• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 31/12/2004
BỘ TÀI CHÍNH-TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Số: 76/1999/TTLT/BTC-TLĐLĐ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 16 tháng 6 năm 1999

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Huớng dẫn trích nộp kinh phí công đoàn

_______________

 

Căn cứ Điều 16 Luật Công đoàn ngày 30/6/1990;

Căn cứ Điều 20 Nghị định số 133/HĐBT ngày 20/4/1991 hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn;

Căn cứ Điều 154, Điều 155 Bộ Luật Lao động ngày 23/6/1994;

Căn cứ Điều 4 Quyết định số 53/1999/QĐ- TTg ngày 26/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc trích nộp kinh phí công đoàn như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, MỨC VÀ CĂN CỨ TRÍCH NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN:

1. Đối tượng trích nộp kinh phí công đoàn:

- Cơ quan hành chính nhà nước; đơn vị sự nghiệp; đơn vị lực lượng vũ trang; tổ chức chính trị, chính trị- xã hội; xã hội; xã hội - nghề nghiệp.

- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần và các loại hình doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật) nơi có tổ chức công đoàn hoạt động theo Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn;

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc đối tượng nộp kinh phí công đoàn theo quy định tại Thông tư này nhưng thực hiện việc đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức công đoàn hoạt động theo quy định tại Điều 154 và Điều 155 của Bộ Luật Lao động.

2. Mức và căn cứ để trích nộp kinh phí công đoàn:

a) Cơ quan hành chính sự nghiệp thực hiện mức trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 và Nghị định số 06/CP ngày 21/1/1997 của Chính phủ.

b) Các doanh nghiệp thực hiện mức trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương, tiền công và phụ cấp phải trả cho người lao động (kể cả lao động hợp đồng).

c) Các khoản phụ cấp lương được tính để trích kinh phí công đoàn nêu tại khoản a và b trên bao gồm: Phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp lưu động, phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh, phụ cấp thâm niên.

d) Các khoản phụ cấp lương không được tính để trích kinh phí công đoàn nêu tại khoản a và b trên gồm: Phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các trường công lập của Nhà nước theo Quyết định số 973/1997/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ, phụ cấp phẫu thuật và phụ cấp thường trực 24/24 giờ của ngành y tế theo Quyết định số 974/TTg ngày 5/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ, phụ cấp làm đêm, phụ cấp làm thêm giờ.

II. PHƯƠNG THỨC, THỜI GIAN TRÍCH NỘP VÀ HẠCH TOÁN KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

1. Đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước:

a) Bộ Tài chính trích đủ 2% quỹ tiền lương của cơ quan, tổ chức hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước ở Trung ương chuyển cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

b) Cơ quan tài chính địa phương trích đủ 2% quỹ tiền lương và phụ cấp lương theo quy định của cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách địa phương chuyển cho cơ quan công đoàn cùng cấp.

c) Việc trích chuyển kinh phí công đoàn của các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ NSNN phải được hạch toán vào NSNN theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

2. Đối với các cơ quan, tổ chức không hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước và các doanh nghiệp, nơi có tổ chức Công đoàn (trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài):

Thủ tướng cơ quan, tổ chức; Giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm trích đủ 2% quỹ tiền lương, tiền công và phụ cấp chuyển cho tổ chức công đoàn cơ sở của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mình để công đoàn cơ sở quản lý, sử dụng và chuyển lên cơ quan công đoàn cấp trên theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trường hợp cần thiết cơ quan công đoàn có thể thoả thuận với cơ quan thuế để uỷ nhiệm thu hộ kinh phí công đoàn.

Đối với đơn vị sản xuất kinh doanh, khoản trích nộp 2% kinh phí công đoàn được hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông.

3. Thời điểm trích nộp kinh phí công đoàn:

- Đối với các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ NSNN, thời điểm trích nộp được thực hiện cùng thời điểm cấp phát hạn mức kinh phí cho cơ quan, tổ chức.

- Đối với các cơ quan, tổ chức không hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước và các doanh nghiệp có trách nhiệm nộp kinh phí công đoàn mỗi quý một lần vào tháng đầu quý.

- Trường hợp cơ quan công đoàn uỷ nhiệm cho cơ quan thuế thu hộ thì thời điểm trích nộp cùng với thời điểm thu nộp thuế.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN TÀI CHÍNH VÀ TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

1. Cơ quan tài chính có trách nhiệm đầy đủ, kịp thời kinh phí công đoàn của các đơn vị thuộc cấp mình quản lý và chuyển cho cơ quan công đoàn theo quy định tại Thông tư này.

2. Các đơn vị Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi giúp cơ quan công đoàn các cấp mở tài khoản gửi kinh phí công đoàn để quản lý nguồn kinh phí này. Số dư hàng năm trên tài khoản tiền gửi kinh phí công đoàn được chuyển sang năm sau sử dụng, không phải làm thủ tục chuyển cuối năm như nguồn kinh phí Ngân sách Nhà nước cấp khác.

3. Công đoàn các cấp có trách nhiệm đôn đốc, thu đủ kinh phí công đoàn và quản lý, sử dụng quỹ kinh phí công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chế độ tài chính hiện hành của Nhà nước.

4. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc phân phối, sử dụng và điều chuyển kinh phí công đoàn trong hệ thống tổ chức công đoàn.

5. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo dõi, kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí công đoàn theo quy định của chế độ quản lý tài chính hiện hành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 1999 và thay thế Thông tư Liên Bộ Tài chính - Tổng Liên đoàn LĐVN số 103/TT-LB ngày 2/12/1994 hướng dẫn trích nộp kinh phí công đoàn.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để có hướng dẫn giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Văn Tá

Nguyễn An Lương

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.