Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về việc phê duyệt một số cơ chế, chính sách hỗ trợ xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, huyện đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản phẩm đặc thù của huyện, thành phố giai đoạn 2018-2019, tỉnh Thái Bình

____________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

KHOÁ XVI KỲ HỌP BẤT THƯỜNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng  12 năm 2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020;

Căn cứ Quyết định số 41/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tưởng Chính phủ ban hành ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết  định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020;

Xét Tờ trình số 118/TTr-UBND ngày 26 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt một số cơ chế, chính sách hỗ trợ xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, huyện đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản phẩm đặc thù của huyện, thành phố giai đoạn 2018-2019, tỉnh Thái Bình; Báo cáo thẩm tra số 35/BC-KTNS ngày 28 tháng 7 năm 2018 của Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt một số cơ chế, chính sách hỗ trợ xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, huyện đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản phẩm đặc thù của huyện, thành phố giai đoạn 2018-2019, tỉnh Thái Bình, nội dung như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh

- Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, huyện đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2018-2019 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

- Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện sản phẩm đặc thù của huyện, thành phố giai đoạn 2018-2019 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

b) Đối tượng áp dụng

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã thực hiện các hoạt động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2019.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện Đề án sản phẩm đặc thù của huyện, thành phố giai đoạn 2018-2019.

2. Nguồn vốn hỗ trợ

a) Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

b) Nguồn vốn ngân sách tỉnh mua xi măng hỗ trợ.

c) Nguồn vốn hợp pháp khác.

3. Phân nhóm danh mục công trình của xã

Phân nhóm danh mục công trình của xã để thực hiện hỗ trợ và quản lý đầu tư như sau:

a) Danh mục các công trình nhóm 1 (danh mục công trình nhóm C quy mô nhỏ theo Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ), bao gồm: Đường giao thông nội đồng trục chính; Kênh cấp 1, loại III; Đường giao thông trục thôn; Đường nhánh cấp 1 của đường giao thông trục thôn; Nhà văn hóa và Sân bãi thể thao thôn.

b) Danh mục các công trình nhóm 2, bao gồm: Trường mầm non trung tâm; Trường tiểu học; Trường Trung học cơ sở; Trạm y tế xã; Chợ nông thôn; Đường giao thông trục xã; Nhà văn hóa xã; Trụ sở xã; Sân bãi thể thao xã.

4. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ

a) Cơ chế, chính sách hỗ trợ bằng tiền cho xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2018-2019.

- Điều kiện đối với xã được hỗ trợ: Xã đăng ký và được công nhận đạt chuẩn quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2018-2019 theo quy định.

- Nội dung hỗ trợ:

+ Hỗ trợ đầu tư các danh mục công trình theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết này.

+ Danh mục công trình được hỗ trợ phải trong quy hoạch nông thôn mới của xã được duyệt.

- Định mức hỗ trợ: Ngân sách tỉnh hỗ trợ với mức 6,0 tỷ đồng ( sáu tỷ đồng) cho một xã.

- Phương thức hỗ trợ và cơ chế quản lý đầu tư:

+ Căn cứ danh mục công trình chi tiết do Ủy ban nhân dân xã lập, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổng hợp đề nghị Ủy  ban nhân dân tỉnh hỗ trợ; Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch phân bổ vốn hỗ trợ chi tiết đến từng danh mục công trình và chỉ đạo Sở Tài chính cấp tạm ứng 50% cho ngân sách xã qua ngân sách huyện, thành phố để triển khai thực hiện; phần kinh phí còn lại được cấp sau khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.

+ Việc lập danh mục công trình đề nghị hỗ trợ và triển khai thực hiện đầu tư công trình bảo đảm theo đúng quy định Luật đầu tư công,Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng  12 năm 2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 và các quy định của pháp luật có liên quan.

+ Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã đã đăng ký đạt chuẩn quốc gia trong năm phải chịu trách nhiệm về việc đăng ký của mình. Trường hợp xã thực hiện không đúng theo kế hoạch vốn đã phân bổ, không hoàn thành đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới trong năm đã đăng ký, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ trừ phần vốn đã tạm ứng vào ngân sách huyện, thành phố, ngân sách xã.

b) Hỗ trợ huyện đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2018-2019

- Điều kiện đối với huyện được hỗ trợ: Huyện đăng ký và được công nhận đạt chuẩn quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2018-2019 theo quy định.

- Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ đầu tư các danh mục công trình nằm trong quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện được phê duyệt, bao gồm: Đường giao thông do cấp huyện quản lý; công trình thủy lợi liên xã; công trình văn hóa, thể thao của huyện.

- Định mức hỗ trợ:

+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ với mức 25,0 tỷ đồng (hai mươi lăm tỷ đồng) cho một huyện đối với huyện Đông Hưng và huyện Thái Thụy.

+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ với mức 20,0 tỷ đồng (hai mươi tỷ đồng) cho một huyện đối với các huyện còn lại.

- Phương thức hỗ trợ và cơ chế quản lý đầu tư:

+ Căn cứ danh mục công trình chi tiết do Ủy ban nhân dân huyện lập, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ; Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch phân bổ vốn hỗ trợ chi tiết đến từng danh mục công trình và chỉ đạo Sở Tài chính cấp tạm ứng 50% cho ngân sách huyện để triển khai thực hiện; phần kinh phí còn lại được cấp sau khi huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.

+ Việc lập danh mục công trình đề nghị hỗ trợ và triển khai thực hiện đầu tư công trình bảo đảm theo đúng quy định của Luật đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan.

+ Ủy ban nhân dân các huyện đã đăng ký đạt chuẩn quốc gia trong năm phải chịu trách nhiệm về việc đăng ký của mình. Trường hợp huyện thực hiện không đúng theo kế hoạch vốn đã phân bổ, không hoàn thành đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới trong năm đã đăng ký, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ trừ phần vốn đã tạm ứng vào ngân sách huyện.

c) Cơ chế chính sách hỗ trợ xi măng

- Đối với công trình nhóm 1 quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 1 Nghị quyết này: Hỗ trợ xi măng đối với các công trình chưa được đầu tư cho các xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới và các xã chưa đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới trong giai đoạn 2018-2019.

- Đối với công trình nhóm 2 quy định tại Điểm b Khoản 3 điều 1 Nghị quyết này và công trình đường giao thông do cấp huyện quản lý; Hỗ trợ thí điểm mỗi huyện một đến hai công trình theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Điều kiện hỗ trợ:

+ Danh mục công trình đề nghị hỗ trợ phải trong quy hoạch nông thôn mới của xã được duyệt (đối với công trình nhóm 1 và công trình nhóm 2 của xã) trong quy hoạch xây dựng của huyện được duyệt (đối với công trình đường giao thông liên xã).

+ Việc huy động nguồn lực đầu tư công trình thực hiện theo hình thức xã hội hóa, có sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, đảm bảo được nguồn lực đối ứng; không làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản.

+ Công trình đầu tư hoàn thành đảm bảo đúng nội dung, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định để đạt tiêu chí nông thôn mới.

- Định mức hỗ trợ và cơ chế quản lý đầu tư, cấp phát xi măng hỗ trợ:

+ Định mức hỗ trợ xi măng cho các danh mục công trình, cụ thể như sau:

STT

Công trình được hỗ trợ

Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cần đạt được

Mức hỗ trợ xi măng cho một (01) km

 

 

 

1

Đường giao thông nội đồng trục chính

Bề rộng nền đường 4,5 m; cao trình mặt đường cao hơn so với ruộng 0,3 m; hai bên đường xây tường chắc chắn; dưới mặt ruộng có móng rộng 0,22 m, cao 0,20 m và tường trên mặt ruộng dày 0,11 m,cao 0,14 m; mặt đường bê tông xi măng M200, rộng 3,5 m, dày 14 cm

194 tấn

 

 

 

2

Kênh cấp 1, loại III

Tường gạch xây M75 dày 22 cm, đáy bằng bê tông cốt thép M200 dày 10cm hoặc sử dụng sản phẩm bê tông thành mỏng, theo loại kênh như sau:

 

- Loại kênh có B ≥ 0,9 m

153 tấn

- Loại kênh có B < 0,9 m

131 tấn

 

 

3

 

 

Đường giao thông trục thôn

Mặt đường rộng 3,5m, nền đường 5,0 m; kết cấu mặt đường bê tông xi măng M200 dày 16 cm

196 tấn

Trường hợp khó khăn về giải phóng mặt bằng: Mặt đường rộng 3,0m, nền đường 4,0 m; kết cấu mặt đường bê tông xi măng M200 dày 16 cm.

168 tấn

Trường hợp mở rộng thêm mặt đường đối với những tuyến đã được cứng hóa bằng bê tông xi măng nhưng chưa đảm bảo đủ bề rộng mặt đường theo quy định.

50 kg cho một (01) m2

4

Đường nhánh cấp I của đường giao thông trục thôn

Mặt đường rộng 3,0m, nền đường 4,0 m; kết cấu mặt đường bê tông xi măng M200 dày 14 cm

147 tấn

Trường hợp khó khăn về giải phóng mặt bằng: Mặt đường rộng 2,5m, nền đường 3,5 m; kết cấu mặt đường bê tông xi măng M200 dày 14 cm

123 tấn

Trường hợp mở rộng thêm mặt đường đối với những tuyến đã được cứng hóa bằng bê tông xi măng nhưng chưa đảm bảo đủ bề rộng mặt đường theo quy định.

50kg cho một (01) m2

Đối với các công trình: Nhà văn hóa thôn, sân bãi thể thao thôn; giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tính toán định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở hỗ trợ xi măng.

+ Cơ chế quản lý đầu tư, cấp phát xi măng hỗ trợ: Giao ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ các văn bản pháp luật có liên quan, quy định cụ thể cơ chế quản lý đầu tư, cấp phát xi măng hỗ trợ.

d) Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản phẩm đặc thù của huyện, thành phố

- Điều kiện đối với huyện, thành phố được hỗ trợ: Có đề án phát triển sản phẩm đặc thù trên địa bàn huyện, thành phố được phê duyệt và triển khai, thực hiện được từ hai sản phẩm đặc thù trở lên theo đề án được duyệt.

-Tiêu chí sản phẩm đặc thù:

+ Sản phẩm sản xuất thuộc vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch được duyệt;

+ Sản phẩm được lựa chọn dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương và đáp ứng nhu cầu của thị trường;

+ Sản phẩm sản xuất được kiểm soát về giống, có quy trình canh tác đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm sạch, bền vững;

+ Sản phẩm được sản xuất theo chuỗi (gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm);

+ Sản phẩm có thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ổn định.

- Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ thực hiện công tác quy hoạch; xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển thị trường; công tác tổ chức thực hiện.

- Định mức hỗ trợ: Ngân sách tỉnh hỗ trợ với mức 1,0 tỷ đồng (một tỷ đồng) cho mỗi huyện, thành phố.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khoá XVI, kỳ họp bất thường thông qua ngày 30 tháng 7 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 09 tháng 8 năm 2018./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Hồng Diên