• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/01/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 15/07/2019
UỶ BAN DÂN TỘC
Số: 04/2014/TT-UBDT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 1 tháng 12 năm 2014

 

THÔNG TƯ

Quy định chế độ thông tin, báo cáo về công tác dân tộc

_________________

 

Căn cứ Nghị định số 08/2012/NĐ-CP, ngày 16/02/2012 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 84/2012/NĐ-CP, ngày 12/10/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổng hợp,

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư Quy định chế độ thông tin, báo cáo về công tác dân tộc.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác dân tộc trên phạm vi cả nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi là các Bộ) có chức năng, nhiệm vụ về thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc.

2. Các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

4. Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc (đối với tỉnh không thành lập Ban Dân tộc) thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi là Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Hình thức và yêu cầu

1. Hình thức: Báo cáo được thực hiện bằng văn bản, do người có thẩm quyền ký, đóng dấu cơ quan, đơn vị (đối với cơ quan, đơn vị có con dấu riêng) được gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp, đồng thời gửi thư điện tử theo địa chỉ nơi nhận được quy định tại Thông tư này. Riêng đối với báo cáo tuần chỉ áp dụng đối với các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc và gửi bằng thư điện tử.

2. Yêu cầu: Các thông tin, báo cáo thực hiện thường xuyên, đầy đủ, chính xác, kịp thời và đúng nội dung từng loại báo cáo quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Tin học hóa dữ liệu văn bản

Hệ thống thông tin, báo cáo của các cơ quan, đơn vị và của Ủy ban Dân tộc được tin học hóa phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo thuận tiện cho việc xử lý, tra cứu, bảo mật và được áp dụng theo Nghị định 64/2007/NĐ-CP, ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Điều 5. Báo cáo tuần

1. Đơn vị báo cáo: Các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.

2. Nội dung báo cáo: Tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và kết quả chấp hành sự chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Ủy ban trong tuần; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; dự kiến nhiệm vụ công tác tuần tiếp theo; các kiến nghị, đề xuất với Lãnh đạo Ủy ban (theo mẫu số 1).

Ngoài quy định trên, các Vụ Địa phương và Văn phòng Đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tình hình nổi cộm (nếu có) ở vùng dân tộc thiểu số theo địa bàn đã được Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phân công theo dõi.

3. Phần số liệu: Số liệu báo cáo được tính từ thời điểm ngày thứ 2 và ước thực hiện đến hết ngày thứ 6 của tuần báo cáo.

4. Thời gian báo cáo: Báo cáo trước 14h00 ngày thứ 6 của tuần và áp dụng đối với các tuần trong tháng.

5. Nơi nhận báo cáo: Địa chỉ thư điện tử: phongtkth@cema.gov.vn.

Điều 6. Báo cáo tháng

1. Đơn vị báo cáo: Các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh.

2. Nội dung báo cáo:

a) Báo cáo của các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc (theo mẫu số 2):

- Tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện sự chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Ủy ban trong tháng;

- Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân;

- Dự kiến nhiệm vụ công tác tháng sau và giải pháp thực hiện; các kiến nghị, đề xuất với Lãnh đạo Ủy ban;

Ngoài quy định trên, các Vụ Địa phương I, II, III, Văn phòng Đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh phải tiến hành tổng hợp, đánh giá tình hình vùng dân tộc thiểu số (theo địa bàn đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phân công theo dõi) nổi bật trong tháng về: kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; thiên tai, dịch bệnh; di cư (đi và đến); hoạt động tôn giáo...

b) Báo cáo của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh (theo mẫu số 3):

- Tổng hợp tình hình vùng dân tộc thiểu số nổi bật trong tháng về: sản xuất, đời sống, giáo dục, y tế; những vấn đề nổi cộm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (nếu có)...;

- Báo cáo nhanh tình hình thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý;

- Báo cáo kết quả công tác chỉ đạo điều hành của đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong tháng;

- Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân;

- Dự kiến nhiệm vụ công tác tháng sau và giải pháp thực hiện; các kiến nghị, đề xuất với Lãnh đạo Ủy ban.

3. Phần số liệu: Thông tin, số liệu được tính từ ngày đầu tháng, ước thực hiện đến ngày cuối cùng của tháng báo cáo và lũy kế đến tháng báo cáo.

4. Thời gian báo cáo: Báo cáo trước ngày 25 của tháng. Thực hiện đối với các tháng 1, 2, 4, 5, 7, 8, 10, 11. Lồng ghép báo cáo tháng 3 vào báo cáo quý I, báo cáo tháng 6 vào báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm; báo cáo tháng 9 vào báo cáo quý III và báo cáo tháng 12 vào báo cáo tổng kết năm.

5. Nơi nhận báo cáo: Ủy ban Dân tộc, địa chỉ 80 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội. Gửi kèm thư điện tử theo địa chỉ: phongtkth@cema.gov.vnvutonghop@cema.gov.vn. Đối với Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh phải đồng gửi theo địa chỉ thư điện tử của các Vụ Địa phương và Văn phòng Đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh (theo địa bàn đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phân công theo dõi).

Điều 7. Báo cáo quý

1. Đơn vị báo cáo: Các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc và Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh:

2. Nội dung báo cáo:

a) Báo cáo của các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc (theo mẫu số 2):

- Tổng hợp, đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ trong quý theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, nhiệm vụ phối hợp và sự chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Ủy ban trong quý;

- Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân;

- Dự kiến nhiệm vụ công tác của quý tiếp theo và giải pháp tổ chức thực hiện; các kiến nghị, đề xuất với Lãnh đạo Ủy ban;

- Ngoài nội dung báo cáo trên, các Vụ Địa phương I, II, III, Văn phòng Đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh phải tiến hành tổng hợp, đánh giá tình hình vùng dân tộc thiểu số (theo địa bàn đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phân công theo dõi) trong quý về: kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; thiên tai, dịch bệnh; di cư (đi và đến), hoạt động tôn giáo...

b) Báo cáo Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh (theo mẫu số 4):

- Tổng hợp, đánh giá tình hình vùng dân tộc thiểu số trong quý về: đời sống, kinh tế - xã hội; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; thiên tai, dịch bệnh; di cư (đi và đến), hoạt động tôn giáo và những vấn đề nổi cộm khác;

- Tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách liên quan đến công tác dân tộc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và Ủy ban Dân tộc giao cho địa phương thực hiện, so sánh với cùng kỳ năm trước (nếu có);

- Kết quả thực hiện các chính sách do địa phương ban hành; đánh giá sự chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và sự phối hợp của của các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong thực hiện công tác dân tộc;

- Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân;

- Dự kiến nhiệm vụ công tác quý tiếp theo và giải pháp thực hiện; các kiến nghị, đề xuất với Lãnh đạo Ủy ban và với các Bộ, ngành.

Riêng đối với báo cáo Quý I: Tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ tiêu chính thức đạt được trong công tác dân tộc của năm trước và kế hoạch công tác năm báo cáo.

3. Phần số liệu: Tổng hợp theo Biểu tổng hợp số 01. Thông tin, số liệu được tính từ ngày đầu của tháng đầu quý và ước thực hiện đến ngày cuối cùng của tháng cuối quý báo cáo.

4. Thời gian báo cáo: Báo cáo trước ngày 20 của tháng cuối quý. Thực hiện đối với quý I và quý III; lồng ghép báo cáo quý II vào báo cáo 6 tháng đầu năm, báo cáo quý IV vào báo cáo năm.

5. Nơi nhận báo cáo: Ủy ban Dân tộc, địa chỉ 80 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội. Gửi kèm thư điện tử theo địa chỉ: phongtkth@cema.gov.vnvutonghop@cema.gov.vn. Đối với Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh phải đồng gửi theo địa chỉ thư điện tử của các Vụ Địa phương và Văn phòng Đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh (theo địa bàn đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phân công theo dõi).

Điều 8. Báo cáo 6 tháng đầu năm

1. Đơn vị báo cáo: Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.

2. Nội dung báo cáo:

a) Báo cáo của các Bộ:

Tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả, tiến độ về việc thực hiện: Các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc; Nghị định 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, Chiến lược Công tác dân tộc và các chương trình, đề án, dự án, chính sách liên quan đến công tác dân tộc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ chủ trì, quản lý, chỉ đạo thực hiện và so sánh các kết quả đạt được với cùng kỳ năm trước (nếu có); những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; dự kiến kế hoạch nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và giải pháp tổ chức thực hiện; các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc.

b) Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (theo mẫu số 6):

- Tổng hợp, đánh giá tình hình vùng dân tộc thiểu số 6 tháng đầu năm về: đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; thiên tai, dịch bệnh; di cư (đi và đến), hoạt động tôn giáo và những vấn đề nổi cộm khác;

- Tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả, tiến độ về việc thực hiện: Các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc; Nghị định 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, Chiến lược Công tác dân tộc và các chương trình, đề án, dự án, chính sách liên quan đến công tác dân tộc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, Ủy ban Dân tộc giao cho địa phương thực hiện; so sánh kết quả với cùng kỳ năm trước (nếu có);

- Các cơ chế, chính sách do địa phương ban hành; đánh giá sự chỉ đạo của các Bộ, ngành trung ương đối với địa phương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thực hiện công tác dân tộc;

- Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân;

- Dự kiến kế hoạch nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và giải pháp tổ chức thực hiện; các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành trung ương về công tác dân tộc.

c) Báo cáo của các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc (theo mẫu số 5):

- Tổng hợp, đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được Lãnh đạo Ủy ban giao trong 6 tháng đầu năm;

- Công tác chỉ đạo điều hành của Vụ, đơn vị: Chỉ đạo thực hiện chấp hành quy chế làm việc của Ủy ban, của Vụ, đơn vị, công tác cải cách hành chính, quản lý cán bộ, thi đua...;

- Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân;

- Dự kiến nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm và giải pháp tổ chức thực hiện; các kiến nghị, đề xuất với Lãnh đạo Ủy ban;

- Ngoài quy định trên, các Vụ Địa phương I, II, III, Văn phòng Đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh phải tiến hành tổng hợp, đánh giá tình hình vùng dân tộc thiểu số (theo địa bàn đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phân công theo dõi) 6 tháng đầu năm về: đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; thiên tai, dịch bệnh; di cư (đi và đến); hoạt động tôn giáo và những vấn đề nổi cộm khác.

3. Phần số liệu: Tổng hợp theo Biểu tổng hợp số 01. Thông tin, số liệu được tính từ ngày 01/01 và ước thực hiện đến hết ngày 30/6 của năm báo cáo. Riêng các Bộ có thể thực hiện theo mẫu riêng của từng Bộ.

4. Thời gian báo cáo: Báo cáo gửi trước ngày 20/6 hằng năm.

5. Nơi nhận báo cáo: Ủy ban Dân tộc, địa chỉ 80 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội. Gửi kèm thư điện tử theo địa chỉ: phongtkth@cema.gov.vnvutonghop@cema.gov.vn.

Điều 9. Báo cáo năm

1. Đơn vị báo cáo: Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc và Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh.

2. Nội dung Báo cáo:

a) Báo cáo của các Bộ:

Tổng hợp tình hình, đánh giá và so sánh kết quả với mục tiêu và so sánh với năm trước về việc thực hiện: Các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc; Nghị định 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, Chiến lược Công tác dân tộc và các chương trình, dự án, chính sách liên quan đến công tác dân tộc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ chủ trì, quản lý và chỉ đạo thực hiện; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; dự kiến kế hoạch nhiệm vụ năm tiếp theo và giải pháp tổ chức thực hiện; kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc về công tác dân tộc.

b) Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

- Tổng hợp, đánh giá tình hình vùng dân tộc thiểu số cả năm về: đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; thiên tai, dịch bệnh; di cư (đi và đến); hoạt động tôn giáo và những vấn đề nổi cộm khác;

- Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thực hiện công tác dân tộc;

- Tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả về việc thực hiện: Các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc; Nghị định 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, Chiến lược Công tác dân tộc và các chương trình, dự án, chính sách liên quan đến công tác dân tộc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, Ủy ban Dân tộc giao cho địa phương thực hiện, so sánh với mục tiêu và kết quả với năm trước;

- Các cơ chế, chính sách do địa phương ban hành;

- Đánh giá sự chỉ đạo của các Bộ, ngành đối với địa phương;

- Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân;

- Dự kiến kế hoạch nhiệm vụ năm tiếp theo và giải pháp tổ chức thực hiện; các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành trung ương về công tác dân tộc.

c) Báo cáo của các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc (theo mẫu số 5):

Tổng hợp, đánh giá và so sánh với năm trước về việc thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được Lãnh đạo Ủy ban giao trong năm; dự kiến kế hoạch nhiệm vụ năm sau và giải pháp tổ chức thực hiện; các kiến nghị, đề xuất với Lãnh đạo Ủy ban.

Ngoài nội dung báo cáo trên, các Vụ Địa phương I, II, III, Văn phòng Đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh phải tiến hành tổng hợp, đánh giá tình hình vùng dân tộc thiểu số (theo địa bàn đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phân công theo dõi) cả năm về: đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; thiên tai, dịch bệnh; di cư (đi và đến), tín ngưỡng, tôn giáo và những vấn đề nổi cộm khác.

d) Báo cáo của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh:

Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh báo cáo về kết quả hoạt động nghiệp vụ chuyên môn trong năm được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao, nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị theo quy định làm cơ sở đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng.

3. Phần số liệu: Các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc và các Bộ thực hiện tổng hợp theo Biểu tổng hợp số 01 (các Bộ có thể thực hiện theo mẫu riêng của từng Bộ), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp theo Biểu tổng hợp số 01, 02. Thông tin, số liệu được tính từ ngày 01/01 và ước thực hiện đến hết ngày 31/12 của năm báo cáo.

4. Thời gian báo cáo: Báo cáo gửi trước ngày 10/12 hằng năm.

5. Nơi nhận báo cáo: Ủy ban Dân tộc, địa chỉ 80 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội. Gửi kèm thư điện tử theo địa chỉ: phongtkth@cema.gov.vnvutonghop@cema.gov.vn.

Điều 10. Báo cáo đột xuất

1. Đơn vị báo cáo: Các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công theo dõi và Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh.

2. Các trường hợp báo cáo đột xuất:

a) Báo cáo đột xuất theo nội dung yêu cầu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (sẽ có văn bản trong từng trường hợp cụ thể);

b) Báo cáo trong trường hợp có vụ việc đột xuất (thiên tai và thiệt hại do thiên tai; diễn biến bất bình thường về an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số; chặt phá rừng, di cư (đi và đến); hoạt động tôn giáo trái pháp luật và những vụ việc đột xuất khác.

3. Nội dung báo cáo: Tóm tắt tình hình diễn biến của sự việc và nguyên nhân phát sinh; những biện pháp đã áp dụng để xử lý và kết quả xử lý; những đề xuất, kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền.

4. Thời gian báo cáo: Báo cáo ngay khi có sự việc xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra. Gửi thông tin, báo cáo bằng phương tiện nhanh nhất, cập nhật thường xuyên diễn biến sự việc, tránh tình trạng báo cáo sự việc khi đã kết thúc.

5. Nơi nhận báo cáo: Theo yêu cầu của báo cáo.

Điều 11. Báo cáo chuyên đề

Báo cáo chuyên đề áp dụng đối với chương trình, dự án, chính sách, nhiệm vụ, công tác theo yêu cầu cụ thể; nội dung từng báo cáo theo văn bản hướng dẫn riêng của đơn vị chủ trì quản lý (chương trình, đề án, dự án, chính sách) hoặc của Ủy ban Dân tộc (đối với nhiệm vụ của Ủy ban)

Điều 12. Trách nhiệm và hiệu lực thi hành

1. Trách nhiệm thi hành

a) Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc; các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc và Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh tổ chức triển khai và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo được quy định tại Thông tư này.

b) Vụ Tổng hợp chủ trì, phối hợp Văn phòng Ủy ban, Trung tâm Thông tin, chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Xử lý, tổng hợp thông tin, báo cáo của các cơ quan, đơn vị theo nội dung Chương II của Thông tư này; tổ chức kiểm tra, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện Thông tư; hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện Thông tư của các cơ quan, đơn vị, báo cáo Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng để làm căn cứ xem xét danh hiệu thi đua khen thưởng trong công tác dân tộc.

2. Hiệu lực thi hành.

a) Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 01 năm 2015 và thay thế Thông tư số 02/2010/TT-UBDT, ngày 13/01/2010 của Ủy ban Dân tộc Quy định và hướng dẫn chế độ thông tin, báo cáo về công tác dân tộc.

b) Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh bằng văn bản về Ủy ban Dân tộc để tổng hợp, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

Bộ trưởng - Chủ nhiệm

(Đã ký)

 

Giàng Seo Phử

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.