góp vào các cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát tăng.

                   Bên Có ghi:  - Số vốn góp liên doanh đã góp vào các cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát giảm do đã thu hồi, chuyển nhượng, do không còn quyền đồng kiểm soát.

                  Số dư Nợ:  - Số vốn góp liên doanh vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát hiện còn cuối kỳ của tổ chức tín dụng.

                  Hạch toán chi tiết:

                                               - Mở tài khoản chi tiết cho từng cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát.

Tài khoản 343- Đầu tư vào công ty liên kết bằng đồng Việt Nam

Tài khoản 347- Đầu tư vào công ty liên kết bằng ngoại tệ

Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị khoản đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư vào công ty liên kết và tình hình biến động tăng, giảm giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết. Công ty liên kết của tổ chức tín dụng là công ty theo quy định tại khoản 29 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng.

Hạch toán vào tài khoản này cần tuân theo quy định hạch toán tài khoản 34 và các quy định sau:

Căn cứ để ghi sổ kế toán giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết như sau:

- Đối với các khoản đầu tư vào công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán, việc ghi sổ của tổ chức tín dụng được căn cứ vào số tiền thực trả khi mua cổ phiếu bao gồm cả các chi phí liên quan trực tiếp đến việc mua cổ phiếu và thông báo chính thức của Trung tâm giao dịch chứng khoán về việc mua cổ phiếu của công ty liên kết đã thuộc phần sở hữu của nhà đầu tư;

- Đối với khoản đầu tư vào các công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, việc ghi sổ được căn cứ vào giấy xác nhận sở hữu cổ phiếu và giấy thu tiền bán cổ phiếu của công ty được đầu tư hoặc chứng từ mua khoản đầu tư đó;

- Đối với khoản đầu tư vào các loại hình doanh nghiệp khác, việc ghi sổ được căn cứ vào văn bản góp vốn, các hồ sơ, chứng từ mua, bán khoản đầu tư đó;

- Tổ chức tín dụng chỉ được ghi nhận khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ công ty liên kết khi nhận được thông báo chính thức của công ty liên kết về số cổ tức được hưởng hoặc số lợi nhuận được chia trong kỳ.

              Bên Nợ ghi:   - Giá gốc các khoản đầu tư vào công ty liên kết tăng.

              Bên Có ghi:    - Giá gốc khoản đầu tư giảm do nhận được các khoản lợi ích ngoài lợi nhuận được chia.

                                         - Giá gốc khoản đầu tư giảm do bán, thanh lý toàn bộ hoặc một phần khoản đầu tư.

              Số dư Nợ:        - Giá gốc khoản đầu tư vào công ty liên kết đang nắm giữ.

              Hạch toán chi tiết:

                                                     - Mở tài khoản chi tiết cho từng công ty liên kết.

Tài khoản 344- Đầu tư dài hạn khác bằng đồng Việt Nam

Tài khoản 348- Đầu tư dài hạn khác bằng ngoại tệ

Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm các loại đầu tư dài hạn khác (ngoài các khoản đầu tư vào công ty con, vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, đầu tư vào công ty liên kết theo quy định tại khoản 29 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng và các loại cổ phiếu đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán).

Hạch toán trên tài khoản này cần tuân theo quy định hạch toán tài khoản 34 và các quy định sau:

Kế toán phải theo dõi chi tiết theo các chỉ tiêu sau:

- Đối với đầu tư cổ phiếu: theo dõi chi tiết theo từng loại mệnh giá cổ phiếu, từng đối tượng phát hành cổ phiếu;

- Đối với các khoản góp vốn theo hợp đồng và không niêm yết trên thị trường: theo dõi chi tiết theo từng đối tượng tham gia góp vốn.

                  Bên Nợ ghi: - Giá trị các khoản đầu tư dài hạn khác tăng.

                  Bên Có ghi: - Giá trị các khoản đầu tư dài hạn khác giảm.

                  Số dư Nợ: - Giá trị khoản đầu tư dài hạn khác hiện có của tổ chức tín dụng.

                  Hạch toán chi tiết:

- Mở tài khoản chi tiết cho từng đối tượng đầu tư.

          Tài khoản 349- Dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn

          Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng (giảm) các khoản dự phòng giảm giá các khoản đầu tư dài hạn.

Hạch toán trên tài khoản này cần thực hiện theo các quy định sau:

1. Việc trích lập dự phòng được thực hiện theo quy định của pháp luật về trích lập và sử dụng dự phòng.

2. Nếu số dự phòng phải lập năm nay cao hơn số dự phòng đang ghi trên sổ kế toán thì số chênh lệch đó được ghi nhận vào chi phí trong kỳ. Nếu số dự phòng phải lập năm nay thấp hơn số dư dự phòng đã lập năm trước chưa sử dụng hết thì số chênh lệch đó được ghi giảm chi phí, trường hợp số dư trên tài khoản chi phí không đủ bù đắp hoàn nhập dự phòng, kế toán hoàn nhập phần còn lại vào tài khoản thu nhập.

 3. Khoản dự phòng giảm giá đầu tư tài chính được dùng để bù đắp số tổn thất của các khoản đầu tư dài hạn thực tế xảy ra do các nguyên nhân như bên đầu tư bị phá sản, thiên tai,... dẫn đến khoản đầu tư không có khả năng thu hồi hoặc thu hồi thấp hơn giá gốc của khoản đầu tư. Khoản dự phòng này không dùng để bù đắp các khoản lỗ do bán thanh lý các khoản đầu tư.

             Bên Nợ ghi: - Hoàn nhập chênh lệch giữa số dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư dài hạn năm nay phải lập nhỏ hơn số dự phòng đã trích lập năm trước chưa sử dụng hết.

- Bù đắp giá trị khoản đầu tư dài hạn bị tổn thất khi có quyết định dùng số dự phòng đã lập để bù đắp số tổn thất xảy ra.

            Bên Có ghi:  - Trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư dài hạn (tính lần đầu và tính số chênh lệch dự phòng tăng).

           Số dư Có:    - Số dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư dài hạn hiện có.

            Hạch toán chi tiết:

- Mở 01 tài khoản chi tiết.”

d) Sửa đổi, bổ sung Tài khoản 387 như sau:

Tài khoản 387- Tài sản bảo đảm nhận thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng chờ xử lý

Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị tài sản bảo đảm nhận thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng chờ xử lý. Tổ chức tín dụng phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản đó.

                   Bên Nợ ghi:  - Giá trị tài sản thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng chờ xử lý.

                   Bên Có ghi:  - Giá trị tài sản thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng đã xử lý.

                   Số dư Nợ:   - Phản ánh giá trị tài sản thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng chờ xử lý.

          Hạch toán chi tiết:

- Mở tài khoản chi tiết theo từng loại tài sản thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng chờ xử lý.”

đ) Sửa tên Tài khoản 41- Các khoản nợ các tổ chức tín dụng khác thành “Các khoản nợ các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng khác”

e) Sửa đổi, bổ sung Tài khoản 419 như sau:

Tài khoản 419- Nhận cấp tín dụng khác

Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị khoản nợ của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác (ngoài các khoản đã hạch toán vào tài khoản 415, 416, 417, 418).

Hạch toán tài khoản này phải tuân theo các quy định sau:

1.  Tổ chức tín dụng không phản ánh vào tài khoản này các khoản nợ có nội dung đã được quy định hạch toán vào các tài khoản thích hợp khác.

2.  Tổ chức tín dụng cần quản lý, theo dõi chặt chẽ các khoản nợ theo từng nội dung vay và từng tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính cấp tín dụng.

Tài khoản 419 có các tài khoản cấp III sau:

4191- Nhận cấp tín dụng dưới hình thức chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác

4199- Nhận cấp tín dụng khác

Tài khoản 4191- Nhận cấp tín dụng dưới hình thức chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác

Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền nợ của tổ chức tín dụng khác dưới hình thức chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá.

             Bên Có ghi:   - Số tiền nợ của tổ chức tín dụng khác.

             Bên Nợ ghi:   - Số tiền trả tổ chức tín dụng khác.

             Số dư Có:       - Phản ánh số tiền tổ chức tín dụng còn phải trả tổ chức tín dụng khác.

              Hạch toán chi tiết:

- Mở tài khoản chi tiết theo từng tổ chức tín dụng cấp tín dụng dưới hình thức chiết khấu, tái chiết khấu.

Tài khoản 4199- Nhận cấp tín dụng khác

Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị khoản nợ của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác (ngoài nội dung đã được quy định hạch toán vào các tài khoản thích hợp khác).

Nội dung hạch toán tài khoản 4199 giống như nội dung hạch toán tài khoản 4191.”

g) Sửa đổi, bổ sung Tài khoản 471 như sau:

Tài khoản 471- Mua bán ngoại tệ kinh doanh

Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị ngoại tệ kinh doanh mua bán của tổ chức tín dụng.

Hạch toán tài khoản này phải tuân theo các quy định sau:

1. Thực hiện xác định kết quả kinh doanh:

- Cuối kỳ kế toán, xác định số chênh lệch giữa giá trị ngoại tệ đã bán theo tỷ giá thực tế bán ra với giá trị ngoại tệ đã bán theo tỷ giá mua thực tế bình quân trong tháng, nếu trong tháng không mua thì lấy theo tỷ giá mua thực tế bình quân tháng trước, sau đó đưa khoản chênh lệch này vào tài khoản Thu nhập hay Chi phí về kinh doanh ngoại tệ cho phù hợp.

- Trường hợp tổ chức tín dụng có khả năng ứng dụng công nghệ tin học để đánh giá kết quả kinh doanh theo từng giao dịch mua hoặc bán ngoại tệ trong ngày theo tỷ giá thực tế mua hoặc bán và tỷ giá bình quân trong ngày thì phải bảo đảm số liệu chuẩn xác và phù hợp với Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10- Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá.

2. Đánh giá lại ngoại tệ: Sau khi thực hiện xác định kết quả kinh doanh quy định tại điểm 1 nêu trên, tiến hành xác định số chênh lệch tăng, giảm giá trị ngoại tệ kinh doanh (định kỳ vào ngày cuối tháng) trên cơ sở so sánh số dư giữa tài khoản 4711- Mua, bán ngoại tệ kinh doanh (sau khi đã đánh giá quy đổi lại theo tỷ giá quy định tại điểm 8 Mục I- Những quy định chung) với số dư tài khoản 4712- Thanh toán mua, bán ngoại tệ kinh doanh để tìm ra số chênh lệch. Nếu có chênh lệch thì hạch toán điều chỉnh lại số dư tài khoản 4712 cho bằng số dư tài khoản 4711 (quy ra đồng Việt Nam), số chênh lệch này chuyển vào bên Có hoặc bên Nợ Tài khoản 631- Chênh lệch tỷ giá hối đoái (ghi đối ứng với Tài khoản 4712).

Tài khoản 471 có các tài khoản cấp III sau:    

                   4711- Mua bán ngoại tệ kinh doanh

                   4712- Thanh toán mua bán ngoại tệ kinh doanh

Tài khoản 4711-  Mua bán ngoại tệ kinh doanh

Tài khoản này dùng để hạch toán giá trị ngoại tệ mua vào và bán ra trên cơ sở ngoại tệ mua vào rồi mới bán ra (bán ra từ nguồn ngoại tệ kinh doanh).

               Bên Có ghi: - Giá trị ngoại tệ mua vào.

               Bên Nợ ghi: - Giá trị ngoại tệ bán ra.

               Số dư Có:  - Phản ánh giá trị ngoại tệ tổ chức tín

dụng mua vào chưa bán ra.

            Số dư Nợ:            - Phản ánh giá trị ngoại tệ từ các nguồn khác bán ra mà chưa mua vào được để bù đắp

            Hạch toán chi tiết:

                                    - Mở 01 tài khoản chi tiết.     

Tài khoản 4712- Thanh toán mua bán ngoại tệ kinh doanh

Tài khoản này dùng để hạch toán các khoản tiền Việt Nam chi ra mua ngoại tệ hay thu vào do bán ngoại tệ tương ứng với giá trị ngoại tệ mua vào hay bán ra thuộc tài khoản 4911- Mua, bán ngoại tệ kinh doanh.

               Bên  Nợ ghi:  - Số tiền đồng Việt Nam chi ra để mua ngoại tệ (tính theo tỷ giá thực tế mua vào).

- Kết chuyển chênh lệch lãi kinh doanh ngoại tệ (đối ứng với tài khoản 72- Thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối).

- Số điều chỉnh tăng số dư Nợ cho bằng số dư tài khoản 4711 khi đánh giá lại số dư ngoại tệ kinh doanh theo tỷ giá ngày cuối tháng (đối ứng với  tài khoản 631 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái).

              Bên Có ghi:  - Số tiền đồng Việt Nam thu vào do bán ngoại tệ (tính theo tỷ giá thực tế bán ra).

- Kết chuyển chênh lệch lỗ kinh doanh ngoại tệ (đối ứng với tài khoản 82- Chi phí hoạt động kinh doanh ngoại hối).

- Số điều chỉnh giảm số dư Nợ cho bằng số dư tài khoản 4711 khi đánh giá lại số dư ngoại tệ kinh doanh theo tỷ giá ngày cuối tháng (đối ứng với tài khoản 631 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái).

            Số dư Nợ: - Phản ánh số tiền đồng Việt Nam chi ra tương ứng của số dư ngoại tệ tổ chức tín dụng mua vào chưa bán ra.

            Số dư Có:  - Phản ánh số tiền đồng Việt Nam thu vào tương ứng của số ngoại tệ bán ra từ nguồn khác chưa mua vào để bù đắp.

            Hạch toán chi tiết:

                             - Mở 01 tài khoản chi tiết.

h) Sửa đổi, bổ sung Tài khoản 6312 như sau:

Tài khoản 6312- Chênh lệch tỷ giá hối đoái trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản

Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản chênh lệch do thay đổi tỷ giá hối đoái qua việc đánh giá lại các tài khoản ngoại tệ của hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản (giai đoạn trước hoạt động, chưa hoàn thành đầu tư).

                Bên Có ghi:  - Số chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh và đánh giá lại các tài khoản ngoại tệ của hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản (giai đoạn trước hoạt động).                

- Kết chuyển số chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh của hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản (khi kết thúc giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản) vào Tài khoản Chi phí hoặc Chi phí chờ phân bổ.

              Bên Nợ ghi: - Số chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh và đánh giá lại các tài khoản ngoại tệ của hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản (giai đoạn trước hoạt động).

- Kết chuyển số chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh của hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản (khi kết thúc giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản) vào Tài khoản Thu nhập hoặc Doanh thu chờ phân bổ.

           Số dư Có hoặc số dư Nợ:

- Phản ánh số chênh lệch Có hoặc số chênh lệch Nợ tỷ giá hối đoái phát sinh của hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản (giai đoạn trước hoạt động, chưa hoàn thành đầu tư) ở thời điểm lập Bảng cân đối kế toán cuối năm tài chính.

Cuối năm, tài khoản này tất toán số dư. Nếu tài khoản này có số dư Có, chuyển số dư Có vào tài khoản Thu nhập; Nếu tài khoản này có số dư Nợ, chuyển số dư Nợ vào tài khoản Chi phí.”

i) Sửa đổi, bổ sung Tài khoản 911 như sau:

Tài khoản 911- Ngoại tệ

Tài khoản này dùng để phản ánh các loại ngoại tệ quản lý hộ. Số tiền trên các tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán về ngoại tệ được hạch toán theo nguyên tệ. Cuối tháng, tiến hành quy đổi (để lập báo cáo) tất cả các tài khoản ngoại tệ này theo tỷ giá quy định tại điểm 8 Mục I- Những quy định chung.
Tài khoản 911 có các tài khoản cấp III sau:                           

          9113- Ngoại tệ của khách hàng gửi đi nước ngoài nhờ thu

          9114- Ngoại tệ không đủ tiêu chuẩn lưu hành chờ xử lý

          Tài khoản 9113- Ngoại tệ của khách hàng gửi đi nước ngoài nhờ thu

Tài khoản này dùng để hạch toán ngoại tệ của khách hàng gửi đi nước ngoài nhờ thu.

                Bên Nợ ghi: - Số ngoại tệ gửi đi nước ngoài nhờ thu.

                Bên Có ghi: - Số ngoại tệ đã được nước ngoài thanh toán.

                Số dư Nợ:   - Phản ánh số ngoại tệ của khách hàng gửi đi nước ngoài chưa thu được.

               Hạch toán chi tiết:

- Mở tài khoản chi tiết theo từng Ngân hàng ở nước ngoài nhờ thu.     

Tài khoản  9114- Ngoại tệ không đủ tiêu chuẩn lưu hành chờ xử lý

Tài khoản này dùng để hạch toán các ngoại tệ nghi giả, ngoại tệ giả, bị phá hoại (bị cắt xén, sửa chữa, rách nát) đang chờ xử lý.

                     Bên Nợ ghi: - Số ngoại tệ không đủ tiêu chuẩn lưu hành tổ chức tín dụng thu vào để chờ xử lý.                        

                     Bên Có ghi:  - Số  ngoại tệ  không đủ tiêu chuẩn lưu hành đã được xử lý.

                     Số dư Nợ:    - Phản ánh số ngoại tệ không đủ tiêu chuẩn lưu hành đang bảo quản ở tổ chức tín dụng chưa được xử lý.     

                    Hạch toán chi tiết:

- Mở tài khoản chi tiết theo từng khách hàng có ngoại tệ không đủ tiêu chuẩn lưu hành nộp vào.”

k) Bổ sung Tài khoản cấp III “9823- Lãi cho vay theo hợp đồng hợp vốn” thuộc Tài khoản 982 như sau:

Tài khoản 9823- Lãi cho vay theo hợp đồng hợp vốn

Tài khoản này mở tại tổ chức tín dụng đầu mối, dùng để phản ánh giá trị nợ lãi của khoản cho vay của các tổ chức tín dụng thành viên theo hợp đồng hợp vốn.

                   Bên Nợ ghi:  - Giá trị nợ lãi theo hợp đồng hợp vốn tăng.

                   Bên Có ghi:  - Giá trị nợ lãi theo hợp đồng hợp vốn giảm.

                   Số dư Nợ:    - Phản ánh giá trị nợ lãi theo hợp đồng hợp vốn.

Hạch toán chi tiết:

- Mở tài khoản chi tiết theo từng tổ chức tín dụng thành viên và từng khách hàng vay.”

l) Bổ sung Tài khoản cấp III “9833- Lãi từ hoạt động cấp tín dụng theo hợp đồng nhận ủy thác” thuộc Tài khoản 983 như sau:

Tài khoản 9833- Lãi từ hoạt động cấp tín dụng theo hợp đồng nhận ủy thác

Tài khoản này mở tại tổ chức tín dụng nhận ủy thác cấp tín dụng, dùng để phản ánh giá trị nợ lãi từ hoạt động cấp tín dụng theo hợp đồng nhận ủy thác.

                   Bên Nợ ghi: - Giá trị nợ lãi từ hoạt động cấp tín dụng theo hợp đồng nhận ủy thác tăng.

                   Bên Có ghi: - Giá trị nợ lãi từ hoạt động cấp tín dụng theo hợp đồng nhận ủy thác giảm.

                   Số dư Nợ:   - Phản ánh giá trị nợ lãi từ hoạt động cấp tín dụng theo hợp đồng nhận ủy thác.

Hạch toán chi tiết:

- Mở tài khoản chi tiết theo từng khách hàng.”

m) Sửa đổi, bổ sung Tài khoản 994 như sau:

Tài khoản 994- Tài sản, giấy tờ có giá của khách hàng đưa thế chấp, cầm cố và chiết khấu, tái chiết khấu

Tài khoản này dùng để phản ánh các tài sản, giấy tờ có giá của khách hàng thế chấp, cầm cố và chiết khấu, tái chiết khấu tại tổ chức tín dụng theo quy định.

Tài khoản 994 có các tài khoản cấp III sau:   

9941- Tài sản, giấy tờ có giá của khách hàng đưa thế chấp, cầm cố

9942- Các giấy tờ có giá của khách hàng đưa chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu

          Tài khoản 9941- Tài sản, giấy tờ có giá của khách hàng đưa thế chấp, cầm cố

          Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị tài sản, giấy tờ có giá (mệnh giá) của khách hàng thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng để vay vốn.

          Bên Nợ ghi:  - Giá trị tài sản, giấy tờ có giá thế chấp, cầm cố giao cho tổ chức tín dụng quản lý để bảo đảm nợ vay.         

          Bên Có ghi:  - Giá trị tài sản, giấy tờ có giá thế chấp, cầm cố trả lại tổ chức, cá nhân vay khi trả được nợ.                     

                                  - Giá trị tài sản, giấy tờ có giá thế chấp, cầm cố được đem phát mại để trả nợ vay tổ chức tín dụng.     

          Số dư Nợ:    - Phản ánh giá trị tài sản, giấy tờ có giá thế chấp, cầm cố tổ chức tín dụng đang nắm giữ.   

           Hạch toán chi tiết:      

- Mở tài khoản chi tiết theo từng loại tài sản, giấy tờ có giá thế chấp, cầm cố và theo từng khách hàng.          

Tài khoản 9942- Các giấy tờ có giá của khách hàng đưa chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu

          Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị giấy tờ có giá (mệnh giá) của khách hàng chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng.

          Bên Nợ ghi: - Giá trị giấy tờ có giá của khách hàng chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu tăng.  

          Bên Có ghi: - Giá trị giấy tờ có giá của khách hàng chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu giảm.                     

          Số dư Nợ:  - Phản ánh giá trị giấy tờ có giá của khách hàng chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng.      

          Hạch toán chi tiết:       

- Mở tài khoản chi tiết theo từng loại giấy tờ có giá và theo từng khách hàng.”

          n) Sửa đổi, bổ sung Tài khoản 996 như sau:

Tài khoản 996- Các giấy tờ có giá đi vay, giấy tờ có giá của khách hàng đưa chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu đem đi sử dụng

Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị giấy tờ có giá (mệnh giá) tổ chức tín dụng đi vay, giấy tờ có giá của khách hàng đưa chiết khấu, tái chiết khấu tổ chức tín dụng đem đi sử dụng.

Tài khoản 996 có các tài khoản cấp III sau:   

9961- Giấy tờ có giá đi vay

9962- Giấy tờ có giá của khách hàng đưa chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu đem đi sử dụng

          Tài khoản 9961- Giấy tờ có giá đi vay

          Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị giấy tờ có giá (mệnh giá) tổ chức tín dụng đi vay.

          Bên Nợ ghi:  - Giá trị giấy tờ có giá tổ chức tín dụng đi vay tăng.         

          Bên Có ghi: - Giá trị giấy tờ có giá tổ chức tín dụng đi vay giảm.

          Số dư Nợ: - Phản ánh giá trị giấy tờ có giá tổ chức tín dụng còn phải trả.     

           Hạch toán chi tiết:      

- Mở tài khoản chi tiết theo từng loại giấy tờ có giá và theo từng khách hàng.   

          Tài khoản 9962- Giấy tờ có giá của khách hàng đưa chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu đem đi sử dụng

          Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị giấy tờ có giá (mệnh giá) của khách hàng đưa chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu đem đi sử dụng.

            Bên Nợ ghi: - Giá trị giấy tờ có giá của khách hàng đưa chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu đem đi sử dụng tăng. 

          Bên Có ghi:   - Giá trị giấy tờ có giá của khách hàng đưa chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu đem đi sử dụng giảm.

          Số dư Nợ:     - Phản ánh giá trị giấy tờ có giá của khách hàng đưa chiết khấu, tái chiết khấu đã chuyển quyền sở hữu đem đi sử dụng.   

           Hạch toán chi tiết:      

- Mở tài khoản chi tiết theo từng loại giấy tờ có giá và theo từng khách hàng.” 

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

1. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 3. Nguyên tắc lập báo cáo tài chính và đồng tiền sử dụng để lập Báo cáo tài chính

1. Việc lập và trình bày báo cáo tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Chuẩn mực kế toán Việt Nam về trình bày báo cáo tài chính, bao gồm: Hoạt động liên tục, cơ sở dồn tích, nhất quán, trọng yếu và tập hợp, bù trừ, có thể so sánh và các yêu cầu quy định bổ sung tại Chuẩn mực kế toán Việt Nam về trình bày bổ sung báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự và các quy định của pháp luật liên quan.

2. Đồng tiền sử dụng để lập Báo cáo tài chính khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam

TCTD sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán thì đồng thời với việc lập Báo cáo tài chính theo đơn vị tiền tệ trong kế toán (ngoại tệ) còn phải chuyển đổi Báo cáo tài chính ra đồng Việt Nam khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan quản lý Nhà nước tại Việt Nam.

3. Nguyên tắc lập Báo cáo tài chính khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán

a) Khi thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán, kế toán thực hiện chuyển đổi số dư sổ kế toán sang đơn vị tiền tệ trong kế toán mới theo nguyên tắc sau:

(i) Đối với TCTD được cấp phép kinh doanh ngoại hối: sử dụng tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản của TCTD tại ngày thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.

(ii) Đối với TCTD không được cấp phép kinh doanh ngoại hối: sử dụng tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản của Ngân hàng thương mại mà tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch nhiều nhất trong kỳ kế toán tại ngày thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.

b) Tỷ giá áp dụng đối với thông tin so sánh trên Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:

Khi trình bày thông tin kỳ so sánh (cột “năm trước” trên Bảng cân đối kế toán năm, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; cột “đầu năm” trên Bảng cân đối kế toán giữa niên độ), TCTD áp dụng tỷ giá tương ứng của kỳ so sánh.

c) Khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, TCTD phải trình bày rõ trên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính lý do thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán và những ảnh hưởng (nếu có) đối với Báo cáo tài chính do việc thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.”

2. Bổ sung Điều 3a như sau:

Điều 3a. Nguyên tắc chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ ra đồng Việt Nam

1. Đối với TCTD được cấp phép kinh doanh ngoại hối:

a) Tài sản và nợ phải trả được quy đổi ra đồng Việt Nam:

Tài sản và nợ phải trả được quy đổi ra đồng Việt Nam là tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản giao ngay tại thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của kỳ lập báo cáo tài chính nếu tỷ giá này chênh lệch nhỏ hơn 1% so với tỷ giá bình quân gia quyền mua và bán của ngày làm việc cuối cùng của kỳ lập báo cáo tài chính.

Trường hợp tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản giao ngay tại thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của kỳ lập báo cáo tài chính chênh lệch so với tỷ giá bình quân gia quyền mua và bán của ngày làm việc cuối cùng của kỳ lập báo cáo tài chính lớn hơn hoặc bằng 1% thì TCTD sử dụng tỷ giá bình quân gia quyền mua và bán của ngày làm việc cuối cùng của kỳ lập báo cáo tài chính để chuyển đổi.

Tỷ giá bình quân gia quyền mua và bán được tính theo quy định tại điểm 8.6 Mục I- Những quy định chung, Hệ thống tài khoản kế toán đối với các tổ chức tín dụng.

b) Vốn điều lệ bằng ngoại tệ (vốn được cấp, vốn góp, vốn được tăng theo quy định của pháp luật) được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản giao ngay của TCTD tại thời điểm nhận vốn góp hoặc tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản của TCTD tính theo tất cả các lần thay đổi tỷ giá tại ngày nhận vốn góp;

c) Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phát sinh sau thời điểm đầu tư được quy đổi ra đồng Việt Nam bằng cách tính toán theo các khoản mục của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;

d) Lợi nhuận, cổ tức đã trả được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản giao ngay của TCTD tại ngày trả lợi tức, cổ tức;

đ) Các khoản mục thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản giao ngay của TCTD tại thời điểm nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. Trường hợp tỷ giá bình quân kỳ kế toán tại TCTD xấp xỉ với tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản giao ngay của TCTD tại thời điểm nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh (chênh lệch không vượt quá 3%) thì TCTD có thể lựa chọn áp dụng theo tỷ giá bình quân kỳ kế toán.

e) Chênh lệch tỷ giá phát sinh khi chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ ra đồng Việt Nam được ghi nhận trên chỉ tiêu “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” thuộc khoản mục vốn chủ sở hữu của Bảng cân đối kế toán, không được ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

2. Đối với TCTD không được cấp phép kinh doanh ngoại hối:

a) Tài sản và nợ phải trả được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản giao ngay tại thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của kỳ lập báo cáo tài chính của Ngân hàng thương mại mà tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch nhiều nhất trong kỳ kế toán.

b) Vốn điều lệ bằng ngoại tệ (vốn được cấp, vốn góp, vốn được tăng theo quy định của pháp luật) được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản giao ngay của Ngân hàng thương mại mà tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch nhiều nhất trong kỳ kế toán tại ngày nhận vốn góp.

c) Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phát sinh sau thời điểm đầu tư được quy đổi ra đồng Việt Nam bằng cách tính toán theo các khoản mục của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;

d) Lợi nhuận, cổ tức đã trả được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản giao ngay của Ngân hàng thương mại mà tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch nhiều nhất trong kỳ kế toán tại ngày trả lợi tức, cổ tức;

đ) Các khoản mục thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân mua và bán chuyển khoản giao ngay của Ngân hàng thương mại mà tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch nhiều nhất trong kỳ kế toán tại ngày phát sinh nghiệp vụ.

e) Chênh lệch tỷ giá phát sinh khi chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ ra đồng Việt Nam được ghi nhận trên chỉ tiêu “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” thuộc khoản mục vốn chủ sở hữu của Bảng cân đối kế toán, không được ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

3. Nguyên tắc chuyển đổi Báo cáo tài chính các kỳ kế toán trong năm có chính sách thay đổi tỷ giá

a) Tỷ giá áp dụng đối với thông tin so sánh trên Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:

Khi trình bày thông tin kỳ so sánh (cột “năm trước” trên Bảng cân đối kế toán năm, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; cột “đầu năm” trên Bảng cân đối kế toán giữa niên độ), TCTD áp dụng tỷ giá tương ứng của kỳ so sánh.

b) TCTD phải trình bày rõ trên Bản thuyết minh báo cáo tài chính những ảnh hưởng (nếu có) đối với Báo cáo tài chính do việc thay đổi chính sách tỷ giá.”

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện   

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2018.

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các quy định sau đây hết hiệu lực thi hành:

a) Khoản 20, khoản 25, khoản 28, khoản 29, khoản 46 và khoản 50 Điều 2 Thông tư số 10/2014/TT-NHNN ngày 20/3/2014 của Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số tài khoản trong Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

b) Khoản 3 Điều 1 và khoản 2, khoản 3 Điều 2 Thông tư số 49/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 của Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007 và Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Đào Minh Tú

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.