• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 20/10/2012
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 02/2003/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 11 tháng 2 năm 2003

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Về hướng dẫn việc xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cự theo quyết định số 144/2002/QĐ-TTg ngày 24/10/2002 và Quyết định số 172/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

_______________

 

Để thực hiện Quyết định số 144/2002/QĐ-TTg ngày 24/10/2002 về một số biện pháp xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 985/TTg ngày 20/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 172/2002/QĐ-TTg ngày 28/11/2002 sửa đổi khoản 2 Điều 2 tại Quyết định số 144/2002/QĐ-TTg ngày 24/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện như sau:

 

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

Các hộ ngư dân vay trung hạn để sửa chữa, đóng mới tầu thuyền, mua sắm ngư cụ để khắc phục hậu quả cơn bão số 5 tại các tỉnh, thành phố Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tầu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985/TTg ngày 20/11/1997 về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 5, khôi phục và phát triển sản xuất cho các tỉnh ven biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ và Quyết định số 144/2002/QĐ-TTg ngày 24/10/2002 về một số biện pháp xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tầu thuyền, mua sắm ngư cụ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 985/TTg ngày 20/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các khoản dư nợ vay ngắn hạn: Các Ngân hàng thương mại Nhà nước phối hợp với chính quyền và các sở, ban, ngành của địa phương có dư nợ ngắn hạn cho vay khắc phục hậu quả cơn bão số 5 có biện pháp thu hồi nợ và xử lý dứt điểm nợ đến hạn, quá hạn theo quy định hiện hành.

2. Phân loại và xử lý nợ:

Các Ngân hàng thương mại Nhà nước phối hợp cùng các ngành chức năng được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phân công tiến hành phân loại nợ để có biện pháp xử lý cụ thể theo hướng:

a. Đối với các hộ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đang trả được nợ, nếu có nhu cầu vay thêm vốn thì các Ngân hàng thương mại Nhà nước xem xét cho vay tiếp theo quy định hiện hành về cho vay thương mại.

b. Đối với các hộ có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ, không chịu trả nợ thì không gia hạn nợ, giãn nợ; Các Chi nhánh Ngân hàng thương mại Nhà nước căn cứ từng trường hợp đề xuất phương án xử lý nợ cụ thể báo cáo và đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với ngân hàng cho vay kiên quyết xử lý thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

c. Đối với những hộ sử dụng vốn sai mục đích: kiểm tra lập biên bản tài sản hình thành từ vốn vay, chuyển số dư nợ còn lại sang loại cho vay thương mại và thu hồi nợ theo quy định hiện hành.

d. Đối với dư nợ của các hộ sản xuất kinh doanh thua lỗ, đời sống gặp khó khăn:

Các hộ vay có tay nghề, có khả năng tổ chức sản xuất kinh doanh, nhưng do nguyên nhân khách quan hoặc thiếu vốn mà chưa trả được nợ đúng hạn thì xem xét cho gia hạn nợ, định lại kỳ hạn trả nợ thích hợp trên cơ sở tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của từng hộ vay vốn, hoặc nếu có phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì xem xét cho vay tiếp theo lãi suất thưoưng mại và quy chế cho vay hiện hành, đảm bảo thu hồi đủ nợ gốc và lãi khi đến hạn.

Các hộ gặp rủi ro bất khả kháng như: tầu bị đắm, bị mất tích do thiên tai, tầu bị nước ngoài bắt giữ không trả,.... không có khả năng trả nợ ngân hàng thì các Ngân hàng thương mại Nhà nước đề xuất biện pháp xử lý từng trường hợp cụ thể báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để Uỷ ban nhân dân tỉnh tổng hợp gửi Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước tổng hợp, đề xuất biện pháp xử lý chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Lãi suất cho vay và thời hạn vay:

a. Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi tại các Ngân hàng thương mại Nhà nước:

Điều chỉnh mức lãi suất cho vay và thời hạn vay đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn sửa chữa, đóng mới tầu thuyền, mua sắm ngư cụ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi quy định tại Điều 6 Quyết định số 985/TTg ngày 20/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 5 khôi phục và phát triển sản xuất cho các tỉnh ven biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ như sau:

Áp dụng mức lãi suất 5,4%/năm đối với số nợ vay trung hạn còn dư nợ đến 31/12/2002. Mức lãi suất này áp dụng từ 01/01/2003.

Đối với các khoản nợ được gia hạn, định lại kỳ hạn theo các trường hợp quy định tại Điểm 2d của Thông tư này, thời gian hoàn trả vốn vay không quá 12 năm kể từ ngày vay vốn.

b. Đối với dư nợ tái cấp vốn của các Ngân hàng thương mại Nhà nước:

Sau khi tổng hợp đầy đủ việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tầu thuyền, mua sắm ngư cụ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 985/TTg ngày 20/11/1997 về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 5, khôi phục và phát triển sản xuất cho các tỉnh ven biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ; Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện việc điều chỉnh dư nợ tái cấp vốn về mức và thời hạn;

Về lãi suất: Ngân hàng Nhà nước áp dụng mức lãi suất 0%/tháng đối với dư nợ tái cấp vốn cho mục tiêu khắc phục hậu quả cơn bão số 5 (tương ứng với 50% vốn của Nhà nước được sử dụng để cho vay các đối tượng sửa chữa, đóng mới tầu thuyền, mua sắm ngư cụ) của các Ngân hàng thương mại Nhà nước còn đến 31/12/2002. Thời điểm áp dụng từ 01/01/2003.

4. Về chuyển đổi chủ tầu và nợ vay:

a. Theo chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố các Ngân hàng thương mại Nhà nước phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương cho vay để xem xét, xử lý bán đấu giá công khai con tầu để thực hiện việc chuyển đổi chủ tầu từ chủ cũ là những hộ đã vay vốn ưu đãi để đóng mới, sửa chữa tầu thuyền nhưng tay nghề kém, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thường xuyên thua lỗ không trả được nợ ngân hàng, hoặc chủ tầu bị chết, không có người thay thế để tổ chức sản xuất kinh doanh.

b. Chủ tầu mới chuyển trả ngân hàng cho vay khoản tiền từ giá trị con tầu sau khi bán đấu giá để thanh toán tiền vay (gốc và lãi còn nợ) cho chủ tầu cũ. Các chủ tầu mới có thể được các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng xem xét cho vay vốn để mua tầu theo các quy định hiện hành về cho vay thương mại.

c. Chủ tầu cũ tiếp tục phải nhận nợ với ngân hàng khoản chênh lệch thiếu giữa dư nợ ngân hàng (gốc và lãi) với giá trị con tầu khi chuyển đổi. Trường hợp chủ tầu cũ không có khả năng trả phần nợ này (gồm cả trường hợp chủ tầu cũ bị chết không có người thừa kế), thực hiện theo quy định tại Điểm 2d của Thông tư này.

5. Tổ chức thực hiện:

a. Đối với các Ngân hàng thương mại Nhà nước: Chỉ đạo các chi nhánh căn cứ chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tiến hành phân loại xử lý nợ, chuyển đổi chủ tầu theo quy định tại Thông tư này.

b. Đối với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh: phối hợp với Uỷ ban Nhân dân và đôn đốc, kiểm tra các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Nhà nước trên địa bàn thực hiện tốt việc xử lý nợ vay theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư này.

c. Báo cáo kết quả thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tầu thuyền, mua sắm ngư cụ:

Sau khi có kết quả phân loại nợ, trên cơ sở danh sách khách hàng phân loại theo các trường hợp tại Điểm 2 Thông tư này, các Ngân hàng thương mại Nhà nước tổng hợp theo hệ thống và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổng hợp theo địa bàn gửi báo cáo về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng) theo biểu mẫu số 1, 2 đính kèm.

Ngày 10 hàng tháng, các Ngân hàng thương mại Nhà nước tổng hợp theo hệ thống và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nuớc tỉnh tổng hợp theo địa bàn kết quả chuyển đổi chủ tầu gửi báo cáo về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng) theo biểu mẫu số 3, 4 đính kèm.

Các Ngân hàng thương mại Nhà nước tổng hợp danh sách khách hàng gặp rủi ro bất khả kháng quy định tại Điểm 2d theo mẫu số 5; Các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố tổng hợp danh sách khách hàng gặp rủi ro bất khả kháng quy định tại Điểm 2d theo mẫu số 6 (đính kèm) gửi báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Tín dụng) trước ngày 31/3/2003 để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ các mẫu biểu và thời hạn quy định trên: các Ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ đạo các Chi nhánh trực thuộc; các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn lập báo cáo phục vụ cho việc tổng hợp báo cáo của đơn vị mình.

6. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2003.

7. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc các Ngân hàng thương mại Nhà nước và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Giàu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.