• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/10/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 20/10/2012
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 05/1998/CT-NHNN17
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Sóc Trăng, ngày 25 tháng 7 năm 1998

CHỈ THỊ

CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Về việc chấn chỉnh hoạt động hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân

Sau 5 năm thí điểm thành lập Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) theo Quyết định số 390/TTg ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay cả nước thành lập được 982 QTDND cơ sở, 19 Quỹ tín dụng nhân dân khu vực (QTDNDKV), 01 Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (QTDNDTW) với 596 ngàn thành viên tham gia, tổng nguồn vốn hoạt động 1.799 tỷ đồng trong đó vốn điều lệ 275 tỷ đồng, tổng dư nợ lên đến 1.477 tỷ đồng. Sự ra đời của hệ thống QTDND đã khai thác được nguồn vốn nhàn rỗi trong cộng đồng dân cư, mở rộng cho vay các thành viên để phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần xoá đói, giảm nghèo, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của hệ thống QTDND đã bộc lộ những mặt tồn tại:

Chất lượng hoạt động một số Quỹ chưa đáp ứng được yêu cầu, vốn điều lệ thấp, nợ quá hạn cao, hoạt động kém hiệu quả, chưa có lãi hoặc lãi không đáng kể; một số Quỹ vi phạm quy định như: cho vay sai đối tượng tín dụng, người vay không phải là thành viên; chạy theo lợi nhuận đơn thuần; chưa chấp hành nghiêm túc chế độ hạch toán kế toán, quản lý chi tiêu, cho phí cho nhân viên; cho vay vượt trần lãi suất quy định...

Quản trị điều hành chưa tuân thủ quy trình, quy phạm, dẫn đến một số Quỹ mất đoàn kết nội bộ; có nơi điều hành theo kiểu gia đình; đã xuất hiện một bộ phận cán bộ Quỹ buông lỏng nguyên tắc quản lý để trục lợi, tham ô, làm thất thoát tài sản của Quỹ, của thành viên.

Trình độ cán bộ còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu quản lý; việc thay đổi cán bộ chưa thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn quy định; chưa chấp hành triệt để theo hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước quản lý trên địa bàn.

Một số Quỹ chưa tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền và hợp tác chặt chẽ với các đoàn thể để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Công tác tự kiểm tra của từng Quỹ chưa được chú ý quan tâm đúng mức; thanh tra, kiểm tra của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước một số địa phương đối với QTDND chưa thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa phát hiện sai phạm và đề xuất các biện pháp chấn chỉnh, kiến nghị các cấp xử lý kịp thời.

Để tăng cường củng cố và đưa hoạt động của hệ thống QTDND an toàn, hiệu quả, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố tập trung triển khai một số công việc cấp bách sau đây:

1. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo thí điểm thành lập, các ngành, đoàn thể các cấp củng cố toàn diện hoạt động từng QTDND, trong đó xem xét rà soát các chức danh chủ chốt như: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát, Giám đốc điều hành, cán bộ nghiệp vụ để bảo đảm các tiêu chuẩn quy định; những cá nhân, tập thể vi phạm nguyên tắc hoạt động làm thất thoát tài sản của Quỹ, của thành viên thì kiên quyết đề nghị cấp uỷ, chính quyền sở tại xử lý kỷ luật đưa ra khỏi Quỹ, trường hợp nghiêm trọng phải xử lý theo pháp luật.

2. Tiếp tục tiến hành việc chuyển đổi và điều chỉnh tổ chức, hoạt động QTDND phù hợp với Luật Hợp tác xã theo Thông tư số 05/1997/TT-NH17 ngày 25/10/1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn việc chuyển đổi và đăng ký QTDND, Hợp tác xã tín dụng theo Nghị định số 16/CP ngày 21/2/1997 của Chính phủ; chỉ được hướng dẫn làm thủ tục chuyển đổi đối với những Quỹ có đủ điều kiện theo đúng luật định. Đối với các Quỹ chưa đủ điều kiện, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND, Ban chỉ đạo thí điểm thành lập QTDND xây dựng phương án xử lý thích hợp, thông qua phê duyệt của Trưởng ban chỉ đạo thí điểm thành lập QTDND tỉnh, thành phố và báo cáo phương án này đến Ban chỉ đạo Trung ương thí điểm thành lập QTDND. Trước mắt, tạm thời ngừng cấp giấy phép thành lập mới QTDND cơ sở, QTDNDKV.

3. Tập trung chỉ đạo nâng chất lượng hoạt động của từng QTDND, QTDNDKV theo nội dung sau đây:

a. Đẩy mạnh đợt thu nợ đến hạn, quá hạn; dư nợ quá hạn của từng Quỹ không vượt quá 3% tổng dư nợ, không dùng hình thức đảo nợ để giảm nợ quá hạn. Ngoài các biện pháp vận động, giáo dục, đôn đốc thu nợ bình thường, đối với những người vay chây ỳ, cố tình chậm trả, từng Quỹ đề xuất cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, công an xã, phường sở tại hỗ trợ xử lý, áp dụng biện pháp bắt buộc, cưỡng chế, thậm chí đề nghị khởi tố trước pháp luật khi cần thiết.

b. Trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi tổ chức, hoạt động hệ thống QTDND cho phù hợp với Luật Hợp tác xã, Luật các TCTD; trong điều kiện nguồn vốn điều hoà của QTDNDTW và QTDNDKV có hạn, QTDND cơ sở tính toán chặt chẽ trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn đảm bảo khả năng chi trả, thanh toán kịp thời cho người gửi. Kể từ ngày ban hành chỉ thị này, trong khi chưa có quy định mới, ngoài phần hỗ trợ của QTDNDTW, QTDNDKV, các QTDND cơ sở chỉ được huy động vốn trong thành viên và cộng đồng dân cư trên địa bàn mà mỗi Quỹ được phép hoạt động.

c. Nghiêm cấm việc cho vay ngoài thành viên dưới bất kỳ hình thức nào; chấp hành đúng quy định tại Điều 25 Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính. Đối với các khoản cho vay ngoài thành viên và vi phạm Điều 25 Pháp lệnh đều phải tiến hành thu hồi ngay, đồng thời các Quỹ lập báo cáo giải trình cụ thể biện pháp thu nợ đối với từng món nợ phát sinh này và báo cáo Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố chậm nhất ngày 5/8/1998 để tổng hợp báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước ngày 15/8/1998.

d. Chấp hành tuyệt đối chế độ hạch toán kế toán; mở, lập sổ sách chứng từ, cập nhật kịp thời, chính xác, đầy đủ theo quy định hiện hành. Đối với các khoản chi tiêu, chi phí cho nhân viên, chia lãi vốn góp... đều phải thực hiện đúng văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và quy định của Điều lệ. Nghiêm cấm Quỹ áp dụng lãi suất cho vay vượt trần lãi suất theo quy định hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tăng cường thu lãi cho vay, bảo đảm không bị lỗ, phấn đấu các Quỹ hoạt động có lãi, thực hiện nghĩa vụ nộp Ngân sách Nhà nước, có tích luỹ và chia lãi cho các thành viên.

4. Hướng dẫn, chỉ đạo mở đợt tự kiểm tra nội bộ từng Quỹ, trên cơ sở đó các Quỹ tự đánh giá hiện trạng, đồng thời phát huy các mặt mạnh, khắc phục ngay các mặt yếu kém, tồn tại. Đối với những Quỹ mà Trưởng Ban kiểm soát không đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ hoặc thực hiện nhiệm vụ thiếu nghiêm túc, cầm chừng thì cần có phương án thay đổi, bổ sung. Phải xác định việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ là yếu tố quyết định đến tính an toàn và sự tồn tại, phát triển của từng Quỹ.

5. Phối hợp cùng các ngành chức năng liên quan xây dựng phương án tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền các cấp xử lý những Quỹ yếu kém có nguy cơ mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán; thường xuyên chỉ đạo Trưởng Ban kiểm soát từng Quỹ thực hiện đầy đủ chức năng của mình; có kế hoạch kiểm tra tại chỗ những QTDND có quy mô lớn, nhất là các Quỹ đặt tại phường, thị trấn.

6. Yêu cầu các QTDND chấp hành đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo gửi đến các cấp theo quy định. Chậm nhất ngày 5 hàng tháng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố tổng hợp báo cáo, phân tích đánh giá về tình hình hoạt động của các QTDND gửi về Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

7. Các Vụ, Cục Ngân hàng Nhà nước Trung ương, các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố phổ biến Chỉ thị này đến các QTDND khu vực và QTDND cơ sở; có kế hoạch, biện pháp cụ thể triển khai tốt nội dung Chỉ thị này.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, có phát sinh vướng mắc báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để xem xét, xử lý kịp thời./.

 

Thống đốc

(Đã ký)

 

Lê Đức Thuý

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.