NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CƠ CHẾ LỒNG GHÉP VÀ HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
___________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XV, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ CHÍN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
Xét Tờ trình số 171/TTr-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 244/BC-DT ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh và thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này quy định cơ chế lồng ghép và huy động nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và Đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Sơn La Khóa XV, Kỳ họp chuyên đề lần thứ chín thông qua ngày 08 tháng 11 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 18 tháng 11 năm 2022./.
QUY ĐỊNH
CƠ CHẾ LỒNG GHÉP VÀ HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
(Kèm theo Nghị quyết số 43/2022/NQ-HĐND ngày 08/11/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định cơ chế lồng ghép và huy động nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Sơn La theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (sau đây gọi tắt là Nghị định số 27/2022/NĐ-CP).
2. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc huy động nguồn lực, thực hiện lồng ghép và quản lý các nguồn vốn trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Điều 2. Nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.
Điều 3. Nội dung thực hiện lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và từ các chương trình, dự án khác
Nội dung thực hiện lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và từ các chương trình, dự án khác thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.
Điều 4. Nguồn vốn lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Thực hiện huy động tối đa nguồn vốn của các chương trình, dự án để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Các nguồn vốn cụ thể như sau:
1. Vốn ngân sách nhà nước gồm: Nguồn vốn ngân sách Trung ương; Nguồn vốn ngân sách địa phương các cấp, bao gồm: ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách xã và nguồn vốn ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
2. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn viện trợ phi Chính phủ (NGO).
3. Vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
4. Nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng:
a) Vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua chính sách thu hút đầu tư.
b) Đóng góp (bằng tiền hoặc hiện vật) của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
c) Đóng góp tự nguyện (bằng tiền hoặc hiện vật, hiến đất hoặc ngày công lao động) của cộng đồng dân cư tham gia thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
d) Huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 5. Cơ chế thực hiện lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
1. Một nội dung, hoạt động, dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia có thể sử dụng vốn của một hoặc nhiều chương trình, dự án để thực hiện nhằm đạt được mục tiêu. Trường hợp thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, trong hồ sơ từng nội dung, hoạt động, công trình, dự án phải xác định rõ hạng mục công việc, tỷ lệ huy động, đóng góp vốn từng chương trình, dự án được lồng ghép, tránh chồng chéo, trùng lắp.
2. Việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP: Tổng mức vốn ngân sách nhà nước đóng góp từ các chương trình, dự án được lông ghép để thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù trên địa bàn xã, bản đặc biệt khó khăn tối đa bằng 100% tống mức đầu tư; trên địa bàn các xã, bản không thuộc địa bàn xã, bản đặc biệt khó khăn tối đa bằng 95% tổng mức đầu tư; phần còn lại do người dân đóng góp và từ nguồn vốn hợp pháp tại địa phương. Căn cứ khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước, khả năng huy động vốn từ cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác, UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với từng dự án đầu tư xây dựng cụ thể đồng thời với việc phê duyệt kế hoạch đầu tư công hàng năm
3. Trách nhiệm thực hiện lồng ghép nguồn vốn:
a) UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức lồng ghép nguồn vốn thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đã giao cấp huyện quản lý.
b) UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức lồng ghép nguồn vốn thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia do cấp tỉnh quản lý.
4. Việc lồng ghép nguồn vốn được thực hiện đồng bộ trong các khâu lập, phê duyệt dự án, dự toán, lập kế hoạch, phân bổ, giao dự toán ở các cấp ngân sách:
a) Việc lập kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.
b) Việc lập, phê duyệt dự án, dự toán phải xác định rõ hạng mục công việc, tỷ lệ huy động, cơ cấu đóng góp vốn từng chương trình, dự án được lồng ghép. Khả năng huy động, sử dụng vốn đóng góp của từng chương trình,dự án được lồng ghép thực hiện theo ý kiến của tham gia của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đối với dự án, hoạt động cấp tỉnh quản lý; ý kiến của phòng Tài chính - kế hoạch huyện đối với dự án, hoạt động cấp huyện, cấp xã quản lý.
Trường hợp nội dung, hoạt động, dự án đầu tư thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt dự án, dự toán: khi có nhu cầu lồng ghép, sử dụng vốn của nhiều chương trình, dự án để thực hiện phải rà soát, điều chỉnh đảm bảo trong hồ sơ, quyết định phê duyệt dự án, dự toán xác định rõ hạng mục công việc, tỷ lệ huy động, cơ cấu đóng góp vốn từng chương trình, dự án được lồng ghép, tránh chồng chéo, trùng lắp.
c) Việc phân bổ, giao dự toán đảm bảo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được duyệt đối với từng nội dung, hoạt động, dự án.
5. Quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán các nguồn vốn được lồng ghép thực hiện: Thống nhất thực hiện thanh quyết toán các nguồn vốn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, trường hợp nguồn vốn tín dụng, vốn của nhà tài trợ có yêu cầu riêng thì đồng thời thực hiện thủ tục thanh toán, quyết toán phần vốn tín dụng, vốn tài trợ theo yêu cầu riêng đối với nguồn vốn đó.
Điều 6. Cơ chế huy động nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
1. Huy động vốn tín dụng:
a) Việc huy động nguồn vốn và sử dụng vốn tín dụng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.
b) Hàng năm, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định quy mô, bố trí vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để thực hiện chính sách tín dụng, hỗ trợ tín dụng cho từng đối tượng, lĩnh vực, nội dung, hoạt động thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.
2. Huy động nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia:
a) Việc huy động và sử dụng nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.
b) Căn cứ nhu cầu nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch được duyệt, các cấp, các ngành tổ chức huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện. UBND cấp xã chủ trì huy động nguồn đóng góp tự nguyện của người dân và thực hiện huy động vốn của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác (nếu có); UBND cấp huyện chủ trì huy động nguồn đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức cá nhân thực hiện kế hoạch lồng ghép nguồn vốn của cấp huyện; UBND tỉnh chịu trách nhiệm huy động nguồn đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện kế hoạch lồng ghép nguồn vốn của cấp tỉnh. Việc tham gia đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật./.